Mẫn Tử Khiên mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, cha lấy vợ hai, bà này sinh được hai người con trai. Bà mẹ kế thương yêu và chăm sóc con đẻ nhiều hơn, điều này Tử Khiên biết rất rõ nhưng vẫn sống vui vẻ, không hề hờn giận.
Mùa Đông giá lạnh, mẹ kế chỉ sắm áo bông cho hai em, còn Tử Khiên phải mặc áo mền hoa lau, không đủ ấm. Một hôm Tử Khiên đánh xe hầu cha, cha thấy anh co ro run rẩy liền quở mắng, Tử Khiên không dám nói. Cha giận đánh anh, ngờ đâu áo rách, bật hoa lau ra. Cha thấy thế, căm giận người vợ kế từ lâu đã bạc đãi con mình. Bây giờ sự việc rõ ràng, ông muốn đuổi bà đi, Tử Khiên khóc can ngăn cha:
- Con xin cha hãy bình tâm suy xét cho kỹ. Dì con còn ở trong nhà, thì chỉ một mình con rét. Dì con đi rồi thì ai may vá, cơm nước hàng ngày cho cả nhà. Có lẽ rồi đây ba anh em con đều không có áo, phải chịu rét cả.
Nhờ câu nói chí tình, chí hiếu và chí kính, không hề có chút căm giận của Mẫn Tử Khiên làm cha anh cảm động tha cho bà mẹ kế đồng thời cảm hóa được bà mẹ kế từ ghen ghét chuyển thành yêu thương Tử Khiên như con đẻ của mình. Từ đó, gia đình của Mẫn Tử Khiên sống rất hòa thuận, hạnh phúc.
(Theo Nhị thập tứ hiếu của Lý Văn Phức)
BÀI HỌC ĐẠO LÝ:
Tục ngữ có câu: "Con không đẻ mẹ không thương”. Đọc chuyện xưa, suy gẫm chuyện nay thấy ngoài những em có hoàn cảnh như Tử Khiên phải sống trong sự ghẻ lạnh của mẹ kế, còn có nhiều em là nạn nhân của những cuộc ly hôn, mặc dù có cha mẹ nhưng phải sống với bố dượng hoặc mẹ kế hay sống với những người thân. Các em thiếu rất nhiều thứ: Có thể cơm không đủ no, áo không đủ ấm, phải làm việc quá sức mình, thiếu nơi nương tựa và thiếu hơi ấm tình thương cha mẹ, niềm vui hạnh phúc gia đình…
Chữ "An” trong Hán tự là một loại chữ tượng hình, gồm chữ "Miên” (mái nhà) trên và chữ "Nữ” (phụ nữ) dưới. Ý người xưa muốn nói lên vai trò quan trọng của người phụ nữ, người mẹ trong nhà. Quả thật, trong nhà thiếu đi người mẹ là một mất mát lớn lao, không ai có thể thay thế được! Chuyện mẹ kế con chồng của gia đình Tử Khiên, nếu cứ theo thói thường của người đời mà xử, thì chồng bỏ vợ, con mất mẹ, anh em có thể thù oán lẫn nhau, nhà tan cửa nát. May mắn thay gia đình này có một người con chí hiếu, đầy lòng nhân ái. Tử Khiên dù tuổi còn rất trẻ nhưng suy nghĩ đã sâu xa, lòng bao dung độ lượng. Anh đã biết cách ăn ở và cư xử nhẫn nhịn với người mẹ kế, tránh những xung đột không đáng có và nhất là bỏ qua tất cả những điều cay nghiệt mà bà đã đối xử với anh, cố gắng cam chịu, sống và làm việc hết mình với tình thương chan hòa bao la.
Phật Trời không phụ lòng người tốt, biết kiên nhẫn đợi chờ. Chắc chắn điều tốt lành sẽ đến với họ. Và cơ hội tốt ấy đã đến. Mẫn Tử Khiên chỉ chờ có vậy và bằng một câu nói mang cả "tâm thương” dào dạt đã làm cảm động lòng cha, làm tiêu tan "tâm ích kỷ” ác độc trong lòng người mẹ kế. "Tâm thương” của Mẫn Tử Khiên đã lan tỏa vào lòng mọi người trong gia đình và chuyển hóa ganh ghét, ích kỷ để làm nên hạnh phúc diệu kỳ. Có thể nói rằng, chỉ có lòng thương, sự bao dung và nhân ái mới có thể hóa giải được tâm địa ác độc, hẹp hòi của những bà mẹ kế đáng thương.
Tử Khiên là một trong những người con hiếu thảo được lưu danh để cho thiên hạ đời sau lấy đó làm bài học đạo lý làm người. Mong sao những bà mẹ trên đời đều có đủ tình thương và đức hạnh của những bà mẹ mẫu mực, để chúng ta có nơi nương tựa, có thể sà vào lòng mẹ bất cứ lúc nào tìm chút hơi ấm, chia sẻ buồn vui trong cuộc đời.