Trời vừa chớm rạng đông, nỗi bối rối trong tôi chợt giảm nhẹ đi chút ít. Tôi tự nhủ: mình đã tìm ra chốn an tâm lập mệnh rồi. Rửa mặt xong xuôi, tôi lại bàn cầm bút, tư lự bồi hồi một chặp, rồi viết lá thư này:
Gởi Tĩnh Tử cô nương. Than ôi, tiểu đệ xin cùng chị vĩnh biệt. Tiểu đệ thật ra là một nhà sư “tam giới câu túc” suốt đời không được cùng phụ nữ chung sống một mái hiên. Thịnh tình của cô nương ân ốc, cao nghĩa can vân, tiểu đệ không phải là thân gỗ đá, há đâu không cảm kích vô cùng. Nhưng em vốn sinh ra đời dưới một ngôi sao bạc mệnh gặp bao nhiêu chuyện đau khổ trên đường đời không làm sao nói hết. Em đâu nỡ đem thân phận nguy khổ phiêu linh của mình làm rầy rà cuộc sống bình sinh của chị? Nay em lên đường, tay cầm gậy thiếc bước đi, làm một “viễn đầu đà” lang bạt. Trần trần sát sát, hội diện vô do.
(Today this hand of mine takes the Buddhist staff and I become a far roaming monk. I will wander far and wide; there will be no opportunity for us to meet again…)
Lìa nhà đi vội vã thế này, duy chỉ nhờ chị ở lại, đem lòng độ lượng từ bi tha thứ cho em, thay em mà bẩm báo lại với mẹ, với dì, giải thích tấm lòng em cho mọi người rõ. Chị khuyên ủy mọi người đừng vì em mà phiền muộn, chị sẽ khéo lựa lời khuyên nhủ cho mẹ già chịu gắng ăn uống cho no, đắp chăn cho ấm, như thế là thương con rồi. Chị rõ chăng? Em đi là phải. Dù sao cuộc sống cũng còn chỗ để đi. Bước tới bước lui. Bước lần tối hậu nào vì sao chị có biết mọi người yêu nhau đều ở trong tình cảnh “đã sinh cùng nước cùng thì, cùng nhau không biệt mà ly đó là…” mọi kẻ yêu nhau đều đã chết ngay từ thuở sơ sinh. Tuy nhiên dù sao, - Why one has to raise up your dead, who perhaps have not died after all… Dù sao mỗi người ta còn có bổn phận làm hồi sinh trở dậy những kẻ chết của mình (và chính cái linh hồn mình đã chết) vì những kẻ chết đó biết chừng đâu chẳng chết thật sự đâu… Ấu đệ Tam Lang hàm lệ đảnh lễ. Tam Lang
Viết xong lá thư, tôi thay đổi y phục, vận vào áo quần đi đường. Tôi đem lá thư đặt vào chiếc giỏ bằng rạ khô, mà hôm trước Tĩnh Tử đã đem đựng trái cây tới tặng tôi. Tôi biết rằng sau khi đi thế nào Tĩnh Tử cũng lục soát căn gác và sẽ tìm thấy lá thư trong chiếc giỏ ấy. Gói ghém soạn sửa xong xuôi đâu vào đó, tôi ngẩng nhìn đồng hồ: bảy giờ sáng. Chuông đồng hồ gõ “bong bong” như giục giã tôi lên đường. Lúc bấy giờ a mẫu, a di chắc là ở phòng ngủ đang loay hoay xếp đặt y trang phục sức cho em tôi, Tĩnh Tử và người bếp nữ tỳ chắc là đang ở bếp, hẳn nhiên là không lưu ý tới tôi.
