Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Phật Giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc (?!)
Tác giả:

 Năm mới, nhân đọc một bài viết cũ của tác giả Nguyễn Hữu Liêm vừa mới được đăng lại trên báo điện tử Phật Giáo Việt Nam, Xuân Tân Mão 2011, nhan đề là: “Tính  Không và Thượng Đế: Từ thoái trào Phật giáo đến cao trào Tin lành ở Việt nam” [1] đồng thời, có tiếng nói tương tự của một tác giả nước ngoài, Allen Carr, qua bài điểm sách với nhan đề khá... hấp dẫn: “Lên Kế Hoạch Ngày Tàn của Phật Giáo” [2], kẻ viết bài nầy xin được góp đôi lời. 
Có chăng đạo Phật đang thoái trào và sẽ có một ngày tàn của Phật giáo. Ngày đó còn bao xa và sẽ như thế nào?
Đem chuyện ký ức của hàng trăm thế kỷ để nói chuyện cường điệu biển trời qua vài trang giấy thì cũng chỉ là một cuộc chơi đuổi bắt phù dung.  Hay có khá hơn chăng thì cũng chỉ là “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” theo tinh thần kẻ sĩ Nguyễn Công Trứ giữa đời.  Ước mong, qua hình thức đối thoại hay độc thoại nho nhỏ nầy sẽ mang lại chút tinh thần hào sảng và thống khoái nhẹ nhàng như gặp bạn hiền chia sẻ một “chung trà tâm sự” đầu năm.

* *

Bài viết của cả hai tác giả, Allen Carr và Nguyễn Hữu Liêm đều có chủ đích nói lên thực trạng đáng quan ngại về Phật giáo trước sự vận động truyền đạo và cải đạo quy mô và năng động của các tôn giáo viễn chinh thế giới. Dẫu đồng ý hay không, ý kiến của họ cần được lắng nghe, nhưng đồng thời cũng cần được góp ý.
Lên Kế hoạch cho Ngày Tàn của Phật giáo (Planning the Demise of Buddhism) là nhan đề một bài điểm sách  của Allen Carr.  Đây là bài viết nhận định về cuốn sách “Những Nhóm Dân Tộc  trong Thế Giới Phật giáo: Cẩm Nang của Tín Đồ Tin Lành” (Peoples in the Buddhist World: A Christian Prayer Guide) của Paul Hattaway.[3]  
 Theo Allen Carr,  cuốn sách “Những nhóm dân tộc trong thế giới Phật giáo: Cẩm nang của tín đồ Tin Lành” của Hattaway, tuy là một cuốn sách viết về đạo Phật nhưng chẳng nói gì về lý thuyết nhà Phật cả.  Suốt 453 trang của cuốn sách, tác giả Hattaway chủ yếu nói về nỗ lực và các phương thức vận động, lôi kéo và chinh phục mới – quyết liệt và năng động nhất – để truyền đạo và tìm cách cải qua đạo Tin Lành đối với thế giới đạo Phật tại châu Á.  Đối tượng được liệt kê và điều nghiên cụ thể là 316 nhóm dân tộc trải dài và vòng quanh từ Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Mông Cổ, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Cam Bốt, Miến Điện, Tích Lan và các  vùng xa, vùng sâu nằm giữa biên giới núi rừng của các nước châu Á.  Hattaway nhấn mạnh và đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể trong tác phẩm rằng, với cấu trúc lỏng lẻo của một hệ thống tôn giáo quá tự do, các tu sĩ và tín đồ Phật giáo là những đối tượng rất dễ chinh phục cho những nổ lực vận động cải đạo.  Nếu cộng thêm vào đó, tăng già không hòa hợp gây trở ngại cho tứ chúng đồng tu thì kiến trúc của tổ chức Phật giáo rất dễ chao đảo và nghiêng đổ trước những cơn gió quét của thời đại. Allen Carr tỏ ra quan ngại về khả năng lụi tàn của Phật giáo.  Theo ông, nếu không có một sự chấn hưng bắt kịp thời đại thì trước sự tấn công cải đạo, Phật giáo sẽ rất khó vững vàng truyền thừa hành đạo trong một tương lai trước mắt.
Nguyễn Hữu Liêm (NHL) là một luật sư, một giáo sư triết học đang hành nghề tại Hoa Kỳ.  Ông cũng là một cây bút về nhiều đề tài rất tế nhị và nhạy cảm thuộc thể loại chính luận.  Do có nhiều dịp tiếp cận với thực tế sinh hoạt chính trị, xã hội, giáo dục và tôn giáo Việt Nam trong và ngoài nước, nên bài viết của ông vừa có dạng nghiên cứu, vừa mang tính quan sát, bình luận và hiện thực phê phán.
Với Nguyễn Hữu Liêm, quan điểm triết học đóng vai trò chủ đạo trong bài viết về đạo Phật.  Mở đầu bài viết, NHL xác định hiện tượng “thoái trào” – mạt pháp (?!) – của đạo Phật đang xẩy ra như sau:
“1. Trí thức Phật tử Việt ở hải ngoại bỏ chùa để theo tu học các giáo phái khác.
2. Quần chúng ở trong nước, ở các vùng thôn quê vốn có ảnh hưởng Phật giáo, nay đi theo đạo Tin lành ngày càng đông.”

  Tiếp theo, NHL nêu lên động lực làm cho đạo Phật Việt Nam thoái trào là vì giáo lý nhà Phật xa vời, khó hiểu như một hiện tượng biểu dương chữ nghĩa, không đáp ứng được khát vọng tri thức và nhu cầu tâm linh của những con người trong thời đại mới.  Ông viết: “Có nhiều lý do cho sự thoái trào này. Trong bài này tôi chỉ nêu lên hai vế của một vấn đề khái niệm và ngôn ngữ: cái gọi là “Tính Không” và “Thượng Đế”. Khi giáo lý nhà Phật - vốn được hiểu bởi quần chúng - phủ nhận “Thượng Đế” và “linh hồn”, thì đối với tâm thức khát khao niềm tin của con người thời đại, Phật giáo không còn hấp dẫn đối với họ. Trên phương diện học thuật, khi “Tính Không” trở thành một đối thể tri thức cho trí thức Phật giáo, khi trò chơi ngôn ngữ nay đã trở thành một “bình ruồi” (nói theo Wittgenstein) mà kẻ tham dự không thoát ra được, Phật giáo chỉ còn là một hoài niệm hay là một tự ái bản sắc cá nhân.”
Mở đầu xây dựng luận điểm, NHL đã dùng quan điểm triết học ứng dụng (applied philosophy) của trường phái chữ nghĩa thực dụng Wittgenstein, Heidegger, Dewey và Marx [4]vào thời kỳ những năm 1930 để làm phương tiện nhận định và phân tích về khái niệm thuộc phạm trù tri thức luận như Tánh Không của đạo Phật.  Qua lăng kính “ứng dụng”, NHL đã thấy lý Tánh Không của đạo Phật cũng tương tự như cái bình ruồi của Wittgenstein(!).  Với Wittgenstein, biểu tượng bình ruồi là hình ảnh những con ruồi nằm trong bình thủy tinh, thấy cảnh vật xung quanh nhưng không bao giờ đụng tới được.  Đây là một cách hình tượng hóa về tính chất phù phiếm; về trò chơi chữ nghĩa xa vời, viễn mơ mà chẳng thực hiện được điều gì cụ thể trong thực tế của hệ thống triết học cổ điển. Ludwig Wittgenstein cho đó là một hình thái ngôn ngữ bị lâm nguy giữa hai cực đoan ù lì và thánh hóa (idle and idol).  Wittgenstein và những triết gia cùng khuynh hướng đã ra sức cổ xúy cho một nền triết học ứng dụng, đem tư tưởng và chữ nghĩa vào đời sống hiện thực để góp phần xây dựng và cải tạo xã hội.  Chính bản thân triết gia Wittgenstein cũng đã có lúc xông xáo “áp dụng” tư tưởng triết học thực dụng của ông bằng cách ra khỏi tháp ngà sách vở, bắt tay vào cuộc sống hiện thực, dạy học cho trẻ con ở những vùng quê xa xôi, phụ làm vườn... và những công việc tay chân.
Về mặt kinh điển và nguyên lý, Tánh Không là tư tưởng chủ đạo, là trái tim của toàn bộ hệ thống triết lý Phật giáo.  Cả ba pháp thế gian (phàm nhân), pháp quán niệm thế gian (hành giả) và pháp xuất thế gian (bậc chứng ngộ) đều lấy Tánh Không làm cửa ngõ đi vào Tánh Phật.  Giới Phật tử xuất gia cũng như tại gia đang tụng niệm, suy niệm và quán niệm trong quá trình tu học và hành đạo hàng ngày trực chỉ Tánh Không. Đó không phải là “cái gọi là” làm bánh vẽ trang trí tri thức mà là “nguồn khai phóng” xác tín và độc sáng của đạo Phật để làm căn bản xây dựng cách nhìn về về vũ trụ và con người. Trí tuệ bát nhã không phải là một trò chơi chữ cao cấp theo kiểu triết học thuần lý phương Tây mà là một quá trình nhìn sâu, nhận rõ, nắm bắt, dùi mài, tu chứng và ứng dụng tuệ giác vào công cuộc xả ly tham vọng và cứu khổ cho mình và cho đời.  Người hiểu Đạo (Phật) không phải là những con ruồi bị nhốt trong bình thủy tinh “thấy vậy mà không rớ vào được” kiểu Wittgenstein.  Ngược lại, người theo đạo Phật nhờ hiểu đạo nên đủ sức mạnh để đập vỡ cái bình của vô minh và dục vọng để tìm cầu giải thoát và an lạc.  Tánh Không thực sự là một triết lý sống (living philosophy) chứ không phải là một sản phẩm hoang tưởng để đi tìm đất ứng dụng cho bầy ruồi của Wittgenstein như theo lối suy diễn của tác giả NHL.
Để góp ý một cách cởi mở và thoải mái với Nguyễn Hữu Liêm, Allen Carr và luôn cả với Paul Hattaway (nội dung tương tự bài này cũng được viết lại bằng tiếng Anh và sẽ gởi đến hai tác giả liên hệ), xin được chia bài viết nầy thành 4 phần nhỏ để tiện theo dõi:
1.  Đi tìm Thượng Đế
2.  Thượng Đế, Tánh Không.
 3.  Ngày tàn của đạo Phật (?!)
 4.  Tánh Phật giữa đời thường.

Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc
Phần 1: Đi Tìm Thượng Đế

Thượng Đế là ai?
Cho đến bây giờ và có lẽ là mãi mãi, Thượng Đế không thể là một thực thể hay đối tượng nào khác hơn:
- Là Chân Lý là Sự Thật.
Nhưng lại không có cái thước đo tuyệt đối của chân lý. Chẳng hạn như với nhị nguyên luận của Pascal thì những gì phía bên này dãy Pyrenees cho là chân lý thì bên kia là sai lầm. Thay đổi những định kiến tư tưởng còn khó hơn là dời chỗ dãy Pyrenees.
Khi giả dối, độc ác, áp bức, hoang tưởng... và vô số cái vọng động và vọng tưởng xấu xa, tiêu cực, đen tối mất đi thì ánh sáng trong ngần xuất hiện: Sự Thật hiển lộ. Sự Thật là Sự Thật. Không có một khái niệm hay một định nghĩa nào hay hơn, khác hơn ngoài Sự Thật chính là Sự Thật. Đó là chân lý tuyệt đối mà ai muốn hình dung hay gọi bằng một danh xưng nào tùy nghi phương tiện thì cứ việc tự do nhưng đừng bắt buộc người nầy phải nói nhại theo người nọ mới tìm được chân lý đích thực.
Xin được gọi Sự Thật là Thượng Đế như một quy ước ngôn ngữ tạm thời.
Hệ thống tôn giáo tin vào Thượng Đế được xem như cổ xưa nhất của loài người là Ấn Độ giáo (Hinduism).  Ấn Độ giáo tin Brahman là Thượng Đế đã căn cứ vào Vệ Đà và Áo Nghĩa Thư (Upanishad là kinh văn có cả mười nghìn năm trước) đã dùng phương pháp Phủ Định Luận (Negative theology hay Apophatic theology) [5] để nói vế khái niệm Thượng Đế.  Trong Áo Nghĩa Thư, ngôn từ chính để nói về Thương Đế là “Neti Neti”.  Nghĩa là “Không phải cái nầy mà cũng Chẳng phải cái khác”.  Ngôn ngữ, quy ước và sự hiểu biết nhỏ bé, cạn cợt của con người về Thượng Đế không đủ khả năng diễn đạt về hình tượng và yếu tính của một Sự Thật Uyên Nguyên nên phải tạm gọi bằng ngôn ngữ dân gian là Thượng Đế.  Đức Phật đã thuyết về Sự Thật tuyệt đối đó là Tánh Không.  Tương tự như thế, Lão Tử đã gọi Thượng Đế là “Đạo”:  Đạo mà hiểu theo khái niệm của đời thường thì chẳng phải là Đạo (Đạo khả đạo phi thường Đạo).
Về căn bản, Phủ Định Luận về Thượng Đế không dám xác định bất cứ điều gì về Thượng Đế nhưng chỉ chối bỏ những gì là tiêu cực theo cái hiểu của thế nhân nơi Ngài (như Thượng Đế không độc ác, không ích kỷ, không tham lam, không nhỏ nhen, không dối trá...). Phủ Định Luận được sử dụng nghiêm cẩn trong các tôn giáo thuộc đạo Chúa đưa ra lý giải rằng:
- Chẳng có khái niệm hiện hữu hay không hiện hữu nào của loài người áp dụng được khi nói về Thượng Đế.  Thượng Đế ở ngoài mọi khái niệm hiện hữu và không hiện hữu của nhân loại.
- Thượng Đế không xấu, không tốt, không phàm, không thánh, không nhận thức được, không hình dung được... theo tri thức của con người.
Như thế thì Tánh Không là Sự Thật Uyên Nguyên, là Thượng Đế vì đó là một Tri Thức không có một tự tánh thường hằng bất biến mà tri thức giới hạn của con người có thể hiểu được.  Quá trình sáng tạo ra vũ trụ và thế giới là một hợp duyên do duyên khởi mà thành.
Thế giới phương Tây bị tha hóa hay trở thành xa lạ với phương Đông vì truyền thống thâm căn cố đế khư khư giữ độc quyền về khái niệm Thượng Đế trong chiếc nôi văn hóa châu Âu.  Trong khi Thượng Đế vừa là một Đáp Số mà cũng vừa là một Ẩn Số hay nói đúng hơn là “một đáp số của một ẩn số không thể trả lời mà chỉ có tin hay không tin vô điều kiện” đối với thế giới loài người.  Đáp số: Vì ngỡ như là đã nắm được Sự Thật.  Ẩn số: Vì vẫn còn hướng vọng về Sự Thật bằng cái Tâm thường xuyên dao động và cái Ý thường xuyên thay đổi.
Từ khi có bóng người xuất hiện, đối diện với những hiện tượng và năng lực thiên nhiên như nắng mưa, sấm sét, bão tố, lũ lụt… thì vô hình chung, khái niệm và hình tượng của một nguyên nhân gây ra hiện tượng và năng lực đó được nghĩ đến, được hình thành.  Người cổ sơ đã biết tìm về sức mạnh suối nguồn uyên nguyên đó qua các biểu tượng trung gian như thờ lạy một ngọn núi, một tảng đá, một ao hồ, một con sông, một ông hay bà thần sấm sét mưa nắng… tưởng tượng.  Đấy là những nhà “tiên tri” đầu tiên của một hình thức tôn giáo phiếm thần hay bái vật giáo mà lịch sử tiến hóa của nhân loại còn ghi khắc cụ thể.
Xã hội và tri thức con người càng tiến bộ thì đời sống tâm linh cũng trở nên vi tế và phức tạp hơn,  Nhiều giáo chủ và hệ thống tôn giáo ra đời dưới hình thức sử thi truyền khẩu, sấm ký, bùa chú, thánh thư, kinh điển.  Tuy hình thức có khác, nhưng bản chất tâm linh vẫn là Chung Nhất (Oneness) khi tri thức con người phải dừng lại ở một giới hạn quá tầm năng lực tưởng tượng; như khi nói về độ lớn của không gian vô cùng và chiều dài của thời gian vô tận chẳng hạn.  Ngay cả khoa học ngày nay cũng phải bó tay khi đụng đến câu hỏi là còn có gì bên kia khoảng cách vũ trụ xa hàng tỷ tỷ tỷ… năm ánh sáng.  Giới hạn tri thức trở thành một vấn nạn đòi hỏi phải có đáp án.  Đáp án đó là một Khái Niệm Mới.  Khái Niệm Mới lại trở thành một Ẩn Số.  Có thể gọi đó là một “Ẩn-Số-Đáp-Số-Tín-Ngưỡng” mà không sợ sai vì chẳng ai có chứng lý nào ngoài niềm tin thuần túy của chính mình để làm tiêu chuẩn đưa ra phản bác hay thừa nhận cả. Mọi khái niệm trong dạng “Ẩn-Số-Đáp-Số-Tín Ngưỡng” đều có giá trị ngang nhau:  Lớn, bé, cao, thấp, đen, trắng, mạnh yếu… đều giống nhau vì không thể hình dung hay so sánh được.   Con người từ cổ sơ cho đến ngày nay đều có quyền tha hồ gọi Ẩn-Số-Đáp-Số đó là Uyên Nguyên, là Suối Nguồn Vũ Trụ, là Đạo, là Điện Quang, là Ánh Sáng, là Vua Trời, là Phạm Thiên, là Thượng Đế, là Ông Trời… là bất cứ một danh xưng tôn quý, vĩ đại, cao cả đến mức nào đều đúng với lòng tôn kính cao viễn tuyệt đối của từng người, từng nhóm, từng phái trong tập thể loài người.
 Mỗi dân tộc, mỗi giống người, mỗi thời đại, mỗi hệ thống tôn giáo, mỗi cá nhân tin vào Thượng Đế đều có một khái niệm riêng về Thượng Đế của mình.  Thượng Đế của đạo Ấn, đạo Hồi, đạo Do Thái, đạo Chúa, … hay ông Trời của dân gian Việt Nam, thần Thái Dương của Nhật, ông Bụt trong cổ tích là những đấng Thượng Đế khác nhau. Ai cũng tự cho rằng, Thượng Đế mà mình tin tưởng mới chính  là Thượng Đế “thật” làm chủ tể càn khôn và bao trùm tất cả.  Còn “Thượng Đế” trong các hệ thống đức tin tôn giáo khác chỉ là những nhân vật phiếm thần thấp kém hơn Thượng Đế trong tôn giáo của mình.
Trong tác phẩm Khoa Học Lý Thú ( The Joyful Science)[6] , Friedrich Nietzsche, triết gia thời danh của thế kỷ 19, đã kể câu chuyện rằng, có một gã điên điên, khùng khùng vào một buổi sáng nọ chạy vào chợ la khóc và gào lên: “Tôi đang đi tìm Thượng Đế đây nè!” Đám đông hỏi lại gã rằng, thế gã thực sự không biết Thượng Đế đã đi đâu hay sao, gã nín khóc và đờ mặt ra ngơ ngác hỏi lại: “Thượng Đế đâu rồi nhỉ?” Đám đông trả lời: “Chúng ta, gồm cả tôi và anh nữa, đã giết chết Thượng Đế rồi, còn đâu!” Qua câu chuyện, phải chăng Nietzsche ngụ ý nói rằng Thượng Đế hiểu như một nhân vật nào đó trong đầu óc nhỏ bé của con người không hiện hữu, nên muốn kêu gọi con người phải tự mình giải thoát cho mình ra khỏi sự trói buộc hà khắc của thần quyền muốn nhốt cả bầu trời lồng lộng trong chiếc lồng nhỏ hẹp của tư duy giới hạn, một chiều.
Cho đến nay, chỉ có đạo Thiên Chúa La Mã là hình tượng hóa Thượng Đế qua hình ảnh con người.  Đó là chân dung của Thượng Đế qua hình ảnh một ông lão phương phi, da trắng được thiên tài điêu khắc và hội họa Michelangelo minh họa trên trần nhà thờ Sistine ở tòa thánh La Mã.  Những tôn giáo tin thờ Thượng Đế khác thì cho rằng Thượng Đế là một đấng vô hình vô ảnh không thể hình dung hay luận bàn được mà chỉ có tin kính và thờ phụng.
            Một số những nhân vật nổi tiếng trong thế giới phương Tây như Charles Darwin, Arthur Schopenhauer, Karl Marx, Sigmund Freud, Fryodor Dostoievsky, Jean-Paul Sartre, Albert Camus… cũng trực tiếp phủ nhận hay quay lưng hoặc có cái nhìn xa lạ với một hình tượng Thượng Đế đặt định theo nhãn quan của thế lực thần quyền kinh viện châu Âu.
            Tóm lại, ai thấy được Thượng Đế trong tâm thức của mình thì phúc cho họ vì tin điều mình tin.  Ai không thấy được Thượng Đế trong tâm thức của họ thì cũng phúc cho họ luôn vì họ tin điều mình không tin.  Cả hai “týp” người thành thật với chính mình – tin điều mình tin hay tin điều mình không tin – đều đáng được trân trọng chúc phúc.  Chỉ sợ những kẻ dối gạt chính mình và dối trá luôn với Thượng Đế mới đáng nghi ngại mà thôi.
 Mỗi niềm tin, mỗi tôn giáo đều có khuynh hướng gọi tên, định nghĩa và giải thích một Ngọn Nguồn và cũng là Nguồn Cội mà con người từ đó khởi đầu và sau khi chết trở về lại là ở đâu, là cái gì, là ai, là làm sao, là khi nào… Trong sự im lặng của thế giới khách quan, dường như có một Suối Nguồn Vũ Trụ.  Suối Nguồn đó chỉ có thể cảm nhận bằng năng lực tâm linh, bằng đầu óc tưởng tượng, bằng niềm tín cẩn thiêng liêng bên ngoài lý tính.  Đấy chính là Tâm Lý Tôn Giáo có ngay từ khi con người mới ra đời và phải đối diện với những hiện tượng thiên nhiên và siêu nhiên.  Khi sự kế thừa của tri thức đạt đến một mức độ tinh vi và có tổ chức thì niềm tin tâm linh cổ sơ biến thành tôn giáo. Đối diện với thiên nhiên khi khoan hòa, khi bão liệt với muôn vàn hình thức biểu hiện lập đi lập lại và kéo dài đến vô cùng, con người bỗng cảm thấy run sợ và yếu đuối khi nhìn lại từng cuộc đời giới hạn và ngắn ngủi của mình. Con người dựa vào nhau, nương tựa đời sống tâm linh với nhau để tìm về Suối Nguồn Vũ Trụ qua hình thức tôn giáo.
 Việc bàn đến sự liên quan của thần thánh và con người đã xảy ra từ 9.000 năm trước trong kinh Vệ Đà của Ấn giáo và trong các thần thoại cổ Hy lạp và La Mã.  Nhưng hình ảnh một Thượng Đế mang hình ảnh con người hay con người mang hình ảnh Thượng Đế xuất hiện trong tín lý của đạo Hồi, đạo Do Thái và đạo Thiên Chúa.
 Bàn về Thượng Đế, sự đồng nhất hóa Danh và Đạo – mà theo Lão Tử thì hễ có cái nầy thì không có cái kia – hay tách bạch rạch ròi hai khái niệm nầy rất dễ đưa tới cực đoan.  NHL viết: 
Cái khuyết điểm lớn cho khái niệm “Thượng Đế” hay “Chúa Trời” trong các tôn giáo có nguồn gốc từ Do Thái giáo là sự nhân cách hóa và khách thể hóa tính thể này - một ý nghĩa về một tên gọi và biểu tượng thiếu sót và sai lạc vì nó bỏ quên “chiều sâu thượng đế” bên trong mỗi cá nhân. Hãy nhớ rằng trong Tân Ước, Chúa Jesus đã tuyên bố, “Một điều đã được viết rõ ràng trong luật đạo (Psalm của Do thái giáo) mà ta muốn nói, ‘Các ngươi đều là thượng đế (gods)’” (John 10). Lịch sử của Thiên Chúa giáo là một quá trình lẫm lẫn về ý nghĩa của Thượng Đế. Hãy đọc các bản dịch Tân Ước bằng Việt ngữ thì sẽ thấy được sự nhầm lẫn cơ bản này. Chúng ta không thể lấy cái sai lầm để đo lường chân lý được.
Ở đây không có thước đo sai lầm hay chân lý trong ý niệm thuần túy mà cần xác định thế đứng danh hay đạo (Lão); tướng hay tánh của pháp thế gian và pháp xuất thế gian (Phật) để nhìn về khái niệm Thượng Đế.
Khi nhận định như thế, Nguyễn Hữu Liêm đã đứng trên khía cạnh triết học duy lý hơn là nhìn về tính mặc khải (không thể nghĩ bàn) trong ý hướng xác lập một sự tương tác giữa con người và đức tin Thượng Đế trong các tôn giáo vừa nói.  Cả 3 tôn giáo Hồi, Do Thái và Thiên Chúa đều xác định sự hiện hữu của Thượng Đế bằng sự xác lập mối tương quan giữa đấng cứu rỗi (Thượng Đế) và kẻ được cứu rỗi (con người).  Một ý trong Tân Ước mà NHL trích dẫn về lời Chúa Jesus “các ngươi đều là Thượng Đế”  đã được nhà thần học Irenaeus xứ Lyon, sống vào thế kỷ thứ 2, minh giải rằng: "Cha là Thiên Chúa, Con cũng là Thiên Chúa, vì bất cứ ai sinh ra từ Thiên Chúa là Thiên Chúa".  Hay như Justin Martyr so sánh:  "Cũng gần giống như lúc chúng ta quan sát một ngọn lửa mới được lấy ra từ một ngọn lửa đang cháy đỏ, ngọn lửa mới tự tồn tại bên cạnh ngọn lửa gốc chẳng hề bị hao hụt hay mất đi một mảy may vì chia lửa. Cũng vậy, Thiên Chúa được sinh từ Cha là cha của muôn loài".  Sự xác định nầy có nghĩa là con người do Thượng Đế sinh ra nên mang bản thể của Thượng Đế chứ không thể nào con người là Thượng Đế.  Cũng tương tự như thế, khe suối mang bản chất “nước” của đại dương chứ không thể nào là đại dương.
Ý niệm mà NHL gọi là “chiều sâu Thượng Đế” bên trong mỗi cá nhân cũng không khác Phật tánh trong mỗi sinh vật. Và nếu có chăng hiện tượng hay khái niệm “nhân cách hóa – khách thể hóa” Thượng Đế thì cũng chỉ là phương tiện hay “pháp môn” để khai mở tánh Thượng Đế, tánh Phật, tánh Tâm linh, tánh Thường tại có sẵn trong mỗi con người. 
 
 Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc
Phần 2: Thượng Đế, Tánh Không
 
Mỗi thực thể vật lý hay mỗi hệ thống tín lý có lịch sử tồn tại lâu dài, ít nhất cũng chứng tỏ được sức mạnh có thật qua thử thách của thời gian.  Sức mạnh nội tại của một thực thể là một thực lực không đứng yên một chỗ để chống chọi với sự tàn phá từ bên trong lẫn bên ngoài mà phải quyền biến linh hoạt. Khả năng trường tồn không chỉ đơn phương chống lại sự phá hủy mà còn là khả năng tái tạo, xây dựng lại sau khi bị phá hủy.
 Đạo Phật đã ra đời và tồn tại hơn 2 nghìn 500 năm; cũng đã trải qua bao biến đổi tồn vong, hưng phế dưới nhiều hình thái và hoàn cảnh khác nhau.  Sự có mặt của đạo Phật thường được xem hay bị xem như một "biệt lệ" trong hệ thống tôn giáo nhân loại:  Trong khi tất cả các tôn giáo khác đều dồn hết mọi phương tiện thế gian và sức mạnh tâm linh để tiến đến cái Hiện Hữu được kinh sách của họ xác quyết một cách rõ ràng, sừng sững như một cứu cánh sau cùng thì ngược lại, đạo Phật tiến đến cái Rỗng Lặng (Tính Không)  như một chân lý giải thoát cùng tột. Các tôn giáo khác động thì Phật giáo tĩnh. Bên động hô hào tấn công chiếm lĩnh thì Phật giáo chủ trương an nhiên tự tại, nhìn rõ bản thể rỗng lặng của chính mình và đối vật để buông xả không dính mắc. Sự tĩnh mặc quán chiếu đầy tích cực bên trong nầy thường bị những đầu óc chật chội, đầy ắp những nguyên lý luận lý học phương Tây suy diễn một cách sai lầm và hời hợt là “tiêu cực”, là “phủ định” ý nghĩa sinh động của  đời  sống đang trôi chảy. 
 Trước khi đi vào trọng tâm của vấn đề, tưởng cũng cần nêu dẫn những giới hạn tất nhiên mà trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, khó tránh khỏi:
 Phương tiện tương đối đang được sử dụng để bàn về những chân tính tuyệt đối như Thượng Đế và Tánh Không là ngôn ngữ.  Trong khi đối với tinh thần truyền thừa của Phật giáo, ngôn ngữ được xem là phương tiện “hữu lậu” (lỏng lẻo, rơi vãi, không mô tả hết được bản chất đích thực) dễ gây ra nhiều hiểu lầm và biên kiến nhất.  Một nghệ sĩ vận dụng ngôn ngữ thi ca tài hoa của dân tộc, đồng thời cũng là một thiền giả như cụ Nguyễn Du đã phải thú nhận sự bất lực của ngôn ngữ khi đọc kinh Kim Cương luận về Tánh Không:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ
Chung tri: vô tự thị chân kinh.

