Lời giới thiệu của Chùa Pháp Vân: Tháng 7 năm 2025, Chùa Pháp Vân, Mississauga, Canada, kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Ký giả Mark Dimitroff của báo The National Post, Canada, đã có dịp để tìm hiểu và viết về sinh hoạt của Chùa Pháp Vân, một Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam với sứ mệnh xiển dương Chánh Pháp, giữ gìn và phát huy nền văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Trong niềm hoan hỷ của dịp mừng khánh tuế thứ 25 của Chùa Pháp Vân, chúng tôi xin dịch bài phóng sự của ký giả Mark Dimitroff đã được phổ biến trên trang Web https://www.buddhistchannel.tv vào ngày 4 tháng 2 năm 2012, để chia xẻ cùng chư Phật tử gần xa. Chân thành cảm ơn ký giả Mark Dimitroff.
*******
Mississauga, ON (Canada) – Nhiều năm qua tôi đã tự hỏi điều gì đang diễn ra bên trong các cánh cửa của một ngôi chùa Phật Giáo. Những vị tu sĩ trông như thế nào? Họ làm gì? Chùa Pháp Vân và Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo, tọa lạc tại địa chỉ 420 Traders Blvd. E., gần Đường Kennedy Road và Britannia, ở thành phố Mississauga, đã giúp tôi trả lời những nghi vấn này.
Được xây dựng vào tháng 6 năm 2000, ngôi chùa này phục vụ các nhu cầu của các tín đồ Phật Giáo Việt Nam ở phía tây và, vào tháng 5 năm 2010, đã tổ chức lễ cung nghinh Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới nặng 4 tấn trị giá 5 triệu đô la, một trong vài điểm dừng chân được thực hiện tại Canada trên hành trình khắp thế giới 4 năm vì cổ võ hòa bình. Gần đây, tôi đã đến thăm ngôi chùa này để trải nghiệm cuộc sống bên sau những cánh cửa đó vào một ngày bình thường.



9 giờ sáng. Truyền hình đang chiếu trận bóng đá Châu Âu khi cánh cửa phòng khách của quý thầy mở. Thượng Tọa Trú Trì Thích Tâm Hòa xem các tin nhắn trên điện thoại cầm tay của thầy, trong khi những vị thầy khác chăm chú theo dõi trận bóng đá. Ít nhất đây không phải là điều tôi đã dự kiến,
Khi tôi vào, người tổ chức cuộc gặp mặt là ông Trần Đáo đã giới thiệu tôi với 3 vị thầy: Thầy Nhật Quán, Thầy Trí Thành và Thượng Tọa Trú Trì Thích Tâm Hòa. Chúng tôi đang ở trong một căn phòng nhỏ, có thể là rộng 12 feet nhân 12 feet, với một tủ lạnh và một bồn rửa tay. Những dĩa trái cây tươi, bắp nướng và đậu phụng bày ra trên một bàn cà phê, với một bình trà xanh tươi đang bốc hơi. Ngoài cái truyền hình ra, mọi thứ đều bình thường và khiêm tốn.

Thầy Thích Trí Thành

Thầy Thích Tâm Hòa

Thầy Thích Nhật Quán
“Chúng ta có nguyên ngày hôm nay,” ông Đáo tươi cười nói, “rất bận rộn.” Ngoài buổi lễ vào mỗi Chủ Nhật, hôm nay có thêm 2 khóa lễ và một tang lễ tại một nhà quàn địa phương phải có mặt. Chùa này hành trì theo Phật Giáo Đại Thừa, một giáo phái được tìm thấy ở khắp Đông Á, gồm các truyền thống của Phật Giáo Tây Tạng. “Sự khác biệt rõ nhất” giữa giáo phái của họ và các giáo phái khác, theo Thầy Tâm Hòa hướng dẫn, “là chúng tôi là những người ăn chay và không ăn thịt, cá.”
Trách vụ hàng ngày của quý thầy thì khác nhau theo thứ bậc. Thượng Tọa Trú Trì Thích Tâm Hòa (mọi người quen gọi là Thầy Tâm Hòa) đón tiếp các vị khách, hướng dẫn mọi người tùy theo các vấn đề – hầu hết là lãnh vực tâm linh – an ủi những người hay các gia đình có người thân yêu qua đời, chuẩn bị các bài giảng sau buổi lễ Chủ Nhật và tham dự các cuộc họp với các tổ chức Phật Giáo khác, cùng nhiều nhiệm vụ khác. Những vị thầy khác có trách nhiệm chăm sóc vườn tược, dọn dẹp, nấu ăn, đi đám tang với Thầy Tâm Hòa, thăm người bệnh tại bệnh viện và tổ chức các khóa tu tập hàng tháng. Ba vị thầy sống và làm việc ở đây, theo truyền thống giáo điển Phật Giáo.
