Lúc tới nhà dì, người giữ cửa thông báo, dì tôi liền ra đón mẹ tôi. Rồi dì sang nhìn tôi, hỏi mẹ tôi: - Cậu này là khách từ đâu lại? Mẹ tôi cười đáp: - Tam Lang đó, mới về mấy bữa nay. Dì tôi nghe ra, mừng rỡ vô cùng. Bảo: - Thật sao ! Tam Lang còn sống trở về! Sao chị không đánh điện tín báo em hay! Vừa nói dì vừa đưa tay phủi mấy đóa hoa tuyết rớt trên vai tôi, chậm rãi than một tiếng: - Tội thay Tam Lang. Dì không thấy mặt cháu đã mười mấy năm! Ngày nay trông tướng mạo cháu, thật khó nhận ra, con gầy ốm hơn lúc nhỏ. Con đi đường mệt lắm. Vào nhà thôi. Chúng tôi theo gót dì vào phòng. Cởi áo ngoài ra. Hốt nhiên thấy một nữ lang đem khay trà tới. Nàng vận y phục nhạt màu, dáng đi thật là tha thướt. Nàng chào chúng tôi. Tôi ngồi một bên nhìn nàng. Thấy nàng quả thật là thanh tao diễm lệ hơn người. Lòng tôi bỗng nhiên nghi nghi hãi sợ, dường như từng đã có gặp nàng từ lâu ở nơi nào… Dì tôi cầm một đôi que sắt tro lạnh trong lò. Vừa gạt tro vừa nói: - Chị em ta xa nhau hơn một tuần rồi, khiến lòng nhớ nhung. Ngày đó tiếp được thư chị, mới hay rằng bịnh tình chị đã bớt, mới yên tâm chút ít. Nay Tam Lang về, thật tưởng như là chiêm bao mộng ảo. Em mừng hết sức. Mẹ tôi đáp: - Cảm ơn em. Chị tuy trong mình còn bệnh tật tuổi tác già nua, nay thấy mặt Tam Lang, thì khoan khoái vô cùng, nhưng trông Tam Lang xanh xao đáng thương quá. Lúc bấy giờ nữ lang kia đã pha trà hoàn bị, đem lại mời mẹ tôi. Tôi nhận thấy nữ lang lúc đó e thẹn bối rối, dường như lóng cóng cả tay chân. Dì tôi biết thế, quay sang nhìn nữ lang nói: - Tĩnh Tử! Ta còn nhớ thuở Tam Lang ra đi, con đã biết buồn rầu nỗi ly biệt, con đã khóc lóc giàn giụa. Con còn nhớ chăng? Rồi dì bấm đốt ngón tay nói tiếp: - Con lớn hơn Tam Lang đúng hai mươi mốt tháng (gần tới hai tuổi) thế thì Tam Lang là em của con vậy, con chẳng nên ngượng nghịu bối rối như thế. Nữ lang làm thinh không đáp, chậm rãi đưa bàn tay ngọc ra vuốt vào mái tóc mai của em tôi. Hai má nữ lang trông có vẻ ửng đỏ chút ít. Dùng cơm tối xong, tôi chợt nghe thấy trong mình mệt mỏi. Đầu óc choáng váng, tứ chi nóng rần, xương xẩu máu me trở cơn sốt ran ran. Suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Bệnh nặng phát tác mất rồi! Sáng hôm sau, trời vẫn còn tuyết liên miên. Mẹ tôi, dì tôi và mọi người trong nhà đều buồn rầu hết sức, bảo rằng chứng bệnh kia không nhẹ. Tôi mặc dù nằm rên rỉ trong chăn, nhưng không thấy đau khổ, nhân vì mới về lại gia đình, nhận ra rằng từ thuở nhỏ đến nay, chưa có bao giờ hân hoan êm đềm như ngày đó. Tôi suy gẫm lại mọi sự việc đã xảy ra trong đời tôi từ ngày bước chân vào chùa tới lúc bấy giờ: việc gặp gỡ ân sư, gặp gỡ mẹ con bà vú nuôi, và gia đình mục sư Robert… Mọi người đều yêu thương tôi không khác gì con ruột, thì như thế, mọi nỗi phiêu linh tân khổ đã trải qua từ trước, kể cả cũng được đền bồi. Nhưng lúc nghĩ tới Tuyết Mai, nàng phải một mình ôm mối đau lòng không nói ra được với ai hết cả. Tuy nhiên sự việc tôi đi tu và việc Tuyết Mai, tôi giấu hết, không nói cho mẹ tôi rõ, sợ mẹ đau lòng. Hai sự việc kia, xuất gia và hợp hôn, quả thật là mâu thuẫn nhau triệt để; một đằng sang Đông, một đằng sang Tây; một đằng nằm im, một đằng rục rịch. Tôi đã nguyện tu hành cho đắc đạo rất mực chân tu, thì cố nhiên không thể nào lấy vợ; nhưng đã đi tu, còn có thể nào về bên mẹ mãi mãi được không? Trong khi tôi quẩn quanh tư lự gần xa như thế, mẹ và dì bước vào. Dì tôi tay bưng bát thuốc lá cây rễ cỏ, bước tới bên mép giường bảo: - Tam Lang, bệnh của cháu là một loại cảm mạo. Bây giờ cháu ngồi dậy uống thang