Kim Cương đọc đến ngàn lần
Mông lung ảo diệu như gần như xa
Thạch Đài đến đó hiểu ra:
Không lời không chữ mới là chân kinh (TKĐ)

Hai cột mốc ghi dấu ấn đậm nhất trong lịch sử thiền tông Phật giáo Trung Quốc mà Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm hơn cả là sự xuất hiện của Sơ Tổ Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng thì cả hai đều khẳng định sự bất lực của ngôn ngữ: “Không dùng kinh văn.  Ở ngoài chữ nghĩa. Thẳng tới chân tâm. Thấy tánh thành Phật.”
Trong khi đó, tất cả các hệ thống tôn giáo khác đều cần một đấng thần linh cao cả nhất như Thượng Đế, Vua Trời, đấng Toàn Năng, thần Tối Cao… cùng với một pho Thánh Kinh, một nhà Tiên Tri và thường khi có thêm phép lạ. Đạo Phật phủ nhận một nguyên nhân đầu tiên sáng tạo ra muôn vật và hệ luận tất nhiên là không hề có một đấng thần linh uyên nguyên và chủ tể nào đứng ra sáng tạo muôn vật, muôn loài như thế.
Bởi vậy, trong sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, Đạo Phật không hướng lên trên, không vọng ra ngoài cầu xin ơn cứu rỗi của một tha lực đầy quyền năng hay tối thượng nào cả mà chủ trương quay vào bên trong để tìm tòi, soi rọi, nhận ra và tiếp cận với "đấng" cao cả nhất nằm trong chính mình:  Đó là chân tâm, là Phật tánh, là bản lai diện mục, là tự tánh thường hằng, là thật tánh tuyệt đối…hay nói cho đơn giản hơn là sự hiểu biết rạch ròi về Sự Thật. Đó chính là cái Thật Tuyệt Đối của mỗi con người mà mọi cá thể chúng sinh và vạn vật nói chung đều có sẵn từ cội nguồn của sự hiện hữu trong dòng sống trôi chảy triền miên từ điểm không-có-khởi-đầu đến điểm không-có-kết-thúc. Đấy không phải là một sự phủ định theo cái hiểu máy móc đời thường mà là một sự minh định, một sự xác tín từ trạng thái “ngỡ như là” của giả tướng để tìm đến bản thể “thực là”của thật tánh nơi mọi loài và mọi vật.  
Và, đây cũng chính là điểm then chốt cho những người muốn xây dựng luận cứ cho rằng, đạo Phật không phải là một tôn giáo mà là một hệ thống triết lý vì 4 lý do:  (1) đức Phật không phải là một đấng thần linh và đạo Phật không tin vào một Thượng Đế; (2) đạo Phật giúp con người giác ngộ (enlightment) chứ không phải là cứu rỗi (salvation); (3) đạo Phật chủ trương vô ngã (nonself) và phủ nhận sự hiện hữu của linh hồn bất biến, thường tại; (4) đạo Phật không chinh phục và thuyết phục người theo bằng bùa chú, tín điều hay phép lạ.[7]
Nơi đây, cũng nên dừng lại một chút để nhìn về đạo Phật như một tôn giáo.
Trong chánh niệm tánh không và duyên khởi, lý nhà Phật tin vào nguồn năng lượng vô biên của hợp duyên.  Đó là nguồn năng lượng do sự kết tập qua nhiều đời nhiều kiếp mà thành.  Đó chính là “nhiên liệu” kích hoạt động cơ của mọi hành động tạo nghiệp, hành nghiệp hay giải nghiệp.  Với những bậc đã tu chứng từ vô thủy thì nguồn năng lượng lành không đong đếm nổi.  Đó là cái “suối nguồn nhiên liệu tâm linh” cảm ứng khắp mọi thời, mọi nơi và mọi hoàn cảnh.  Chư Phật và chư Bồ tát là hiện thân của kho năng lượng lành.  Khi có người thành tâm cầu xin, tức là “giải mã” để mở khóa cho nguồn năng lượng lành tuôn vào nơi đang cạn kiệt.  Ví như lửa, điện, nước, sóng từ trường... có sẵn thường trực khắp nơi nhưng chỉ xuất hiện thành mây, mưa, sấm, chớp, hút, đẩy... khi có một điều kiện hợp duyên nào đó đưa tới.  Đức Phật thường nhắc đến hằng hà sa số chư Phật và chư Bồ tát trong ba nghìn thế giới.  Do vậy, đạo Phật là một tôn giáo “hơn cả tôn giáo” với kho năng lượng lành phong phú không thể nghĩ, bàn theo tính cách đời thường.  Sự giao hưởng tâm linh giữa người thường và đối thể ẩn chứa năng lượng lành (thường hiểu như thánh thần) hoàn toàn không vắng bóng trong đạo Phật.
Trong sinh hoạt văn hóa toàn cầu, cho đến đầu thế kỷ 20, các hệ thống thần học   phương Tây vẫn có khuynh hướng chủ động và chủ quan làm “phán quan” trong việc định nghĩa những khái niệm nhân văn theo những tiêu chuẩn và hệ thống giá trị truyền thống của chính họ.  Đặc biệt là khái niệm về Thượng Đế và tôn giáo.  Những ý niệm nào không vừa vặn với định nghĩa theo thước, tấc, phân, ly của họ đều bị coi là… dị giáo, là ngoại đạo cần phải bị loại trừ.
Nếu khái niệm về Thượng Đế mang ý nghĩa như là sự trả lời cho một câu hỏi đã có từ khi loài người sinh ra trên trái đất nầy, rằng: “Ai/nguyên nhân/năng lực/vị thế... Đầu Tiên sinh ra vũ trụ và vạn vật, con người; và, con người sẽ biến mất như cát bụi hay còn tồn tại dưới một dạng thức nào khác sau khi chết, thân xác tan rã, thời gian trôi qua...?” thì Phật giáo cũng có một “ Thượng Đế” riêng.  Đó là vạn vật đều không có một tự tánh riêng thường hằng bất biến (Không Tánh).  Nhưng khi những vật không có tự tánh đó gặp nhau và hợp lại với nhau trong những điều kiện nào đó thì sẽ tạo ra một hợp thể mới (Duyên Khởi).  Tất cả đều quay theo vòng sinh diệt của quá trình thành, trụ, hoại, không từ vô thủy đến vô chung.  Con người cũng như mọi loài có sinh có chết đều tồn tại dưới một dạng năng lượng “chủng tử” và biến hiện không ngừng trong dòng sinh diệt đó.  Như thế, Thượng Đế của đạo Phật (nếu cần phải gọi theo ngôn ngữ quy ước của lý tính phương Tây) chính là Duyên Khởi.  Vũ trụ, vạn vật được tạo nên hay hủy diệt là do duyên khởi và duyên hợp hay duyên tan qua vô số hình tướng hợp thể giả tạm, tuyệt đối không có tự tánh thường hằng bất biến.  Mahatma Gandhi, người tin vào Thượng Đế Ấn Độ giáo từng nhận định rằng: “Đạo Phật không phủ nhận Thượng Đế nhưng định nghĩa Thượng Đế theo cách riêng của mình.”  Nhà vật lý lừng lẫy nhất thời hiện đại, giáo sư Stephen Hawking, qua tác phẩm hàn lâm khoa học Sự Tạo Tác Vĩ Đại (The Grand Design) vừa xuất bản đã làm chấn động “tư tưởng sáng thế” toàn cầu khi xác định rằng, không có một đấng uyên nguyên nào đứng ra sáng tạo vũ trụ cả.  Toàn thể vũ trụ được sáng tạo ra từ những thành tố không mang tính chất tiền định.  Vô hình chung, Hawking và đạo Phật gặp nhau vừa vặn trong cuộc hành trình của tư tưởng khoa học nhân loại dài hơn 25 thế kỷ!

Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc
Phần 3: Ngày Tàn của đạo Phật (?!)

