A.DẪN NHẬP:
“Đây đoá hoa trên cây nhân loại
Đã bừng nở qua nhiều vạn kỷ,
Khắp thế giới chan hoà hương thơm trí,
Và gieo xuống giọt mật tình thương.”
( Sir Edwin Arnold )
Có một bông hoa mang mật ngọt tình thương và hương thơm trí tuệ như vậy hoá hiện vào khắp tận cùng thế giới chúng sanh mà trao cho nguồn giá trị sống bao la. Đức Phật_ sự hiện sinh của loài hoa cao cả đầy màu sắc và hương thơm bất tuyệt ấy. Một đoá hoa có sắc hương được kết tinh bằng chất liệu ý chí sống hoàn thiện đức hạnh và niềm tin hướng đến giá trị giải thoát hoàn toàn.Một đoá hoa thấm đượm nhân cách mang nhựa sống của trái tim khát khao thể nhập vào tận sâu thẳm những tâm hồn khổ đau để san sẻ. Đằng sau những bước chân của bậc trí tuệ và tánh hạnh siêu phàm ấy là những ấn tích sáng ngời, với những tiết điệu giải thoát liên hồi ngân vang hoà quyện với những âm ba tán thán vọng lại từ những nhân sinh được khơi nguồn tâm thức hướng đến lí sống cao thượng. Gần Hơn 25 thế kỷ trôi qua trong lịch sử nhân loại, những ấn tích mang đậm triết lí nhân bản mà đức Phật đã đi qua trong thế giới này là sự xác minh rõ ràng nhất của tinh thần nhập thế. Với những gì Ngài đã làm và đã khởi xướng chắc chắn đã , đang, và sẽ khiến cho biết bao nhân sinh suy tư và thức tỉnh.Ngài luôn cổ xuý tinh thần tự lực của mỗi cá thể để tìm thấy sự giải thoát cho chính mình. Điều này như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống tư tuởng và giáo lí của Ngài. Đây chính là triết lí thẩm mỹ vô cùng sống động xin được tôn vinh nơi đây.
B.NỘI DUNG:
I. XÂY DỰNG THẨM MỸ BIỂU TƯỢNG
Biểu tượng luôn được hiểu đến như là cái gì hàm chứa đầy đủ nhất những giá trị đẹp đẻ vẹn toàn . Con người sống không thể thiếu thứ ngôn ngữ giao tiếp diễn đạt . Nhưng có lẽ vì những giới hạn của ngôn ngữ diễn đạt và vì không bao giờ chấp nhận những giới hạn ấy mà nhân loại hình thành nên thứ ngôn ngữ biểu tượng có chiều sâu và mang tính giá trị triết lí tương đối toàn vẹn hơn, nhưng ở chừng mực nào đó nó vẫn chưa thoát khỏi những giới hạn phân biệt của tâm thức một cách hoàn toàn. Cái đẹp trong triết lí sống luôn tồn tại với một ý nghĩa rất bao la và cao cả, con người khó có thể khám phá hết được bằng thứ tri thức giả lập phân biệt và đối đải của mình. Để cuộc sống và những giá trị của cuộc sống có một ý nghĩ đúng đắn như những gì vốn có, ta cần xác định một giá trị thẩm mỹ biểu tượng tích cực để sống cho phù hợp.
John Ruskin_ một nhà cách tân giáo dục xã hội Anh cho rằng: “ Chỉ có đời sống mới là thứ của cải giá trị nhất. Đời sống bao gồm các giá trị của yêu thương, của vui tươi và nhận thức. Nơi nào nuôi dưỡng được nhiều nhất những con người có tâm hồn cao quí và sung mãn thì nơi ấy giàu mạnh nhất .” Đây tất nhiên là yếu tố không thể thiếu để hướng đến xây dựng một xã hội tốt đẹp. Và đối với những nhà xã hội học để được như vậy thì phải phụ thuộc vào một phần lớn những tác động từ thế giới bên ngoài, và vì thế con người phải dành rất nhiều công sức để tìm kiếm ở thế giới bên ngoài.