9 giờ rưỡi sáng. Quý thầy đã sẵn sàng cho khóa lễ 10 giờ sáng, đang mặc những chiếc y hành lễ màu cam sẫm. Chiếc y có nhiều điều dài ngắn phức tạp phủ lên toàn thân. Một trong những thiện nguyện viên, Frankie, mặc áo dài màu xám nhạt, đánh vào Đại Hồng Chung ba lần với cái chày bằng gỗ lớn. Đứng cao hơn một mét và nặng 800 kí lô, chiếc Đại Hồng Chung tạo ra âm thanh vang dội nhưng lại cảm thấy an lành, và báo hiệu cho tín đồ chuẩn bị khóa lễ đầu tiên.
Giống như nhiều trung tâm, Chùa Pháp Vân có Chánh Điện để hành lễ, cũng như nhiều phòng phụ, các tòa nhà bên ngoài hay các khu vực riêng biệt. Sảnh Đường Thứ Hai -- nằm đối lưng Chánh Điện – được dùng để trưng bày hình của người quá cố, mà các gia đình của họ vân tập về chùa để bày tỏ lòng thương kính. Tháp Quan Âm nằm bên ngoài tòa nhà chính, và các thành viên của chùa tôn kính Đức Quan Âm đặt nhiều tượng Quan Âm nhỏ bên trong tháp. Ngoài ra còn có Vườn Quan Âm – với tháp nước và tượng Quan Âm. Cũng ở bên ngoài là Tháp Tưởng Niệm (Tháp Báo Ân) nơi mà các gia đình tạm thời để tro cốt của người thân của họ trước khi chôn cất. Còn nữa, tầng hầm của tòa nhà chính là khán thính đường dành cho các sự kiện văn hóa như lễ đón mừng Tết Âm Lịch. Bên cạnh khán thính đường là nhà bếp và khu vực sửa soạn thức ăn để có thể cung cấp các bữa ăn cho hơn 100 người. Đây là nơi quý thầy sửa soạn các bữa ăn cho chính họ vào các ngày thường trong tuần. Hôm nay, các bữa ăn mang về nhà đang được chuẩn bị cho những người đến chùa dự các khóa lễ.
10 giờ sáng. Buổi lễ sáng Chủ Nhật để tưởng niệm cho người quá cố có sự tham dự của hơn 50 tín đồ, và diễn ra tại Chánh Điện. Sau khi hội chúng ổn định, quỳ trên tọa cụ của họ, quý thầy đi vào và ngồi lên chỗ ngồi của mình trên cái bệ dưới ánh mắt của tượng Đức Phật lớn. Khóa lễ gồm việc tụng kinh và tán, được chủ lễ bởi Thầy Tâm Hòa. Việc tụng niệm tạo ra một không khí gần như thôi miên. Khi khóa lễ này kết thúc, một số người trong hội chúng lặng lẽ đi vào nhà tổ để dự khóa lễ thứ hai trong hai khóa lễ được tổ chức hôm nay để tưởng niệm người quá cố. Nhiều người khác đi thẳng lên nhà tổ khi đến chùa cũng đã tham dự; giống như mọi người khác, giày dép của họ đã để bên ngoài cửa.
11 giờ sáng. Ở khóa lễ thứ hai này, một số người đeo khăn trắng, quấn quanh trán. Trong khi một số người đã đeo những khăn trắng này tại khóa lễ trước đó, bây giờ thì hầu hết mọi người đều đeo khăn. Theo tập tục, những chiếc khăn trắng này được đeo trong thời gian 49 ngày để tưởng niệm người đã khuất. Hôm nay, Thầy Tâm Hòa và quý thầy cử hành lễ cho 7 gia đình và để tưởng niệm một vị Trú Trì tại Việt Nam vừa viên tịch. Những tấm hình của người quá cố được trưng bày ra phía trước và ở giữa. Bên cạnh các tấm hình là thức ăn (do chùa chuẩn bị) và trà được rót ra theo nghi thức để tưởng niệm người qua đời. Các Phật tử tin vào sự tái sinh, và một phần của lời cầu nguyện từ Thầy Tâm Hòa là cầu xin rằng họ được tái sinh làm người và không phải sinh làm súc sinh hay sinh làm ngạ quỷ.
