“Thuyết pháp đệ nhất”
Phú Lâu Na tên đầy đủ là Phú Lâu Na Ni Đa La Ni Tử nhưng vì tên ông quá dài nên người ta thường gọi tắt là Phú Lâu Na. Phú Lâu Na sinh ra trong một gia đình thuộc hạng giàu có và danh tiếng ở đất nước Già Tỳ La Vệ.
Người ta nói rằng, Phú Lâu Na sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với Đức Phật Thích Ca.
Cha của Phú Lâu Na là con trai của Tịnh Phạn Vương Quốc sư, còn mẹ ông tương truyền là em gái của A Nhược Kiêu Trần Như, một người xuất thân dòng dõi Bà la môn được cho là cao quý ở Ấn Độ thời bấy giờ.
Là người thông minh nên ngay từ nhỏ Phú Lâu Na đã nhận ra rằng ái ân, tài sản của thế tục rồi cũng tới lúc phải biệt ly tan rã.
Phú Lâu Na được liệt vào danh sách 10 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca với danh hiệu “Thuyết pháp đệ nhất” do chính Phật Thích Ca công nhận và tán dương.
Chính vì vậy, sau khi nghe chuyện thái tử Tất Đạt Đa tức Phật Thích Ca Mầu Ni đang đêm bỏ cung điện đi tìm con đường cứu giải thoát khỏi những khổ nạn của thế tục, Phú Lâu Na cùng với 30 người bạn đồng chí hướng đã quyết định xuất gia vào Tuyết Sơn khổ hạnh tu hành.
Khi Phật Thích Ca thành đạo, mở đàn thuyết pháp, Phú Lâu Na đã tìm tới xin được xuất gia và thọ cụ túc giới. Không bao lâu sau, ông chứng quả A La hán.
Phú Lâu Nam có tài năng đặc biệt trong hùng biện, thuyết phục người khác, do vậy, những giáo lý của Đức Phật Thích Ca được ông truyền giảng không chỉ đầy đủ, sâu sắc mà còn rất dễ hiểu.
Chính vì vậy, Phú Lâu Na được liệt vào danh sách 10 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca với danh hiệu “Thuyết pháp đệ nhất” do chính Phật Thích Ca công nhận và tán dương.
Những câu chuyện về khả năng thuyết pháp tuyệt vời của Phú Lâu Na cho tới nay vẫn được lưu truyền như những minh chứng sống động về cuộc đời vị đệ tử huyền thoại này của Đức Phật.
Hoằng pháp ở Du Lô Na
Chuyện kể rằng, một hôm, sau mùa an cư kiết hạ, Phú Lâu Na muốn lên đường hoằng hóa Phật Pháp, phổ độ chúng sinh bèn đến thưa với Phật Thích Ca rằng: “Bạch Thế Tôn! Xin ngài từ bi cho phép con đến nước Du Lô Na thuyết pháp”.
Đức Phật nghe Phú Lâu na nói thì rất vui, tuy nhiên, do Du Lô Na là nước ở vùng xa xôi, người dân còn rất lạc hậu, hung dữ nên việc một người nước ngoài tới nơi đây thuyết pháp là điều không dễ.
Chính vì thế, Đức Phật mới nói với Phú Lâu Na rằng: “Phú Lâu Na! Việc giáo hóa chúng sinh, lợi mình lợi người, ta rất vui vì ý định của ông. Ông đi giáo hóa các nơi ta đều an lòng. Nhưng ta bảo ông đi hoằng pháp không nhất định phải đi đến nước Du Lô Na.
Tốt nhất ông nên chọn nơi nào khác rồi sẽ đi”. Phú Lâu Na nói: “Vì cớ gì thưa Thế Tôn. Hễ nơi nào có chúng sinh đáng độ thì chẳng phải có thể đến đó dạy dỗ cho họ hay sao?”
Đức Phật giải thích: “Phú Lâu Na! Du Lô Na là một nước nhỏ hẻo lánh, không có đường giao thông thuận tiện nên giáo hóa chẳng được như ý.
Dân chúng tính tình rất hung bạo, đánh chửi thành thói quen. Là người nước ngoài đến nước đó, chẳng lẽ ông không sợ nguy hiểm sao?”
Nghe Phật nói như vậy, Phú Lâu Na biết rằng Đức Phật lo lắng cho mình thì mỉm cười nhưng chí ông đã quyết tới Du Lô Na vì vậy ông đã nói với Đức Phật rằng: “Thưa Thế Tôn! Ngài từ bi thương tưởng chúng đệ tử, con không thể dùng lời diễn tả mối cảm kích.
