( PNT) - Là con của quốc sư dòng Bà la môn, cháu của học giả nổi tiếng uyên bác A Tư Đà được người đời gọi là tiên nhân và bản thân là một học giả nổi tiếng đương thời về tài năng và bản lĩnh, thế nhưng cuối cùng Katyayana vẫn bị đức Phật cảm hóa và trở thành người đệ tử có tài năng hùng biện xuất sắc của Đức Phật…
Thi tài hùng biện với anh trai
Katyayana (còn gọi là Ca Chiên Diên) vốn chỉ là họ chứ không phải là tên. Tên của Ca Chiên Diên vốn là Na Da Là nhưng về sau, do ông nổi tiếng, trở thành một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca, người ta mới dùng họ để gọi ông nhằm tỏ lòng tôn kính.
Từ đó, người ta không còn nhắc nhiều đến tên thật của ông nữa mà chỉ gọi ông là Tôn giả Ca Chiên Diên.
Ca Chiên Diên là con thứ trong một gia đình giàu sang và danh giá ở thôn Di Hầu, nước Avente (A Bàn Đồ), thuộc miền Nam Ấn Độ. Thân phụ của Ca Chiên Diên là một quốc sư của dòng Bà la môn, rất giàu có và được rất nhiều người nể trọng.
Ca Chiên Diên có một người anh cũng là người thông minh, tài trí.
Ngay từ nhỏ, người anh này của Ca Chiên Diên đã quyết tâm theo cha học đạo Bà la môn. Để uyên bác hơn, anh trai của Ca Chiên Diên đã quyết định rời nhà đi ngao du thiên hạ, tham học đạo lý Bà la môn với với các đạo sư danh tiếng.
Sau khi đã học hết kinh điển của Bà la môn, anh trai Ca Chiên Diên trở về quê cũ với ý định lập đàn tràng thuyết giảng kinh Vệ Đà.
Trong khi người anh của mình đi khắp nơi du học thì ở nhà, Ca Chiên Diên cũng theo cha dùi mài kinh sử.
Vì vậy, khi biết anh mình về quê lập đàn thuyết giảng về kinh Vệ Đà, Ca Chiên Diên cũng ra thông báo và lập một giảng đàn đối diện với giảng đàn của anh để thuyết giảng về kinh Vệ Đà để thi tài cùng anh.
Mặc dù từ nhỏ tới lúc ấy chưa bước ra khỏi nhà thế nhưng, Ca Chiên Diên đã nói rất rõ ràng dễ nghe về những nội dung quan trọng nhất của kinh Vệ Đà.
Những người đến nghe hôm ấy đều nhất loạt cho rằng, Ca Chiên Diên thuyết giảng thuyết phục và hay hơn anh trai của mình rất nhiều.
Bị người em nhỏ tuổi làm cho mất mặt trước công chúng, anh trai của Ca Chiên Diên giận lắm, tìm đến phụ thân mách tội, đòi trừng trị thích đáng tội trịch thượng của Ca Chiên Diên. Ngay sau đó, Ca Chiên Diên được triệu đến trước mặt cha và anh mình.
Chàng thiếu niên Ca Chiên Diên khi đó vẫn bình tĩnh và chậm rãi nói: “Thưa cha! Xin cha hãy rộng lượng soi xét, trong lúc anh con đi phương xa học hỏi, ở nhà con cũng theo cha cố công học tập.
Con thiết lập đàn tràng để biết công lao học hỏi nghiên cứu trong những năm qua, kết quả như thế nào chứ không hề có ý cạnh tranh hơn thua.
Trước mặt mọi người, con không rắp tâm dụ dỗ ai. Hai anh em của con sẽ phân trần với nhau, xin cha chớ bận tâm và cũng mong anh con cũng sẽ đồng ý như vậy”.
Cha của Ca Chiên Diên tuy là quốc sư nhưng trước hai đứa con ông đều quý mến, ông cũng không biết phân xử thế nào cho phải. Cuối cùng, ông chỉ đành hứa là sẽ cho biết ý kiến sau.
Sau khi hai anh em Ca Chiên Diên đều đã ra về, quốc sư đem chuyện bàn với phu nhân.
Cuối cùng hai người quyết định, để làm an lòng anh của Ca Chiên Diên, và cũng để bảo tồn danh dự cho ông ta, Ca Chiên Diên sẽ được gửi qua núi Tần Ðà, ở phương Nam học đạo với tiên A Tư Ðà.
