Những pháp môn tu tập của đạo Bụt vì sự phát triển kinh tế - xã hội
Thông điệp cho Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế, 2011 tổ chức tại Thái Lan
Thân kính gửi chư tôn Hoà Thượng và các bậc chức sắc trong các Phái Đoàn đại diện tham dự Ngày Phật Đản QuốcTế,
Chúng tôi xin chúc mừng Hội Đồng Tăng Già tối cao Thái Lan cũng như tất cả những thành viên tham dự và tổ chức Đại Hội Phật Đản Quốc Tế lần thứ tám, 2011. Quý vị đã tập họp ngày hôm nay thành một cộng đồng để cảm nhận tình thân hữu, sự có mặt cho nhau, và để cùng nhau xây đắp tình huynh đệ. Chúng tôi thật sự tin tưởng rằng sự thực tập chân thực những lời dạy của đức Thế Tôn có thể đóng góp lớn cho một nền tâm linh và đạo đức toàn cầu, có thể dẫn dắt nhân loại trong thời điểm khó khăn, cấp bách hiện nay.
Chứng kiến các cuộc khủng hoảng khác nhau đang diễn ra trên khắp toàn cầu, trong chúng ta ai cũng thấy rõ kỷ nguyên của những quốc gia sống hoàn toàn độc lập, với đường biên giới ngăn cách và với những mối quan tâm riêng rẽ đã đi đến hồi kết thúc. Chúng ta cũng ý thức được rằng nỗi khổ niềm đau của một dân tộc có liên hệ mật thiết và được chia sẻ bởi người dân của nhiều dân tộc khác trên thế giới; rằng sự bất ổn và khủng hoảng trầm trọng của một quốc gia ảnh hưởng đến sự phồn thịnh và an ninh của rất nhiều quốc gia khác trên toàn cầu. Lúc này và ở đây, trong phút giây hiện tại, chúng ta đều thấy rõ rằng sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như những thách thức đi kèm không còn là vấn đề của một cá nhân hay của riêng một quốc gia nào.
Tuy nhiên, chúng ta không tuyệt vọng. Những vấn đề mà địa cầu và toàn thể nhân loại đang phải đối diện – khủng hoảng sinh thái toàn cầu, thiếu hòa hợp trong gia đình và xã hội, bất ổn về kinh tế và chính trị - cũng đồng thời cho chúng ta cơ hội để dừng lại, nhận diện và xem xét lại nguồn gốc của những khổ đau mà chúng ta đang phải gánh chịu và tìm ra con đường có thể đưa đến một tương lai tươi sáng hơn và ngay cả một hiện tại tươi sáng hơn. Đây là công thức căn bản mà Bụt đã sử dụng trong suốt cuộc đời Ngài để hướng dẫn hàng đệ tử và vô số người vượt thoát khổ đau của họ. Và giờ đây, công thức căn bản này có thể dẫn lối cho chúng ta đến sự giải thoát khỏi những khổ đau hiện tại. Ba phẩm chất đặc thù, ba cách thực tập từng giai đoạn rõ ràng mà Bụt đã dạy là Niệm, Định và Tuệ sẽ đưa chúng ta đến chỗ giải thoát khỏi những bế tắc đó. Với ba cách thực tập này, nếu áp dụng đúng mức và khéo léo, chúng ta có thể khám phá ra một nền đạo đức toàn cầu và một lối sống chánh niệm giúp định hướng cho sự phát triển của xã hội chúng ta ngày nay theo một đường hướng thanh bạch và lành mạnh hơn.
Chúng ta phải tìm ra cách thức phù hợp để áp dụng những điều Bụt dạy - như phương pháp thực tập chánh niệm, giáo lý về khổ đau và hạnh phúc, tuệ giác tương tức và vô phân biệt (về sự tương tức, liên hệ mật thiết trong nhau và không kỳ thị, không loại trừ những người có cái thấy, cách hành xử khác mình), Năm Phép Tu Tập Chánh Niệm (tức là Năm giới) và những lời Bụt dạy về Bốn Loại Thực Phẩm. Những điều này sẽ giúp cho xã hội chúng ta trở nên chánh niệm hơn trong cách sản xuất và tiêu thụ; những công ty và những cá nhân sẽ bớt sản xuất những sản phẩm có thể làm tổn hại tâm thức của đại đa số cộng đồng và làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Chúng ta có thể tiêu thụ ít lại, tiêu thụ làm sao để nuôi dưỡng được thân và tâm ta. Chúng ta, với tư cách cá nhân và với tư cách một dân tộc, cần áp dụng những điều Bụt dạy về thiểu dục tri túc, nghĩa là biết đủ.
Trong mối liên hệ thân thiết thuộc phạm vi gia đình, cha và con nên áp dụng những điều Bụt dạy để có nhiều thời gian cho nhau, có mặt cho nhau nhiều hơn (thay vì chỉ dành thời gian ngồi trước màn hình máy tính) và có thể phục hồi được sự truyền thông bằng cách cùng nhau thực tập lắng nghe sâu và nói với nhau những lời hòa ái.
Trong lớp học khô khan và trong những giảng đường lạnh lẽo, thầy cô giáo và học viên nên giúp đỡ nhau để tạo nên không khí ấm áp của một gia đình, giúp giảm bớt căng thẳng, thư thả hơn, biết xử lý những cảm thọ và cảm xúc mạnh của mình và áp dụng những cách xử lý đó để đưa mọi người đi về hướng lành mạnh hơn, đó là đào tạo ra một thế hệ trẻ hiền thiện, có tự do, mong muốn hợp tác hơn là cạnh tranh, thay vì chỉ tạo ra một lực lượng lao động để cung cấp cho guồng máy tư bản.
Trong các văn phòng của công ty hay các công sở của nhà nước – nơi bị thúc đẩy nhiều bởi quyền lực, những người đồng nghiệp nên làm việc và cư xử chánh niệm với nhau hơn, cùng nhau xây dựng tình anh chị em, nuôi dưỡng lòng từ bi và bao dung hơn, để từ đó có thể đưa xã hội ta đi về hướng hạnh phúc và hòa hợp chân thật.
Trong thế giới hiện đại ngày nay, trước bối cảnh các nước đang cố gắng tìm kiếm những mô hình phát triển thì những mô hình phát triển tự do được đánh giá cao và được mọi người chạy theo. Tuy nhiên, cái giá mà thế hệ trẻ và nền sinh thái mong manh của chúng ta phải trả cũng như những chi phí mà thân tâm ta và toàn nhân loại đang gánh chịu là bao nhiêu? .
Không bao giờ quá muộn để dừng lại và suy ngẩm, để tìm ra những phương pháp thực tập có thể khôi phục lại tinh thần trách nhiệm, phục hồi lại các giá trị đạo đức cho xã hội ta, cho các chính quyền, cho gia đình và cho chính bản thân chúng ta .
Với tất cả tình thương và tin cậy,
TS. Thích Nhất Hạnh