Đối với đức Phật, con đường tìm kiếm là hướng về nội tại nơi chính mình rồi tự phấn đấu cho mục tiêu lí tưởng ấy. Giáo lí được Ngài thiết lập là cả một hệ thống mỹ học thể nghiệm nội tại vô cùng phong phú. Sự sinh động trong hệ tư tưởng của Ngài là không đi theo lối mòn tìm cầu lời giải đáp về bản thể hụt hẫng mà bằng con đường thể nghiệm, giải thoát nội tâm. Ngài nhìn thẳng vào thực trạng ( Khổ Đế ) của cuộc đời, rồi xác định nguyên nhân ( Tập Đế ) của mọi vấn đề. Ngài không mông lung mà đã chỉ ngón tay kỳ diệu của mình về cái đẹp vành trăng. Vành trăng ấy chỉ gối gọn ở mỗi một chữ Tâm: “ Hết thảy các pháp đều do tâm: Tâm làm chủ, tâm tạo tác…” Tâm là kết quả của triển vọng ( Diệt Đế ) và mục đích hướng đến cái cao cả (Đạo Đế ).
Năng lực của tâm thật vô biên. Ở chừng mực nào đó Nguyễn Du đã sự so sánh “ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Hay như sự diễn đạt về năng lực của thứ âm thanh từ nội tâm vô động có khả năng phá tan sự cô tịch của càn khôn, làm lảnh lót cả không gian rỗng rang biến chuyển mà Thiền sư Không Lộ đã cảm khái trong bài thơ Ngôn Hoài : “ Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”.
Phật giáo không xây dựng biểu tượng cái đẹp tập trung ở lĩnh vực nghệ thuật mà tập trung ở thái độ tâm lí và hướng tới sự phát triển toàn diện của mỗi tâm linh. Vì: “ Trong chính xác thân dài một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng, ta tuyên bố: Đây là thế giới, nguồn gốc thế giới, sự chấm dứt thế giới và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế giới.” ( Kinh Trung Bộ I ). Hay nói như Socrate: “ Connais toi toi même”_ hãy hiểu biết ngay lấy bản thân mình. Từ sâu kín của đời sống tâm linh, những đặc tính trực chỉ - giản đơn - xả ly – vô niệm sẽ đưa chúng ta thể nhập vào thế giới cao đẹp đầy nhiệm màu của thực tại. Trong cuộc sống thiền học, giá trị của cái đẹp không phải xa rời thực tế, mà ở ngay nơi cuộc sống bình thường.
“ Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên.
Cơ tắc san, hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích.
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
Dịch
:“Ở đời vui đạo mặc tuỳ duyên.
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền.
Của báu trong nhà thôi tìm kiếm.
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Cư Trần Lạc Đạo Phú- Trần Nhân Tông.
Đó là cái sinh động, hồn nhiên, hài hoà, thanh tịnh đầy thiện tính được thể hiện trong phong thái sống của Thiền học.Chỉ có trực giác sinh khởi từ một trạng thái tĩnh lặng của tâm mới có thể lĩnh hội được cái đẹp chân thật tự nhiên như thế.
Cái đẹp của thế giới vật chất luôn bị chi phối và khống chế của thời gian và không gian. Chỉ có cái đẹp do tâm linh lĩnh hội mới vượt thoát ra khỏi mọi sự kiềm toả và bất di bất dịch trước mọi biến dời đổi thay, “ ngàn muôn năm âu cũng thế ni”( Nguyễn Công Trứ). Bởi lẽ, nhận thức đúng, đánh giá đúng ý nghĩa cái đẹp với sự sanh thành và hoại diệt thì đó là cân lí tồn tại vĩnh viễn.
Cái đẹp thoát thai từ ý niện vị kỷ sẽ không đóng góp được gì cho hạnh phúc thục tụ của nhân sinh. Nếu cái đẹp luôn theo chiều hướng hình thức độc lập của tư duy đầy cảm tính “ Tôi thích”, “ Tôi yêu” thì quả thật không phải là cái đẹp chân chánh, bởi vì nó mang đầy sắc thái ngã tính trái với tinh thần vị tha cao cả của Phật giáo. Đức Phật du hành giữa thế gian mang theo tinh thần thông điệp; “ Du hành vì an lạc quần sanh, vì hạnh phúc quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì sự lợi ích , an lạc và hạnh phúc của chư Thiên và loài người” ( Kinh Du Hành- Trung Bộ Kinh). Sống hướng đến tất cả chính là đã sống trọn vẹn với chính mình và cho chính mình. Vì sao? Vì; “ Con người không thể là con người nếu không có xã hội” ( Platon). Sự hoàn thiện ở nơi đây chính là xây dựng được giá trị thẩm mỹ biểu tượng của một chúng sanh đã giác ngộ thực tính sống động của triết lí nhân bản.
