Sau khi thiền sư Bankei qua đời, một người mù sống gần chùa của thiền sư nói với một người bạn: “Bởi vì tôi mù, tôi không thể quan sát sắc mặt người ta, nên tôi phải xét tư cách của họ qua giọng nói. Thường thì khi tôi nghe một người chúc mừng người khác về chuyện vui hay thành công nào đó, tôi cũng nghe một âm bí mật của ganh tị. Khi chia buồn với người khác về mất mát của họ, tôi cũng nghe thích thú và thỏa mãn, cứ như là người chia buồn thật sự vui vì có cái gì đó để lại cho họ hưởng trong thế giới riêng của họ.
“Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì giọng nói của Bankei luôn luôn thành thật. Khi thiền sư bày tỏ hạnh phúc, tôi chẳng nghe gì khác ngoài hạnh phúc, và khi thiền sư bày tỏ buồn rầu, tôi chẳng nghe gì khác ngoài buồn rầu.”
Bình:
• Bankei yōtaku (eitaku), Bàn Khuê Vĩnh Trác (盤珪永琢), 1622 – 1693, cũng được gọi là Bàn Khuê Quốc sư (zh. 盤珪國師, ja. bankei kokushi), là một Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, hệ phái Diệu Tâm tự (妙心寺, ja. myōshin-ji). Sư là một trong những Thiền sư danh tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo Nhật Bản với tư cách là người đã phổ biến thiền học đến lớp quần chúng. Chúng ta đã có bài Vâng Lời về Bankei trước đây.
• Ý nghĩa của truyện này rất rõ. Không phải chỉ là người mù, nhưng người sáng mắt, dù tai không thính như vậy, cũng cảm nhận được suy tư của một người khi họ nói chuyện với mình. Cho nên quy luật số một của truyền thông hiệu quả là: Thành thật.
Nếu khen thì khen thành thật, đừng khen dối. Nếu một người bạn cho xem một bài văn rối ren đọc không hiểu gì, nhưng ít ra cũng là cố gắng lớn của bạn, thì đừng khen “Bài này hay quá.” Nói thế là “nói láo tận răng” (lying to the teeth). Thay vì vậy thì khen thật tình, “Chị bận thế mà cố gắng bỏ công sức viết bài này thật là quý.” Hoặc là thêm nếu cần, “Em cần đọc lại vài lần nữa để hiểu hết ý bài viết.” Khen dối, người bị hại đầu tiên là mình. Nó làm mình coi thường chính nhân cách của mình. Sau đó là hại bạn, vì nó cho bạn ăn bánh vẽ.
• Ngày nay chúng ta cần để ý đến lời mình viết trên email và Internet. Rất nhiều khi đọc một câu khen trên Internet diễn đàn ta thấy rõ ràng là câu khen đó không thành thật. Kỹ thuật viết là một chuyện, nhưng là chuyện nhỏ. Chuyện lớn hơn là tâm ta khi viết.
• Có lẽ vấn đề ta thấy thường xuyên nhất và tràn ngập nhất trong mỗi cá nhân chúng ta, trong gia đình, trong nhà nước, trong quốc gia… là thiếu thành thật.
Lời nói là bạc, im lặng là vàng, lời nói thành thật là kim cương xanh.
• Sống thế nào để lời nói ra ngoài và suy tư bên trong cùa mình là một–đó là thiền.
Dĩ nhiên là nếu tâm ta đang có suy tư tối tăm, thì không thể giả vờ sáng sủa bên ngoài để “trong ngoài là một” được. Cho nên, cốt yếu là tâm phải trong sáng như giọt thủy tinh.
• Không phải chỉ có người mù mới nghe được sự thành thật hay giả dối trong giọng nói của người khác. Ai trong chúng ta cũng có khả năng này, chỉ cao thấp khác nhau mà thôi. Thường thì chúng ta có thể biết được một người nói thật lòng không, hay chỉ nói cho có lệ, hay là nói dối. Cho nên người hời hợt hay dối trá trong đối thoại rất ít khi giấu được ai.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
.
The Voice of Happiness
After Bankei had passed away, a blind man who lived near the master’s temple told a friend: “Since I am blind, I cannot watch a person’s face, so I must judge his character by the sound of his voice. Ordinarily when I hear someone congratulate another upon his happiness or success, I also hear a secret tone of envy. When condolence is expressed for the misfortune of another, I hear pleasure and satisfaction, as if the one condoling was really glad there was something left to gain in his own world.
“In all my experience, however, Bankei’s voice was always sincere. Whenever he expressed happiness, I heard nothing but happiness, and whenever he expressed sorrow, sorrow was all I heard.”