Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
KÍNH CHIẾU YÊU CỦA CƯ SĨ MINH MẪN
Tác giả: Phạm N Trân

Qua một diễn đàn Phật giáo có nhiều thành viên nhận được vi thư mỗi ngày, tôi được đọc bài viết của hai vị cư sĩ, một trong nước, một ngoài nước, là cư sĩ Minh Mẫn và cư sĩ Tâm Huy (Huỳnh Kim Quang). Cả hai bài viết đều nói về Phật giáo và Tăng Ni Việt Nam ở hải ngoại, nên là một Phật tử, tôi đọc ngay, dù rất bận.

Đọc bài “Chùa Làng, Chùa Thị” của cư sĩ Tâm Huy, tôi thấy lòng an tịnh, và ít nhiều dấy lên những hy vọng về tương lai của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại; tôi cũng chia sẻ với cư sĩ về những khó nhọc, chướng duyên mà các vị Tăng Ni Việt Nam đã gánh chịu suốt hơn 30 năm qua để giữ đạo nơi xứ người. Đọc xong bài, tôi càng quý kính, cảm thông đối với Tăng Ni, và tất nhiên cũng hết sức quý mến sự chân thành hộ đạo của tác giả.

Đọc bài “Tương Lai Chùa Việt ở Mỹ” của cư sĩ Minh Mẫn, tôi giật mình, tâm tôi bất an, và ít nhiều nổi lên phiền não. Bất an không phải cho riêng tôi—vì tôi chưa bao giờ ngã lòng trước những đánh phá, chụp mũ, vu khống của bất kỳ ai nhắm vào Phật giáo hay Tam Bảo—mà bất an vì lo rằng chính bài viết của cư sĩ Minh Mẫn sẽ làm nản lòng nhiều người đọc Phật tử đối với hiện tiền Tăng Ni cũng như của tương lai Phật giáo tại Hoa Kỳ; chưa kể bài viết sẽ là “tài liệu” tốt cho ngoại đạo, ác đảng lợi dụng để công kích, nhục mạ Phật giáo nói chung, các tổ chức giáo hội nói riêng. Phiền não là vì chỉ trong một bài ngắn, cư sĩ Minh Mẫn đã nói quá nhiều và quá sai về những gì mình biết và hiểu rất ít! Cái phiền não này không phải là phiền não vì cảm tính, cảm tình (tức là chủ quan bênh vực Tăng Ni nên có phiền não khi ai đó đụng chạm đến Tăng Ni), mà là phiền não trước một bài viết thiếu nghiêm túc, thiếu cân nhắc, thiếu cơ sở và tài liệu, và quan trọng nhất, thiếu sự công tâm, khách quan, của một người mang danh là cư sĩ, nhà văn, “học giả” (chữ của Thầy Thích Lệ Thọ tôn xưng cư sĩ Minh Mẫn).

Chính từ nỗi bất an và phiền não nói trên, tôi viết bài này thưa chuyện với cư sĩ Minh Mẫn. Nhưng trước hết, hãy đọc một đoạn thư ngắn của Thầy Thích Lệ Thọ gửi lên diễn đàn vào ngày 25/7/2011, hai ngày sau khi bài viết của cư sĩ Minh Mẫn được phổ biến:

“Cho nên học giả Minh Mẫn càng không phải là kẻ chống đối, hay đi ngược lại quan điểm của quí vị mà thâm tâm ông chỉ làm một việc như cái kính phản ảnh lại những gì đã đang xảy ra. Không cho thêm bất cứ loại gia vị nào vào trong đó.”

Theo nhận xét của Thầy Thích Lệ Thọ, “học giả Minh Mẫn” làm công việc “một cái kính”, chỉ phản ảnh, không phê bình hay kết luận. Tôi muốn mượn ẩn dụ của Thầy Lệ Thọ để xem cái kính này đã phản ảnh tốt đẹp và công tâm như thế nào, có thêm hay không thêm gia vị.

Trước khi đi vào bài viết “Tương Lai Chùa Việt ở Mỹ” của cư sĩ Minh Mẫn (viết ngày 23/7/2011), xin đi lui lại vài tuần trước đó với bài Phật Tử Việt Kiều Với Sự Ước Vọng” (của cùng tác giả, viết ngày 01/7/2011) để có một cái nhìn chung, nhất quán về sự “soi chiếu” của cái kính.

Sau đây là vài đoạn tiêu biểu qua nhận xét kết luận của cư sĩ Minh Mẫn:

“Tệ nạn phần lớn ở đất Mỹ, tu sĩ nặng tâm vì tiền, vì thế bằng mọi cách phải có tiền, muốn thế, phải lập chùa, một khi có chùa là có bao nhiêu nhu cầu và áp lực khác về sinh hoạt xã hội và nghĩa vụ thuế má. Cái vòng lẩn quấn cuốn hút biến tu sĩ thành những nhà sáng tạo kinh doanh không vốn. Thế là thủ thuật hoằng pháp, gây quỹ dưới mọi hìuh thức, khai thác tâm lý quần chúng một cách tinh vi mà ít ai biết.”

Chưa đầy một tháng (kể từ lúc viết đoạn ấy) đặt chân đến Hoa Kỳ trong tư cách một du khách, cư sĩ Minh Mẫn đã thăm viếng bao nhiêu chùa, tiếp xúc bao nhiêu Tăng Ni và Phật tử mà đã nhận xét và kết luận như thế? Nếu có tiếp xúc một vài Tăng Ni và Phật tử (cũng đang sinh hoạt với Tăng Ni đó) thì liệu các vị này có đủ khách quan và thẩm quyền để nhận xét chung về tu sĩ hay không? Cư sĩ Minh Mẫn ngồi ở một ngôi chùa nào đó, không chỉ “soi chiếu” mà còn kết luận “Tệ nạn phần lớn ở Mỹ, tu sĩ nặng tâm vì tiền, vì thế bằng mọi cách phải có tiền, muốn thế, phải lập chùa…” Đây không phải chỉ là quan sát, mà là kết luận, một sự kết luận vội vàng, vơ đũa cả nắm, một sự xúc phạm, phỉ báng ngang ngược đối với cộng đồng Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam trên đất Mỹ.

