Khi gió thu bắt đầu làm dợn sóng những ngọn lúa trên cánh đồng mênh mông, những cánh chuồn chuồn cũng lao xao bay lượn trên mặt hồ yên tịnh. Nắng hạ dịu dần trên những con đường dẫn đến các tự viện vào cuối mùa kiết hạ an cư. Những hàng cây rợp bóng đã đổi thay màu lá và mây xám vần vũ trên vòm trời u tịch. Dấu hiệu của một mùa Vu Lan lại đến.
Nhưng Vu Lan trong bối cảnh mùa thu như thế, không phải là những ngày buồn tẻ, hiu quạnh; ngược lại, là những ngày “hoan hỷ” của chư Tăng Ni sau 3 tháng kiết giới an cư, nghiêm túc trau dồi giới hạnh; là những ngày lễ hội của người phật-tử dành cho việc cúng dường, bố thí, vun tạo cội phúc; là mùa của báo hiếu, tri ân.
Báo hiếu, tri ân, là tâm thái và hành vi tích cực, khởi đi từ nền tảng gia đình, lan rộng đến xã hội, nhân loại và chúng sanh các cõi. Đáp đền thâm ân cha mẹ thì gọi là báo hiếu, mà báo hiếu ấy chỉ là một trong bốn ân nặng mà kinh Phật thường nhắc đến. Cho nên, có thể nói rằng Vu Lan không chỉ giới hạn trong sự báo hiếu phụ mẫu, mà chính là việc đền đáp bốn ân nặng: cha mẹ, thầy-bạn, quốc gia và Tam Bảo.
- Nghĩ đến ân sâu cha mẹ sinh ra ta, nuôi dưỡng ta nên người, luôn tìm cách báo đền bằng sự phụng dưỡng vật chất và bằng sự chăm sóc về tinh thần. Tạo điều kiện để cha mẹ có thể tu tập và sống trong chánh pháp chính là sự báo hiếu tinh thần đúng đắn nhất;
- Nghĩ đến ân sâu của những vị thầy hướng dẫn, giáo dục ta, từ lúc vỡ lòng học chữ cho đến những vị giáo đạo, và những thiện hữu tri thức, hướng dẫn hoặc tác động đến đời sống tâm linh, tu tập của ta theo con đường chánh. Tinh tấn tu học và hành thiện chính là cách hay nhất để đền đáp công ơn giáo dục này;
- Nghĩ đến quốc gia, môi trường xã hội mà ta được sinh dưỡng, trưởng thành, sinh hoạt; hẹp là quê cha đất tổ, rộng là xứ sở mình đang sinh sống; nhỏ là một đất nước, lớn là cả hành tinh. Môi trường ấy, ta được lớn lên như một con người, với cộng nghiệp nhân loại, luôn ảnh hưởng tác động tương quan, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, từ cá nhân đến cộng đồng thế giới, không gì mà không liên quan đến cá thể của ta, không gì mà không thường xuyên thi ân đối với đời sống của ta. Đáp lại, không thể không dấn thân đóng góp trong việc phúc lợi xã hội, mưu cầu hạnh phúc cho nhân quần và chúng sanh;
- Nghĩ đến ân sâu Tam Bảo: Đức Phật, Phật Pháp và Chúng Tăng, là những viên bảo ngọc nuôi dưỡng và làm tăng trưởng tâm bồ đề, khai mở tuệ giác nơi ta để đưa ta về với chân tâm thường tịch. Ân nặng ấy, không cách gì báo đền ngoài sự tinh chuyên tu tập và ủng hộ sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh.
Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân có đoạn nói rằng: “Giả sử có người, vì chí hiếu đối với mẹ cha, tự treo mình châm dầu đốt lên làm cây đèn thịt, cúng dường Như Lai cầu cho cha mẹ, trải trăm ngàn kiếp cũng không thể đền đáp được công ơn sâu dày của cha mẹ.” Xét ý kinh, rồi nghĩ sâu về bốn ân nặng nói trên, để thấy rằng sự chí hiếu và cúng dường nếu không mở rộng đến vô tận không gian và thời gian, thì không thể nào có thể đền đáp được công ơn sâu dày của cha mẹ, huống hồ là đền đáp cả ba ân nặng kia!
Cảm niệm như thế nhân mùa Vu Lan, xin chắp tay cùng mọi người: hướng về mười phương vô tận Phật Pháp Tăng, hướng về huynh đệ bốn biển năm châu, hướng về thầy-bạn quá khứ, hiện tại, vị lai, và hướng về cha mẹ hiện đời và nhiều kiếp, khắp ba cõi thênh thang, đồng lúc thể nhập cảnh giới tương tức trùng trùng vô tận của hoa tạng thế giới.
Nam mô Hoa Nghiêm Hải Hội Phật Bồ Tát