Giải oan Bạt độ có nghĩa là cởi bỏ oan khiên trói buộc, nhổ sạch phiền não đưa hương linh qua sông mê về bến giác. Lễ giải oan Bạt độ mang một tính cách vô cùng quan trọng là ta luôn nghĩ đến những oanhồn uổng tử, những bất đắc kỳ tử trong thân thuộc giòng họ đang chơi vơi nơi cảnh ngạ quỷ cô hồn chưa được siêu thoát mong được hoá giải cứu độ.
Trong hành lễ, Sám chủ xử dụng ấn chú và cây Tích trượng trong hình thức giải oan:( Triệu thỉnh, Phá địa ngục, Giải tội khiên, Sám hối, Quy y ).
Cây Tích trượng còn có tên là Thanh trượng, Minh trượng, Trí trượng hay Ðức trượng.
Hiển giáo dùng làm gậy khi đi khất thực và đuổi trùng thú. Theo Tích trượng kinh: -Tích trượng của Phật Ca Diếp có hai gọng và 12 vòng tượng trưng cho hai đế (chơn đế và tục đế) và thập nhị nhân duyên.
-Tích trượng của Phật Thích Ca có 4 gọng và 12 vòng tượng trưng cho tứ đế và thập nhị nhân duyên
Mật giáo thì cho đó là cây Thập Pháp Giới do 5 đại tạo thành, là hình Tam Muội Da của đức Ðịa Tạng có 6 vòng tượng trưng lục độ, trên đầu gậy có 5 bánh xe tượng trưng Bảo tháp. Hình thức dẫn độ hương linh qua cầu từ bến mê về bờ giác, bẻ gãy chiếc cầu giữa đôi đường mê giác, ân cần nhắc nhở chư hương linh đoạn tuyệt với quá khứ xấu xa, chuyên tâm tu hành thánh đạo:” Ðoạn nhất thiết ác, tu nhất thiết thiện, độ nhất thiết chúng sanh”.
Hơn nữa, trong kinh Pháp Cú, Phật cũng đã dạy:”Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ các trạng thái tâm lý và hành vi”.Nếu con người hành động hay nói năng với một tâm ác xấu thì khổ não sẽ lê bước theo sau người ấy như bánh xe lần theo dấu chân của con bò kéo xe. Ngược lại nếu con người hành động bằng tâm thiện lành thì hạnh phúc sẽ đuổi theo người ấy như bóng không rời hình”
Với tâm thiện lành từ đây chắc hẳn âm linh thoát khỏi cảnh khổ phiêu bồng, chúng ta cũng không còn dây dưa với nghiệp cảm ấy nữa.
Ngoài ra chúng ta còn có những cách bạt độ khác thuần túy như: quy y linh, vớt vong, thuyết linh.v.v...