Thưa cư sĩ Minh Mẫn, Tăng Ni và Phật tử ly hương chúng tôi, hơn 30 năm qua, đến xứ người lập nghiệp với hai bàn tay trắng, trên những đất nước của đạo Thiên Chúa, Tin Lành, không có chùa Việt, chúng tôi chỉ có duy nhất một tâm nguyện là dựng lên một mái chùa, nơi đây hay nơi kia, mục đích giữ đạo, giữ tín tâm và tạo điều kiện tu học cho Phật tử để họ không bơ vơ, đi lạc theo đạo khác. Ngôi chùa dựng nên, dù nhỏ bé, dù phải chịu bao khó khăn từ tinh thần đến vật chất, cũng chỉ vì một mục tiêu là giữ đạo. Đây, hãy đọc một đoạn của cư sĩ Tâm Huy (Huỳnh Kim Quang) trong bài “Chùa Làng, Chùa Thị”:

“Thế hệ tăng, ni Việt Nam đầu tiên ra nước ngoài định cư và hoằng pháp từ khoảng ba chục năm nay không phải vì miếng cơm manh áo hay vì chùa to Phật lớn mà phải tận tụy hy sinh cuộc đời tu hành của mình để lao tâm khổ tứ đi xây từng viên gạch, lấp từng vũng nước đọng, trồng từng cội tùng non hầu tạo dựng một ngôi Tam Bảo có đủ điều kiện thuận tiện và an tâm cho một đạo tràng tăng tín đồ tu học. Đó là công đức không nhỏ của những nhà truyền bá chánh pháp lúc ban đầu. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng rất xúc động tại một số ngôi chùa ở Hoa Kỳ mà tôi có dịp ghé thăm, khi thấy những vị trú trì vừa là giảng sư thuyết pháp, vừa là đạo sư hướng dẫn tu học cho đồng hương Phật tử, vừa là kinh sư đáp ứng nhu cầu nghi lễ cho bà con người Việt trong vùng, vừa tự túc nấu ăn, vừa làm hương đăng dọn dẹp trong ngoài chùa, vừa công phu bái sám, nghĩa là làm tất cả mọi việc cần làm. Nếu không có những vị tăng sĩ hy sinh như thế thì ngày nay làm gì có hàng trăm ngôi chùa tại hải ngoại?”

“Phần lớn” “tu sĩ nặng tâm vì tiền” mà cư sĩ Minh Mẫn đề cập là những vị nào, ở đâu, cư sĩ đã tiếp xúc hết những vị ấy để rồi kết luận về họ, hay chỉ gặp một vài vị mang hình thức tu sĩ nào đó rồi đưa ra kết luận?

Sau những nhận xétkết luận cho rằng tu sĩ nặng tâm vì tiền mà lập chùa, cuối cùng cư sĩ Minh Mẫn đề nghị:

“Xã hội Cọng sản xa xưa quản lý bao tử quần chúng để điều hành đất nước thì việc quản lý kinh tế chặt chẻ trong việc cung ứng cho tu sĩ cũng giúp cho họ biết xử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt của tín đồ, một cách hợp lý. Tín đồ là người hộ trì Phật pháp, phải cung dưỡng Tăng ni, nhưng cung dưỡng thế nào để tu sĩ không hư hỏng, biết rằng bản chất hư nên cũng do nhân thân của tu sĩ, nhưng ngoại lực cũng góp phần quan trọng. Nếu ngoại hộ không tạo duyên thì cái nhân xấu cũng khó phát triển.”

Đây là một đề nghị quá ư là duy vật mà lần đầu tiên tôi được đọc từ một người cư sĩ Phật giáo. Đề nghị này không những phản ảnh chính tâm hồn nhỏ hẹp của tác giả mà còn là một sự hủy nhục đối với hàng Tăng Bảo.

Thưa cư sĩ Minh Mẫn, Phật tử ly hương chúng tôi một lòng thờ kính Tăng Ni, thành tâm cúng dường Tam Bảo chỉ với ước nguyện sao cho Chánh Pháp, qua sự hướng dẫn của hàng Tăng Ni, được duy trì và lưu chuyển trên đời. Chúng tôi không bao giờ dám đòi hỏi Tăng Ni địa phương của chúng tôi phải là bậc tài cao học rộng, nói năng lưu loát, khi thuyết giảng thì có hàng nghìn, hàng vạn người tham dự. Có được một vị như thế là phước báo chung cho Phật giáo Việt Nam; nhưng ở từng địa phương, có khi là một ngôi chùa “cải gia vi tự”, thậm chí chỉ là một tịnh thất có một bàn thờ Phật nhỏ để tụng niệm, vị Tăng hay Ni hướng dẫn chúng tôi, thuyết thời pháp ngắn hay chỉ kể một câu chuyện, cho một lời khuyên, nhắc nhở tu học, khuyến khích niệm Phật, là đủ rồi. Không vì một vài điểm tiêu cực hay bất cập nào đó mà chúng tôi mất niềm tin nơi Tam Bảo. Và khi cúng dường, chúng tôi cầu mong Tăng Ni hoan hỷ đón nhận để chúng tôi được phần công đức, và để Phật Pháp có điều kiện lưu truyền. Chưa bao giờ Phật tử chúng tôi dám có ý nghĩ là chúng tôi “nuôi” chứ đừng nói là dùng đồng tiền để “quản lý” hoặc “kiểm soát” Tăng Ni. Cái tâm ý quản lý bao tử ấy, không ngờ ngày nay lại có cư sĩ đề nghị áp dụng vào chế độ cúng dường đối với Tăng Ni. Đây thực sự là do sự xuống dốc đạo đức của hàng ngũ tăng sĩ (thiểu số hay đa phần?) mà nẩy sinh đề nghị bất kính như vậy, hay chỉ là sự phản ảnh một tâm ý tầm thường, coi trọng vật chất tiền tài?

Nhân đây cũng xin hỏi cư sĩ Minh Mẫn đã gặp một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam tại Mỹ sống xa hoa, vương giả, phí phạm của đàn na tín thí đến nỗi cư sĩ phải kết luận chung là “tu sĩ nặng tâm vì tiền” và đề nghị “thắt bao tử” chưa? Cư sĩ hẳn còn nhớ trước đó chỉ 11 ngày, trong bài “Phật giáo Việt Nam và Tuổi Trẻ Âu Mỹ” (viết ngày 19/6/2011), chính cư sĩ đã viết với giọng rất cảm thông, trong đó có đề cập đời sống của Tăng sĩ hải ngoại như vầy:

“Quý thầy Việt Nam trên đất Mỹ phải đối diện quá nhiều khó khăn, vừa áp lực chính trị, vừa áp lực kinh tế, vừa áp lực học vấn, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh và khoa nghi tôn giáo cho quần chúng trong khi phải đáp ứng những điều kiện khắc khe của luật pháp Hoa Kỳ về hội đoàn có lợi nhuận mà không xem tôn giáo là một mãng tách biệt như ở Việt Nam; Thế nhưng, quý thầy và quần chúng Phật tử vẫn luôn dành sự quan tâm cho đồng bào trong nước để chia xẻ một phần vật chất có được sau những năm tháng vất vả trên xứ người. Nhìn những vật dụng của quý thầy ở Mỹ, trong đó có cellphone, mới thấy giản dị so với các tu sĩ trong nước rất nhiều. Có những tu sĩ phải tìm việc làm để tự sống. Có đến mới thấy, hiểu, cảm thông cái khó của họ; những người còn sống trên quê hương, cứ nghĩ ai ở Mỹ cũng sung sướng giàu sang! Vật dụng chư Tăng còn như thế thì Phật tử tín đồ cũng không khá hơn là bao.”

Mới tháng trước nói như thế, tháng sau đã xoay ngược cái nhìn rồi. Thế rồi, ở đoạn chót của bài “Phật Tử Việt Kiều Với Sự Ước Vọng”, cư sĩ đã tự động thay cho Việt Kiều chúng tôi mà trách móc Tăng Ni rồi nêu “sự ước vọng” của Phật Tử Việt Kiều như sau:

“Tại sao chư Tăng không nhập chúng mà mỗi thầy phải lập một ngôi chùa riêng biệt? Tiền của bá tánh bị phân tán mỏng như thế thay vì có thể đào tạo một tu sĩ hoàn chỉnh cả mặt kiến thức lẫn đạo đức hầu củng cố nội lực cho tiền đồ Phật giáo! Quyết định chỉnh đốn Phật giáo Việt Nam ngày nay trong cũng như ngoài nước, cư sĩ có một ý thức đóng góp rất quan trọng. Đó là lối thoát hiện nay.”

