Đêm đến, tôi viết hai bức thư: một bức thư gửi cho bà vú nuôi. Một bức gửi về mục sư Robert. Trong hai bức thư, tôi đều nói rằng mình bình an về tới gia đình, gặp mặt từ mẫu. Và kể rằng mẹ con tôi cảm tạ ân đức kia không bao giờ quên.
Mẹ tôi gởi bà vú nuôi một trăm đồng vàng, dặn dò mẹ con bà vú nuôi hãy giữ gìn thân thể cho khỏe mạnh, ngày sau tự nhiên sẽ có phen tái hội.
Viết xong hai lá thư, tôi thấy máu me mỏi trong mình, bèn đánh một giấc ngủ vùi mê man.
Ngày hôm sau thức giấc, mặt trời hồng chiếu dương quang qua song cửa. Tôi khoác áo đi tắm một trận. Tắm xong, lên lầu gác, nhìn thấy ngọn Phù Dung Phong (Fujiyama) chọc thẳng đỉnh chót vót phiêu phiêu trên mặt sóng vàng kim hải. Phổi tim tôi bỗng chan hòa một trận. Nghe chừng như gột rửa sạch sẽ hết mọi trăm não ngàn phiền dơ bẩn mốc meo ở trong thớ máu và ở trong các khớp xương sườn (kể cả xương bánh chè cũng vậy). Ngày đó mẹ tôi bỗng nhiên tinh thần bình phục, lăng xăng trần thiết mọi sự vật cho tôi, không nghỉ ngơi một phút nào cả.
Tôi về nhà đã được hai ngày. Qua tới ngày thứ ba, vừa mới tinh sương, mẹ tôi đã dắt tay hai đứa tôi vội vã tới nhà ga xe lửa. Ấy là cuộc đi Tảo mộ tại Tiểu Điền Nguyên (Odawara).
Đó là một ngày âm u và rét mướt. Chuyến xe đi giữa mịt mờ hoa tuyết phấp phới đầy không gian. Cảnh vật trên dặm trường thật là ảm đạm tiêu tao. Tới lúc xe đậu lại trạm Tiểu Điền Nguyên, thì thấy mọi nẻo đường đều dằng dặc đầy tràn những tuyết. Khắp làng mạc chìm trong gió tuyết, vì thế nên tìm không ra một bác phu xe tay nào hết cả. Mẹ tôi bèn mướn một người đàn bà nhà quê cõng em tôi đi. Rồi ghé lại chỗ dịch trạm mua một bó hoa tươi tốt. Sau đó, tôi nâng đỡ mẹ tôi bước đi có hơn ba dặm đường tới chân một ngọn núi. Tôi ngẩng nhìn lên chóp núi, thấy lộ ra trên đó một góc vách tường hồng. Mẹ tôi đưa tay về phía đó bảo rằng:
- Đó là Long Sơn Tự (chùa Ryusan). Mộ của ông ngoại con và ba con ở trên đó.
Chúng tôi lần lượt chậm rãi leo đá núi mà lên. Lúc tới gần cửa chùa, thấy có hai câu đối in đậm đà nét chữ:
Bồ đoàn tọa nại giang đầu lãnh
Hương hỏa trùng sinh kiếp hậu khôi.
(Bồ đoàn, ngồi lại nguyện cầu
Luống từng chịu gió giang đầu giá băng
Trùng sinh kiếp hậu há rằng
Tro là hương hỏa mộng hằng là than
Ngồi suông trên tấm bồ đoàn
Ngày xuôi dốc tuột hai hàng thái hư)
Tôi trong lòng thầm nghĩ rằng hai câu đối thật là thâm trầm chỉnh đốn.
Nhưng vì lẽ gì lòng nghĩ thế là chỉnh đốn, mà mộng ước trong máu me lại ngậm ngùi không chịu đành cho rằng như thế là chỉnh tề?
Vào tới giữa điện, một vị lão ni già nua bước ra, cùng mẹ tôi hàn huyên một chặp. Rồi vị lão ni bước chầm chậm đi thắp hương, cùng đem lại mẹ tôi một ly nước lã.
Tôi và em gái bước theo chân mẹ ra phía sau ngôi phù đồ, thấy hai nấm mộ cha và ông ngoại nằm song song bên nhau, giống như hai giọt nước sương trên lá cỏ. Bốn phía đều có giậu rào có vuông vức dây thép gai mịn màng mát tươi. Bốn mặt trụ gỗ có khắc năm chữ; Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không. Đó là do phái Mật Tông biểu thị ân đức của Đại Nhật Như Lai.
Tôi và em gái tôi chạy nhặt nhánh tùng khô, đem về hươi quét sạch sẽ những mảnh tuyết tụ trên hai nấm mộ. Mẹ tôi cầm luôn nước rảy xuống, từ đỉnh nấm mộ xuống bốn phía và ba bên hai bề vẹn vẽ.
Chẳng mấy chốc, nước chan hòa lôi cuốn hòa chan đi hết mọi vết tích của tuyết tụ mộ phần. Thế là bày hoa hương ra le lói được rồi vậy. Mẹ tôi nhặt một nhành lá trường thanh diệp đặt ngay ngắn vào giữa thạch án, bảo chúng tôi đồng thời quỳ chân vái lạy. Vái lạy xong tôi ôm mặt khóc tơi bời một trận.
Mẹ tôi bảo:
- Tam Lang! Tuyết phong khốc liệt lắm. Chúng ta hãy sớm liệu về thôi.
Tôi mở mắt ra nhìn lại nấm mồ, thì thấy tuyết từ đâu xuống đã phủ đầy một lớp chẳng rõ tự lúc nào. Những đồ vật vừa bày ra lộng lẫy và le lói như thế, bỗng nhiên khoảnh khắc đã bị băng tuyết vùi lấp mất tăm mất dạng hết cả rồi. Mẹ tôi đem một ít tiền bạc gói trong giấy trắng kính biếu vị lão ni. Rồi cáo biệt. Xông pha vào giữa tuyết mà xuống núi.
“Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng mưa lò mái ngang
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao”
Tôi bày em tôi ngâm thơ vừa thuộc thì mẹ tôi bảo:
- Tam Lang! Dì của con năm ngoái đã dời sang Sương Căn (Hakone). Miền đó cũng ở gần vùng này. Bữa nay mẹ muốn dẫn con tới viếng dì con. Con hãy biết rằng thuở con còn nhỏ, dì của con yêu dấu con như một con phượng non, như một con bồ câu ra ràng bình minh mới mẻ thái bình vậy. Thuở bấy giờ một ngày không thấy con, thì dì con trong lòng buồn bã. Lúc mẹ dẫn con sang bên Trung Quốc, thì dì con hết sức cản trở. Con đi rồi, dì con tan nát can trường. Tam Lang, con hãy ghi nhớ ân tình của dì con, đừng có quên đấy nhé.
Tôi đáp:
- Con sẽ không quên.
Mẹ bảo tiếp:
- Dì con dạy bảo điều gì, con đừng trái ý nhé.
Tôi đáp:
- Con sẽ không trái ý dì con bất cứ điều gì.
Mẹ bảo:
- Được.