Thời Hiến Đế nhà Hán, quan thái thú là Sĩ Nhiếp đóng đô thành ở bờ phía nam sông Bình Giang (nay là Thiên Đức Giang). Phía Nam thành đó có chùa thờ Phật, có vị sư từ phương Tây tới, hiệu là Già-la-đồ-lê trụ trì ở đấy, có phép đứng một chân, mọi người đều kính phục gọi là tôn sư, kéo nhau tới học đạo. Hồi ấy có người con gái tên là Man Nương, cha mẹ đều đã mất, nghèo khổ vô cùng, cũng tới đó dốc lòng theo học đạo Phật, nhưng vì ả có tật nói lắp, không thể cùng chúng tụng kinh, thường ở dưới bếp, vo gạo, nhặt rau, nấu nướng cho các vị tăng trong chùa và khách tứ phương tới học. Một đêm vào tháng năm, đêm ngắn, tăng đồ tụng kinh đến lúc gà gáy. Man Nương nấu cháo đã chín mà tăng đồ tụng kinh chưa xong, chưa tới ăn cháo. Man Nương bèn nằm tựa ở trong cửa bếp, không ngờ ngủ quên đi mất. Tăng đồ tụng kinh xong đều về phòng riêng. Man Nương ngủ ở giữa cửa, sư Già-la bước qua mình Man Nương. Man Nương tự nhiên động thai. Có thai được ba bốn tháng, Man Nương xấu hổ bỏ về. Sư Già-la cũng thẹn mà bỏ đi. Man Nương về tới một ngôi chùa ở ngã ba sông thì ở lại đó. Đầy tháng sinh ra một đứa con gái, tìm sư Già-la mà trả. Đêm đến, sư Già-la bế đứa con gái tới ngã ba đường thấy một cây phù dung cành lá xum xuê, có một cái hốc sâu mà sạch sẽ, sư đặt đứa trẻ vào mà nói: "Ta gửi con Phật, mi giữ lấy sẽ thành Phật đạo". Già-la, Man Nương từ giã ra về, Già-la cho Man Nương một cây trượng mà bảo: "Ta cho nàng vật này, nàng về nhà nếu gặp năm đại hạn thì lấy trượng cắm xuống đất, lấy nước cứu sinh dân". Man Nương cung kính bái lĩnh mà về ở trong chùa. Gặp năm đại hạn, nàng lấy trượng cắm xuống đất, tự nhiên nước cuồn cuộn chảy ra, dân được nhờ ơn. Khi Man Nương ngoài chín mươi tuổi là lúc cây phù dung bị đổ, trôi ra ở bến sông 83 84 Prev Page 19 Next trước cửa chùa, quanh quẩn ở đấy mà không trôi đi. Dân thấy thế, định bổ làm củi nhưng rìu nào cũng đều bị gãy, bèn đưa hơn ba trăm người trong làng ra kéo cây gỗ lên mà không chuyển.
Gặp lúc Man Nương xuống bến rửa tay, thử kéo chơi thì cây chuyển động. Chúng đều ngạc nhiên, bảo Man Nương kéo lên bờ sai thợ tạc bốn pho tượng Phật. Khi xẻ cây gỗ đến chỗ đặt đứa con gái thì thấy đã hóa thành một tảng đá rất rắn. Tốp thợ lấy rìu đập tảng đá, rìu đều bị mẻ. Họ liền vứt đá xuống vực sông, một tia sáng chói lên, hồi lâu đá mới chìm xuống nước. Bọn thợ đều chết cả. Dân mời Man Nương bái lễ, thuê dân chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào tự điện, đặt vào bên trong tượng Phật, tượng Phật tự nhiên trông như mạ vàng. Sư Già-la đặt Phật hiệu là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Long, tứ phương cầu đảo không điều gì không ứng. Dân làng đều gọi Man Nương là Phật mẫu. Ngày 4 tháng 4, Man Nương không bệnh mà chết, táng ở trong chùa. Người đời lấy ngày này làm ngày sinh của Phật. Hàng năm, tới ngày ấy, nam nữ bốn phương thường tụ hội ở chùa này vui chơi ca múa, người đời gọi là hội Tắm Phật.