Theo NHL thì giới trí thức Phật giáo đang bỏ dần đạo Phật vì thất vọng trước một hệ thống giáo lý không còn hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu tâm linh thời đại(!).  Chẳng rõ khi nêu lên nhận định mang tính quyết đoán nầy, NHL có căn cứ trên những dữ kiện khả tín nào không hay cũng chỉ là một lối phỏng định theo cảm tính thuần triết học của hình ảnh Heraclite ở truồng cố tắm trên dòng sông... “đương niệm hiện tiền”. Nhưng nếu chỉ xét về khía cạnh “chính danh” mà thôi thì đã thấy có điều không ổn về nhóm chữ “trí thức Phật giáo”.  Theo NHL thì “trí thức Phật giáo” là ai?  Là những người có bằng cấp đại học, có học hàm, học vị cao theo đạo Phật nhưng chẳng hiểu gì về đạo Phật? Hay là những người có trình độ học vấn cao, đồng thời cũng hiểu giáo lý nhà Phật? Hoặc là những cư sĩ, thiện tri thức đã biết và thực hành pháp môn tu học đạo Phật?  Hay là những người nghiên cứu đạo Phật sâu rộng nhưng chỉ cỡi ngựa xem hoa chứ chưa bao giờ hành hoạt tu trì?  Thế nhưng dẫu họ là ai thì điểm then chốt ở đây vẫn là nhu cầu tâm linh.  Và nhu cầu tâm linh thực sự của họ trong thời đại ngày nay mang ý hướng và nội dung như thế nào?
Hãy khoan đi vào những ngõ ngách tâm lý, luận lý và triết lý nhiêu khê trong rừng thiền bạt ngàn của Phật giáo và xin tạm hình dung ra một trí thức Phật giáo theo nghĩa bình thường. Đó là một người có tầm hiểu biết tương đối rộng, có cách nhìn và nhận xét vấn đề phải chăng và có đủ khả năng nhận thức được những khái niệm cơ bản giáo lý nhà Phật.  Người ấy đến với đạo Phật như tìm về một suối nguồn tâm linh và tư tưởng bằng tinh thần tìm cầu tu học chứ không phải dựa vào đạo Phật để mưu cầu lợi ích kinh tế hay tìm sự hỗ trợ chính trị cho bản thân, cho nhóm phái ồn ào lửa rơm cơm cháy nhất thời.  Người đó sẽ tìm gì từ tôn giáo? Sự che chở, hứa hẹn, phép lạ, cứu rỗi... chăng?  Nếu chỉ có thế thì chỉ là tín đồ, con chiên ngoan đạo chứ đâu cần phải vận dụng vai trò người trí thức.  Người đi tìm kho kiến thức phong phú, tìm cách lý giải nguyên lý cuộc đời và nguyên tắc sống chăng?  Nếu thế thì làm học giả chứ đâu cần tới cái gọi là “trí thức Phật giáo”!
Và nếu nhìn tổng quan lý thuyết Phật giáo như một trò chơi chữ viễn mơ thì đó một trí thức Phật giáo chưa thành! 
Hiện tượng “trí thức Phật giáo từ bỏ đạo Phật...” như nhận định của NHL không thực sự xảy ra trên thực tế trong cũng như ngoài nước; kể cả Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới.  Nếu có chăng một mớ hiện tượng “thoái trào” của giới trí thức thuộc nhiều tôn giáo nhưng Phật giáo chiếm đa số là hiện tượng “phiêu lưu thám hiểm” tôn giáo đã xẩy ra vào những năm 1980 tại hải ngoại.  Đấy là hiện tượng một số người Việt, tương đối còn trẻ, có học vị cao về “Tây học” nhưng thiếu sự hòa điệu và tiếp cận với ngọn nguồn và gốc rễ văn hóa Việt Nam vì được du học hay di cư ra nước ngoài ở lứa tuổi còn non.  Một vài nhóm trí thức trẻ nầy dấy lên phong trào theo học các pháp môn “chế biến Thượng Đế” của một số hiện tượng nhất thời như pháp môn Quán âm, Vô vi, Nhân điện, Linh quang, Thiền cách tân gồm nhiều tên gọi và nhánh phái.  Sự xôn xao thời 1980 nhạt dần trong thập niên 1990 và gần như vắng bóng trong thập niên 2000.
Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng nhiều trí thức Phật giáo ngày nay chọn sinh hoạt Phật sự ở nhà thay vì đến chùa như thường lệ. Thái độ không đến chùa sinh hoạt thường xuyên và trực tiếp với “tăng bảo” hoàn toàn không đồng nghĩa với hành động bỏ đạo hay cải đạo. Điều nầy xuất phát từ 5 lý do chính:
Một là, do phương tiện truyền thông hiện đại quá phong phú.  Người ở nhà cũng có thể tham gia đàm luận, tu tập, nghe pháp, thăm viếng chùa viện qua hệ thống vi tính.
Hai là, do hệ thống tổ chức của giáo quyền tan rã và bất lực.  Mỗi chùa có một vị trú trì và một đạo tràng riêng, độc lập về mọi mặt tổ chức, kinh tế, tài chánh, lễ nghi, tu học mà nếu cần, có thể tự đặt tên, xưng danh và sinh hoạt như một “giáo hội” riêng biệt hoàn toàn hợp pháp trong bối cảnh xã hội phương Tây.
Ba là, hiện trạng tăng già chống báng nhau làm Phật tử mất niềm tin và nản lòng trước những lời nói pháp hay ho nhưng không được hành hoạt gắn liền với thực tế.
Bốn là, truyền thống lễ nghi và lễ nhạc Phật giáo Việt Nam đang bị “phát huy” một cách tùy tiện, tự phát và mang nặng tính trình diễn hời hợt do hàng tăng ni cao niên và tuổi trẻ thiếu sự hợp tác cần thiết trong vai trò chủ động lễ nghi tôn giáo.  Trong lúc nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt và tu học đang cần đến là: Dụng phương tiện nghi thức, lễ nhạc hài hòa, thống nhất và đồng bộ Hoằng dương Phật pháp.
Năm là, sự bế tắc về một khả năng hóa giải những dị biệt trong cộng đồng Tăng lữ vì mặc cảm (tự tôn là chính) và định kiến (khuynh hướng chính trị; viễn kiến bảo thủ và cấp tiến).  Thời đại mới nhưng bản chất cũ: Không chấp nhận và thỏa hiệp với sự khác biệt để hóa giải, khăng khăng bảo thủ cái riêng của mình là đúng.
Một trí thức Phật giáo, cư sĩ Minh Tâm viết: “Chưa bao giờ giới trí thức Phật tử Việt Nam thuộc thế hệ cao niên lại đón nhận suối nguồn tư tưởng và các pháp môn tu học, di dưỡng tinh thần của Phật giáo nhiệt tình và đông đảo như trong thời đại ngày nay.  Triết lý nhà Phật làm thỏa mãn những nhu cầu tri thức của giới học thuật thời đại vì bản chất tự do, phóng khoáng trong cả Kinh và Luận.  Từ mức độ thực tiễn đời thường đến nhu cầu “vô thượng thậm thâm” của tri thức, kinh điển nhà Phật đều đáp ứng linh hoạt và sinh động.
 Tuy nhiên, không ít những trí thức Phật giáo Việt Nam hiện nay càng có cái Tâm quy ngưỡng đạo Phật mạnh mẽ chừng nào, lại càng tìm cách quay lưng với việc ‘Phật sự’ ở các chùa chiền người Việt chừng ấy. Thậm chí họ xa lánh chư Tăng, Ni và bạn đạo bởi họ không còn chịu đựng nỗi cảnh chùa chiền bị biến thành những trung tâm quyên tiền, gây quỹ còn thô phàm hơn là cảnh thương mãi ngoài đời. Nhiều trí thức Phật giáo khác thất vọng và giảm lòng quy phục các ‘trưởng tử Như Lai’ lại không nương theo đường hướng của đấng cha lành.  Giới tăng lữ Phật giáo Việt Nam làm công cụ cho phàm nhân hay tệ hơn nữa là biến tướng thanh phàm nhân chia phe, kết phái nói xấu nhau, bêu riếu nhau trên đài, trên báo, biến cảnh thiền môn thanh tịnh thành cảnh chợ trời hỗn loạn. Tuy nhiên, trong cảnh chợ chiều náo loạn đó, may thay, vẫn còn nhiều đài sen vô nhiễm. Xin quy kính đảnh lễ quý chùa chiền tu viện và chư Tôn đức Tăng Ni vẫn còn giữ được thiền môn thanh tịnh, giới luật nghiêm minh, tâm bồ đề kiên cố...”
[8]
Một trí thức Ki Tô giáo ở nước ngoài cũng nhận định:
“Tới mấy thế kỷ vừa qua và hiện nay, Thiền đi tiếp con đường linh hướng của nó trên khắp thế gian, khi bắt gặp những tâm hồn đồng điệu ở chốn trời tây. Thiền chinh phục các vùng đất xa xôi và thâm nhập sâu rộng hơn vào sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của người phương tây. Thiền không còn chỉ là cốt lõi của văn hóa á đông mà đang trở thành duyên hội ngộ, chốn đồng cảm trên khắp năm châu thế giới. Cái thanh tĩnh, vô ngã và như nhất trong Thiền nay lan tỏa và góp phần qui nguyên loài người trở về đại đồng huynh đệ.” [9]
Giới trí thức Phật giáo vẫn còn đó với tín tâm vào Đạo Pháp không hề thối chuyển; nếu không muốn nói là càng phát huy mạnh mẽ hơn do sự chín chắn của tuổi tác và mức độ trải nghiệm với thực tế.  Không chấp nhận những hình thái thế quyền và giáo quyền phi Phật giáo hoàn toàn không đồng nghĩa với sự phủ nhận Phật giáo. Chối bỏ những dòng sông vẩn đục không có nghĩa là từ bỏ đại dương trong xanh.
Theo nhận định của Allen Carr trong bài điểm sách nói trên thì các nhà truyền giáo Tin Lành đang gặp phải những bức tường bảo vệ kiên cố của đạo Hồi ở Trung Đông và châu Phi, “vòng đai thánh kinh” đã có sẵn ở châu Mỹ, chiếc nôi đạo Chúa ở châu Âu nên hướng tiến còn lại của những binh đoàn truyền giáo lắm của nhiều người là châu Á. Nơi mà đa số người dân theo đạo Phật với đời sống tâm linh từ bi, hiếu hòa, bất bạo động.  Dụng công tiếp cận với bất cứ nhóm dân tộc theo Phật giáo nào, Hattaway cũng tìm thấy khả năng đầy triển vọng cho việc vận động quần chúng tập thể bỏ đạo Phật để cải sang đạo Chúa.  Công cuộc vận động truyền đạo để cải đạo được áp dụng và ứng xử liên tục, quyết đoán đã khai diễn.  Các phương tiện khả thi đều được áp dụng triệt để từ việc liên kết với các nhóm kinh tế, từ thiện đến khả năng tranh thủ sự hỗ trợ từ phía chính quyền các cấp...
Đạo Phật sẽ có một ngày tàn hay không?
Tất nhiên là có.  Đó là một chân lý khách quan đã được khẳng định trong tiến trình tất yếu của “Thành, Trụ, Hoại, Diệt”.  Thế lực tâm linh hay phàm tục nào đi ngược lại tiến trình khách quan nầy là tự đánh lừa, bị đánh lừa hay chủ tâm đánh lừa một đối tượng khác vì bị vô minh che lấp hay vì thiếu lương thiện. Diệt... trong khái niệm về tiến trình duyên khởi của đạo Phật là một sự biến tướng sinh khởi trùng trùng bất tận chứ chẳng có gì còn mà cũng chẳng có gì là mất tương tự như nguyên lý Bảo Toàn Năng Lượng trong khoa học hiện đại.  Như nước, hơi, mây, mù, mưa, sông, suối, biển cũng chỉ là biến tướng của duyên hợp, duyên tan, duyên tàn, duyên tận, duyên khởi, duyên sinh… đời đời như thế.  Ngày nào tiến trình sinh diệt này chấm dứt bằng sự giác ngộ viên mãn, ngày đó đạo Phật không còn cần thiết nữa và tự... “tan hàng” chứ chẳng cần có sự cải thể hay giải thể nào cả.  Đó là ngày vô minh đã được khai sáng, ngày sự đau khổ không còn hiện hữu và ngày mà tất cả chúng sanh đều đã tới được bến bờ giác ngộ… Paramita!   
 Tốc độ của dòng chảy thành, trụ, hoại, diệt nầy nhanh chậm như thế nào và khi nào mới thật sự diễn ra?
 Chỉ một chớp mắt là đã có vô vàn sự sinh diệt diễn ra ở mức độ một tế bào, một vật thể, một sinh thể, một thế giới, một vũ trụ hay cả tam thiên đại thiên thế giới.  Dòng luân lưu của những sát na sinh diệt tiếp diễn từ vô thủy đến vô chung.  Mai kia – một nháy mắt sau, tuần tới hay vô số tỷ tỷ năm sau – ví thử trái đất nầy bị một biến động vũ trụ làm tan tành ra tro bụi, cho dù cõi Ta Bà nầy có tan thành mây khói thì tam thiên đại thiên thế giới vẫn trường tồn, thường tại luân lưu.  Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một tia sáng trong biển hào quang của hằng hà sa số chư Phật.  Khái niệm “tàn” và “tận” của pháp thế gian là cái nhìn đom đóm dưới ánh mặt trời.
 Cho nên, với đạo Phật thì hiện tượng mất, còn chỉ là giả tạm. Cái nghiệp – thiện ác đáo đầu chung hữu báo – mới đeo đẳng người ta như bóng với hình.  Đeo mãi cho đến ngày… đoạn nghiệp.  Nghiệp, không phải là nụ hôn hay cái tát; không phải là ân đền oán trả từ đâu tới vu vạ, nằm đó mà chờ .  Nghiệp là hợp lực, cộng mạng ở ngay chính trong ta từ thời vô thủy của thân mạng nầy nên không ai có thể trốn nghiệp hay thoát nghiệp cả.
 Giải phóng trong đạo Phật không phải là biến tướng, đổi màu mà là giải nghiệp.  Mèo đen, mèo trắng, mèo vàng… thì cũng chỉ là giống mèo biến tướng.  Nô lệ da đen, nô lệ da trắng, nô lệ da vàng… thì cũng chỉ là kiếp nô lệ thay màu.  Sự giải phóng của đạo Phật là giải thoát, thoát kiếp tử sinh, chấm dứt dòng luân hồi đòi đoạn chứ không phải biến cảnh tôi đòi trần gian ra cảnh tôi đòi… viễn mộng!
 Tuy vạn pháp sinh diệt không ngừng, nhưng chuẩn đích vẫn là thấy được và tìm cách tới được bến bờ giác ngộ.  Pháp thế gian nhìn thấy cảnh núi là núi sông là sông qua đôi mắt trần phàm tục.  Pháp quán thế gian nhìn thấy bản chất của núi và sông qua tu học và quán niệm.  Pháp xuất thế gian nắm bắt được thật tánh của núi và sông qua chứng đạo.  Khi đã chứng đạo giác ngộ giải thoát rồi thì đạo Phật không còn cần thiết nữa.  Tam tạng kinh điển cũng trở thành chiếc bè qua sông cần vất bỏ đi.  Với trí tuệ bát nhã thì “trong Không là sự rỗng lặng tuyệt đối: Không sinh, không diệt, không sạch, không dơ, không tăng, không giảm”.  Như thế, nói rằng đạo Phật còn, đạo Phật mất hay đạo Phật lụi tàn cũng chỉ là huyễn hóa như nhau!  Bản thể của đạo Phật không bị dính mắc vào những phương tiện của một thời, một cõi nào đó; dẫu cho cõi đó là Phật, Pháp, Tăng... mà tất cả là Tánh Rỗng Lặng.
Sự lăn xả vào nỗ lực tấn công Phật giáo để tranh thủ kiếm người cải đạo giữa các thế lực tôn giáo đông người lắm của hiện nay trên các vùng đất nóng bỏng của thế giới là một cuộc mua bán và đổi chác linh hồn đầy lẩn quẩn của nhiều thế kỷ trước. Viễn ảnh “cao trào” hay “thoái trào” có thể thấy rõ qua lăng kính “nhân quả đồng thời”.  Trong nhân đã có quả.  Bạo phát thì bạo tàn. Trong từ bi đã có mầm có giải thoát. Trong áp đặt, mua chuộc đã có mầm nô lệ, phản tỉnh. Muôn triệu sinh linh bị níu kéo dính chùm trong khu vườn tâm linh tập thể sao bằng những cánh chim hạnh phúc đang tung bay trong bầu trời tự do, an lạc.

Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc
Phần 4:  Tánh Phật giữa đời thường

Lịch sử văn minh của loài người, từ Thượng cổ đến thời kỳ vệ tinh, nguyên tử, vi tính hôm nay là một cuộc chiến đấu vươn lên không ngừng.  Hết thảy mọi biến cố lớn nhỏ đều xuất hiện quanh hai thế giới song hành: Thế giới vật lý giữa đời thường và thế giới tâm linh tôn giáo.  Tôn giáo là một tập đại thành những tinh hoa và tính hướng thượng của đời sống tinh thần. Tự bản chất, tôn giáo nào cũng nhằm hướng con người đến Chân và Thiện.  Nhưng động lực xoay chuyển bước đi của tôn giáo lại là con người.  Con người lại là con vật chiến tranh.  Sự tương tranh, giành giật địa bàn và quần chúng cho mục đích tôn giáo là cả một quá trình đầy máu lệ vì người ta đã nhân danh Chân mà làm điều dối gạt và nhân danh Thiện mà làm điều ác xẩy ra khắp nơi trên mặt địa cầu nầy.  Vì thế, chiến tranh tôn giáo có khi còn gây ra nhiều tang thương và dai dẳng hơn cả chiến tranh dành quyền lực thống trị đời thường. Từ những cuộc chiến “Tô-Tem” giữa các bộ lạc cổ sơ đến những cuộc Thập Tự Chinh thời Trung Cổ và muôn vàn hình thức Thánh Chiến tử đạo, triệt đạo, truyền đạo và cải đạo ngày nay có vẻ như mỗi ngày một leo thang gay gắt hơn xưa.  Với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại, càng ngày sự giao lưu càng dễ thì địa cầu càng nhỏ lại.  Đất sống càng nhỏ thì sự cạnh tranh “thị trường bành trướng tâm linh” càng trở nên quyết liệt và bất chấp hơn...
Giữa những cơn sóng gió trầm luân ấy, đạo Phật từ khi xuất hiện cho đến thời điểm nầy, vẫn còn đứng ngoài mọi hình thức tranh chấp tôn giáo và thế cuộc.  Trong lịch sử lâu dài của Phật giáo Đông Tây, điểm son sáng chói nhất của đạo Phật là sự nhất quán về tinh thần từ bi, hỷ xã, phá chấp, vô ngại.  Cũng đã có những thời kỳ mà đạo Phật bị các thế lực thế quyền và thần quyền thù nghịch bức hại, tàn sát, tiêu diệt:  Chùa viện, tượng đài bị phá tán; kinh điển bị thu hồi và thiêu hủy; tăng lữ, tín đồ bị giết chóc.  Thế nhưng chưa bao giờ lịch sử để lại một trường hợp phản ứng bạo động có dính dấp tới hận thù, xương máu nào của Phật giáo dưới hình thức chiến tranh tôn giáo.  Phải chăng nhờ bản chất hòa bình và an lạc đó mà Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay và tiếp tục lan rộng đến những vùng đất Âu Mỹ; trong lúc những tôn giáo khác cùng quê hương phương Đông như Ấn Độ giáo, Thần đạo Nhật, Khổng giáo, Lão giáo, Mayan... vẫn không tiến ra khỏi vùng đất phát sinh.
Tôn giáo là một nguồn suối tâm linh.  Tìm đến với đạo Phật là tìm về một suối nguồn an lạc nội tại:  Không so sánh to nhỏ, không tính toán hơn thua, không phân biệt ta người, yên tâm trong một dòng chảy bình an và tự tại.  Đức Phật đã cho rằng, tất cả các pháp thế gian đều là Phật pháp.  “Phật” ở đây chẳng phải là pháp vị của một đức Phật nào cá biệt trong hằng hà sa số chư Phật mà đó là “tánh phật” – không viết hoa – là tánh thật tự tại có sẵn trong mọi loài và mọi người.  Thế gian xưa nay lớn nhỏ mới có chừng một trăm tôn giáo.  Mỗi tôn giáo nhìn về vũ trụ, thế giới và con người theo một phương cách khác nhau. Bằng tuệ giác của tánh thật, đạo Phật không những nhận ra có tám vạn bốn ngàn mà là vô số pháp môn, vô số cách nhìn và cách ứng xử khác nhau.  Vào cửa Phật mà còn bị chận lại bởi phương tiện môn là chưa tìm ra khóa để tự mở ngõ mà vào.
 Ngày nào mà một tôn giáo còn biến tướng thành một “cao trào” hay một “thoái trào” như những biến cố chính trị và thương mãi dấy lên hay xẹp xuống theo thời cơ thì ngày đó tôn giáo chỉ còn là cái vỏ rùa khô cho con người lợi dụng trang trí.  Nếu nói theo những nhóm từ “thoái trào hay cao trào” kiểu Nguyễn Hữu Liêm thì đấy chỉ là hiện tượng bề mặt nổi sinh hoạt của một cuộc xuống đường hành hương ồ ạt – tốc tụ, tốc tán; bạo phát, bạo tàn –  của những người theo một tôn giáo nào đó trong một thời điểm nào đó chứ chưa phải hình ảnh hay hiện trạng thực sự của tôn giáo đó.
Trên quan điểm tôn giáo tiến bộ ngày nay, nếu có chăng sự “cạnh tranh” giữa các tôn giáo là trọng tâm về phẩm chất và phẩm cách chứ không phải về số lượng và lực lượng. Một tôn giáo bạn như Tin Lành mà NHL đề cập trong bài viết chẳng hạn, nếu thực sự tạo nên đà phát triển lớn mạnh mà không làm phương hại tới ai và bằng phương tiện nhân văn, ý hướng nhân bản thì ít ra, đó cũng là một phương tiện tích cực vì thông thường xưa nay, khi nhà chùa, nhà thờ, nhà trường mọc lên thì nhà tù, nhà giam, nhà chứa giảm xuống.
Sau ngày mừng Xuân Tân Mão 2011, bài viết Lên Kế hoạch Ngày Tàn Phật giáo của Allen Carr được phổ biến rộng rãi trong môi trường truyền thông báo chí Phật giáo trong và ngoài nuớc.  Phản ứng của quần chúng Phật tử khá sôi nổi.  Nhưng nóng bỏng nhất  là luồng ý kiến “vận động quốc tế chống cải đạo”.  
Khi nói tới hiện tượng truyền đạo và cải đạo quyết đoán và xông xáo nhất, người ta nghĩ ngay đến chiếc nôi của “văn hóa cải đạo” là Hoa Kỳ.  Ai sống ở Mỹ lâu năm mà không quen thuộc với hình ảnh của những nhóm người hoạt động tôn giáo không bao giờ mõi mệt, đi gõ cửa từng nhà để nói chuyện truyền đạo và cải đạo.  Dẫu cho bạn có ưa hay không thì khó có thể phủ nhận sự kiên nhẫn và thái độ “tốt bụng” của họ.  Thật ra, họ không phải là sản phẩm của tôn giáo mà là phó sản của hình thái “văn hóa football” và “văn minh quảng cáo”.  Trong môn chơi football, cầu thủ phải chế ngự đối thủ, lăn xả lên hàng đầu, lấn từng tấc đất để thủ thắng.  Trong kỹ thuật quảng cáo phải rao bán hết mình, hạ thủ các đối tượng cạnh tranh, kết quả lợi nhuận sẽ biện minh cho phương tiện.  Trên đất Mỹ, người ta đã nhẵn mặt với những sinh hoạt xã hội hằng ngày như thế.  Nhưng nếu xuất cảng ra nước ngoài có khi lại rất “ăn khách” và tạm thời được việc vì sân chơi còn mới mẻ và giới tiêu thụ chưa có kinh nghiệm.
Những Phật tử cũng như những người thuộc các tôn giáo khác trên đất Mỹ chẳng có ai bận tâm về chuyện “thường ngày ở huyện” như truyền đạo, cải đạo.  Lý do là tại vì con người ở Mỹ dư thừa cơm áo và có một trình độ dân trí tương đối cao.  Sự độc lập kinh tế và vững vàng về tri thức khiến việc lựa chọn đời sống tôn giáo vừa chủ động, vừa tích cực lành mạnh, chẳng có ai bị lôi kéo hay đủ khả năng lôi kéo “theo đạo”.  Trong một xã hội văn minh, tôn giáo là phương tiện tâm linh của con người chứ không ai áp đặt để biến con người thành phương tiện của tôn giáo cả.
 Phương tiện tự nó chẳng có tội tình gì. Con dao, tự nó, không có công mà cũng chẳng có tội. Tội hay công là do người dùng nó để giết người hay cứu người mà thôi. Tôn giáo, phần lớn và nói chung, là một phương tiện tốt.  Nhưng tác dụng xấu hay tốt là do người hành xử. Cũng tương tự như thế, quá trình truyền đạo và cải đạo là một phương tiện sinh hoạt bình thường của nhiều tôn giáo. Nhưng nó chỉ trở thành một hình thái chuyển hóa tâm linh thô bạo và độc đoán khi có kẻ biến nó thành một loại vũ khí để chặt đứt dòng sống thiện của người khác đang thành tâm thực hành tôn giáo, hay không tôn giáo của người ta. Bứng con người  ra khỏi gốc lành để kéo họ vào con đường khác bằng ảo tưởng vọng tín, bằng tiền của vật chất, bằng hứa hẹn hão huyền là một tội ác tâm linh.  Nó có thể hợp pháp, hợp với chuyện cung cầu cơm áo đời thường, nhưng lại không xứng hợp nhân luân và đạo lý làm người; nhất là với người có đức tin tôn giáo.
 Trước những nguồn thông tin khá sôi nổi về chuyện truyền đạo, cải đạo ở quê nhà; đặc biệt là những vùng quê, vùng cao, vùng sâu nghèo khổ... phản ứng của giới Phật tử trong và ngoài nước tuy rất khác nhau về mức độ, nhưng tựu trung cũng rơi vào một trong hai tuyến nhân vật, xin tạm quy về hai khuynh hướng cổ điển là bảo thủ và cấp tiến:
 Khuynh hướng bảo thủ:  Dè dặt và vô ngại.  Những vị theo khuynh hướng nầy cho rằng, đạo Phật lấy tinh thần từ bi, hỷ xả làm đầu nên cứ hoan hỷ chấp nhận bất cứ sự việc nào xảy ra và nên “thương hại” những thế lực nào muốn ra tay đánh phá Phật giáo.  Lời nhận định của cư sĩ Thái Liên Hoa: Từ bi mà thiếu trí tuệ thường đưa tới thái độ dễ dãi thỏa hiệp bề mặt, nặng tính trình diễn hơn là phát khởi từ chánh niệm.  Chánh niệm không phải là ngồi yên gỏ mõ tụng khinh, mủ ni che tai mà phải biết dụng công cải tà quy chánh; dụng chánh đuổi tà.
