Ngày hôm sau, chị tôi đến, chị không nói gì nhiều, chỉ khuyên bảo rằng: -Em tùy lúc tùy nơi, phải nghe lời mẹ. Phàm sự gì cũng vậy, không nên buông thả theo cái tính hăng hái nhất thời. Thì từ đó em hiểu được rất nhiều về nhân tình thế cố. Còn về sự vụ em bảo rằng suốt đời em không lấy vợ, em cho đó là cao viễn, nhưng thật ra đó chỉ là cái ý nghĩ tầm phào của một đứa trẻ con, đủ khiến cho người ta cười chết ngất đi được. Tam Lang, em từ rày về sau nên ghi nhớ cái lời chị nói đó, đừng để mình là một trò đùa cho thiên hạ. Em nghe rõ chưa? -Em nghe rõ rồi. Chị hỏi: -Em nghĩ thế nào? Tôi đáp: -Em nghĩ rằng rất mực phải vâng lời chị luôn luôn. Chị nói: -Thế thì tốt. Tôi vâng vâng dạ dạ, rồi cáo lui. Từ đó trở đi, lòng tôi phiền muộn vạn trạng. Định tỉnh thần hồn, chiếp bất cử tọa. Suốt ngày tôi bần thần không yên, bơ phờ đi, bờ phờ đứng, bơ phờ ngồi nằm. Chỉ lo ngay ngáy sợ mẹ già nêu trở lại câu chuyện kia. Mẹ tôi mỗi phen gặp tôi, thì hân hoan khôn tả, tợ hồ như chẳng hề hay biết gì hết cả về nỗi lòng tôi bời bời vạn chủng rối beng. Một ngày kia, tôi ngồi trong phòng cầm bút hoạ bừa một trận, để phát tiết ra ngoài cái mối sầu vấn vít tim gan. Họa cảnh trạng ba đào cuồng nộ đánh tơi bời bọt bèo vào đá. Song lại hoạ cảnh biển xa lai láng lăn tăn triều sóng rì rào dàn trải. Rồi tôi vẽ thêm một con sa âu nghiêng cánh rơi lạc xuống đám khói sóng lạnh lung rồi mất hút vào hư không. Chợt nghe tiếng gõ cửa, rồi tiếng em gái tôi xô cửa hỏi: - A huynh sao chẳng ra ngoài du ngoạn? Tôi quay lại nhìn, chợt thấy Tĩnh Tử mặt phấn lưa thưa, nga mi đạm tảo, đang cầm tay em gái tôi, đứng bên khung cửa. Thấy tôi quay lại, Tĩnh Tử nghiêng thân chào một cái. Tôi nói: -Mời a tỷ bước vào phòng ngồi nghỉ chân tý chút, tôi vẽ chơi tiêu khiển xong rồi, chẳng còn việc chi. Em tôi liền nắm tay Tĩnh Tử, kéo ép nàng bước vào, tới đứng bên tôi. Tĩnh Tử đưa mắt đăm đăm nhìn bức họa trên bàn. Rồi mỉm cười nhìn tôi. - Tam Lang thứ lỗi đường đột cho. Xưa Đồng Nguyên họa Giang Nam sơn; Lý Đường họa Trung Châu sơn; Lý Tư Huấn họa Hải Ngoại sơn; Mễ Nguyễn Huy họa Nam Từ sơn; Hoàng Tử Cửu họa Hải Ngu sơn; Triệu Ngô Hưng họa Nhu Điều sơn; Bi Giang họa Bi Bôi sơn; nay anh Tam Lang của em há chẳng họa Nhai sơn đó ru?
(Formerly Tung-yuan painted Chiangnan Mountain; Li Tang, Chungchow Mountain; Li Szu-hsun, Hawai Mountain; Mi Yuan-hui, Nanhsu Mountain; Ma-yuan and Ha-kuei, Ch’ient’ang Mountain; Wang Tzu-ko, Haiyu Mountain; Chu Wu-hing, Chat’iao Mountain; Bi-Giang, Bê-bôi Mountain; At present is not my Saburo painting Mount Yai?)
