Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá, người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc,
vào thời Cao-Tề (Bắc-Tề, 550-577).
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn,
tại Canada, năm 2016.
Phẩm 8
LỄ BÁI
Lúc bấy giờ đức Phật lại bảo tôn giả A Nan:
“Nếu có người nghe được danh hiệu của Phật, Như Lai nói rằng, người đó chắc chắn sẽ được vào niết-bàn. Này A Nan! Nếu có người xưng niệm ‘Nam mô Phật’, sự việc đó có ý nghĩa gì?”
Tôn giả A Nan bạch rằng:
“Phật là gốc của tất cả các pháp. Phật là con mắt dẫn đường. Phật diễn nói tất cả giáo pháp. Lành thay, bạch đức Thế Tôn! Cúi xin đức Thế Tôn vì chư vị tì-kheo mà giảng rõ ý nghĩa ấy. Chúng con xin lắng nghe và nguyện thọ trì.”
Đức Phật bảo tôn giả A Nan:
“A Nan! Thầy hãy lắng nghe và suy nghĩ chín chắn, Như Lai sẽ vì thầy mà giảng nói. Này A Nan! Câu ‘Nam mô Phật’ chắc thật là âm thanh danh hiệu của chư Phật Thế Tôn. Vì để quyết định đây là âm thanh danh hiệu của chư Phật, cho nên xưng niệm ‘Nam mô Phật’. Này A Nan! Để làm rõ ý nghĩa này, Như Lai sẽ nói một thí dụ sau đây, khiến cho chúng sinh tăng trưởng lòng tin đối với giáo pháp; lại khiến cho tất cả thiện nam tín nữ, khi nghe được âm thanh danh hiệu của chư Phật Thế Tôn, liền phát sinh lòng kính tin sâu xa. Này A Nan! Hồi đời quá khứ, có một vị đại thương chủ dẫn theo các thương nhân đi ra biển cả. Khi thuyền của họ đã ra khơi, thình lình một con cá ma-kiệt rất lớn lao tới, há miệng muốn nuốt hết mọi người. Lúc ấy, vị thương chủ và các thương nhân vô cùng hoảng hốt, lông tóc dựng đứng. Tất cả thương nhân đều kinh sợ, lo lắng cho mạng sống sắp chấm dứt, không ai cứu hộ, không có chỗ nương cậy. Họ buồn khóc thảm thiết, than rằng: [Ôi đau đớn thay! Nơi đất liền sao mà vui thế, sao mà hiếm có như thế! Thế gian thân người khó được; thế mà giờ đây chúng ta sắp phải xa lìa cha mẹ, anh chị em, vợ con, họ hàng, bè bạn! Chúng ta lại cũng không còn thấy được Phật, Pháp và Chúng Tăng!] Họ càng than thở thì càng lo âu, đau buồn. Chẳng biết cách nào khác, họ đành cầu khẩn chư vị thiên thần cứu giúp họ. Nhưng, này A Nan! Vị thương chủ kia vốn là người có chánh kiến, tâm trí sáng suốt, đầy đủ lòng tin thanh tịnh đối với Phật Pháp Tăng; không tin thờ chư vị thiên thần. Lúc bấy giờ ông bảo các thương nhân rằng: [Chư vị nên biết! Nếu muốn thoát khỏi được ách nạn này, chư vị hãy cùng lúc đồng thanh nói theo tôi. Giả sử không thoát khỏi được ách nạn ngày hôm nay, thì những lời nói này cũng khiến cho chúng ta đời sau được sinh vào các cõi lành.] Các thương nhân nghe như vậy, đồng nói rằng: [Thưa ngài thương chủ, chúng tôi nguyện nghe theo lời dạy bảo của ngài, xin ngài cứ nói!] Này A Nan! Lúc đó, vị thương chủ liền trật vai áo bên phải, quì gối xuống sàn thuyền, nhất tâm niệm Phật, chắp tay lễ lạy, lớn tiếng xướng lên rằng: ‘Nam mô chư Phật, bậc đại vô úy, bậc đại từ bi, bậc thương xót tất cả chúng sinh.’ Ông xướng như vậy ba lần. Tiếp theo, các thương nhân chắp tay lễ lạy, cùng nhau đồng xướng lên rằng: ‘Nam mô chư Phật, bậc bố thí vô úy, bậc đại từ bi, bậc thương xót tất cả chúng sinh.’ Họ cũng cùng xướng ba lần như vậy. Lúc bấy giờ, con cá ma-kiệt kia nghe được âm thanh danh hiệu của chư Phật, liền sinh lòng quí kính, dứt bỏ tâm giết hại, ngậm miệng lại. Này A Nan! Vị đại thương chủ cùng các thương nhân, bấy giờ đều được thoát nạn, chèo thuyền trở về đất liền bình an. Riêng con cá ma-kiệt, do nghe được âm thanh danh hiệu của chư Phật mà sinh tâm vui mừng, lại dứt bỏ tâm giết hại chúng sinh, nên sau đó mạng chung, được sinh lên làm người, được gặp Phật pháp, phát khởi lòng tin thanh tịnh, bỏ nhà đi xuất gia, được thân cận các bậc thiện tri thức, chứng quả A-la-hán, có đầy đủ sáu thần thông, rồi nhập vô dư niết-bàn. Này A Nan! Thầy xem đấy, con cá kia vốn sinh làm loài súc sinh, nhưng vì được nghe danh hiệu Phật mà được sinh làm người; đã được sinh làm người lại được xuất gia; đã xuất gia lại được chứng quả A-la-hán và nhập niết-bàn! Này A Nan! Thầy xem đấy, thần lực của chư Phật là như thế đó. Con cá kia nghe được danh hiệu Phật mà được thần thông. Xưng dương danh hiệu Phật thì nhất định có được lợi ích lớn; huống chi, nếu có người được nghe danh hiệu Phật, lại được nghe chánh pháp, được trồng căn lành ngay ở đất Phật, mà không được lợi ích lớn lao ư?
“Này A Nan! Như lúc trước Như Lai đã nói, trồng căn lành một vài phần thì sẽ được phước báo một vài phần; trồng căn lành toàn phần thì sẽ được phước báo toàn phần. Này A Nan! Người trồng căn lành ‘một vài phần’, có nghĩa, người này vì muốn chóng được thành tựu, nên gieo hạt giống Thanh-văn, được nhập vào Thanh-văn thừa, và do căn lành ấy mà chứng được đầy đủ quả vị của hàng Thanh-văn; hoặc có người gieo hạt giống Duyên-giác, được nhập vào Duyên-giác thừa, và do căn lành đó mà chứng được đầy đủ quả vị của hàng Duyên-giác. Này A Nan! Đó là ý nghĩa của câu ‘trồng căn lành một vài phần’ mà Như Lai vừa nói. Còn câu ‘trồng căn lành toàn phần’ là chỉ cho người từ vô thỉ đến nay, luôn gieo trồng hạt giống Phật nơi đất Phật. Tất cả các căn lành tích tập trải qua thời gian tu hành lâu xa đó sẽ tạo nên nhân duyên được gặp chư Phật. Được gặp chư Phật rồi, người đó lại muốn tích tập đầy đủ căn lành cho quả vị Bồ-đề. Khi đã tích tập đầy đủ căn lành cho quả vị Bồ-đề, thì người đó thành tựu quả Phật, được tôn xưng là đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri; thanh danh vang động khắp thế gian. Đó gọi là ‘tu hành toàn phần’. Này A Nan! Sự ‘tu hành toàn phần’ này, trước đây rải rác trong các kinh, Như Lai đã nói rõ, thầy nên tuần tự đọc tụng để hiểu biết. Thầy hãy nhớ: Tu hành một ít phần thì sẽ đạt được kết quả một ít phần; tu hành toàn phần thì sẽ đạt được kết quả toàn phần.