Giờ nghỉ ngơi giữa trưa. Quý thầy mặc lại bộ đồ màu xám. Thầy Trí Thành đi ra ngoài để giải lao, ngồi gần Tháp Tưởng Niệm nói chuyện với 2 thiện nguyện viên là những người đang dọn dẹp bên trong xe của họ. Không lâu sau đó, thầy đi xuống tầng hầm để cùng với quý thầy khác và ông Đáo, người ở trong nhà bếp. Một vài thiện nguyện viên cũng đã ngồi vào bàn. Trên thực đơn: bánh cuốn chay, súp mì nóng, sủi cảo chay, các đĩa đậu hũ và bánh kem lạnh. Ngoài việc quý thầy được ngồi trước, không có nghi thức hay phá lệ nào ở đây.
1 giờ chiều. Trở lại phòng khách của quý thầy để xem trận bóng đá khác trên truyền hình. Trong khi nhiều thành viên của chùa vô và ra, Thầy Trí Thành luôn xem trận đấu, và có 2 thiện nguyện viên trẻ cùng xem, reo hò khi đá hay và thở dài khi đá trật. Gần 2 giờ chiều, và quý thầy lại thay y phục, mặc lại y màu cam.
2 giờ chiều. Đối với người chưa quen, buổi lễ Chủ Nhật là bản sao của khóa lễ buổi sáng, nhưng với nhiều người tham dự hơn – lần này để cầu nguyện cho mọi người, đang sống và đã qua đời, và để cầu nguyện hòa bình cho thế giới và cho cuộc đời của con người. Quý thầy bước vào, mọi người đứng dậy, vái chào và quỳ xuống vài lần liên tiếp và khóa lễ bắt đầu.
3 giờ chiều. Khi phần nghi thức của khóa lễ chấm dứt, Thầy Tâm Hòa giảng bài pháp ngày Chủ Nhật hôm nay về cách sống cuộc đời tốt đẹp và có mục đích. Mọi người chăm chú lắng nghe. Giữa chừng, có tiếng điện thoại reo ở độ rung có thể nghe được, chủ nhân nhanh chóng tắt máy và mỉm cười, ngượng ngùng, với bạn của cô. Người phụ nữ trẻ khúc khích cười khẽ. Thầy Tâm Hòa tiếp tục giảng mà không ngừng.
4 giờ chiều. Khóa lễ cuối cùng đã xong, Thầy Tâm Hòa trở lại phòng khách để chuẩn bị cho công tác cuối trong ngày: chủ trì tang lễ tại một nhà quàn địa phương. Quý thầy mặc thông y màu nâu để đi, và đem theo y màu vàng cho khóa lễ. Bước vào chiếc minivan, họ đi tới tang lễ, cách đó 10 phút lái xe.
4 giờ rưỡi chiều. Gia đình và bằng hữu tụ tập. Không khí đau thương và buồn rầu, nhân viên nhà quàn hướng dẫn mọi người vào nhà nguyện nơi tang lễ sẽ diễn ra. Trong một căn phòng khác ở cuối hành lang, Thầy Tâm Hòa, Thầy Nhật Quán và Thầy Trí Thành mặc y hậu hành lễ và cùng các thầy khác ở hành lang bên ngoài nhà nguyện.
5 giờ chiều. Với Thầy Tâm Hòa đi dẫn đầu, đoàn cung nghinh tiến về phía trước nhà nguyện. Đứng dưới chiếc truyền hình mặt phẳng rất lớn đang chiếu hình ảnh của người quá cố, thầy đã chủ trì khóa lễ. Trong lời cầu nguyện, đại chúng được giải thích rằng chết không có nghĩa là chấm dứt. Như ông Đáo chuyển dịch: “Điều đó [chết] giống như việc thay đổi trạng thái, giống như buông bỏ một thứ gì đó quá cũ kỹ, để có một thứ mới mẻ và tươi tắn.” Sau khóa lễ, Thầy Tâm Hòa đã an ủi các thành viên trong gia đình.
Nguyên cả ngày làm việc đã xong, quý thầy thay y phục lần nữa để chuẩn bị đi về chùa nơi mà họ sẽ ăn tối và có thời gian để cầu nguyện, thiền định và tư duy – và có thể xem tỉ số bóng đá trên truyền hình.