Một phen người ta nhìn vào bức vẽ, một phen khiến người ta tâm hồn tiêu nhiên lòa xòa như gửi thân trong cõi miền của sử xanh cổ lục. (Nhứt hồ sử nhân kiến tắc tiêu nhiên như trí thân thanh cổ chi vực).Thật quả là cảnh xui thư thái tâm hồn và trong suốt mắt xanh vậy. (Đâu có như những loại vẽ vời tùm lum như rác bẩn của thằng Bùi). Nói xong, nàng giao trả lại bức họa cho tôi. Tôi cầm lấy nói: -Tại hạ bỏ lâu ngày cây bút họa, nay cao hứng vẽ bừa ra như thế, chẳng ngờ được a tỷ quá khen, khiến cho người cảm thấy hổ thẹn. Tĩnh Tử lại mỉm cười mà rằng: -Tam Lang, em nói lời kia không có ý khách sáo gì hết. Thiết tưởng các họa sĩ ngày nay vẽ tranh chỉ đáng kể ở chỗ hình thể giống sự vật là được, và mua được sự đáp ứng của chợ hội. Còn thật ra họ đâu đạt tới cõi tối cao lý thú của hội họa. Lại cũng có kẻ bị quẫn bách bởi tẩu hỏa nhập ma, vớ bừa vớ bãi vào bút họa mà mở cuộc cưỡng bức, làm trò cười cho bọn phụ nữ chúng em, há đáng chi mô mà mắt xanh my lục chiếu cố tới!!! Người đời xưa nói rằng họa thủy có thể suốt đêm dài phát thanh âm thánh thót, như sương nguyệt nguyên tiêu. Em nay nhìn bức họa của Tam Lang, quả thật chứng minh rằng lời nói của người xưa không phải là ngoa ngữ. Bức họa kia của Tam Lang, so với các tay danh thủ cận đại, quả thật có sự cách biệt giữa hột minh châu và hòn sỏi hoặc tấm ngói mảnh gạch vụn. Há cần phải chờ tới em thốt lắm lời? Tôi lặng nghe lời nói như ru kia. Trong lòng suy gẫm: -Thế gian sao còn có một tâm hồn đĩnh tuệ du dương đến như thế? Tôi bước ra phía sau nàng mà đăm đăm nhìn hình hài nàng trong cơn bồi hồi ấy. Hỡi ôi! Tóc mây một món buông lòa xòa, cổ ngọc ẩn hiện như vân thạch mù sương, vai tròn lưng ong như kinh hồn cổ lục … Thì lòng tôi ngơ ngẩn một trận tự nhủ mà rằng: -Chân chính là một hình ảnh khoáng kiếp nan phùng vậy (suốt kiếp cổ kim khó gặp). Chợt Tĩnh Tử quay mắt lại nhìn, có vẻ bẽn lẽn: -Bức họa này của Tam Lang có thể tặng người ta được chăng? Tam Lang đừng nghĩ người ta yêu cầu là lời khách sáo cho hợp lễ thôi đâu. Em nhìn phong cảnh ấy thương mang cổ dật, lòng em yêu chuộng rất mực mà thôi. Nay mở lời xin như thế ắt Tam Lang nguyên lượng cho em… Hỡi ôi! mỗi tiếng người ngọc như mỗi bủa rộng chiêm bao… Thật quả có như là:
“Thưa gái ạ, nếu gái về xứ sở Của vinh quang về lịch sử khuynh thành Thì quốc sắc bốc thiên hương rạng rỡ Sẽ bao trùm dòng Dương Tử Giang xanh”
Tôi bèn đáp mà rằng: -Há dám! Há dám! Bức họa kia há đâu đáng một chút chiếu cố ôn tồn ý nghĩ xanh mắt lục cô nương? Tại hạ ý nghĩ rằng a tỷ như đã tinh thông hội họa, thì rất mong a tỷ đừng hẹp lượng mà ban cho lời chỉ bảo, làm lương sư giáo hóa cho tại hạ một bình sinh, há chẳng là hay ho tốt lành lắm lắm? Tĩnh Tử bối rối cúi mặt xuống mơ màng, đưa bàn tay ngọc sửa lại mái tóc mai ủ rũ, kéo lại dải la đới chỉnh tề ngăn nắp, rồi chậm rãi mà rằng: -Phi nhiên dã! Chẳng thế được. Ngày trước em chỉ ngẫu hứng học tập qua loa, nhiên nhất vô sở thành (chẳng thành tựu được chút xíu nào cả). Nay trong chiếc rương chỉ còn có giữa lại một tấm họa “diệp hoa hải yến” mà thôi. Tôi nói: -Dám hỏi sao gọi là diệp hoa hải yến? (Thỉnh vấn vân hà diệp hoa hải yến?) Tĩnh Tử đáp: -Vườn ao nhà em, mỗi mùa hoa lá sen nở phồn thịnh, thì mỗi mỗi hàng đêm suốt cõi chim yến tía bay về vô số, làm tổ tại giữa đám lá hoa sen, như mở một trận ôn tồn yêu đương thiêm thiếp phù động liên tồn suốt xứ sở đất đai. Cho đến khi hoa tàn, lá tạ, chim yến tía vẫn dùng dằng chưa chịu bay đi. Em cảm thấy cái tính tình đó của yến tía trùng dương, nên mệnh danh gọi là: “diệp hoa hải yến” rồi khởi sự vẽ cảnh tượng ấy ra. Tam Lang, nay để em đi tìm lấy ra xem, chỉ e lại làm trò cười cho linh hồn tài hoa đại phương lạc lạc… Tôi khom thân cung kính mà rằng: -Xin a tỷ lẹ chân đi và nhanh chân trở lại, tại hạ rất mong được nhìn gấp. Tĩnh Tử không đợi tôi nói dứt lời, đã đi bộ cúc cung nhi khứ. Tay phất nhẹ tà áo, mùi thơm xuân sắc bốc lừng tỏa lòa xòa ra bốn mặt. Tôi giữ em gái lại, hỏi mà rằng: -Sao chẳng nghe tiếng mẹ và chị đâu cả? Mẹ và chị đi đâu rồi chăng? Em gái đáp: -Nhiên, A tỷ rủ a mẫu, a di đi dạo hết cả rồi. Bảo rằng, đi Diệp Sơn (Hayama) để ngắm cảnh những cây thiên quán tùng (những cây tùng tuổi tác ngàn năm). Và cũng có thêm việc khác nữa, thuận đường ghé bái yết Thiển Đảo thần xã. Đã dặn dò cô bếp chờ cơm trưa bữa nay lúc mười hai giờ rưỡi. Và dặn em nói lại với a huynh điều ấy. Tôi hỏi: -Sao em không cùng đi? Em đáp: -Chẳng. Chị Tĩnh Tử chẳng đi, nên em cũng chẳng muốn đi. Tôi nhìn thấy em tôi cầm trong tay một quyển sách. Bèn hỏi: -Sách gì đó? Em đáp: -Đó là bộ bách thư của Ba Nhĩ Ni (Panini). Tôi nói: -Đó là Phạn văn điển. Em học tập sách đó sao? Em đáp: -Chị Tĩnh Tử mỗi ngày bày vẽ em đọc. Ban đầu học thấy khó. Rồi lần lân quen thuộc rồi thấy thích lần lần. Câu văn nghe thật nhịp nhàng. Thật là không như Pháp ngữ, Anh ngữ. Không thể nào nêu ra ngang hàng nhau được. Tôi nói: -Thế thì té ra chị Tĩnh Tử đã nhiều ngày nghiên cứu tiếng Sanskrit. Em nói: -Chị Tĩnh Tử thường ngày thích nói về đạo Phật, vì lẽ đó nên chị đọc Phạn văn. Hoặc là Phạn văn hấp dẫn chị thì cũng có lý. Chị thường bảo em: “Phật giáo tuy xích thanh luận” (không luận về âm thanh, vứt bỏ thanh luận) nhưng mà Da Du nói về ngữ pháp: viết tướng, viết nhanh, viết phân biệt, viết chính trí, viết chân như, mọi thứ đó rất gần Ba Nhĩ Ni học phái. Tuy ra đời sau Lăng Nghiêm, y tư nhĩ căn viên thông, hữu thanh luận tuyên minh chi ngữ. Thị Phật giáo diệc thu thanh luận, đặc hình thức tương dị nhĩ (chỉ duy hình thức là khác nhau thôi). Nghe em gái nói ríu rít ra như thế, tôi nghiêm chỉnh nét mặt lại mà rằng: -Thiện tai! Thiện tai! Tĩnh Tử quả là siêu phàm nhập thánh. Em hãy chăm chỉ theo chị học tập, đừng xao lãng nhé! Em hỏi: -Còn a huynh bày vẽ em học gì? Tôi đáp: -Để anh chép tặng em một bài thơ dịch của thi sĩ Tây Phương. Thế là tôi chép bài thơ của Nerval tặng cho em gái.