II. CHÂN LÍ BIỂU TƯỢNG
Trong thế giới thực nghiệm, nếu ta đi vào bên trong sâu thẳm của sự vật hiện tượng thì ngôn ngữ sẽ bế tắc.Nó không diễn đạt được cái gì thật sự đang xảy ra trong sâu kín. Phương tiện ngôn ngữ chỉ có tác dụng trong giới hạn của những phạm trù “có” hay “ không ” mà thôi. Còn chân lí thì hiển hiện ở khắp tận cùng và vượt ra khỏi những phạm trù của mọi khái niệm “ có ” hay “ không ”. Chính vì vậy mà trong thiền tông tiêu chí “ Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật ” được thiết lập vậy. Đây chính là hiển tính biểu hiện sự giới hạn của ngôn ngữ phạm trù và cũng là ẩn tính biểu đạt sự vô giới hạn của chân lí.
Đứng trên góc độ lịch sử, đức Phật không hề vạch ra một mục tiêu hướng đến xây dựng một nền khoa học biểu tượng cụ thể nào. Trước thực trạng đầy dẫy những vấn đề nhiệt não, đức Phật chỉ có một khao khát tìm con đường giải thoát khổ mê. Tuy nhiên, trong cuộc đời hoằng hoá của Ngài rất nhiều hình ảnh được đưa vào giáo điển gắn liền với ý nghĩa thực tế vấn đề Ngài trình bày. Đồng thời qua phong cách sống siêu việt, qua lí tưởng cao thượng và qua những lời dạy của đấng Tuệ Giác vĩ đại, vì lòng tôn kính của đệ tử v.v.. mà người ta tôn vinh Ngài cũng như giáo pháp của Ngài như một nền học thuật ưu việt nhất. Và về sau, các nhu cầu tôn kính ấy được thiết lập thành các biểu tượng. Đọc trong các Kinh, ta tìm thấy rất nhiều hình ảnh biểu tượng, nhất là hình ảnh sống động của các vị Bồ Tát với trái tim và lý tưởng vô cùng cao đẹp. Các Ngài hiện thân ở đời với muôn ngàn thân tướng. Từ đó người ta kết hợp nguồn cảm hứng tự thân và những ảnh tượng trong kinh để khái quát hoá thành những nghệ thuật văn hoá đặc sắc.
Đi vào khảo sát ý nghĩa biểu tượng, chúng ta trước tiên sẽ thuyên giải ngay chính biểu tượng ấy. Với sự minh bạch như vậy, chúng ta sẽ đồng thời kinh nghiệm được sự thâm nhập của biểu tượng. Nhưng hiển nhiên là biểu tượng không bao giờ hàm chứa đầy đủ ý nghĩa điều nó muốn diễn đạt. Nhưng tư tưởng khó có thể được biểu đạt hoàn mãn nếu không nhờ sự hỗ trợ tối thiểu của những phương tiện cảm giác biểu hiện, hay ngôn ngữ và hình ảnh biểu tượng. Thuyên giải biểu tượng cũng thế, không chỉ có nương vào những phương tiện liên hệ trong thế giới, ý nghĩa của ngôn từ, mà còn bằng cả thể nghiệm thực chứng nó. Ý nghĩa của biểu tượng là cái mà trong đó ta đối diện được với sự thật một cách cần thiết để hướng đến nắm bắt thực tại tính được chỉ rõ trong nó. Do đó, độc giải biểu tượng là một tất yếu căn bản giúp ta trưởng thành sự chân thật.
Trong cuộc du hành độc khảo biểu tượng, không dễ dàng gì làm cho mọi người chấp nhận điều mà biêu tượng nói cho biết. Bởi lẽ, biểu tượng chẳng phải là vật giản dị luôn sẵn sàng thuộc quyền sử dụng của con người. Chúng là hiện thể mà trong đó con người liễu ngộ được một sự tinh tế nào đó rất trọn vẹn. Bao giờ thực tại chân thật đối với người nguyên thể cũng nằm trong biểu tượng. Biểu tượng không bao giờ hiện hữu mà không có tư tưởng. Khám phá biểu tượng tính cho đến tận cùng sâu thẳm chân thật tuyệt đối khả thể của nó, chấp nhận nó, trì giữ nó, đó là vấn đề của tư tưởng thuộc về triết học.
