TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO CHÙA PHÁP VÂN
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư tôn đức Tăng, Ni,
Kính thưa quý Thiện Nam Tín Nữ Phật Tử,
Những ngày đen tối của mùa đông giá lạnh đã đi qua. Mùa xuân tươi sáng lại về để cho muôn loài thảo mộc đâm chồi nẩy lộc. Đây cũng là lúc hàng trăm triệu người con Phật trên khắp thế giới cùng nhau đón mừng ngày Đản Sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vì cứu khổ chúng sinh mà thị hiện ra đời cách nay 2649 năm tại nước Ca-tì-la-vệ của Ấn Độ cổ thời.
Trong niềm hoan hỷ vô biên của mùa Phật Đản, xin thay mặt chư Tăng Chùa Pháp Vân, chúng con xin kính chúc chư tôn đức Tăng, Ni phước huệ trang nghiêm, đạo nghiệp viên thành; chúng tôi xin kính chúc chư Thiện Nam Tín Nữ Phật Tử một mùa Phật Đản vô lượng an lành, đạo tâm bất thoái.
Kính bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý liệt vị,
Mùa Phật Đản năm nay cũng là thời gian đánh dấu 50 năm cộng đồng Phật Giáo Việt Nam rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống tự do và hạnh phúc nơi xứ người mà trong đó có đất nước và người dân Canada đã mở rộng vòng tay để đón nhận chúng ta. Đó là một ân nghĩa to lớn mà mỗi người Việt tị nạn của chúng ta đều luôn luôn ghi nhớ và đền đáp.
Đây cũng là lúc để cộng đồng người Việt tị nạn tưởng nhớ và cầu nguyện cho hàng triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam hay hàng trăm ngàn người Việt khác đã bỏ mình trong rừng sâu núi thẳm hoặc trong biển cả mênh mông lúc vượt biên, vượt biển đi tìm tự do.
Năm mươi năm qua, cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Canada đã khởi sự xây dựng cơ đồ từ đôi bàn tay trắng trong thân phận chân ướt chân ráo của những người di dân mới đến một đất nước xa lạ. Ngày nay, cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Canada, dù sống rải rác trên một lãnh thổ rộng mênh mông bát ngát, nhưng cũng đã xây dựng được nhiều ngôi Già-lam trang nghiêm để có thể thực hiện sứ mệnh truyền bá Phật Pháp và bảo tồn cũng như phát huy nền văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam nơi xứ người. Thế hệ con cháu của chúng ta cũng đã trưởng thành trong cuộc sống dung hòa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Làm được như thế là nhờ mỗi người, mỗi thành viên trong cộng đồng người Việt của chúng ta đều ý thức được trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của bậc làm cha mẹ và thế hệ đi trước, đối với việc duy trì và truyền trao truyền thống văn hóa đặc thù của giống nòi Lạc Việt cho các thế hệ đi sau.
Kính bạch chư Tôn Đức,
Kính thưa quý liệt vị,
Mùa Phật Đản năm nay lại về trong bối cảnh thế giới ngày càng bất an bởi thiên tai và nhân họa! Thảm họa của biến đổi khí hậu đã bày ra rõ rệt hơn bao giờ hết, với bão lụt thường xuyên, cháy rừng lan rộng, sa mạc hóa gia tăng, mực nước biển dâng cao đã góp phần làm cho tình trạng thiếu thực phẩm, dịch bệnh tại các nước nghèo ngày càng trầm trọng hơn.
Thêm vào đó là nhiều cuộc chiến tranh xảy ra trên nhiều khu vực thế giới mà khốc liệt nhất là tại Ukraine và Dải Gaza trong vài năm qua đã khiến cho hàng trăm ngàn người thương vong, hàng triệu người mất nhà cửa, đói khát lầm than! Đây là thảm họa do những nhà lãnh đạo với lòng đầy thù hận và tham vọng gây ra. Họ là những nhà lãnh đạo chỉ nghĩ đến chuyện bắt nạt và xâm chiếm nước khác để thỏa mãn lòng tham lam vô độ của cá nhân mình mà, không bao giờ là những nhà lãnh đạo hiền minh biết thương yêu đồng bào và đồng loại.
Đức Phật từng dạy rằng, “Ở thế gian này chẳng phải hận thù trừ được hận thù mà chỉ có từ bi mới trừ được hận thù.” Khi tâm con người còn chứa đầy thù hận thì dù người đó sống ở đâu và làm gì cũng sẽ tạo ra xung đột, chiến tranh, bởi vì lòng thù hận không những là mầm mống của chiến tranh mà còn là nguyên nhân gây ra đau khổ cho mình và cho người.
Khi con người có thể cảm thông được sự khổ đau của người khác thì mới có thể phát khởi lòng từ bi. Để có thể cảm thông được nỗi đau khổ của người khác thì trước hết chính mình phải có cảm nhận trực tiếp khổ đau. Cảm nhận trực tiếp khổ đau rồi mới biết đích xác khổ đau là gì để mà đồng cảm với khổ đau của tha nhân. Đó là lý do tại sao chúng ta đọc thấy trong các chuyện tiền thân của Đức Phật trong đời quá khứ đã thực hành Bồ-tát hạnh để trải nghiệm tất cả những đau khổ mà chúng sinh gánh chịu. Lòng từ bi sinh khởi từ mảnh đất tâm, thâm cảm sự đau khổ tận cùng là gì. Một người sống với lòng từ bi sẽ tạo ra môi trường hòa bình và an lạc chung quanh họ. Một nhà lãnh đạo có lòng từ bi, sẽ xây dựng nền hòa bình và an ổn không những cho quốc gia của mình mà còn cho cộng đồng thế giới. Đó là lý do tại sao Liên Hiệp Quốc đã cổ võ giáo lý hòa bình của Đức Phật để tạo môi trường sống hòa bình cho nhân loại.
Kỷ niệm mùa Đản Sinh của Đức Phật, mỗi người con Phật chúng ta không những tự thân tu học theo lời dạy của Ngài mà còn phải thể hiện qua cuộc sống từ bi và bình đẳng để góp phần kiến tạo một thế giới hòa bình và an ổn hơn. Làm được như vậy là chúng ta có thể đền đáp phần nào trong muôn một công ơn giáo hóa sâu dày của Đức Phật. Đó cũng là cách xưng tụng đúng chánh pháp nhất về sự thị hiện đản sinh của Đức Phật giữa cuộc đời khổ đau này.
Xin nhất tâm cầu nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc.
Nam Mô Lâm Tì-ni Viên Vô Ưu Thọ Hạ Thị Hiện Đản Sinh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật