Thiền sư Wonhyo (Nguyên Hiểu) tục danh Seol Seo-Dang sinh năm 617, năm thứ 36 đời vua Jinpyeong (Chân Bình vương- trị vì: 579 -632), triều đại Silla (Tân La).
Nơi sinh quán của Ngài khoảng 1396 năm trước đây địa danh là Buljichon, nay thuộc thôn Sinwol, thị trấn Amnyang, Thành phố Gyeongsan (Khánh Sơn thị) tỉnh Gyeongsangbuk-Do (Khánh Thượng Bắc đạo), Hàn Quốc. Phụ thân của Ngài là cụ ông Seol Dam-nal.
Danh hiệu Wonhyo (Nguyên Hiểu) nghĩa là “Bình minh”. Ngài không những là bậc danh đức tiên phong cho tư tưởng Phật giáo Hàn Quốc, cho tư tưởng của các nhà triết học tiên phong tại quốc gia này.
Khác hẳn với cha mình, Ngài chỉ làm quan đến bậc 11 trong 17 bậc quan thời Silla (Tân La). Thuở nhỏ Ngài đã tinh thông võ nghệ, có học vấn hơn người và luôn mơ ước trở thành một hiệp sĩ Hwarang (nhóm thanh niên nghĩa hiệp thời Silla).
Trong chiến tranh quá nhiều người tử nạn, trước cảnh chết chóc do binh đao loạn lạc, nhận thức được chân tướng của sự vô thường, thế thái nhân tình đều quanh quẩn trong vòng tương đối mâu thuẫn khổ đau, Ngài tỏ ngộ chân lý Phật đà và lập chí xuất trần.
Vườn hoa Bát Nhã thêm hoa, đất Bồ đề thêm người vun xới, năm 31 tuổi Ngài xuất gia làm Tăng nơi ngôi đại Già Lam Hoàng Long Tự (Hwangnyongsa) thành phố Gyeongju và được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp danh Wonhyo (Nguyên Hiểu) có nghĩa là "ánh bình minh tỏa sáng", khi trở thành Tăng sĩ sinh sống chốn Thiền môn thì Ngài tâm niệm phải làm rạng danh Phật giáo.
Ngài vân du hành cước khắp các danh lam Tự viện trên toàn quốc, thâm học làu thông Phật, Nho, Lão tam giáo cửu lưu, chuyên tu tập Thiền định và nổi tiếng là một người trí tuệ phi phàm. Đạo nghiệp đời Ngài tỏa sáng muôn phương.
Phát túc siêu phương tâm cầu học Phật thăng tiến trên đường đạo, Ngài quyết định xuất dương du học vào thời Đường triều, Trung Quốc. Năm 650, lúc 34 tuổi Ngài cùng tăng thân Euisang (Nghĩa Sương) vượt sông Amnokgang (Áp Lục Giang) hướng biên giới Trung Quốc lên đường cầu pháp nhưng bị chướng duyên bởi bị hiểu lầm là gián điệp tại Goguryeo (Cao Câu Ly) và bị tù giam ở đây mất 1 tháng, chuyến đi này không thành công nhưng Ngài vẫn giữ chí nguyện kiên cường và quay trở về cố hương chờ thời cơ.
Năm 660, 10 năm sau dù tuổi đã 45 nhưng một lần nữa Ngài cùng tăng thân Euisang (Nghĩa Sương- (625-702) quyết dấn thân dùi mài cầu học Phật, hai người rời Gyeongju (Khánh Châu) ra đi, lần này trên suốt các nẻo đường Daegu, Chungju, Yeoju, Pyeongtaek, Hwaseong… đến Dangjuye, lãnh thổ của Baekje (Bách Tế), qua đường biển để vào nhà Đường, Trung Hoa.
Trên lộ trình Ngài được chứng kiến biết bao cảnh trần gian ảo mộng, trải nghiệm sự biến đổi của vạn vật khắp nơi, tiếp xúc với nhiều nỗi buồn vui sướng khổ của dân nghèo, những người đang chịu cảnh chiến tranh tang tóc. Khi đến vùng phụ cận của Hwaseong (Hoa Thành) thuộc tỉnh Gyeonggi-do (Kinh Kỳ đạo) ngày nay, nơi Hải cảng trời tối đen lại gặp giông bão ập đến, Ngài đã nghỉ qua trọn đêm ở một hang động và công cuộc du học của Ngài cũng đã dừng lại tại đây. Lúc tỉnh dậy vào buổi sáng hôm sau, Ngài phát hiện ra nước mình uống hôm qua trong cơn khát chính là nước đọng trên những bộ xương sọ. Ngài vỡ lẽ thực tế là người ta không thể nhịn được ói mửa sau khi biết những ngụm nước ngọt và ngon miệng đến vậy trong cơn khát canh khuya kia là nước đọng trên hài cốt.
Trời mưa lớn kéo dài, vừa đói khát lại thêm lạnh rét, Ngài đành phải lưu lại nơi nghĩa địa hoang vắng một đêm nữa. Đêm thứ hai Ngài không thể ngon giấc được, bởi được biết mình đang ở trong một nghĩa địa cổ xưa và sự kiện này đã khiến Ngài trầm tư quán tưởng, sau đó Ngài đã tỏ ngộ rằng: “Nhất thiết duy tâm tạo” Tất cả hiện tượng thế giới thảy do tâm, Tâm chẳng khác Vật, Vật chẳng khác Tâm, Tâm tức Vật, Vật tức Tâm. . . Toàn thể vũ trụ đều nằm trong tâm này. Như bóng nào cũng nằm trong gương. Như sông nào cũng ở trong đại dương. Sự vật nào, phàm thánh nào cũng đều ở trong Nhất Tâm này và chính là Nhất Tâm này. Sự nhận thức bất ngờ này làm cho Ngài thấy rõ Tam giới duy tâm, ba cõi duy chỉ là Nhất Tâm “Tất cả pháp đều là Phật pháp”. Ngài bỏ ý định đến nhà Ðường cầu pháp. Rồi một lần nữa, Ngài trở lại Silla (Tân La).
Ngài dù thân là một nhà Sư nhưng cuộc đời phải trả định nghiệp tiền kiếp. Một hôm Ngài được Vua triệu vào hoàng cung Yoseonkung, nơi đây Ngài được sự ái mộ của công chúa Yoseok (Dao Thạch), con gái yêu quý của vua Taejong Muyeolwang (Thái Tông Vũ Liệt vương-trị vì: 654 đến 661), vua đời thứ 29 của Vương quốc Silla (Tân La). Ngài thị hiện kết duyên với công chúa Yoseok (Dao Thạch) và đã hạ sinh được một người con trai tên là Seolchong (người này khi lớn khôn đã thành một văn nhân đại học giả nổi tiếng nhất về Khổng giáo, người có công trong việc phát triển chữ Quốc ngữ Hàn, được liệt vào một trong thập hiền, tài năng xuất chúng của triều đại Silla). Sau đó Ngài không mặc tăng phục Cà sa và trở thành một Cư sĩ sống bình thường.
Ngài mang bên mình một chiếc gáo bầu mà giới nghệ sĩ nhân gian thường hay dùng để đùa nghịch, Ngài dạo quanh khắp các làng quê, vừa nhảy múa vừa ca hát. Cử chỉ và sự xuất hiện của Ngài lập dị và bất thường.
Dáng vẻ Ngài rất khôi hài, khiến mọi người gọi Ngài bằng những cái tên như "Tiểu Tính cư sĩ" hay "Bốc Tính cư sĩ". Ngài đã gõ trên một cái bầu và hát rằng: “Chỉ có một người không lo âu, không sợ sệt thì thẳng bước tiến lên và chiến thắng sự luân hồi của sinh và tử”.
Bài : "Vô ngại ca", giáo lý Phật giáo do Ngài sáng tác thành bài hát đơn giản đã trở thành tác phẩm tuyệt diệu được phổ nhạc ca hát trên khắp mọi miền đất nước và những lời Ngài dạy như: "Nếu miệng niệm kinh Phật, tai nghe lời Phật dạy thì ai cũng có thể thành Phật" cũng đã đi vào lòng người dân Silla (Tân La). Từ nông phu cho đến thợ gốm, ai ai cũng biết đến Phật và thuộc lòng câu niệm "Nam Mô A Di Đà Phật", tất cả đều là nhờ vào công của Ngài, vị Cao tăng thạc đức Vương quốc Silla (Tân La) mở đầu quá trình đại chúng hóa Phật giáo.
Ngài chọn đời sống bình dân giản dị, để hòa quang đồng trần, dồn tâm huyết cho việc đại chúng hóa Phật giáo. Vào thời bấy giờ phần lớn chư tôn đức Tăng Phật giáo được sự kính trọng của Vua quan và sống trong những ngôi Đại Già lam, chế độ của Tăng sĩ sống cao sang như những quý phái.
Ngài thì ăn mặc thô sơ, sống lang thang trên khắp phố phường. Chính cuộc sống bình dị giản đơn của Ngài mà rất dễ gần gũi với mọi hạng người bình dân trong xã hội, Ngài tùy duyên giáo hóa mọi người quy hướng Tam Bảo học Phật pháp, xây dựng Chánh tín, Chánh kiến cho họ. Ngài được sự kính trọng của Vua quan đương thời, Ngài là một cố vấn tin cậy, tham mưu cho Vua Vương quốc Silla (Tân La) và Triều thần trong việc Quốc sách An dân.
Thời gian này, Ngài cũng là bạn của những người dân bình thường.
Ngài đã hoàn toàn nhiếp phục được những người dân bình thường, họ đã say sưa nghe lời giáo huấn của Ngài một cách tự phát. Những người mạt hạng cùng đinh, thất học, nghèo khổ đi xin ăn lang thang đường phố và ngay cả trẻ con cũng quý mến theo Ngài học Phật pháp, họ luôn tin tưởng sự dạy dỗ của Ngài, và họ luôn hy vọng trong tương lai sẽ được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực lạc bằng cách thường trì danh niệm Phật.