Người Phật tử quỳ lạy trước một biểu tượng là tỏ lòng tôn kính của mình đối với biểu tượng mà lý tưởng ấy biểu hiện. Người Phật tử hiểu biết, suy niệm về những đức tính cao cả của đức Phật và không mong cầu một ân huệ vật chất hay tinh thần nao cả. Sự suy niệm, thấy và biết mới chỉ là bước khởi đầu của khát vọng thầm kín trong ta. Những bước kế tiếp là thực hiện tất cả sự thấy và hiểu nó, thực hiện trong nỗ lực thiết lập trật tự của ngôn ngữ và tâm hành. Ta hi vọng rồi sẽ tìm thấy khát vọng nào đó trong những thiết lập biểu tượng như vậy.
III. TÍNH NHÂN BẢN
Biểu tượng của cái đẹp toàn diện nơi con người không gì ngoài cái đẹp của thái độ, hành vi, đạo lí, tri thức và phẩm hạnh tâm linh. Đây còn gọi là sự phát triển hoàn mãn những tánh đức cao thượng của con người.
Trong quan niệm Phật giáo, con người là chủ nhân mọi hành vi của chính bản thân mình ở cả ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai; là vị thượng đế duy nhất toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời, ngoài mình ra không có ai hoặc thần linh nào khác có khả năng đưa mình lên thiên đàng hay vứt mình xuống địa ngục. Đức Phật tuyên bố: “ Con người và chỉ có con người mới có thể thực hiện được những hoài bão lí tưởng hướng tới Phật quả.” Chúng ta có thể gọi đức Phật là một con người tuyệt vời trong nhân tính và chỉ có đức Phật mới là vị giáo chủ duy nhất trên hành tinh chúng ta khẳng định vị trí của con người. Chính tư tưởng này hình thành nên một khái niệm về nhân bản Phật giáo. Con người là trung tâm điểm mà Phật giáo nhắm đến, nói cách khác không có nhân loại thì Phật giáo không hiện hữu với những xu hướng nhập thế như vậy.
Tự Mình Thắp Đuốc Lên Đi
“ Tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật, trên lộ trình giác ngộ các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi; trong đại dương luân hồi, các con là hải đảo của chính mình, đức Như Lai chỉ là bậc đạo sư trên nguyên tắc.”( Kinh Tương Ưng 3, Phẩm Tự Mình Làm Hòn Đảo). Di huấn cuối cùng này của đức Phật là bài học tự lực cho mỗi chúng ta.
Đức Phật không bao giờ áp đặt một quyền uy nào cho ai cả, vì Ngài ý thức rằng: “ Có Niết Bàn, có con đường đưa đến Niết Bàn và Ta là người chỉ đường, nhưng trong các đệ tử được ta thuyết giảng chỉ một số được chứng đắc cứu cánh, một số khác thì không. Ta biết làm gì được? Ta chỉ là người chỉ đường.” (Đức Phật Lịch Sử, Trần Phương Lan Dịch). Ngài khuyến giáo rằng: “ Giáo pháp phải được học hỏi, hơn nữa phải được thực hành, phải đươc tự mình chứng ngộ liên tục và kiên trì nỗ lực” ( Kinh Di Giáo). Không có sự giải thoát nào, không có sự thanh lọc nào có thể thực hiện được nếu không có sự cố gắng cá nhân.
Phật giáo không có chủ trương van vái nguyện cầu mà thay vào đó là phải tin vào chính mình. “Đừng có tin vào sách vở, đừng có tin vào lời người khác nói lại…chỉ nên tin vào điều gì chính mình suy nghĩ kỹ càng, sáng suốt nhận thấy có lợi cho mình và cho người.” Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát nói với chúng sanh: “ Các Ngài là Phật” cũng trong ý nghĩa đó. Nếu chúng sanh cứ thấy mình là chúng sanh, cam phận chúng sanh thì cứ mặc tình trầm luân tạo nghiệp. “Đã làm thân lươn thì ngại gì cái đầu lấm bùn” như thế, không tin mình còn chút phẩm giá nào để vươn lên hoàn thiện thì quả thật nguy hiểm.