Lời dặn dò của bá phụ
Tiên A Tư Đà vốn là anh trai của thân mẫu Ca Chiên Diên. Ông là một vị tiên nhân uyên bác, được nhân dân Ân Độ rất nể trọng thời bấy giờ.
Chuyện kể rằng, khi thái tử Tất Đạt Đa, người sau này trở thành Phật Thích Ca sinh ra đời, A Từ Đà đã nhận lời đức vua Tịnh Phạn tới xem tướng cho thái tử.
Sau khi nhìn mặt thái tử, A Tư Đà nói với vua Tịnh Phạn rằng: “Đại vương! Vị thái tử hiền minh này tương lai nhất định sẽ xuất gia học đạo, và thành tựu quả Phật.
Thật đáng tiếc cho tôi đã già quá rồi, không kịp đợi ngài ấy thành Phật. Tuy không thể lãnh thọ giáo lý của ngài, nhưng tôi sẽ dạy đệ tử tôi theo ngài học đạo”.
Nói xong, A Tư Đà rơi nước mắt rồi lui ra. Và quả thật, sự việc sau đó đã diễn ra đúng như lời tiên đoán của A Từ Đà.
Từ khi được cha gửi tới núi Tần Đà, Ca Chiên Diên rất được người bác và cũng là người thầy của mình là A Tư Đà yêu mến.
A Tư Đà đem hết sở học của mình truyền dạy cho đứa cháu thông minh. Ca Chiên Diên cũng không phụ lòng của người bác, chẳng bao lâu sau đã thông đạt cả tứ thiền, ngũ thần thông.
Một hôm, A Tư Đà gọi Ca Chiên Diên đến nói rằng: “Ca chiên diên! Như chí nguyện của con bây giờ, mai sau con sẽ là một nhân vật vĩ đại, nhưng con phải gặp minh sư mới được.
Chỗ hiểu biết của ta, hiện tại không còn đủ cho con cầu học. Đức đại thánh Phật đà đã xuất thế, con hãy đợi sau khi ngài thành đạo, mau mau theo học với ngài”.
Ca Chiên Diên nghe lời thày dạy nhưng vẫn bán tín bán nghi về đức đại thánh Phật đà. Duy có một điều Ca Chiên Diên tin rằng thầy mình nói đúng, đó là sau này mình sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại.
Để chuẩn bị cho người cháu của mình, ngày nọ, A Tư Đà dẫn Ca Chiên Diên xuống núi, đến vườn Lộc Dã của nước Ba La Nại và lập một ngôi tịnh thất ở đây.
Sau khi tịnh thất hoàn thành, A Tư Đà nói Ca Chiên Diên mỗi ngày cầu đảo ba lần, cầu cho đức Đại giác Phật đà manh đến ngày chứng quả.
A Tư Đà lại nói với Ca Chiên Diên rằng: “Ca Chiên Diên! Theo ta tính quẻ dự đoán, đức Phật chẳng bao lâu sẽ thành đạo.
Sau đó nhất định sẽ đến Lộc Dã Uyển mà quay bánh xe pháp trước nhất. Ta chỉ biết được như thế, còn đức Phật giác ngộ chân lý gì, e rằng ta không có phúc để biết điều ấy.
Con nên nhớ kỹ điều này, đức Phật thành đạo rồi, con phải mau mau đi tìm ngài cầu đạo và tu học nhé!” Ít lâu sau, A Tư Đà qua đời. Ca Chiên Diên tự do phát huy học vấn và tài năng của mình.
Cha là quốc sư, bác ruột là tiên A Tư Đà, mặc dù không muốn dựa vào điều đó nhưng Ca Chiên Diên cũng không thể phủ nhận là chính vì điều ấy mà dân chúng nể trọng mình hơn.
Đáng tiếc, Ca Chiên Diên bắt đầu bị chìm đắm trong danh lợi và quên mất lời dặn dò trước khi mất của bác mình đó là tìm Đức Phật để cầu học.
Bài kệ thần bí
Một thời gian sau đó, tại miền đất hoang gần thành Ba La Nại, người ta đào được nhiều di vật của một cổ thành từ mấy ngàn năm trước. Trong đó có một tấm bia có khắc một lối chữ mà chẳng ai biết là chữ gì.
Người ta đồn rằng, ai có thể đọc được nội dung bài kệ trên tấm bia đó thì chắc chắn đó là một bậc đại giác. Thế nhưng, trong suốt một thời gian dài mà vẫn chưa ai có thể đọc được nội dung bài kệ đó.