“Lại nữa, này A Nan! Trong các kinh trước đây, có chỗ Như Lai cũng nói: [Cho đến thọ trì bốn câu kệ.], là đối với những kẻ độn căn, kém trí, đức mỏng mà Như Lai tùy nghi nói như thế. Này A Nan! Như Lai vì tất cả những kẻ không có chỗ quay về mà làm chỗ quay về; vì những kẻ không nhà mà làm nhà; vì những kẻ không có người cứu hộ mà làm người cứu hộ; làm ngọn đèn sáng cho những kẻ bị tối tăm; làm con mắt cho những kẻ mù lòa. Này A Nan! Tất cả những kẻ ngoại đạo không có trí tuệ, không thể tự cứu mình thì làm sao cứu được người khác! Làm sao làm chỗ quay về cho người khác!
“Này A Nan! Như Lai là bậc Thầy dạy dỗ tất cả trời, người; là người thương xót tất cả chúng sinh. Trong đời vị lai, khi giáo pháp sắp diệt mất, sẽ có các tì-kheo và tì-kheo-ni, tuy đã được xuất gia trong giáo pháp của Như Lai, nhưng họ nắm tay trẻ nít cùng đi rong chơi, từ quán rượu này đến quán rượu khác; sống trong giáo pháp của Như Lai mà không tu phạm hạnh. Tuy họ sống bất chính như vậy, nhưng ở ngay trong kiếp Hiền này, tất cả đều đạt được đạo quả niết-bàn. Thế nào là kiếp Hiền? Này A Nan! Cõi ba ngàn đại thiên thế giới này, khi kiếp sắp hình thành, thì tất cả toàn là nước. Chư thiên ở cõi trời Tịnh-cư dùng thiên nhãn xem thấy thế giới này chỉ toàn là nước; nơi đó có ngàn cành hoa sen vi diệu, mỗi hoa sen đều có ngàn cánh, màu vàng chiếu ra ánh sáng vàng rực rỡ, hương thơm ngào ngạt. Chư thiên cõi trời Tịnh-cư thấy như vậy, tâm rất hoan hỉ, cùng khen ngợi rằng: [Kì lạ thay! Kì lạ thay! Thật là hi hữu! Thật là hi hữu!] Ở trong kiếp này sẽ có một ngàn đức Phật ra đời, vì vậy mà kiếp này được gọi là kiếp Hiền. Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ, trong kiếp Hiền này, sẽ còn chín trăm chín mươi sáu đức Phật ra đời; trước Như Lai, đức Phật ra đời đầu tiên là Câu Lưu Tôn, Như Lai là thứ tư, tiếp theo sau Như Lai là đức Phật Di Lặc; và đức Phật ra đời cuối cùng trong kiếp Hiền này là Lô Giá; thứ tự như thế, thầy nên biết. Này A Nan! Ở trong giáo pháp của Như Lai, có những vị sa-môn mà lại làm ô nhiễm hạnh sa-môn; tự xưng là sa-môn nhưng chỉ có hình tướng giống sa-môn, vì có mặc áo ca-sa. Mặc dù vậy, trong kiếp Hiền này, kể từ đức Phật Di Lặc cho đến đức Phật cuối cùng là Lô Giá, tất cả những vị ấy đều tuần tự sẽ đạt được đạo quả niết-bàn, không sót một vị nào. Vì sao vậy? Này A Nan! Tất cả những vị sa-môn ấy, thế nào cũng có một lần phát tâm kính tin và xưng niệm danh hiệu Phật; công đức từ đó phát sinh ra, và không bao giờ tiêu mất. Này A Nan! Như Lai dùng Phật trí quán sát pháp giới, không có điều gì mà không biết. Này A Nan! Phàm tạo nghiệp trắng thì sẽ nhận được quả báo trắng; tạo nghiệp đen thì sẽ chịu quả báo đen. Nếu có người đem tâm thanh tịnh, xưng niệm một câu ‘Nam Mô Phật’, thì, này A Nan! Người ấy đã gieo trồng căn lành cho đạo quả niết-bàn, và sự gieo trồng như thế cứ được tiếp nối, chắc chắn người ấy sẽ chứng đạt tận cùng cảnh giới niết-bàn; huống chi có người được gặp Phật mà chí thành cung kính, tôn trọng cúng dường, và sau khi Phật diệt độ lại cúng dường xá-lợi! Này A Nan! Những vị sa-môn mà lại làm ô nhiễm hạnh sa-môn kia, họ tự xưng là sa-môn nhưng chỉ có hình tướng giống sa-môn thôi, thế mà, chỉ cần một lần xưng niệm danh hiệu Phật, họ cũng sẽ đạt đến đạo quả niết-bàn; huống chi họ còn sinh tâm kính tin và gieo trồng nhiều căn lành! Này A Nan! Trong ý nghĩa đó, Như Lai nói bài kệ sau đây:
“Chư Phật thật không thể nghĩ bàn,
Chánh pháp của chư Phật cũng vậy.