Đời sống tìm đạo, hành đạo và chứng đạo của đức Phật là phản ảnh trung thực nhất của ý chí tự phấn đấu cho lí tưởng. Kinh Trung Bộ diễn tả: “ Không chỉ có Alara Kalama có Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ mà Ta cũng có. Và sau khi tự tu, tự chứng, tự đạt, không bao lâu Ta đạt pháp ấy một cách mau chóng” ( Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ1). Phật giáo là ngón tay chỉ cho những chúng sanh đang trầm luân biết tự mình thiết lập được trạng thái thăng bằng của cấu trúc cái đẹp, biết tự mình vươn tới cái đẹp, cái cao cả. Hạt nhân của giáo lí Phật giáo là hệ thống tư tưởng Nhân bản và hiện thực. Tất cả đó đều từ con người, vì con người và về với con người. Đó chính là giá trị cao cả nhất của con người trần thế.
Tất cả đều là sự cải tạo, tự giác chứ không liên hệ gì đến ân huệ nào ngoài con người. Sống tà hạnh mà muốn đạt được sự giải thoát thì cũng như người muốn có sữa nhưng lại nắm lấy sừng bò cái mà vắt. Thật là buồn cười. Và “ không có ông trời nào có thể chuyển bại thành thắng cho một người đã tự đầu hàng ”. Nếu một cá nhân nào thành công trên con đường tự cải tạo, tự thắng mình thì người ấy không còn chiến thắng nào cao hơn nữa.
“ Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng hàng ngàn quân địch,
Tự thắng mình quí hơn,
Thật chiến thắng tối thượng” (Kinh Pháp Cú. 103).
Với những ai kế thừa lâu đài pháp giới của Như Lai, sự khẳng định vị trí, hoài bão thành tựu hạnh nguyện độ sanh là tư lương không thể thiếu, không xa vời với thực tại cuộc đời mà phải luôn đặt mình trong tiến trình thăng hoa siêu việt không ngừng.
“ Không lửa nung sắt kia không thành thép,
Không bùn nhơ sen nọ chẳng mùi thơm.”
Đó chính là tinh thần xuất trần nhập thế, thổi bùng lên ánh sáng Chân- Thiện- Mỹ đang hiu hắt giữa đống tro tàn sắp lụn tắt trong trần thế này.
Xây Dựng Nhân Cách
Thời hiện đại nói theo Heideger là thời đại của điêu linh và thống khổ vì đêm tối bủa vây nhân loại. Theo Jasper thì: “ Con người đánh mất đi chính thế giới độc đáo của nhân cách mình.” Theo Rimbaud thì: “ Tôi là một kẻ khác”. Nhưng con người luôn được đánh giá: “ Con người là vẻ đẹp của thế gian, là biểu mẫu của muôn loài”( Shakespeare). Vì vậy mà nhân cách bao giờ cũng là mục tiêu trung tâm để các nhà giáo dục hướng đến.
Các lí thuyết giáo dục nhân cách đương thời của Sigmund Freud, Carl Jung, Eric Fromn, Adler, Maslow, Lewin, Skinner, Allport, Carl Rogers.. rất nổi tiếng, nhưng lại rất giới hạn. Các lí thuyết ấy không nói lên hết được bản chất chân thật của con người và cuộc đời, do vì nhìn con người như có ngã tính thường hằng, trong khi thực sự con người là vô ngã, vô thường. Phật giáo bàn tới con người là bàn tới tính chất tập hợp của Ngũ Uẩn thông qua định lí Duyên Sinh. Xét cho cùng không có con người hàm chứa một ngã tính nào cả. Phạm trù cơ bản của giáo dục nhân cách Phật giáo là: Kiến thức, đạo đức và trí tuệ. Hoàn thiện ba phương diện này thì có thể thiết lập nên một mẫu người lý tưởng.
Giá trị tinh thần Chân- Thiện- Mỹ là triết lí của trí tuệ sáng suốt, óc thẩm mỹ cao và đạo đức chân chánh. Theo A.Culton Brock thì: “ Triết lí ấy đòi hỏi sự tự chủ tối đa của tinh thần và nó phải được xây dựng trên nền tảng chân thật tự nhiên của con người cũng như thiên nhiên của vũ trụ, sự chân thật mà mỗi người có thể làm cho vững chắc do những kinh nghiệm riêng của chính họ. Triết lí của tinh thần cho chúng ta biết rằng, tinh thần ước vọng do ba sự kiện là: ước vọng làm cho mọi người mà không vì mục đích riêng tư, ước vọng làm điều đúng để nói lên việc làm chân chánh hay biết sự thật để thi hành nhiệm vụ đi đến chân lí, ước vọng tất cả sẽ được tốt đẹp. Ba nguyện vọng tinh thần này có thể khác với những ước muốn ích kỉ cá nhân ”( Tư Tưởng Vạn Hạnh, Số 10, 1971).