 Khuynh hướng cấp tiến: Xông xáo và quái ngại.  Những vị theo khuynh hướng này cho rằng, cải đạo là vi phạm quyền tự do tâm linh của con người. Vì vậy họ đề nghị những phương tiện “phản công” chống cải đạo như phát hành tài liệu sách báo và vận động dư luận quốc tế chống cải đạo.
Lời nhận định của cư sĩ Thái Liên Hoa:  Cổ thư có dạy, muốn giữ thành cho vững thì phải giữ vững lòng tin của người trong thành trước đã.  Khi tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu, thiền môn thanh tịnh thì đạo Phật hưng thịnh.  Đạo Phật hưng thịnh làm sáng niềm tin, khi đó chẳng cần chống ai cả mà những vọng ngữ và vọng động phi Phật giáo sẽ tự lụi tàn.
 Thái quá và bất cập đều dễ đưa tới cực đoan, vọng động và vọng nghiệp.  Con đường phong quang và tinh túy nhất của đạo Phật là Trung Đạo.  Có trí tuệ để nhìn đúng mới biết làm đúng.  Có từ bi để thương yêu mới biết sống cho và sống với.  Có hỷ xả để vui mới giữ được tâm an lành và hạnh phúc.  Hoa sen vẫn nở được trong biển lữa. Hỷ xả được trong mọi hoàn cảnh để giữ tâm bồ đề kiên cố, phát huy năng lực hoằng pháp độ sanh bất thối chuyển chính là hạnh Dũng tuyệt vời trong tam pháp hạnh Bi, Trí, Dũng của người Phật tử.
 Trước câu hỏi:  Phật giáo Việt Nam đang lụi tàn hay khởi sắc (?!)
 Nếu nói chung tình hình đạo Phật trên toàn thế giới thì câu trả lời quá rõ ràng.  Khoa học kỹ thuật càng tiến bộ, môi trường truyền thông đại chúng càng phát triển, tư tưởng của con người càng tự do và tâm linh nhân loại càng vươn lên cao hơn sự trói buộc của thần quyền và mê tín dị đoan thì đạo Phật càng được cả hai thế giới phương Đông và phương Tây càng đánh giá cao về cả 3 phương diện: tự do, nhân bản và khoa học.  Đặc biệt bản chất từ bi, chánh kiến hòa bình và tinh thần an lạc của Phật giáo là vốn quý của nhân loại toàn cầu trong một thế giới dẫy đầy chiến tranh, bạo loạn và xung đột như ngày nay.
 Nếu nói về mặt triết lý thì sự lụi tàn hay khởi sắc của vạn pháp chỉ là sự biến tướng do nhu cầu hình tướng bên ngoài. Đó chỉ là ảo ảnh.  Mọi sự cố xảy ra đều do duyên khởi. Tánh Phật là Tánh Không.  Không có tự tánh thì lấy gì để còn hay mất, khởi sắc hay lụi tàn.
 Tuy nhiên, hình tướng vẫn phải trải qua sinh diệt.  Dẫu cho một nghìn năm cõi trần chỉ bằng một chớp mắt trên cung trời Đạo Lợi thì tất cả đều phải trải qua Đương niệm Hiện tiền (the very existing flash). Trong chớp mắt “đương niệm hiện tiền”này, có mặt Phật giáo Việt Nam.
 Riêng về Phật Giáo Việt Nam hải ngoại, theo nhà nghiên cứu Phật giáo Thiên Trúc hiện đang làm việc cho phân viện nghiên cứu tôn giáo thuộc cơ quan PEW, một “think tank” lớn nhất của Hoa Kỳ về tôn giáo, thì hiện nay có khoảng 345 ngôi chùa, trung tâm thiền học và viện nghiên cứu Phật giáo của người Việt Nam tại nước ngoài.  Có khoảng 1500 tăng ni người Việt thuộc các bộ phái, pháp môn khác nhau đang hành đạo ở hải ngoại.  Trong số đó có hai phần ba là tu sĩ trẻ.  Nhìn chung, tu sĩ và tín đồ Phật giáo Việt Nam hiện đang có từ 9 đến 13 nhóm phái sinh hoạt tự trị như những hình thức “giáo hội” độc lập.
 Một “giải pháp chưa có giải pháp” để làm khởi điểm cho một khả năng hóa giải và chấn hưng đạo Phật Việt Nam trong một tương lai gần trước mắt được đa số Phật tử góp ý qua môi trường truyền thông đại chúng gồm 2 trọng điểm:
 - Trang bị một cách nhìn mới, thích hợp với thời đại.  Đó là tinh thần hóa giải, hòa hợp “đa lưu chi” (nhiều dòng, nhiều nhánh); tương tự như khuynh hướng “đa nguyên” làm căn bản xây dựng cho một cấu trúc xã hội tự do và dân chủ thực sự. Có thể nói đây là một truyền thống ưu việt của đạo Phật.  Lịch sử Phật giáo trải qua nhiều thời kỳ kết tập phân ra trên 20 bộ phái tuy phải nương vào “khế cơ” để linh động vầ mặt cấu trúc cho hợp với nhu cầu của hoàn cảnh và thời đại; nhưng vẫn giữ vững “khế lý” để yếu nghĩa tinh hoa lời dạy của đức Phật không hề suy chuyển.
 - Chư tăng ni và quý Phật tử cần thể hiện “đức” hy sinh. Hy sinh tiền bạc và kể cả thân mạng có khi còn dễ hơn là hy sinh thói quen, định kiến và cố chấp.
Hệ lụy của quyền lực quân quyền và phụ quyền trong xã hội Việt Nam truyền thống đã vô hình chung tạo ra lề thói cố chấp hàng dọc.  Đó là kiểu cách phân liệt tuổi đời, tuổi đạo, hoàn cảnh xuất thân, sở học, địa vị, danh tiếng, tiền bạc, xưng danh, tôn vị, tâm mãi dính mắc với chùa to tượng lớn... đây chính là động cơ phân hóa trong sinh hoạt các tăng đoàn và đạo tràng.  Người ta chỉ chăm bẳm nhìn vào hình tướng của nhau nên không nhìn thấy đạo.
Hệ lụy của xã hội phương Tây quá thực dụng, chuộng vật chất và sùng bái tự do cá nhân chủ nghĩa đã tạo ra những phản ứng ly khai ra khỏi tập thể trong sinh hoạt Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.  Hậu quả khó tránh khỏi đã thực sự xảy ra. Điển hình và rất phổ biến là hiện tượng cá nhân tăng ni và Phật tử đơn phương đứng ra lập chùa, lập hội, chiêu mộ tín đồ, thành lập nhóm phái, ấn tống kinh điển, lạm dụng pháp khí... đang trên đà tự phát tùy tiện và nghiêm trọng.
Phật tử đang mong đợi sự hy sinh cụ thể của chư Tôn đức và Tăng Ni trong thời điểm tranh tối tranh sáng này.  Ước ao quý ngài chí thành đảnh lễ Phật, chân thành đảnh lễ nhau để ngồi lại với nhau trong ngôi nhà pháp bảo.  Đối với tầm nhìn của hàng Phật tử tại gia nói chung, không có sự vọng động nào phi Phật pháp và xuống cấp nghiệt ngã hơn là hình ảnh chư Tăng, Ni lên đài, lên mạng, lên báo để buông lời thế tục; thậm chí đả kích nhau, khích bác nhau, châm chích nhau, đay nghiến nhau... làm mất hết pháp uy cần phải có của một trưởng tử Như Lai.  Kẻ thế tục không thiếu vọng ngữ; duy chỉ thiếu ái ngữ mà thôi!  Kẻ thế tục lại càng không thiếu các xảo thuật tâm lý, sách lược xã hội và thủ đoạn chính trị; duy chỉ thiếu lòng từ bi và hỷ xã!
Không những hàng cư sĩ Phật tử tại gia mà giới xuất gia cũng có niềm thao thức tương tự.  Trong bài pháp của một tăng sĩ thuộc thế hệ trẻ, thầy Thích Đạo Quảng trú trì chùa Tam Bảo ở Baton Rouge, Louisiana, Mỹ nhân ngày lễ Thượng nguyên đã chia sẻ: “Đạo Phật Việt Nam tại hải ngoại đang bỏ phí nguồn năng lực tiềm tàng và phong phú của mình.  Nếu tình trạng này kéo dài, Phật Giáo Việt Nam sẽ tự biến ba thế mạnh thành ba thế yếu: (1) Mất ảnh hưởng tích cực của văn hóa PGVN trên những quốc gia đang định cư; (2) mất cơ hội giáo dục và truyền thừa tinh hoa đạo Phật cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài; (3) mất đi một sức mạnh tổng hợp quan trọng để làm chỗ dựa tâm linh cho hàng tu sĩ và đại chúng trên đường tu học và hoằng dương Phật pháp.  Nhu cầu cấp thiết của đạo Phật Việt Nam hôm nay chưa phải là những gì lý thuyết cao xa ngoài tầm tay với. Đạo Phật là chánh niệm, là hơi thở của sự sống hàng ngày.  Hơi thở đó cần phải trong sáng, hài hòa, thương yêu, từ ái.  Chúng ta đang trải qua một Pháp Nạn Tự Thân.  Đó là sự phân hóa nội bộ đang tạo ra cảnh “trùng sư tử ăn thịt sư tử” và bắt nguồn cho cảnh dậu đổ bìm leo, ngoại đạo đánh phá. Ngoại đạo chẳng phải ai khác mà chính là ta; một cái Ta chấp ngã đang làm lu mờ tánh Phật của chính mình.  Người con Phật sẽ rất tán thán công đức của bất cứ ai – kể cả quý linh mục, mục sư và tín đồ các tôn giáo bạn... –  góp tay giúp hóa giải những xung đột nội bộ đã và đang quá phí phạm hồng ân chư tổ, phản lại tinh thần lục hòa của chốn thiền môn, làm mỏi nản lòng tin và coi rẻ công phu xây dựng tu hành của đại chúng.”[10]
Hàng tu sĩ trẻ, chưa dày tuổi đạo, còn nói lên được lời tâm huyết như thế. Lẽ nào hàng niên trưởng xuất gia, hàng cư sĩ, thiện tri thức và Phật tử tại gia đang nắm trong tay quyền lực tài chánh, kinh tế lại nỡ lòng nhắm mắt ngồi yên hay đang tâm thỏa hiệp với những chướng duyên vọng động?!
    