“Chỉnh đốn Phật giáo Việt Nam” ở đoạn kết này là nối ý của đoạn trước, theo cư sĩ Minh Mẫn, có nghĩa là thành phần trí thức Phật tử giúp gây ý thức cho quần chúng bình dân dùng đồng tiền cúng dường hợp lý, không “phân tán mỏng”, rồi kết thúc với câu “Đó là lối thoát hiện nay.”

Lối thoát cho Phật giáo Việt Nam hiện nay là “thắt bao tử”, bắt Tăng Ni phải “nhập chúng”, không được phân tán mỏng, không được lập nhiều chùa riêng biệt ư? Sao lại có cái nhìn ấu trĩ như thế! Mới ở đoạn trước đó, cư sĩ Minh Mẫn nói “Trên đất nước rộng mênh mông, người ở gần chùa cũng phải 15km, thường thì rất xa,” thì ở đoạn kết đã đặt câu hỏi “Tại sao chư Tăng không nhập chúng mà mỗi thầy phải lập một ngôi chùa riêng biệt?” Cư sĩ có mâu thuẫn lắm không, hay vì chỉ nhìn hời hợt và chưa từng sinh hoạt tu học với các chùa (kể cả trong nước và hải ngoại) nên không hiểu là tăng sĩ cần dấn thân hoằng pháp ở khắp mọi nơi, nơi nào cần chùa thì lập chùa, thậm chí chỉ cần một cái am nhỏ, cũng đến đó mà lập! Hồi xưa, Đức Phật khuyến khích các môn đệ hãy chia nhau đi hoằng pháp và “đừng đi trùng nhau trên một ngã đường” (Kinh Tạp A Hàm). Sau này, tăng sĩ không đi hoằng pháp qua con đường khất thực nữa, mà bằng sự thiết lập đạo tràng, tự viện, tịnh xá. Ở Hoa Kỳ, như cư sĩ đã biết, nội tiểu bang California không thôi, diện tích cũng lớn hơn cả nước Việt Nam, huống gì cả 50 tiểu bang! Vậy “nhập chúng” là nhập chúng thế nào, dựng hai ngôi chùa lớn, một cho Tăng, một cho Ni, rồi tập trung gần cả ngàn tăng sĩ Phật giáo vào đó hay sao? Mà dựng ở đâu trong 50 tiểu bang của Mỹ, California à, vậy Phật tử ở các tiểu bang khác thì sao, sinh hoạt thế nào? Dù chỉ lo cho Phật tử California thì cũng nên biết có nhiều thành phố cách xa khu tập trung người Việt hàng mấy trăm, cho đến hàng ngàn cây số (xa như từ Tuyên Quang vào tới Cà Mau). Cư sĩ có nghĩ đến những Phật tử ở các thành phố xa xôi, những tiểu bang lạnh lẽo, những người già không biết lái xe, những người nghèo không có xe không? Cư sĩ quên nghĩ tới, nhưng Tăng Ni thì luôn nhớ tới họ, cho nên phải lập chùa ở bất cứ nơi nào có Phật tử sinh sống. Đó là nhu cầu thực tế. Cư sĩ chỉ nghĩ cái chùa lập ra là để “nuôi”, để “cung dưỡng” Tăng Ni, nên chỉ hỏi tại sao Tăng Ni không tập trung, không nhập chúng để thuận tiện cho Phật tử cung dưỡng, kiểm soát tài chánh! Kỳ thực, ngôi chùa lập ra mục đích chính không phải là để có chỗ cho Tăng Ni ở (để rồi “nặng vì tiền” như cư sĩ kết án), mà chính là vì nhu cầu khát ngưỡng Phật Pháp, muốn được hướng dẫn tu học của Phật tử ở khắp nơi. Chùa lập ra để hoằng pháp, lập ra vì Phật tử, không phải vì Tăng Ni, cư sĩ nên nhớ điều này. Cho nên, nếu ở tiểu bang lạnh lẽo kia có một nhóm Phật tử chừng vài chục người, thậm chí dăm ba người, Tăng Ni cũng vì lòng từ bi, tùy thuận lòng khát ngưỡng của họ mà đến đó giúp đỡ, thiết lập chùa, hoặc tịnh thất, hoặc khuôn hội nhỏ cho họ tu học. Không phải chỉ ở Mỹ rộng lớn, mà ngay ở Việt Nam, nếu cứ quan niệm rằng Tăng Ni phải nhập chúng, đừng lập chùa riêng biệt thì các Phật tử ở thôn quê, ở vùng sâu vùng xa, làm sao có cơ hội tu học. Chẳng phải là  ở cao nguyên đất rộng, không đủ chùa chiền và Tăng Ni không dấn thân đến đó nên đồng bào bỏ theo đạo khác hay sao? Một Sài-gòn không thôi, cũng phải lập hàng trăm, hàng ngàn chùa mới đáp ứng được Phật tử từng quận, nói chi cả nước. Chẳng lẽ bắt Phật tử ở Kontum mỗi ngày phải vào Sài-gòn để tụng kinh, nghe pháp?

Cư sĩ còn đề nghị tập trung tiền lại, thay vì lập nhiều chùa riêng biệt thì dùng để cung dưỡng, “đào tạo một tu sĩ hoàn chỉnh cả mặt kiến thức lẫn đạo đức hầu củng cố nội lực cho tiền đồ Phật giáo.” Nghe qua thì có vẻ lý tưởng lắm, nhưng hoàn toàn thiếu thực tế, không phải là đề nghị đúng đắn, suy tư cẩn trọng của một người hiểu và kinh nghiệm về giáo dục. Nói đào tạo là nói cả quá trình giáo dục từ lúc vị tu sĩ đó chưa biết gì cho đến khi trưởng thành, thành đạt rõ rệt qua kiến thức lẫn đạo hạnh. Vậy có nghĩa là đào tạo những chú tiểu chứ gì? Chuyện đó không lẽ xưa nay Tăng Ni chưa biết làm, bây giờ nhờ cư sĩ đề nghị, hướng dẫn? Trong thời gian đào tạo những chú tiểu (chứ đừng nói là “một tu sĩ”), rất hiếm thầy đoán trước được tương lai của những chú tiểu ấy sẽ “hoàn chỉnh” hay không, cho nên dạy càng nhiều chú tiểu càng tốt, không có chú này thì còn chú khác. Nếu dẹp hết các chùa để dồn tiền mà đào tạo “một tu sĩ” lỡ mai này tu sĩ này hoàn tục thì có phải là uổng công không, đến lúc đó mới tìm “một tu sĩ” khác để đào tạo hay sao? Đó là chưa nói đến việc thẩm định về kiến thức và đạo hạnh. Kiến thức có thể đo được (qua bằng cấp, sở học), còn đạo hạnh thì lấy con mắt phàm trần nào để mà đo? Không lẽ một vị tu sĩ có đạo hạnh nhưng không có bằng cấp, kiến thức thì không cúng dường? Chắc cư sĩ còn nhớ trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật dạy “Cúng dường một ngàn người thiện không bằng cúng dường một người thọ trì ngũ giới; cúng dường hàng vạn người thọ trì ngũ giới không bằng cúng dường một vị tu-đà-hoàn…” hay sao? Phẩm hạnh của một vị tăng, một bồ-tát mật hạnh hay nghịch hạnh, làm sao mà đo lường để mà cúng dường hay “thắt bao tử”?