Tôi lặng lẽ len lén ra mở cổng thoát đi. Bước đi mấy bước, ngoảnh đầu nhìn lại chợt thấy Tĩnh Tử xăm xăm theo gót… Mái tóc lòa xòa phủ xuống vai, rõ là nàng chưa kịp chải tóc. Chợt nghe nàng bàng hoàng hổn hển hỏi: -Tam Lang, đang tinh sương thế này anh đi đâu thế? Tuyết giá còn chưa tan, anh chớ xông pha bừa bãi như thế. Điểm tâm đã sẵn, sao anh không chờ tí chút? Tôi kinh hoàng, giở mũ chào nàng, kính cẩn đáp: -Mấy ngày gần đây, tôi uể oải trong người, lười biếng không tới hỏi han a tỷ mỗi sáng, mong a tỷ thứ cho. Bữa nay muốn đi ngắm cảnh Bạch Long Bất Động Tôn Thần cần phải đi trước lúc tuyết tan. Rất mong a tỷ đừng bận lòng vì tiểu đệ. Tĩnh Tử bước tới trước mặt tôi, ngạc nhiên hỏi: - Tam Lang vì lẽ chi bất thình lình mặt mày biến đổi tái mét ra như thế? Cảm mạo chăng? -Không. -Thế thì tại sao? -Tiểu đệ không rõ. A tỷ nhận thấy đúng như vậy sao? -Đúng như vậy. Tam Lang đừng giấu giếm em… Bỗng dưng lòng tôi trào lên một nỗi gì khôn tả. Trong một sát na thiểm động, linh hồn tôi bỗng chất chứa một tư niệm gì bất khả tư nghị. Tôi la to: -Những kẻ hoằng đại chết. Chết. Bọn họ chết. Cô nương nhìn lên? Và ấy ai tại đó? (The high ones die, die. They die. You look up and who’s there?) -Dễ dễ lắm. Ở tại bên anh. Em đánh hơi nghe niềm ai oán…(Easy ,easy…It is on your side. I smell your grief.) - Tiểu đệ đã xô ùa mối ai oán u sầu đi xa. Tiểu đệ chẳng thể nào còn bận tâm mãi mãi. Với bọn họ, mãi mãi trùng trùng, điệp điệp, mà em đâu có thể như thế. Em cần phải đi và phải sống. (I sent my grief away. I cannot care forever. With them all again and again I died and cried, and died and cried, and I have to live…) -Tam Lang nhầm rồi, Tam Lang phóng đại sự thật. Tam Lang phải ở lại yêu thương và chết. Yêu thương và chết - Love and die. -Nhưng tiểu đệ đã chết thừa thãi thái thậm rồi. Song trùng nhị điệp rồi. -Thế vẫn còn chưa đủ. Còn một lần tối hậu nguy nga… Chợt nàng mở to hai mắt nhìn tôi. Tôi kinh hoàng không thốt lời nào cả. Môt chặp… hai chặp… ba chặp… Chợt nàng dịu dàng lim dim hai con mắt lại, chậm rãi đưa hai bàn tay ôn tồn ấm áp đặt lên trán tôi, và bàn tay kia nắm lấy cánh tay tôi, ngậm ngùi nói tiếp: -Đừng nói gì nữa cả. Viễn vông biện luận chả nghĩa lý gì. Anh đang lên cơn sốt. Cuộc đi này phải đình chỉ. Yêu cầu anh lập tức quay trở vào nhà vào giường nằm yên nghỉ. Chờ em bẩm báo với a mẫu… Tiếng nói nàng run run thấp giọng, nhưng bao hàm một niềm kiên quyết dị thường. Tôi thốt lời ấp úng: -A tỷ thái quá tế tâm chiếu cố. Tiểu đệ chỉ thấy hơi chóng mặt qua loa. Chính vì thế nên có ý ra ngoài rảo rong một cuộc cho khuây tâm trí, hô hấp không khí ban mai. Xin a tỷ để cho tiểu đệ thong dong bách bộ một chặp. Vài giờ sau, tiểu đệ sẽ quay trở về được chăng? Tĩnh Tử thản nhiên nhìn tôi, đưa tay