Nếu kính tin ‘không thể nghĩ bàn’,
Được phước báo không thể nghĩ bàn.
Các đức Như Lai trong quá khứ,
Thương xót chúng sinh, làm ánh sáng,
Cũng từng cúng dường vô lượng Phật,
Chứng ngộ Bồ-đề không kể số.
Như Lai ngày xưa thường bố thí,
Bình đẳng thương xót các chúng sinh,
Tín tâm thanh tịnh luôn tinh tấn,
Tinh cần hóa độ cho tất cả,
Quí trọng chúng sinh như cha mẹ,
Anh em, họ hàng, thiện tri thức,
Đối với thân thích không sân hận,
Chứng ngộ Bồ-đề không kể số.
Khi ta cầu đạo quả Bồ-đề,
Trải vô lượng kiếp hành bố thí,
Tâm từ bi thương xót chúng sinh,
Bỏ cả thân, đầu, mắt, máu, thịt,
Cũng bỏ cả vô lượng ngôi vua,
Bỏ cả thê thiếp cùng con cái,
Vô lượng voi, ngựa, xe quí báu,
Chỉ cầu đạo Bồ-đề vô thượng.
Trong vô lượng ngàn muôn ức kiếp,
Đến đi đều với chí tinh cần,
Tâm thanh tịnh thực hành bố thí,
Vì cầu đạo Bồ-đề vô thượng.
Nhẫn nại nhận chịu vô lượng khổ,
Giá lạnh, nóng bức, cùng đói khát,
Dù chết không rời tâm tinh tấn,
Vì cầu đạo Bồ-đề vô thượng.
Dù cho trăm năm hay một kiếp,
Như lai không thể nào nói hết
Lòng thương xót tất cả chúng sinh,
Vì cầu đạo Bồ-đề vô thượng.
Khi ta còn luân hồi sinh tử,
Được gặp trăm ngàn ức chư Phật,
Đều là các bậc đại thế lực,
Ta thường dâng cúng hoa bằng vàng,
Món ăn trân quí và y phục,
Tràng hoa, hương thoa và hương bột,
Cờ, phướn, lọng che đều quí báu;
Cúng dường chư Phật như thế đó.
Đối với chúng sinh nhiều vô luợng,
Lưu chuyển trong luân hồi sinh tử,
Ta thường đến họ để an ủi.
Ta luôn thực hành hạnh bố thí,
Trì giới, nhẫn nhục và tinh tấn,
Thiền định tam muội và trí tuệ;
Tu tập bốn lãnh vực quán niệm,
Bốn chánh cần và bốn thần túc,
Năm khả năng cùng năm sức mạnh;
Hành trì bảy yếu tố giác ngộ,
Tám nguyên tắc hành động chân chánh;
Tu tập các pháp trợ đạo ấy,
Vì cầu đạo Vô-thượng Bồ-đề.
Ta dùng chánh trí tu các nghiệp,
Không xen lẫn một điều bất thiện,
Tu tập các hạnh, không buông lung,
Không một mảy may gây tội lỗi.