Đức Phật với cái nhìn tâm lí, thấy con người luôn bị chi phối và ảnh hưởng bởi ngoại cảnh, không một chút tự tại, tự chủ. Phương pháp giáo dục ở đây là nhằm huấn luyện con người được tự chủ, tự tại, không còn nô lệ vào đối tượng. Ngài tìm ra nguyên nhân sâu xa của Tham, Sân, Si là do hiểu lầm có tự ngã. Ngài xác định: “ Bất luận hình dáng đẹp hay xấu, dù thế nào cũng phải quan sát: Cái này không phải của ta, không phải là ta, không phải là linh hồn của ta”( Tương Ưng Bộ Kinh).
Phật giáo không phủ nhận sự hiện hữu của một cá tính theo nghĩa thông thường của nó. Phật giáo chỉ phủ nhận cho rằng có một chúng sanh bất biến, một thực thể vĩnh cữu chứ không phủ nhận có một trào lưu hay sự liên tục trong tiến trình. Dòng trào lưu bất tức ấy là hiện tượng tâm vật lí đã bắt nguồn từ quá khứ xa xôi mà ta không thể quan niệm được và sẽ còn liên tục diễn biến trong tương lai vô tận.
Mục đích giáo dục nhân cách Phật giáo được xác định không ngoài việc chỉ cho con người thấy rõ bản chất của khổ đau, nguyên nhân của khổ đau, sự chấm dứt khổ đau, và con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau từ thân Ngũ Uẫn. Chỉ có con đường tự mình quật khởi vượt qua những cám dỗ của tham ái và chấp thủ mới được giải thoát tự tại. Theo Emerson- một học giả người Mỹ thì: “ Con người vĩ đại không phải là con người có khả năng chuyển hoá vật chất mà là con người có khả năng chuyển hoá trạng thái của tâm”. Tại đây, tinh thần trách nhiệm cá nhân được vạch ra. Đó là tinh thần sống thiết thực với hiện tại đang trôi chảy. Than thở, nuối tiếc quá khứ hay mơ ước, hi vọng tương lai với lòng tham ái không chỉ bị rơi vào chỗ phi thực mà còn làm rối loạn tâm lí, đánh mất hiện tại đang sống, cái hiện tại sinh động đầy ý nghĩa. Đó là con đường xây dựng nhân cách và các giá trị đạo đức, tri thức của Phật giáo.
Tinh Thần Nhập Thế
Trong cuộc hành trình bất định của vòng luân hồi, những ai phát tâm muốn phục vụ thế gian và hướng đến mục tiêu toàn thiện đều được hoàn toàn tự do đi theo con đường lí tưởng nhập thế của Bồ Tát. Triết học của Phật giáo được xem như là triết học của cuộc sống thực tại, nhằm hướng dẫn con người thoát khỏi nô lệ huyễn hoặc, dập tắt mọi ảo tưởng về cái ta và cái của ta, chuyển hoá cuộc sống trần cấu ô nhiễm thành nếp sống thánh thiện, vô ngã, vị tha. Phật giáo không chủ trương chạy trốn cuộc đời cũng như đi tìm cái gì cao đẹp ngoài cuộc đời.
“ Vậy mới hay
Bụt ở trong nhà
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt.
Đến cốc hay chính Bụt là ta”. ( Trần Nhân Tông)
Xây dựng hạnh phúc an lạc ngay cuộc đời này là đỉnh cao tối hậu, là sự trở về với bản tâm thanh tịnh thường hằng trong mỗi chúng sanh. Từ thuở sơ phát tâm, những vị Bồ Tát luôn cưu mang hoài bão: “ Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn” ( Kinh Lăng Nghiêm).Cùng với tâm nguyện đó, các Ngài lấy phương châm “ dĩ bất biến, ứng vạn biến” để rèn luyện ý chí đại hùng mà vững bước thể nhập vào cuộc đời đầy biến động.