sửa lại mái tóc, thở ra một cái nhè nhẹ, một chặp cất tiếng liền bảo: -Được để em theo chân anh cùng đi. Tôi hốt hoảng vội vã nói: -Há dám phiền gót ngọc! Tiểu đệ đi một mình cho thư thái. Không có gì phải ngại, a tỷ ạ. Tĩnh Tử hơi nhíu hàng long mày, gắng chế ngự dòng nước mắt, ngậm cười mà rằng: -Không nên như thế. Dầu phải tan xương nát thịt, em cũng quyết đi theo bảo vệ Tam Lang. Huống chỉ một vài giờ đi bộ. Tam Lang đừng có ngoan cố như thế. Tôi đành bó tay, không tìm ra lời gì để khước từ. Cùng Tĩnh Tử chậm rãi bước đi. Trên đường tuyết rơi xán lạn, tôi ngẩng nhìn khuôn mặt phù dung. Trước ánh sáng tuyết pha vào, dung nhan càng diễm lệ tuyệt luân. Linh hồn tôi lại một phen bôn đằng dao động. Tĩnh Tử từ từ đưa bàn tay ngọc nắm chặt bàn tay tôi, hoặc sờ vào mặt mũi tôi coi xem nhiệt độ máu me xương xẩu tôi như thế nào. Nàng còn định nói gì? Nàng không nói gì nữa cả. (La vérité exprimée sans compromise à toujours des bords déchiquetés). Có phải nàng đương nghĩ như thế không? Hay là chỉ riêng tôi nghĩ như thế. Sự lặng lẽ của nàng là thuận theo? Hay là tự nhẫn? Vì thuận tòng mà tự nhẫn, và tảng lờ như không rõ ý tôi? Hay thật tình nàng không ngờ ra gì hết? Nàng muốn tránh nói tới ý nghĩa cuộc đi kia? - “Chân lý thốt ra không thỏa hiệp, bao giờ cũng có mép rìa tả tơi…?” Không biết. Tôi không thể biết. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã tới bên bãi biển, chỗ vùng cát lõm xuống. Lúc bấy giờ, đương lúc ngọn triều rút xuống. Tĩnh Tử sập hàng lông mi, dường như đang suy gẫm… Tôi thấy nàng mặt mày ảm đảm cùng cực. Tôi thương cảm đưa cánh tay vòng ôm thân nàng, khuyên nàng nên ngồi nghỉ ngơi một chặp. Tĩnh Tử mơ hồ nhìn ra biển rộng không nói lời nào, thuận theo lời tôi, ngồi xuống trên mô đất trắng khô ráo. Lúc bấy giờ tâm hồn tôi đã có phần tỉnh táo, trấn định. Mặt mày không còn nóng bỏng nữa, nhưng vẫn ngồi im lìm trầm mặc. Tĩnh Tử dường như cũng không còn bi thảm nữa, nhưng vẫn đưa mắt mơ hồ ảm đạm nhìn mặt biển lấp lánh sóng xanh. Lâu lắm, lâu lắm. Chợt nàng víu lấy vai tôi buồn bã hỏi: -Tam Lang, tư lự cái gì triền miên như thế? Tam Lang có vui lòng nghe tôi nói? đừng cho là đường đột sỗ sàng? -Chuyện gì thế hả a tỷ? -Bữa nọ anh tiếp nhận lá thư từ Hương Giang tới, một lá thư nho nhỏ màu hồng, li ti đầy những chữ Anh Cát Lợi và ký tên “Miss Roberts”. Lá thư đó của cô gái con nhà nào như thế? Em có thể được phép yêu cầu anh cho rõ sự thật hay không? Em nhận định nét chữ của nàng thật là khả ái khiến người nhìn sinh quyến luyến ngay. Rất mực là trân hoa cách thể…Sao nàng lại dùng cái nét chữ tân kỳ loăng quăng tế nhị từ tả sang hữu mà mê hoặc tâm thần Tam Lang? Khiến Tam Lang mơ mơ màng màng tơ tưởng đâu đâu không biết gì đến sự vật xung quanh mình nữa cả? Em trong