Tôi không nghĩ một người viết lách như cư sĩ mà đưa ra những câu hỏi lạ kỳ, nếu không muốn nói là quá hời hợt như vậy.

Để trả lời tại sao xây nhiều chùa riêng biệt, xin mời đọc cư sĩ Tâm Huy (cùng bài viết nói trên):

“Điều cần nói ngay ở đây là, sứ mệnh hoằng pháp là đem giáo pháp chuyển mê khai ngộ của đức Phật để giáo hóa quần sinh. Nhưng để thực hiện sứ mệnh ấy người tăng sĩ Phật Giáo phải dấn thân vào cuộc đời, vào xã hội, phải đem Phật Pháp vào tận thành thị nông thôn, vào tận từng gia đình, mà không phải chờ đợi người dân đến với mình, giống như ngày xưa đức Phật đi du hóa từ làng này sang làng khác, từ thị tứ kia đến thị tứ nọ. Sự có mặt của ngôi chùa trong từng làng mạc, trong từng khu phố chính là thể hiện sứ mệnh nói trên một cách tích cực và cụ thể.”

Thưa cư sĩ du khách từ Việt Nam sang chơi, Phật Tử “Việt Kiều” chúng tôi hạnh phúc và hãnh diện với những đóng góp công sức và tinh thần của Tăng Ni để duy trì và phát triển Phật Pháp nơi xứ người. Chúng tôi cũng hãnh diện là Phật tử xa quê chúng tôi, đã vượt mọi khó khăn vật chất và tinh thần, để hộ đạo, hỗ trợ Tăng Ni tạo dựng nên hàng trăm ngôi chùa tại hải ngoại, với nhiều sinh hoạt môn phái, giáo hội, tổ chức Phật giáo khác nhau. Chúng tôi cũng hãnh diện là những vị thầy của chúng tôi khi đủ duyên thì lập chùa, làm trụ trì, hướng dẫn Phật tử ở khắp nơi, không cần phải thông qua bất cứ cá nhân hay tổ chức nào, cũng không cần phải khúm núm dâng bì thư cho ai để được chính thức làm trụ trì hay nhận những chức vụ nào đó trong giáo hội như tình trạng ở trong nước. Chúng tôi không có “sự ước vọng” tập trung, thống nhất (dưới lệnh của ai, hay của đảng phái nào). Chúng tôi chỉ ước vọng Phật Pháp được lưu truyền, và Tăng Ni Phật tử, dù không đồng quan điểm, không đồng tông môn, cũng sinh hoạt hòa hợp, vui vẻ với nhau. Chúng tôi không có cái ước vọng mà cư sĩ Minh Mẫn tự nghĩ ra và tự tiện gán cho chúng tôi.

Bây giờ hãy đi vào bài viết mới nhất của cư sĩ Minh Mẫn, ngày 24/7/2011, mà Thầy Thích Lệ Thọ cho là như cái kính phản chiếu.

“Sáng 23/7 đến thăm chùa H. N của thầy P. T, trong lúc vừa trò chuyện, vừa làm việc, vì chùa đang xây dựng, thầy cho biết rất nhiều về sự rạn nứt trong cộng đồng tu sĩ. Tuy lượng số tu sĩ ở đây không bao nhiêu, nhưng có quá nhiều giáo hội, ngay cả cái gọi là Giáo hội PGVNTN, cũng chia làm nhiều mảnh. Vì thế, thầy dùng từ châm biếm nói đến hai chữ Giáo hội: “Cáo Hội”…” (Tương Lai Chùa Việt ở Mỹ)

Vị thầy mà cư sĩ đề cập ở đây là vị thầy có tiếng là nóng tánh, xuất thân từ một hệ phái Phật giáo từng có những phát ngôn châm biếm chùa chiền Bắc tông là dùng chuông “ngu ngu” và mõ “ngốc ngốc”, qua Mỹ bao nhiêu năm vẫn tiếp tục dùng ác ngôn đó để dè bĩu, chỉ trích Tăng Ni các chùa khác, và đề cao pháp tu thiền của mình. Chưa hết, vị thầy này cũng đã nhiều lần tuyên bố trước Phật tử rằng “chùa của tôi không để cho Phật tử cúi lạy Phật như con giun lủi dưới đất nữa, mà sắp ghế và chỗ quỳ cầu nguyện như nhà thờ Thiên Chúa. Phật giáo Việt Nam sở dĩ không ngóc đầu lên nổi là vì cứ chúi đầu chúi cổ mà lạy như con giun đất!” Trong sinh hoạt và giao tiếp của Tăng đoàn tại miền Nam California, vị thầy này ít tham gia, chỉ có mặt vào những dịp lễ lớn do Cộng Đồng Phật giáo Nam California tổ chức. Cư sĩ Minh Mẫn chọn vị thầy này để lắng nghe tình hình Phật giáo tất nhiên dễ đưa đến những ngộ nhận, thiên kiến.

Đồng ý là có nhiều rạn nứt trong Tăng đoàn Phật giáo tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi mà vị thầy ấy đang hành đạo; nhưng xét cho cùng, “có quá nhiều giáo hội” chẳng phải là điều dở, tiêu cực; cũng chẳng phải là vì rạn nứt mà thành ra nhiều giáo hội. Nhiều giáo hội là vì một số chùa không cùng quan điểm hay khuynh hướng sinh hoạt (pháp môn tu tập, giao tiếp xã hội, chính trị, v.v…). Có những giáo hội thành lập trước khi Cố Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu viết tâm thư kêu gọi hợp nhất năm 1991 (để rồi hình thành các GHPGVNTN Hải Ngoại tại các nước từ năm 1992). Có những tổ chức giáo hội lập ra chỉ vì pháp lý của địa phương, tiểu bang hay liên bang đòi hỏi tên hội không trùng với hội khác. Vì vậy có thể nói sự rạn nứt là do một số cá nhân, không phải của đa số. Nội sự việc thầy ấy không muốn sinh hoạt với ai, mà mở miệng ra là chỉ trích, châm biếm, thì đủ hiểu nguyên do rạn nứt bắt nguồn từ đâu, từ tập thể Tăng đoàn hay cá nhân. Các rạn nứt từ cá nhân này, chẳng đáng kể. Quan trọng là Tăng đoàn.