Nếu nghị lực và ý chí của người quân tử thế gian được thể hiện ở đức tánh “ phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thì đức tánh của bậc xuất trần thượng sĩ là “ như loài hùm, loài sư tử không một tiếng động nào có thể làm cho run sợ. Như gió thoảng qua không dính mắc trong màn lưới. Như hoa sen từ bùn nhơ nước đục vươn lên, không vướng bợn nhơ của bùn và nước; mạnh dạn tiến bước, đơn độc một mình giữa cuộc đời ” ( Kinh Sutta Nipata). Hay “ trong hạnh phúc, trong phiền não, lúc thăng, lúc trầm, ta luôn giữ tâm như đất. Cũng như trên đất ta có thể vứt bất cứ vật gì; dầu chua, dầu ngọt, dầu sạch, dầu nhơ, đất vẫn thản nhiên một mặt trơ trơ”.( Đức Phật và Phật Pháp, trang 583).
Tinh thần của Bồ Tát là sự quyết đoán bước theo tiếng vọng của tình thương bao la: “ Các vị Bồ Tát đều y bổn nguyện của mình từ vô thỉ và do lòng đại bi thanh tịnh thúc đẩy nên nhập thế độ sanh. Bồ Tát dùng phương tiện thị hiện ra nhiều hình tướng, khi thì hiện cảnh thuận, khi thì hiện cảnh nghịch, có lúc lại lân la ở chung với chúng sanh và đồng làm nghề nghiệp như chúng sanh để tiện bề hoá độ, khiến cho chúng sanh thành Phật”. Và tác phong dõng mãnh của các ngài là đi giữa cuộc đời vô tận, làm ngơ với bao tiếng thúc giục của vọng tình mông muội: “ Như giọt nước trên lá sen, như hột cát đặt trên đầu ngọn kim, một vị gọi là Bà la môn, không hề nhiễm các thứ ái dục của cuộc đời”( Kinh Pháp Cú, 401).
Chí hướng của các vị Bồ Tát là con đường phục vụ, và luôn nhận thức “ phục vụ là hạnh phúc, và hạnh phúc là phục vụ”. Vua Sanghabodhi xứ Lanka có nói: “ Ta mang tấm thân bằng máu thịt này là để đem lại tốt đẹpvà hạnh phúc cho thế gian ”. Trong chốn trần thế đầy dẫy ngã chấp và ích kỉ này, còn gì quí đẹp hơn, thanh cao hơn bằng thệ nguyện hi sinh tất cả để trao dồi đời mình cho trong sạch, hầu mưu cầu hạnh phúc cho tha nhân.
Tinh Thần Bình Đẳng
Trong buổi hoàng hôn tăm tối của thực trạng đầy bất công và phân biệt của xứ Ấn Độ, một hiền nhân xuất hiện và dõng mãnh gióng tiếng chuông tiên phong phá tan bóng đêm của xích xiềng nô lệ và phi lí của sự bất bình đẳng cả về phương diện giai cấp xã hội cũng nhưng về phương diện tư tưởng tâm linh bằng châm ngôn vĩ đại: “ không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và dòng nước mắt cùng mặn”. Lời tuyên bố hùng hồn ấy là nền tảng hình thành một hệ thống giáo lí, mà trong đó tính bình đẳng được thể hiện trọn vẹn cả về phương diện lí thuyết lẫn thực tiễn.
Đức Phật phản bác không phải chính hệ thống giai cấp trong bản chất của nó, mà là thái độ trong tâm lí con người trước những thành phần thuộc giai cấp khác. Ngài chống đối sự kiêu mạn của các Bà la môn với quan niệm cho rằng sự tuỳ thuộc vào giai cấp có liên hệ với giá trị nhân cách của mỗi người. Ngài không chấp nhận có một thực thể giai cấp. Cao quí hay thấp hèn không phải do dòng họ hay giai cấp người ấy được sanh ra mà chính do tâm tư, trí tuệ và cách sống của họ. Ngay trong Tăng đoàn của Ngài, quan điểm ấy được xác định rõ ràng trong nội qui sinh hoạt: “ Tứ hà nhập hải, đồng xã bản danh, tứ tanh xuất gia, đồng xưng Thích tử”( Trường A Hàm Kinh).