Con vì cảm động ơn ấy mà nguyện đem thân nhỏ mọn nầy phụng hiến cho Đức Phật, phụng hiến chính pháp và tất cả chúng sanh.
Chính vì Du Lô Na là một nước biên địa hoang dã, trước đây chưa ai phát tâm giáo hóa, nên con mới nghĩ rằng không đến đó không xong.
Đến đó, con cũng biết có rất nhiều nguy hiểm đang đợi mình, nhưng vì muốn tuyên dương chánh pháp, thì sự an nguy của con không còn là vấn đề quan trọng. Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi cho phép con đi khai mở một cõi tịnh độ nhân gian”.
Nghe Phú Lâu Na nói vậy, Phật Thích Ca rất hài lòng và sẵn lòng để Phú Lâu Na tới Du Lô Na.
Tuy nhiên, Đức Phật muốn nhân cơ hội này để các đệ tử khác biết được hành động hoằng pháp cao cả bất chấp hiểm nguy của Phú Lâu Na nên tiếp tục hỏi ông: “Phú Lâu Na! Ông nói đúng, làm đệ tử ta, hoằng pháp là việc tu hành trọng yếu thứ nhất.
Tượng Phú Lâu Na
Nhưng ta hỏi ông, ông đến nước Du Lô Na , nếu họ không chấp nhận ông mà lớn tiếng chửi mắng thì ông làm sao?” Phú Lâu Na thưa: “Bạch Thế Tôn! Họ chửi mắng con, con vẫn thấy họ còn tốt vì họ chưa lỗ mãng đến nỗi dùng roi gậy đánh đập con”.
Đức Phật hỏi tiếp: “Nếu họ dùng nắm tay, gạch ngói, roi gậy đánh đập ông thì sao?” Phú Lâu Na đáp: “Con vẫn thấy họ còn tốt, chưa đến nỗi đâm chém con”.
Phật lại hỏi: “Nếu như họ dùng dao búa thì làm sao?” Phú Lâu Na thưa: “Con cũng cho họ rất tốt vì họ còn tình người chưa đến nỗi giết con”.
Phật lại hỏi: “Nếu như họ giết ông chết?” Phú Lâu Na trả lời Phật rằng: “Nếu thế con cám ơn họ đã giết sắc thân của con để hỗ trợ cho đạo nghiệp của con.
Họ giúp con đem sinh mạng báo đáp ân đức của Thế Tôn. Điều ấy đối với con tuy không có trở ngại chỉ sợ di hại ảnh hưởng không tốt cho họ mà thôi”.
Nghe Phú Lâu Na trả lời như vậy, Đức Phật tỏ ra rất vui, cười và khen ngợi ông: “Phú Lâu Na! Ông thật xứng đáng là đệ tử hạng nhất của ta. Với tâm nhẫn nhục thì ông sẽ an bình, ta sẽ đưa ông lên đường”.
Phú Lâu Na được Phật khuyến khích nên rất cảm động, tràn đầy tự tin với chuyến hoằng pháp ở Du Lô Na.
Sau khi làm lễ với Phật Thích Ca, Phú Lâu Na lên dường tới Du Lô Na giữa những tiếng hoanh nghênh của đoàn tỳ kheo.
Sau khi cáo biệt đức Phật và tăng đoàn, Phú Lâu Na một mình mải miết đi về hướng Đông Bắc đến nước Du Lô Na. Nước Du Lô Na đất xấu dân nghèo, chỗ nào không có núi cao thì cũng có nước sâu.
Phong thổ của đất nước này hơi giống như nước Mông Cổ. Khắp nơi không có đô thị phồn hoa, mà nhân dân chỉ sinh sống bằng nghề săn bắn, “ăn lông ở lỗ” và rất ít xóm làng đông đúc.
Khi Phú Lâu Na mới đến, do là một người nước ngoài, nên ông biết rằng, muốn hoằng pháp thành công, trước tiên ông phải học cho được ngôn ngữ bản xứ của người Du Lô Na.
Chính vì vậy, Phú Lâu Na đã dành nhiều tâm huyết để học tiếng nói của người dân nơi đây.
Tiếng nói của người dân Du Lô Na thì không mấy khác biệt với ngôn ngữ Ấn Độ nên Phú Lâu Nam học rất nhanh. Tuy nhiên, khó khăn duy nhất của ông không phải là tiếng nói.
Người dân nơi đây khi thấy ông mặc áo nhà Phật và mang bình bát khất thực thì đều nhìn ông với ánh mắt rất kỳ quái.