thuốc này, một vài ngày sau ắt sẽ khỏi bệnh. Loại rễ thuốc lá hoa này do dì tự tay hái ngắt về. Tam Lang, dì của con hằng ngày chẳng có việc chi làm, thì giờ nhàn rỗi chỉ có biết đi vào trong núi ở trong rừng mà hái lá, ngắt rễ cây. Đem về bào chế ra thuốc, rồi đem cho những kẻ nghèo khó mà đa bệnh để họ dùng trong lúc tai nạn. Phải nên biết rằng trong thế gian, các ông thầy thuốc chẳng ông nào là chẳng tham tiền; do đó kẻ nghèo đói nếu rủi ro lại vướng bệnh, chỉ còn biết buông tay mà chết. Những chuyện thương tâm thảm nhục (đau lòng xót mắt) chẳng có chuyện nào đau đớn hơn sự tình trạng huống kia. Dì tự nghĩ mình còn chút sống thừa le lói, trừ cái cuộc đi hái lá cây về làm thuốc giúp người thì chẳng còn việc chi lạc thú nữa cả. Còn như những việc đốt hương niệm Phật lâm râm theo lối những người đàn bà ở làng thôn (thôn làng thôn xã) thì ấy là điều mà dì của con chẳng làm đâu. Tam Lang! Dì và mẹ của cháu đều già nua hết rồi. Ngạn ngữ có câu: “Người già nua thêu thùa sự vụ là cốt để giao thụ cho người sau” - lão giả dự - vi giao - đại sự [1]- Ấy bởi rằng lời trong ý là nói người già nua chỉ nên vì người sau mà mưu việc hạnh phúc, còn tự thân mình vất vả, thì không bận tâm lấy làm điều gay cấn cho lắm đâu. Xét riêng gia cảnh của dì hiện nay, thì thằng con của dì đã phục vụ trong ngành hải quân, nó đã lấy vợ lập gia đình rồi, thì dì chẳng còn phải vì nó mà lo lắng sự gì[2]… Ngày nay, còn đứa gái Tĩnh Tử kia kìa, nó là kẻ rất mực của dì lưu tâm quan thiết. Tĩnh tử (Kiyoko) mồ côi cha thuở nó còn bé, nó nương tựa vào dì đã mười mấy năm nay. Dì chỉ biết… dì nghĩ rằng… mọi sự thôi thì hãy nên ủy thác hết cho Thiên mệnh vậy. Dì tôi nói tới đó, thì trầm ngâm một lúc, thở dài một tiếng, rồi nhìn tôi nói tiếp: - Tam Lang, ngày trước mẹ cháu từ Trung Hoa về lại xứ nhà, chưa được ba tháng, thì tiếp được một lá thư của gia đình nghĩa phụ của cháu, báo tin cho biết rằng “Tam Lang leo lên núi, bị cọp ở trong rừng vồ nuốt mất hình hài thân thể tứ chi”. Nghe tin sét đánh đó, dì gẫm rằng bên xứ ấy vốn xảy ra nhiều tai nạn cọp bắt người ăn thịt xương, thì dì tin rằng sự việc kia là có thật. Dì và mẹ cháu ôm nhau khóc một trận tưởng như chết mất ra ma, rồi vì quá đau lòng mà hai chị em vốn đã già, lại tăng thêm già nua, thêm hơn hai mươi tuổi nữa. Thần thái đã ra người lẩm cẩm. Sự việc đời còn mà ra như thế, còn biết tính ra làm sao, chỉ còn biết ngày đêm cầu nguyện ông trời xanh, chúc cho vong hồn cháu tiêu dao du, mà ghé về xứ nhà ứng mộng chiêm bao cho mẹ cháu. Tôi lắng tai nghe dì kể lể giọng thật bi thảm. Trong lòng tôi lại ùn ùn trào dậy bao nhiêu mối u sầu trường hận cũ, trái tim và hai lá phổi như muốn vỡ toang ra một trận, chẳng còn biết ăn nói ra làm sao cả . Thật lâu sau, ngẩng mặt nhìn mẹ, nhận thấy dung nghi điềm đạm, không còn bi thiết, thì tôi cố gắng đàn áp mối bi thống trong máu xương mình, cung kính nói mà rằng: - Con xin ghi tạc mối tình thương yêu của dì. Những phen lao đao vất vả cháu trải qua, đã thành chuyện quá khứ mơ hồ, không thể nhắc gợi ra nhiều chi nữa, con xin dì và mẹ hãy xếp lại đừng bận lòng chi tới. Từ nay về sau, con ở lại nhà, sớm hôm phụng bồi dì và mẹ, thì lòng con sung sướng tràn lan rất mực lắm rồi. Tôi nói xong, mẹ tôi giục uống bát thuốc, một lúc sau, toàn thân tôi mồ hôi ra như tắm, tôi mỏi mệt khắp cả hình hài xương xẩu, nhắm mắt thiêm thiếp miên man.
Chú thích: [1] Mấy tiếng “dự” và “giao đại” nên đọc chậm một tí, để khỏi lộn nghĩa. [2] Bà dì kia ăn nói mạch lạc, ôn tồn sắp nhiếp dẫn ngôn ngữ vào một vấn đề gay cấn nêu ra |