Một hôm, quốc vương Ba La Nại nói với quần thần rằng, nội trong vòng 7 hôm, phải tìm cho bằng được người có thể đọc được nội dung bài kệ trên tấm bia đá cổ kia nếu không sẽ cách chức toàn bộ.
Ông vua này cho rằng, nếu không đọc được bài kệ thần bí kia, người các nước khác sẽ chê cười nước Ba La Nại mình là những kẻ không có học.
Mệnh lệnh của nhà vua đưa ra khiến ai cũng run sợ, tuy nhiên, các quan đại thần chưa từng thấy những thứ chữ này nên chỉ còn cách lấm lét nhìn nhau không dám ngẩng đầu lên.
Cuối cùng, các quan dâng kiến nghị lên nhà vua, xin treo bảng thông báo cho toàn quốc, ai đọc được bài kệ trên bia cũ sẽ được trọng thưởng mỹ nữ và tài vật châu báu.
Thông báo của nhà vua nhanh chóng tới tai Ca Chiên Diên.
Trước đây, A Từ Đà từng dạy cho Ca Chiên Diên tất cả những thứ chữ ở mọi quốc gia vì thế, Ca Chiên Diên rất tự tin gỡ thông báo tới gặp quốc vua để đọc bài kệ.
Và quả thực, Ca Chiên Diên đọc được toàn bộ nội dung của bài kệ. Tuy nhiên, Ca Chiên Diên chỉ đọc được bài kệ chứ không thể giải thích được nội dung bài kệ nhằm nói điều gì.
Quốc vương Ba La Nại công nhận học vấn của Ca Chiên Diên, tuy nhiên, giờ đây giải đáp nội dung bài kệ lại trở thành một câu hỏi lớn.
Nhà vua một lần nữa lại quyết định treo giải thưởng để những học giả trong thiên hạ tới khai thông vấn đề.
Ca Chiên Diên đương nhiên không chịu thua. Ông hứa với đức vua, trong vòng 7 ngày nhất định mình sẽ tìm hiểu thấu đáo nội dung bài kệ. Tuy nhiên, sau khi đã tra cứu tất cả các kinh sách, lục lọi trí nhớ của mình, Ca Chiên Diên vẫn không thể nào hiểu được ý chỉ của bài kệ cổ là gì. Đến khi không còn biện pháp nào nữa, Ca Chiên Diên buộc phải đi cầu người khác giúp mình.
Ba đầu, ông tới chỗ Phú Lan Na Ca Diếp, sau đó lại tìm đến từng người trong nhóm lục sư ngoại đạo. Tuy nhiên, không giải đáp của ai khiến Ca Chiên Diên cảm thấy thỏa mãn.
Cuối cùng, sau khi đã cùng đường, Ca Chiên Diên mới nghĩ tới đức Phật Thích Ca mà ngày xưa người bác A Tư Đà của mình đã dặn mình tới cầu học.
Ban đầu Ca Chiên Diên ngần ngại không đi vì nghĩ rằng, bài kệ này, văn tự cõi trời, các lão Bà la môn trưởng thượng, uy quyền một cõi mà còn không biết thì một người tuổi còn trẻ như Tất Đạt Đa Cù Đàm làm sao mà biết được? Tuy nhiên, sau cùng, Ca Chiên Diên vẫn quyết định tới gặp đức Phật Thích Ca vì nghĩ rằng, học vấn không quyết định bởi tuổi tác.
Khi yết kiến đức Phật, Ca Chiên Diên mới biết những lời bác mình nói là không sai. Nghe Ca Chiên Diên đọc bài kệ một lượt, đức Phật đã giải đáp thông tỏ từng câu, từng chữ của bài kệ cho Ca Chiên Diên nghe.
Ca Chiên Diên vốn là người thông minh, nghe đức Phật đọc một lượt đã có thể ghi nhớ. Ông đọc lại bài kệ đáp của đức Phật một lần rồi cung kính cúi lạy đức Phật để tỏ lòng biết ơn.
Sau đó, Ca Chiên Diên đem bài kệ đáp của Đức Phật về nói lại cho vua nước Ba La Nại nghe. Từ đó trở đi, Ca Chiên Diên tuyên bố với các tín đồ từ nay mình sẽ quy y đức Phật để làm đệ tử của một bậc đại Thánh.
Bằng Hư