Đáng ra cư sĩ Minh Mẫn nên tìm đến một giáo hội, hay một tự viện nào tập trung đông đảo Tăng Ni nhất để thấy, nghe, và hiểu thế nào là Tăng đoàn, thế nào là sự hòa hợp, thế nào là “tương lai chùa Việt ở Mỹ”. Chùa chiền ở Mỹ không quá 300 (kể cả các chùa nhỏ cải gia vi tự - không phải hàng ngàn ngôi chùa như cư sĩ Minh Mẫn viết), tăng sĩ Việt ở Mỹ cũng chưa đến con số ngàn. Trong số đó, rất nhiều Tăng Ni vì ở nơi xa xôi, biệt lập, không tập trung sinh hoạt với Tăng đoàn; cũng có nhiều vị vì khác quan điểm mà không đến với Tăng đoàn, hoặc vì sợ bị chụp mũ lây mà tránh né. Tăng đoàn muốn nói ở đây, cũng không bắt buộc phải là một tập thể xuất gia tập trung Tăng Ni trên toàn nước Mỹ, mà có thể là ở mỗi địa phương, mỗi khu vực. Ví dụ ở miền Nam California, có Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam Nam California, và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ là tập trung đông đảo Tăng Ni nhất. Hai tổ chức này thường phối hợp tổ chức các lễ lớn, sinh hoạt hòa hợp với nhau trong nhiều năm qua. Có thể gọi đây là Tăng đoàn Nam California. Mỗi lần tổ chức an cư kiết hạ, hoặc Lễ Hội Phật Đản, tập trung từ 200 đến 300 Tăng Ni (có nhiều Tăng Ni từ các giáo hội khác nhau tham dự, và nhiều Tăng Ni từ tiểu bang hay quốc gia khác, không phải từ Nam California). Ở Los Angeles có Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, Chùa Việt Nam. Ở Bắc California, có Tăng đoàn Bắc Cali, tập trung gần 200 Tăng Ni. Ở Texas, có Chùa Phật Giáo Việt Nam Houston, mỗi lần tổ chức Lễ Hội Quan Âm, tập trung trên 300 Tăng Ni, tổ chức an cư kiết hạ có hàng trăm vị. Ở các tiểu bang Đông Bắc và Trung Tây (với một số tiểu bang Michigan, Wisconsin, Ohio, Illinois, Iowa, Nebraska, Kansas, Indiana, Oklahoma…) Tăng Ni cũng tập trung tổ chức an cư kiết và hỗ trợ Phật sự. Những nơi đó, có thể gọi là trụ xứ của Tăng đoàn mà nếu ai muốn tìm hiểu, nên đến đó. Các trụ xứ thường tập trung đông đảo Tăng Ni tại Mỹ là Chùa Bát Nhã (Santa Ana), Chùa Bảo Quang (Santa Ana), Chùa Phật Đà (San Diego), Phật Học Viện Quốc Tế (North Hills), Chùa Việt Nam (Los Angeles), Tu viện Kim Sơn (Watsonville), Chùa Đức Viên (San Jose), Chùa Việt Nam (Texas), Chùa Trúc Lâm (Illinois), Chùa Pháp Hoa (Kansas), Chùa An Lạc (Indiana), v.v… Tăng đoàn không những tập trung nhiều Tăng Ni mà còn là nơi tụ hội hòa hợp của nhiều giáo hội, tông môn pháp phái. Đây mới chính là bộ mặt thật của Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Tìm hiểu Phật giáo và “tương lai chùa Việt ở Mỹ” mà không đến những nơi này là thiếu sót lớn. Bởi vì từ những trụ xứ của Tăng đoàn, người ta mới có được tầm nhìn mở rộng, tổng quát về tình hình sinh hoạt chung. Cư sĩ Minh Mẫn đã có cơ hội viếng thăm một trong những trụ xứ nói trên chưa? Tìm hiểu Phật giáo tại Mỹ mà chỉ đến thăm cá nhân một vài ngôi chùa “nhất tăng nhất tự” hoặc dăm ba thầy cô thì làm sao tránh khỏi thiên lệch? Dẫu biết có những cá nhân xuất sắc, có những đóng góp đáng kể cho Phật giáo Việt Nam tại Mỹ, nhưng thông tin đầy đủ cho cả một Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam tại Mỹ thì làm sao có thể đặt vào một người?

Nói chung thì sự chia rẽ, rạn nứt do mâu thuẫn cá nhân, ở đâu cũng có, không riêng gì tập thể tăng sĩ Phật giáo, nhưng chỉ duy sự rạn nứt lớn nhất làm ảnh hưởng chung cho cả Phật giáo Việt Nam hải ngoại là do Giáo Chỉ số 9, khiến ngoại đạo và ác đảng thừa cơ, chụp mũ, vu khống, đánh phá tất cả Tăng Ni và chùa chiền. Đây là một đại nạn mà Tăng đoàn hải ngoại nói chung, Hoa Kỳ nói riêng đã phải gánh chịu trong nhiều năm qua, và đang dần dần củng cố lại bằng những nỗ lực của từng cá nhân, cũng như của các sinh hoạt tập thể hòa hợp. Cái đại nạn này, chẳng vui vẻ gì cho Tăng Ni và Phật tử hải ngoại chúng tôi, và trong khi Tăng đoàn cố gắng gầy dựng, vun đắp lại ngôi nhà Phật giáo bị tàn phá bởi ngoại đạo, ác đảng và sư tử trùng, thì một cư sĩ nếu có lòng như cư sĩ Minh Mẫn, không cần thiết phải mượn lời vị thầy kia để châm biếm “cái gọi là Giáo Hội PGVNTN…” hoặc là “Cáo Hội”, rồi một số thầy trong nước cũng hớn hở đăng tải, chuyển đi bài viết.

GHPGVNTN chúng tôi là ngôi từ đường do Thầy-Tổ để lại, đẹp hay xấu, rộng hay hẹp, không quan trọng. Chỉ biết đó là gia sản của tiền nhân đem xương máu mà dựng nên. Chúng tôi sinh trưởng từ ngôi nhà ấy, chúng tôi nhớ ơn và báo đền bằng sự tu tập, hoằng pháp của mình. Cư sĩ Minh Mẫn cũng sinh trưởng từ ngôi nhà ấy, chẳng lẽ lấy làm vui khi lặp lại lời châm biếm của vị thầy kia (một vị thầy không thiết tha gì với GHPGVNTN)! Những vị trưởng thượng trong GHPGVN cũng từ ngôi nhà GHPGVNTN mà đi ra, có vị nào dám dùng chữ “cái gọi là” để gọi xách mé di sản của Thầy-Tổ và Thánh Tử Đạo không?

GHPGVNTN chúng tôi tại hải ngoại cũng chẳng bể làm nhiều mảnh như quý vị nói hùa theo ông ngoại đạo Tú Gàn. Trên thực tế thì có tách thành hai mảnh, một mảnh lớn và một mảnh nhỏ. Mảnh lớn sinh hoạt với Tăng đoàn bao gồm tất cả các giáo hội có mặt tại hải ngoại; mảnh nhỏ co cụm, sinh hoạt biệt lập trong một ốc đảo. Nhưng dù là mảnh lớn, mảnh nhỏ, cũng từ ngôi nhà của Thầy-Tổ mà ra. Cùng một tộc họ, tông môn, ngôi từ đường trong nước có bị thiêu rụi thì từ đường hải ngoại mọc ra trăm ngôi ngàn nhánh, có sao đâu, có gì mà phải châm biếm, xách mé? Hai mảnh này, một ngày vui vẻ nào đó, ráp lại thành một mấy hồi?