Ngày đông đẹp, lắm phen chiều chủ nhật Tuyết phủ bờ nhuốm ánh nhạt tà huy Cùng em gái nắm tay đi ngoạn cảnh Mẹ bảo:- Về cho kịp bữa ăn chiều Và khi đã nơi điện đài Túy Lúy Ngắm và nhìn những lộng lẫy xiêm nghê Em gái lạnh đòi về thôi anh nhé Vì sương mai sắp phủ khắp sơn khê Đành quay gót tiếc thương ngày quá đẹp Quá vội vàng đi mất không em Về tới ngõ tự ngoài khung cửa hẹp Bỗng nghe mùi phưng phức thịt gà chiên (Gerard de Nerval)
LA COUSINE L hiver a ses plaisirs; et souvent, le dimanche, Quand un peu de soleil jaunit la terre blanche, Avec une cousine on sort se promener... - Et ne vous faites pas attendre pour dîner, Dit la mère. Et quand on a bien, aux Tuileries, Vu sous les arbres noirs les toilettes fleuries, La jeune fille a froid... et vous fait observer Que le brouillard du soir commence à se lever. Et l on revient, parlant du beau jour qu on regrette, Qui s est passé si vite... et de flamme discrète : Et l on sent en rentrant, avec grand appétit, Du bas de l escalier, - le dindon qui rôtit.
Chép xong tôi bày cho em đọc. Nó mừng quá, hỏi ríu rít; -Anh còn bài dịch nào? Tôi đáp: -Một bài không đủ sao? Em đáp: -Đủ. Nhưng còn thiếu? Tôi hỏi: -Tại sao còn thiếu? Em đáp: -Thiếu một bài cho chị Tĩnh Tử. Tôi nói: -A!!! Em bảo: -Chép nhanh vào luôn thể trong trang này một bài cho chị Tĩnh Tử. Tôi bèn chép bài thơ Tháng Năm của Apollinaire:
Dạo thuyền xuân sắc tháng năm Giai nhân đầu núi xa xăm ngóng về Thuyền trôi cách biệt hai bề Ai xui liễu khóc đầm đìa bờ hoang Vườn cây ngưng cóng hành hàng Cánh hoa thắm rụng như làn môi ai Ven sông đường đỏ dặm dài Bước chân du nhạc hình hài hoang liêu Một con gấu một con tườu Một con chó chạy sau lừa kéo xe Từ đâu tiếng địch vọng về Rập rình quân nhạc đã lê thê chìm Tháng Năm về điểm sơn xuyên Trên tàn phế dựng muôn nghìn thảo hoa Cành miên liễu, gió la đà Rì rào lau trúc nụ ngà khỏa thân (Appollinaire)
MAI Le mai le joli mai en barque sur le Rhin Des dames regardaient du haut de la montagne Vous êtes si jolies mais la barque s éloigne Qui donc a fait pleurer les saules riverains Or des vergers fleuris se figeaient en arrière Les pétales tombés des cerisiers de mai Sont les ongles de celle que j ai tant aimée Les pétales flétris sont comme ses paupières Sur le chemin du bord du fleuve lentement Un ours un singe un chien menés par des tziganes Suivaient une roulotte traînée par un âne Tandis que s éloignait dans les vignes rhénanes Sur un fifre lointain un air de régiment Le mai le joli mai a paré les ruines De lierre de vigne vierge et de rosiers Le vent du Rhin secoue sur le bord les osiers Et les roseaux jaseurs et les fleurs nues des vignes
Chép xong em gái tôi đọc qua một bận, nó sung sướng bảo: -Bài này cũng hay. Nhưng bài này anh chép nét chữ đẹp hơn bài kia. Tại sao như thế? Tôi đáp: -Tại vì lúc đầu chép bài kia cho em, thì bàn tay nó chưa nhuần cây viết. Tới bài sau, thì cả mấy ngón đều duỗi ra thư thới hơn trước. Vả lại, chị Tĩnh Tử học giỏi hơn em. Nếu chép thơ cho chị mà không cố gắng viết chữ thật đẹp, ắt sẽ bị chị Tĩnh Tử xem thường.
|