lòng quyết nhiên đoán định rằng ý hẳn Tam Lang thương cảm cái con người đào hoa bạc mệnh lạ lùng kia. Tam Lang nay có thể vui lòng vì em mà nói rõ sự thật cho nghe chăng? Bỗng nhiên nghe nàng nói một việc bất ngờ như thế, với giọng nói vừa thong dong vừa sầu khổ, khiến tôi như từ trên trời rớt xuống, không chuẩn bị gì ra gì được cả để đáp, tôi ngồi lặng thinh như khúc gỗ đăm chiêu, như hòn đá đờ đẫn. Tĩnh Tử vẫn tiếp tục thanh vận chậm rãi kia: -Tam Lang, vì lẽ chi ngậm miệng ra như thế? Anh không muốn cho em rõ một chút nhỏ nào về câu chuyện ấy hay sao? Tới lúc bấy giờ, tôi mới thủng thẳng đáp: -Cô ấy người quê quán ở Madrid. Cha của cô ấy chính là ân sư của tiểu đệ. Tĩnh Tử nghe tôi nói như thế, thì mắt nàng rung động, thần hồn hoang mang, dường như cực cùng thê thảm tâm sự. Từ từ nói tiếp: -Thế thì chắc cô ấy là một người kiều diễm tuyệt luân, Tam Lang làm sao có thể quên cho được? Và từ đó… -Từ đó? A tỷ định nói gì? -Alors vient le chant des fiancailles du Ciel… Và từ đó trở dậy bài ca hôn phối của Trời Xanh? Nàng nói một cách nghe như hoan lạc vui tươi mà thật ra chứa chất mối sầu gì khôn tả. -A tỷ lại rỡn tiểu đệ rồi. -Sao là rỡn? Nàng vừa hỏi vừa đưa mắt đăm đăm nhìn tôi, hai đôi anh đào còn khép mở dở chừng, như muốn dò hỏi đáy lòng tôi và xem xét cõi lòng tôi đang hướng tình yêu về phương nào như thế. Tôi nhìn nàng thấy dong nhan tiều tụy, chợt hai mắt nàng rớm hồng. Tôi biết rằng người con gái ấy thiên hoài hoạt bát, lúc bấy giờ sóng tình trùng điệp dâng lên trong mối phập phồng vô hạn. Tôi đứng trước một tình huống quẫn bách dị thường. Không biết ăn nói thế nào cho phải. Lát sau, lấy vẻ nghiêm trang tôi đáp: -A tỷ hãy nguyên lượng lòng tiểu đệ. Chất vấn nhiều như thế làm gì? Thật tình tiểu đệ chẳng có mối quyến luyến nào trong lòng cả. Còn như mấy ngày rày phiền muộn miên man, thì ấy chẳng là phải như a tỷ tưởng. Tiểu đệ đã đi mòn hai gối khắp những ngã đường dọc ngang khốn khổ, ngày nay đã như người ở cõi khác mà về đây, chẳng mơ mòng tơ tưởng gì với cuộc thế mơ hồ này nữa. Đó là điều a tỷ cố nhiên là chưa biết. Tôi nói xong, Tĩnh Tử phất tay áo, che mặt khóc -Nếu thật như vậy thì Tam Lang đã xem em như kẻ qua đường. Làm sao em có thể sớm biết được điều đó? Một lát sau nàng nói tiếp: -Ôi ! Tam Lang, ý anh thật ra hướng về nẻo nào? Anh hoàn toàn hướng về người đẹp ấy, nếu không thì làm sao anh nỡ nhẫn tâm coi nhẹ tâm nguyện của hai bậc già nua mẹ và dì? Nghe nàng nói thế, tôi bồi hồi mãi, càng không nỡ làm tổn thương mối tình của nàng. Ấy thật là: dẫu lìa ngó ý còn vương tơ tình… Tôi bèn thu góp lại những tơ vướng víu cũ lên tiếng bảo: -Tiểu đệ đâu dám như thế. Mọi điều nói vừa rồi, chẳng qua cũng là rỡn chút ít đấy thôi. A tỷ hà tất phải bận lòng khiến sợ hãi không còn biết