Đoạn kế tiếp, cư sĩ Minh Mẫn viết:  “HT C.T chùa L. H tại Garden Grove, một thành phố phía Bắc quận Cam, tiểu bang Cali, (nơi đây dân số Việt Nam độ 36 ngàn người, chiếm khoản 22% dân số thành phố) thuộc Giáo Hội Phật Giáo Liên Châu, cho biết, nhân lễ Phật Đản 2555, khi đề cập đến tình hình biển Đông, một tu sĩ nói: “Thà nô lệ cho Tàu cho Nga còn hơn cho Mỹ…” nghĩa là thầy ngao ngán tinh thần chính trị của Tăng sĩ ngày nay tại hải ngoại.” (Tương Lai Chùa Việt ở Mỹ)

Trước hết cần giải thích là tại Mỹ hay hải ngoại không có “Giáo Hội Phật Giáo Liên Châu” như cư sĩ Minh Mẫn viết thiếu, hoặc cố tình bỏ bớt hai chữ “Thống Nhất” cho an toàn bản thân khi về lại trong nước. Chỉ có Văn Phòng Điều Hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu với sự luân phiên điều hợp của bốn giáo hội PGVNTN Úc châu, Âu châu, Hoa Kỳ và Canada. Lễ Phật Đản PL. 2555 vừa qua do Cộng Đồng PGVN Nam California phối hợp với VPĐH GHPGVNTN Liên Châu tổ chức mà vị thầy ấy là Trưởng ban Tổ chức.

Nơi đây tôi cũng xin nhắc lại là tâm nguyện và hành xử chung của Tăng Ni Việt Nam nằm ở nơi Tăng đoàn. Đối với vấn đề Biển Đông, chưa có giáo hội hay tổ chức Phật giáo nào chính thức lên tiếng, ngay cả GHPGVN là giáo hội tự hào có 40-50 ngàn Tăng Ni. Nhưng Tăng đoàn hải ngoại, thông qua Văn Phòng Điều Hợp GHPGVNTN Liên Châu, đã cất tiếng nói sớm nhất, bày tỏ quan điểm và lập trường bảo vệ quê cha đất Tổ của mình qua “Bản Lên Tiếng về việc Trung quốc xâm lấn lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông,” do toàn thể thành viên của bốn giáo hội PGVNTN (gồm Úc châu, Âu châu, Hoa Kỳ và Canada) ký ngày 14/6/2011. Cư sĩ nên đọc “Bản Lên Tiếng” này để thấy ý chí và khuynh hướng của Tăng đoàn, chứ sao lại nghe một chiều không chứng cớ, không xuất xứ rõ ràng từ một vị thầy? Ai, “một tu sĩ” là ai đã nói “Thà nô lệ cho Tàu cho Nga còn hơn cho Mỹ…”? Nếu thực là có một tu sĩ nào nói câu ấy, thì đó không phải là một tu sĩ chân chánh, cũng không phải tu sĩ Việt Nam. Không người Việt nào (huống gì là một tu sĩ!) đang tâm muốn đất nước hay một phần đất nước rơi vào tay ngoại bang, dù là Mỹ, Nga, Tàu hay bất cứ nước nào! Sao cư sĩ không hỏi lại vị thầy ấy “Tu sĩ phát ngôn như vậy là người Tàu hay người Nga?” Riêng tôi, tôi không tin là có một tu sĩ hay bất cứ một người Việt Nam nào có thể nói ra câu ấy. Mà dù cho thực có “một tu sĩ” nói như vậy, cũng không thể vin vào đó mà “ngao ngán tinh thần chính trị của Tăng sĩ ngày nay tại hiả ngoại.” Tôi biết cư sĩ Minh Mẫn đã không nói hết những gì nghe được từ vị thầy ấy, nhưng căn cứ vào mấy chữ “còn hơn cho Mỹ” thì đủ hiểu “tinh thần chính trị” thế nào rồi: hoặc là thiên bên này, hoặc là thiên bên kia. Than phiền về “tinh thần chính trị” của người khác, chẳng qua là để bảo vệ “tinh thần chính trị” của mình mà thôi, chứ trên thực tế, chẳng “một tu sĩ” nào muốn đất nước mình bị nô lệ bởi ngoại bang, ý thức hệ, chủ nghĩa, hay đảng phái.

Một đoạn khác, cư sĩ Minh Mẫn viết: “Hầu hết chùa lớn chùa nhỏ chỉ có từ một đến hai vị cư ngụ. Nếu tính kinh tế, phải bỏ ra hàng trăm ngàn, có khi cả triệu Mỹ kim từ túi tín đồ để xây dựng cơ sở như thế, thuế má, chi phí mọi thứ có khi lên cả ngàn USD hàng tháng, lúc nào đó không trả nỗi sẽ mất trắng cơ sở; cho dù thanh toán sòng phẳng hàng tháng thì quả là quá phí phạm chỉ để cho một hai vị trú ngụ. Quần chúng cuối tuần mới đến chùa một lần, có nơi cũng chẳng ai vãng lai nếu nơi đó có nhiều tai tiếng và bị chụp mũ. Do sợ chụp mũ mà có vị phải chống Cộng hăng tiết để minh chứng mình không là Cộng sản. Chống cộng trở thành cái vỏ bọc thời trang để có thu nhập. Thật ra quý thầy không ai muốn dây dưa vào chính trị, mục đích chính là có thu nhập dồi dào.”

Xin thưa, có một số điểm cư sĩ nói đúng phần nào, với một vài cá nhân hay chùa nào đó mà cư sĩ đến thăm. Như hai ngôi chùa và hai vị thầy mà cư sĩ đề cập trong bài viết, đúng là “chùa lớn nhỏ chỉ có từ một đến hai vị cư ngụ.” Cư sĩ bất mãn với họ rồi lại tìm hiểu và lấy thông tin từ họ để phán xét chung về Tăng đoàn tại Mỹ, thật là lạ.  Nhưng chuyện một hay hai vị cư ngụ một ngôi chùa là chuyện bình thường tại Mỹ hay các nước khác ở hải ngoại. Đã biết là trong ngàn người vượt biên chỉ có một tu sĩ đi theo, thì làm gì có nhiều mà tập trung vào một ngôi chùa. Quý Tăng Ni cũng nên phân tán ra mà hướng dẫn Phật tử nhiều địa phương chứ. Ngay cả ở Việt Nam, cư sĩ hẳn biết nhiều tự viện nguy nga (như Linh Ứng Bãi Bụt và Bà Nà chẳng hạn) cũng chỉ có một hay hai vị Tăng mà thôi, vậy 40 ngàn Tăng Ni khác ở đâu sao không tụ về đó? Còn chuyện “quần chúng cuối tuần mới đến chùa một lần” cũng là bình thường, nếu không muốn nói là quá tốt, còn hơn họ không bao giờ đến mà còn bỏ theo đạo khác. Ngày thường họ đi làm, cuối tuần về chùa, vui vẻ quá rồi còn gì. Sinh hoạt tại hải ngoại là như vậy, không ai thắc mắc, đặt thành vấn đề. Hơn nữa, Phật tử nườm nượp đến chùa mỗi ngày thì còn đâu thời giờ cho Tăng Ni tu học, làm việc.