Phú Lâu Na nhận ra rằng, đối với một nước văn hóa lạc hậu như Du Lô Na, nếu đem giáo lý cao siêu của Đức Phật ra giảng sẽ không bao giờ thành công được, nên ông quyết định sẽ giúp người dân nơi đây cải thiện đời sống trước rồi mới tính tới chuyện hoằng pháp sau.
Nghĩ như vậy nên Phú Lâu Na quyết định không cho người dân nơi đây biết thân phận tu sĩ của mình mà chỉ làm việc như một người thầy thuốc chữa bệnh cứu người.
Hàng ngày, ông thăm bệnh cho mọi người bất kể họ ở đâu, xa xôi cách trở thế nào. Hễ nơi đâu có người bị bệnh là ông tìm đến. Chính nhờ sự tận tâm này, ít lâu sau người dân Du Lô Na đã coi ông như một vị cứu tinh của họ.
Ngoài tư cách một thầy thuốc, Phú Lâu Na còn dạy cho người dân Phú Lâu Na biết cách trồng trọt để dự trữ thức ăn vào mùa lạnh, mùa không thể săn bắn được.
Ông còn dạy cho họ biết chữ. Sau khi người dân nơi đây đã có cuộc sống khấm khá hơn, mọi người đều đã được học hành, hiểu được chữ nghĩa, ông mới đem giáo lý của Phật Thích Ca giảng giải cho họ. Thế là, chẳng bao lâu sau, người dân nước Du Lô Na đều quy y theo Phật.
Chính tại nơi đây, Phú Lâu Na đã thu phục 500 đệ tử và thành lập 500 ngôi tịnh xá. Đức Phật rất vui về công cuộc giáo hóa của Phú Lâu Na ở Du Lô Na, đã tuyên bố trước các đệ tử rằng: “Trong hàng đệ tử ta được như Phú Lâu Na mới xứng đáng với danh xưng đệ nhất thuyết pháp. Các ông nên noi theo gương của Phú Lâu Na”.
Kháng nghị Đại Ca Diếp
Khi Phật Thích Ca nhập diệt, Phú Lâu Na vẫn ở nước ngoài hoằng dương đạo pháp nên không về kịp để thấy mặt Đức Phật lần cuối. Khi ông cùng các đệ tử của mình về tới thành Câu Thi Na thì kim thân của Đức Phật đã được trà tỳ.
Phú Lâu Na rất đỗi thương tâm vì chuyện ấy nhưng cũng rất quan tâm tới giáo pháp của Phật.
Khi nghe tin Đại Ca Diếp cùng 500 vị A La Hán cùng nhau kết tập kinh điển lần thứ nhất tại núi Kỳ Xà Quật, ông đã vội tới tham dự. Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi ông tới nơi thì cuộc kết tập đã gần kết thúc.
Thấy ông đến, Đại Ca Diếp liền nói: “Ngài đến rất đúng lúc. Chúng tôi kết tập giáo pháp của Phật gần xong, đang chờ ý kiến của ngài”.
Phú Lâu Na lắng nghe tỉ mỉ phần kết tập xong nói với Đại Ca Diếp rằng: “Về nội dung toàn bộ tôi không có gì bàn bạc thêm, nhưng về phần luật tạng có liên hệ đến 8 pháp ẩm thực mà các vị đã ngăn cấm, tôi khó mà đồng ý bởi vì điều ấy trái với bản ý của Phật. Chính Đức Phật cho phép tám việc trên”.
Đại Ca Diếp là vị trưởng lão quyền uy trong tăng đoàn, từ trước tới nay chưa ai dám đưa ra ý kiến trái ngược với ông.
Dù trong lòng nhiều người có không vui nhưng ngoài mặt vẫn thản nhiên như không. Tuy nhiên, Phú Lâu Na thì sẵn sàng nói ra điều ấy, vì ông cho rằng những gì ông nói là đúng với giáo pháp mà Phật đã dạy.
Cả hai người đều biện luận cho lý lẽ của mình, thành ra không giải quyết được là nên cấm hay không.
Cuối cùng Phú Lâu Na đành nói: “Đã không thống nhất được thì từ đây tôi chỉ giữ theo những điều tự thân nghe được từ Phật và theo sự lĩnh ngộ của tôi mà thôi”.
Phú Lâu Na nói xong lại lên đường tiếp tục hành trình hoằng pháp. Ông nhập diệt ở đâu và lúc nào thì sử sách Phật giáo không nhắc tới. Chỉ biết rằng, ngay cả sau khi Đức Phật đã nhập diệt, Phú Lâu Na vẫn tiếp tục đi giáo hóa ở khắp nơi với lòng nhiệt tâm không đổi.
Bằng Hư