ăn nói ra sao? Sự thật là tâm sự tiểu đệ có phần bối rối, nên lời nói sơ suất đấy thôi. A tỷ yêu mến em sâu xa lắm, xin a tỷ hãy thứ cho, thì em đa tạ. A tỷ bằng lòng như thế chứ? Tĩnh Tử nghe tôi nói thế, nửa như vui nửa như sầu, nghiêng đầu tóc xuống vai tôi, rồi như giữ lại không thốt nữa cái điều đang định nói. Tôi an ủi: -Bi thương là điều chẳng nên. Tốt nhất là nên quay về vậy. Tĩnh Tử sầu oán chợt tiêu tan đi nhiều tươi cười đứng lên, cầm tay tôi hôn vào một trận. -Tam Lang, hãy nhớ thế này. Từ nay bất cứ muốn đi đâu, nên cho em đi cùng đi theo với, thì lòng em vui sướng ngay. Còn như sáng nay anh xăm xăm xông sương gió đi một mình như thế, há chẳng là khiến cho người ta lo ngại cho anh lắm hay sao? Tôi liền đáp: -Xin ghi nhớ điều ấy. Tĩnh Tử lúc bấy giờ cúi mặt xuống nhặt một chiếc vỏ nghêu màu hồng lục lóng lánh, cầm trong tay lăn qua lăn lại mấy lần, rồi đặt xuống trên mặt đất. Bề ngoài trông nàng có vẻ rất hân hoan. Chúng tôi sánh vai nhau chậm rãi bước về. Trời bỗng trở màu u ám, như muốn mưa tuyết, mà lại chẳng mưa, trên đường chẳng có người đi, chợt thở ra một tiếng. Tôi lo ngại hỏi: -Vì lẽ chi thở ra như thế? Tĩnh Tử đáp: -Tam Lang có điều không vừa ý trong lòng, thì em không thể vui được. Tôi nói: -Tiểu đệ chỉ mong a tỷ hân hoan thôi. Lúc bấy giờ về đã gần tới căn nhà chơ vơ bên chân núi. Còn cách nhà chỉ vài mươi bước thôi. Tôi dừng chân nói: -A tỷ về trước đi, an ủi mẹ già. Tiểu đệ lại đằng nhịp cầu gỗ đằng kia lượm nhặt một tý vỏ sò đem về tặng a tỷ. Cho phép em vài mươi phút vắng mặt nhé. Chỉ ngại a tỷ mong ngóng. A tỷ bằng lòng hay không? Tĩnh Tử nói: -Được lắm. Em bằng lòng về trước, lo cơm sáng cho anh. Nói xong, cầm lấy tay tôi, nghiêm thân nói: -Tam Lang, sớm về nhé. Em và em gái anh cùng chờ anh sớm về để cùng ăn điểm tâm. Tối nay chúng ta sẽ cùng ngắm trăng chiếu trên tuyết. Tôi đưa mắt nhìn bàn tay tuyết bạch băng thanh của nàng, có hiện màu gân xanh lợt lạt, không nỡ bỏ đi ngay, bồi hồi một lúc lâu: -Kính tạ a tỷ đối đãi ân cần. Nàng dời chân dáng đi yểu điệu. Nàng lặng lẽ. Nhưng vì lẽ gì trong vắng lặng đìu hiu không khí, rõ ràng tôi nghe tiếng ca ngâm… Giọng của ai? Cùa một nương tử nào trong huyền thuyết? Của Diotima hay là tiểu thư quê quán Tây Ban Nha Madrid? Hẳn là không phải? Nhưng lời ca phảng phất mối sầu nào từ Dante? Beatrice Portinari? Hay Cosima Liszt???
Gia suona mattutno, lento, lento. Ritorno a casa e non veggo la via Gli occhi lasciai teco e il sentimento! E ne portai con me la gelosia… (Đã nghe vang động chông mai Lễ là kỳ tảo, hội là cưỡng câu Tôi về nhà cửa sương thâu Bước đi mà chẳng thấy đâu con đường Bên chàng thiếp đặt tình thương Mắt my môi miệng máu hường bình sinh Còn riêng mang mãi bên mình Niềm ghen tuông với bất bình xa xuôi…) |