Còn chuyện “chống Cộng hăng tiết để minh chứng mình không là Cộng sản” cũng có một số trường hợp như vậy, ở ngoài đời cũng như trong chùa. Giống như trong nước, quý thầy treo hình Hồ Chủ tịch, hoặc phải nói “Đạo Pháp – Dân Tộc – Xã Hội Chủ Nghĩa” để được yên thân, không bị quấy rối, chụp mũ. Nhưng nói là “Chống cộng trở thành cái vỏ bọc thời trang để có thu nhập” “mục đích chính là có thu nhập dồi dào” là quá sai, quá hỗn đối với Tăng Ni. Xin thưa với cư sĩ Minh Mẫn rằng Phật tử chúng tôi đi chùa, cúng dường Tam Bảo không phải vì quý Tăng Ni chống Cộng. Cư sĩ đã quá xem thường tâm thành, niềm tin và chánh kiến của chúng tôi rồi. Trên đất Mỹ này, chùa có tiếng chống Cộng chỉ có vài ngôi, đếm trên đầu ngón tay, còn ngoài ra đều là những ngôi chùa, với những vị Tăng Ni lặng lẽ hành đạo. Chống Cộng hay không chống, chùa vẫn phát triển, xây dựng, Phật tử vẫn đến nườm nượp. Chùa chống Cộng thì có Phật tử chống Cộng đến, còn những chùa khác thì có Phật tử thuần túy tụ về. Chùa nào cũng có Phật tử thích hợp với tâm chí và ứng xử của chính vị trụ trì. Chẳng phải là những chùa khác không chống Cộng (vì hầu hết quý Tăng Ni ở Mỹ lâu năm, đều là người vượt biên, tị nạn chính trị), chỉ là không chống đến nỗi cực đoan, lộ liễu, đi quá xa phẩm cách và vai trò lãnh đạo tinh thần của mình mà thôi. Phật tử hải ngoại chúng tôi đến chùa học đạo, nương tựa Tam Bảo để sống theo Chánh Pháp hầu tìm được sự an lạc hạnh phúc cho cá nhân, cho gia đình, chứ không phải đến chùa vì thầy trụ trì chống Cộng hay không chống Cộng, xin cư sĩ cẩn thận lời nói. Quý Tăng Ni cũng hiểu rõ tâm thành của chúng tôi, không bao giờ kêu gọi chúng tôi chống Cộng hay không chống Cộng. Ngay cả ở những ngôi chùa mà cư sĩ châm biếm gọi là “chống cộng hăng tiết”, thầy trụ trì cũng chẳng bao giờ nói chuyện chính trị với Phật tử, mà chỉ nói chuyện tu học. Vậy thì chuyện thu nhập của chùa, chẳng liên quan gì đến chuyện chống Cộng, xin đừng nói bừa theo mấy người chuyên đâm thọc, châm biếm kẻ khác.

Ở một đoạn sau đó, cư sĩ Minh Mẫn nói “Tại hải ngoại, có những tín đồ ngoan đạo, cũng phải dán vào cửa văn phòng làm việc của mình tấm hình của vị phạm giới với dòng chữ MA TĂNG, có những người quá bất mãn, họ lẳng lặng đầu thú với ngoại giáo như một lối thoát của niềm tin và sự thất vọng.” Xin thưa với cư sĩ rằng, chỉ có một, duy nhất phòng mạch của một bà nha sĩ tại quận Cam là treo hình quý Thầy mà bà chụp mũ là cộng sản (không biết bây giờ còn treo không? Cư sĩ có đến tận nơi để xem không hay chỉ nghe ai nói?), không phải là nhiều như là cư sĩ tưởng đâu. Bà nha sĩ này cũng chẳng phải là “tín đồ ngoan đạo” gì, bà chỉ đi chùa theo cha mẹ, và bây giờ “chống cộng hăng tiết” (chữ của cư sĩ dùng), ghét ai thì chụp mũ người đó cộng sản, ghét chùa nào thì đến chùa đó biểu tình. Có thể bà là “tín đồ ngoan đạo” của đạo khác từ lúc nào đó, không còn là Phật tử thuần thành nữa. Còn chữ “Ma Tăng” là do ngoại đạo, ác đảng và sư tử trùng qua biến cố Giáo Chỉ Số 9, đã sáng chế ra để chửi Tăng Ni không khâm tuân Giáo Chỉ, chứ không phải để bêu xấu tăng sĩ phạm giới. Lối viết của cư sĩ ở đây khiến người đọc tưởng đâu tại hải ngoại, nhiều nơi, nhiều văn phòng dán hình tu sĩ phạm giới và đề chữ “Ma Tăng”. Thực ra chỉ là trường hợp có một không hai của bà nha sĩ được mệnh danh là “bà khùng”, có gì mà cư sĩ phải nêu lên báo như là nhiều trường hợp phổ thông vậy! Tôi hy vọng cư sĩ không có ác ý khi mượn chữ của bà nha sĩ, các ngoại đạo, ác đảng và sư tử trùng để mà mạ lỵ tăng sĩ Phật giáo tại Mỹ thêm một lần nữa.

Ở đoạn kết, cư sĩ Minh Mẫn viết, đọc qua thì có vẻ cao đẹp lắm, nhưng bản chất thì không đúng: “Chư Tăng sống có mục đích công ích thì quần chúng sẽ không xa rời đạo Phật; chư Tăng và quần chúng đều hướng vào tâm linh và công ích xã hội thì tình thương sẽ phát triển, lòng đố kỵ chống báng nhau, chụp mũ nhau sẽ không còn; Phật giáo Việt Nam tại xứ người sẽ có bộ mặt tươi nhuận hơn, đi vào lòng xã hội dễ hơn và sự tồn tại của chùa Việt Nam mới có ý nghĩa hơn.”

Điều mà cư sĩ nói ở đây, cho thấy cái nhìn rất hời hợt về Phật giáo, và ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sinh hoạt của một hai tôn giáo khác thờ Chúa. Thứ nhất “mục đích công ích” của đạo Phật không phải là từ thiện xã hội mà chính yếu là giáo hóa quần chúng con đường thoát ly khổ não, đạt được an vui hạnh phúc chân thật. Từ ngàn xưa đến nay, “mục đích công ích” này vẫn không thay đổi. Còn như “mục đích công ích” theo ý của cư sĩ Minh Mẫn là làm việc từ thiện xã hội để “quần chúng sẽ không xa rời đạo Phật” thì cũng sai với mục tiêu của Phật giáo. Đạo Phật có mặt để mang lại giải thoát giác ngộ cho người chứ không phải để dùng việc công ích mà dụ dỗ hoặc giữ chân họ ở với mình. Thứ hai, nói “chư Tăng và quần chúng đều hướng vào tâm linh và công ích xã hội thì tình thương sẽ phát triển, lòng đố kỵ chống báng nhau, chụp mũ nhau sẽ không còn…” cũng là nói cho có nói, không thực tế. Chư Tăng và quần chúng Phật tử đến chùa lúc nào lại chẳng hướng vào tâm linh! Chính vì hướng vào tâm linh mà Tăng Ni xuất gia đầu Phật; chính vì hướng vào tâm linh mà quần chúng Phật tử tìm đến chùa. Chuyện xưa và tất nhiên như vậy cần gì phải nói.