Napa - Sacramento, Xuân Tân Mão 2011
        Trần Kiêm Đoàn
___________________________

[1] http://www.phattuvietnam.net/5/276
[2] http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/kehoachchongaytancuaPG.htm

[3] http://www.bookfinder.com/dir/i/Peoples_Of_The_Buddhist_World-A_Christian_Prayer_Guide/1903689902/

[4] http://www.philosophypages.com/ph/witt.htm

[5] http://atheism.about.com/od/theology/a/negative.htm

[6] http://en.wikipedia.org/wiki/The_Gay_Science

[7] Washburn, Phil (2000). Philosophical Dilemmas: A Pro and Con Introduction to the Major Questions, 78, 79 - 80.
[8] Đặng Minh Tâm: Đạo Phật đang đi về đâu? Liên Hoa Nguyệt San, Cư sĩ, tháng 4 năm 2010
[9] Nguyễn Ước: Cẩm Nang Sống Thiền. VHTT, Việt Nam 2007.

[10] Thích Đạo Quảng: Pháp Thoại tại chùa Tam Bảo.  Baton Rouge, Louisiana, Hoa Kỳ. February, 20, 2011

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
TRẢ LỜI MỘT SỐ NGỘ NHẬN VỀ VIỆN TĂNG THỐNG VÀ HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP
PHẬT TỬ CÓ NÊN BIỂU TÌNH?
THÔNG TƯ VỀ VIỆC TỔ CHỨC LỄ CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
THƯ GỬI TĂNG SINH THỪA THIÊN HUẾ
BẢN LÊN TIẾNG Về Việc Biển Miền Trung Việt Nam Nhiễm Độc Khiến Cá Chết Hàng Loạt
Phỏng vấn Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Văn Thông - tác giả bức ảnh lịch sử Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963
50 NĂM NHÌN LẠI THỰC TRẠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
TUYÊN BỐ CHUNG nhân KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY CÔNG BỐ HIẾN CHƯƠNG Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Cải đạo tín đồ Phật giáo ở Campuchia
NGƯỜI PHẬT TỬ NÊN ĐỌC KINH ĐIỂN NHƯ THẾ NÀO
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3718032