Sau khi thành đạo, đức Phật đắn đo suy nghĩ về pháp vô thượng và giới hạn của trí tuệ chúng sanh. Dòng suy nghĩ ấy được diễn đạt trong kinh Trung Bộ như sau: “ Ta có nên đem rao giảng cho đời điều mà ta đã đạt được hay không? Chân lí há có thể được bày tỏ đối với những kẻ đầy tham dục, sân hận và si mê hay không? Những kẻ thô lậu, trí óc mê muội bị vây bủa bởi những ham muốn trần gian khó mà thấu được chân lí”. Nhưng rồi với Phật nhãn, Ngài nhận thấy: “ Như một hồ sen có đủ các loại sen, đều sinh ra trong bùn nước nhưng có hoa còn ở dưới nước, có hoa lên ngang mặt nước, có hoa đã vươn len khỏi mặt nước. Những hoa sen khi lên khỏi mặt nước, được gặp ánh sáng mặt trời, sẽ nở và toả hương thơm ngào ngạt. Cũng như hạng thượng căn nếu gặp được ánh sáng của Phật pháp thì sẽ được giác ngộ ”.
Phật nhìn đời thấy có những hạng chúng sanh khác nhau nhưng tựu trung vẫn bình đẳng nơi Phật tánh. Đó phải là cái nhìn tận sâu thể tánh mới thấy được: “ Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Chính vì vậy mà Ngài tuyên bố: “ Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành ”. Đây là nền tảng xây dựng lí thuyết bình đẳng tâm thức triệt để trong đạo đức Phật giáo. Với tinh thần bình đẳng như vậy, chúng ta hiểu rõ thêm ý nghĩa câu nói: “ Ta là tối thượng, tối tôn, cao quí nhất trên đời”. Và cùng với học thuyết bình đẳng ấy, chúng ta lại thấy con đường chân lí lại mở rộng hơn cho chúng ta đi dần tới thông điệp giải thoát của Ngài.
C.KẾT LUẬN:
Giá trị Chân- Thiện- Mỹ là miền lí tưởng, ước mơ mà con người luôn tìm kiếm. Trong khi con người thời đại đang khát khao tìm hiểu sự thật lẽ sống của cuộc đời, đạo Phật với tinh thần giải thoát toàn diện chính là chất liệu cần thiết giúp con người tìm hiểu nghĩa sống đó. Và biểu tượng cho những giá trị vẹn toàn nhất của lí sống đó không ai khác hơn là Đức Phật. Ngài là một con người với nhân cách hoàn hảo và vĩ đại vô cùng, biết tự mình phấn đấu cho mục đích lí tưởng và thành tựu mục tiêu lí tưởng ấy từ khả năng của một chúng sanh giác ngộ. Vầng hào quang nơi Ngài là sự toả ngời bằng chánh định, của từ bi, của trí tuệ từ thẳm sâu trong nguồn tâm thức. Đó là vầng sáng diệu kì, rực rỡ từ nơi nguồn cội, đưa nhân loại tha phương phiêu bạt trên muôn dặm trường lang thang tìm cầu dục lạc trở về với cội nguồn nhân bản đích thực của mình. Để rồi tất cả được hiện hữu như những đoá hoa có đầy đủ sắc và hương giải thoát.
Khi mình thực sự sống thì mọi thứ đều bừng dậy. Vấn đề chỉ có thể hành hạ mình vì mình hành hạ vấn đề. Nếu chúng ta làm cho phương tiện được hoàn thiện thì chắc chắn cánh cửa cứu cánh sẽ tự mở mà không còn bận tâm giải thoát hay giải thoát người khác, vì “ thế giới chỉ có thể tốt đẹp và trong sạch chỉ khi nào đời sống của ta thật tốt đẹp và trong sạch”. Thực hiện vai trò của một chúng sanh giải thoát là nói lên một cách cụ thể rằng đạo không lìa đời, đạo vốn là đời được giải thoát các phiền não uế trược,cứu khổ, giải thoát cùng lúc cho mình và cho đời. Đó đúng là hình ảnh hay biểu tượng của một mẫu người toàn diện, đúng như Barth _ nhà xã hội học người Anh đã nói: “ Cái mẫu hoàn toàn nhất của sự bình thản, diệu dàng, của tình thương bao la đối với tất cả mọi loài đau khổ, của trí tuệ tuyệt vời và từ bi vô hạn”.
Thích Tâm Tôn.
Linh Sơn Pháp Bảo- Phật Đản- PL 2552.