Còn  “mục đích công ích” cư sĩ Minh Mẫn đề nghị Tăng Ni làm là gì? Là những chuyện Tăng Ni các chùa đã có làm, đang làm, không có gì mới lạ đáng bàn luận. Chẳng hạn việc mở viện dưỡng lão (đã có vị mở tại Los Angeles, nhưng không thành công, vì thủ tục khá nhiêu khê, tốn kém còn hơn xây hai ba cảnh chùa), mở lớp dạy Việt ngữ (trong 10 chùa thì đã có 6-7 chùa có lớp dạy Việt ngữ), “tổ chức các show bảo tồn văn hóa dân tộc và nhiều việc lợi ích cho cộng đồng” (mỗi kỳ lễ hội Phật Đản hay Vu Lan là mỗi kỳ triển lãm văn hóa tại nhiều chùa hoặc nơi Tăng đoàn tổ chức chung, có chùa còn chuẩn bị thành lập thư viện Phật giáo công cộng, có chùa còn sắp mở cả Viện Bảo Tàng Văn Hóa Phật Giáo nữa). Những đề nghị của cư sĩ đã quá xưa đối với Phật giáo tại Mỹ rồi. Cư sĩ còn chưa biết rằng, một số Tăng Ni đang làm việc cho Bộ Xã Hội, và một số Ni đang theo học các ngành nuôi dạy trẻ, chăm sóc người già. Đủ điều kiện thì thành lập nhà trẻ và viện dưỡng lão, không thì cũng dấn thân đi vào các ngành này để giáo dục, cảm hóa, an ủi quần chúng. Tăng Ni tại Mỹ năng động và sẵn sàng dấn thân chứ không có ù lỳ thụ động như cư sĩ nghĩ.

Đáng ra cư sĩ nên lắng nghe, tìm hiểu nhiều hơn thay vì nói và đề nghị thật nhiều những điều mà bên này đã làm, đang làm. Trong nước người ta đưa cả mấy chục ngàn sinh viên qua Mỹ và các nước du học để mang kiến thức về xây dựng đất nước, còn cộng đồng người Việt trên 50 tiểu bang Mỹ là 1 triệu 548 ngàn người (theo thống kê dân số năm 2010) trong đó biết bao nhiêu người trẻ Phật tử là sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia các ngành, và mấy trăm Tăng Ni định cư hơn 20 năm tại Mỹ, không đủ trí tuệ để nghĩ ra những điều mà cư sĩ đề nghị hay sao?

Dù sao cũng ghi nhận thành ý xây dựng của cư sĩ Minh Mẫn, nhưng những sai lầm và thiếu sót thông tin của cư sĩ thì không thể không nêu ra ở đây:

-          Cư sĩ nói ở Mỹ có “hàng ngàn ngôi chùa”. Không đúng. Chỉ có vài trăm, chưa đến 300 (tính luôn cả những tịnh thất nhỏ).

-          Ở đoạn nói về vị thầy ở Garden Grove, cư sĩ nói “Garden Grove, một thành phố phía Bắc quận Cam, tiểu bang Cali (nơi đây dân số Việt Nam khoảng 36 ngàn người, chiếm khoảng 22% dân số thành phố).” Không đúng. Garden Grove có 36 ngàn người đã không đúng mà tiểu bang Cali có 36 ngàn người lại càng sai trầm trọng. Theo thống kê dân số năm 2010 thì thành phố Garden Grove có trên 47 ngàn người Việt. Con số 36 ngàn người Việt thì thuộc thành phố Westminster.

-          Đoạn khác cư sĩ lặp lại con số 36 ngàn người Việt, nhưng nói là “36 ngàn người Việt hiện nay ở Cali” khiến tôi ngờ rằng cư sĩ đã không phân biệt được sự khác nhau giữa thành phố Garden Grove và tiểu bang Cali. Thông tin mù mờ như vậy mà cứ viết bừa ra rồi vội vàng đăng báo. Thế rồi từ con số 36 ngàn người Việt (của thành phố Westminster mà gán cho toàn bang Cali), cư sĩ chia chẻ ra, cuối cùng còn có 12 ngàn Phật tử Việt, rồi chẻ thêm giữa già và trẻ, cuối cùng chỉ còn 6 ngàn Phật tử già đến chùa (cho gần một trăm ngôi chùa của tiểu bang Cali). Sai quá sai! Xin cư sĩ lấy viết ghi xuống giùm: dân số người Việt trên toàn Hoa Kỳ là 1,548,449 người, trong đó 37.58% tập trung tại tiểu bang Cali, tức là khoảng 581,907 người. (mời xem “Những Con Số Cần Biết và Quan Tâm” của Ts. Nguyễn Đình Thắng)

Để kết thúc, tôi muốn nhắn với cư sĩ Minh Mẫn mấy điều sau đây: xin học hạnh lắng nghe, nghe nhiều nói ít; biết rõ thì nói, không biết thì đừng nói; xây dựng thì dùng chân và ái ngữ, đừng quá trực ngữ; đừng lấy chuyện của thiểu số mà gán cho đa số; đừng nghe một chiều từ một người rồi suy ra chuyện của trăm người; viết cho quần chúng, dù viết cẩn thận rồi, cũng cần đọc kỹ lại xem lỗi chính tả, câu cú, và ý tứ có mạch lạc, thuần nhất và đẹp không trước khi phổ biến, không gì phải vội vã như là biên bản báo cáo; trước khi soi chiếu người khác, hãy tự soi xem kính của mình có trong sáng không, có thể phản ảnh đúng như thực không, có hiện ra một khuôn mặt dị dạng nào đó không phải là con người của chính mình không?

Chỉ một chuyến Mỹ du ngắn hạn, cư sĩ chỉ ngồi một chỗ mà “chiếu” ở khắp 50 tiểu bang, đưa ra những kết luận vội vàng, sai sót, có khi hồ đồ, và khinh thị Tăng Ni và Phật tử hải ngoại. “Cái kính” mà thầy Thích Lệ Thọ ví cho các bài “ký sự” của cư sĩ Minh Mẫn làm tôi liên tưởng đến kính chiếu yêu của nhân vật trong truyện “Cửa Tùng Đôi Cánh Gài” của Thiền sư Nhất Hạnh.

(Quận Cam, California, 27/7/2011)

Phạm N. Trân

 

 

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
TRẢ LỜI MỘT SỐ NGỘ NHẬN VỀ VIỆN TĂNG THỐNG VÀ HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP
PHẬT TỬ CÓ NÊN BIỂU TÌNH?
THÔNG TƯ VỀ VIỆC TỔ CHỨC LỄ CẦU NGUYỆN CHO QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
THƯ GỬI TĂNG SINH THỪA THIÊN HUẾ
BẢN LÊN TIẾNG Về Việc Biển Miền Trung Việt Nam Nhiễm Độc Khiến Cá Chết Hàng Loạt
Phỏng vấn Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Văn Thông - tác giả bức ảnh lịch sử Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963
50 NĂM NHÌN LẠI THỰC TRẠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
TUYÊN BỐ CHUNG nhân KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY CÔNG BỐ HIẾN CHƯƠNG Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Cải đạo tín đồ Phật giáo ở Campuchia
NGƯỜI PHẬT TỬ NÊN ĐỌC KINH ĐIỂN NHƯ THẾ NÀO
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717902