Cuối đời còn lại, Ngài tận dụng thời gian sắp xếp, chỉnh lý lại các nội dung quan trọng của Phật pháp để viết thành sách. Các tác phẩm của Ngài như : “Kim Cương Tam Muội Kinh Luận, Thập Môn Hòa Tranh Luận, Di Đà Luận Tính Ca. . .” đều thấu tỏ tư tưởng Phật giáo, không nghiêng lệch phiến diện, trở thành động lực đem lại sự thống nhất cho Phật giáo thời bấy giờ.
Hóa duyên ký tất, Ta bà quả mãn, thuận thế vô thường, Ngài an nhiên viên tịch tại ngôi Già lam Hyeolsa (Huyệt Tự) vào ngày 30 tháng 03 năm 686, năm thứ 6 đời vua Sinmunwang (Thần Văn vương- trị vì 681–692). Hưởng thọ 70 Xuân. Trụ trì 38 Đông. (Sau đó, Seol Chong chủng tử của Ngài đã thỉnh xá lợi của Ngài về Chùa Bunhwangsa (Phân Hoàng Tự) an vị trong Bảo tháp tôn thờ tại đây).
Sắc thân Ngài tuy không còn tại thế, nhưng bài hát : "Vô ngại ca" hay tư tưởng "Hòa tranh" của Ngài đã trở thành công cụ để vỗ về an ủi nỗi lòng dân chúng, bách tính trăm họ đang chịu khổ bởi chiến tranh triền miên và đó cũng là nền tảng cho sự phát triển Phật giáo đại thừa thời Vương quốc Silla (Tân La). Tư tưởng "Hòa tranh" của Ngài đã hóa giải những kiến chấp sai biệt, hài hòa hóa các cuộc tranh chấp, để lột tả được cái nhìn tổng thể của Phật giáo. Sự phản ảnh xu hướng này, Ngài còn được tôn vinh một danh hiệu Hòa Tranh Quốc Sư.
Sau khi Vương quốc Silla (Tân La) thống nhất lãnh thổ, 3 giáo phái mới ra đời cộng với 2 giáo phái cũ thời Tam Quốc (Koguryo, Shilla, Paekche) thành 5 giáo phái, đều là Đại Thừa Phật Giáo, trong đó hai giáo phái nổi bật, đó là Tịnh Độ và Thiền. Phái Tịnh Độ quảng bá khắp nhân gian, do Ngài Wonhyo (617-686), Vương quốc Shilla (Tân La) xây dựng, biến những cơ sở Tự viện Phật Giáo thành trung tâm văn hóa giáo dục, dung hợp phương thức hành trì, triển khai tư tưởng Thiên Thai, Hoa Nghiêm, Du Già, Trung Quán, chủ trương hòa nhập với quần chúng, không khép mình giới hạn trong Tự viện chùa chiền, đôi khi Ngài sống lẫn lộn với đám hành khất để hoằng đạo.
Đức hạnh và pháp ngữ của Ngài Hòa Tranh Quốc Sư lưu danh vạn thế, mãi mãi được sự tôn kính, nhân dân đời đời kính yêu và tôn vinh là một vị Cao Tăng của Hàn Quốc.
Hiện những tác phẩm của Ngài được phổ biến tại Hàn Quốc:
1- Đại Huệ Độ Kinh tông yếu (Daehyedo Gyeong Jong-yo).
2- Pháp Hoa Tông yếu (Beophwa jong-yo).
3- Hoa Nghiêm Sớ Tỉnh Tự (Hwaeomgyeong byeongseo).
4- Bồ tát Anh Lạc Bổn nghiệp kinh sớ Tỉnh Tự (Bosal yeongnak bon- Gyeong sobyeong seo).
5- Niết bàn Tông yếu (Yeolban jong-yo).
6- Di Lặc Thượng Sinh kinh Tông yếu (Mireuk sangsaeng Gyeong Jong-yo).
7- Giải Thâm Mật Kinh Sớ Tỉnh (Haesimmilgyeong để seo.
8- Vô Lượng Thọ Kinh Tông yếu (Muryangsugyeong jong-yo).
9- Phật thuyết A Di Đà Kinh sớ (Bulseol Amitagyeong).
10- Du Tâm An Lạc Đạo (Yusim allak).
11- Bồ Tát Giới Bản Trì Phạm Yếu ký (Bosal gyebon jibeom).
12- Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới Bản Tư Ký (Beommang Gyeong bosal gyebon sagi ).
13- Kim Cang Tam Muội Kinh Luận (Geumgang sammae gyeong).
14- Đại Thừa Khởi Tín Luận Biệt Ký (Daeseung gisillon byeolgi).
15- Đại Thừa Khởi Tín Luận Sớ (Daeseung gisillon để).
16- Nhị Chướng Nghĩa (Ijangui).
17- Phán Tỳ Lượng Luận (Pan biryang).
18- Trung Biên Phân Biệt Luận Sớ (Jungbyeon bunbyeollon).
19- Thập Môn Hòa Tranh Luận (Simmun hwajaeng).
20- Phát Tâm Tu Hành Chương (Balsim suhaeng jang).
21- Đại Thừa Lục Tình Sám Hối (Daeseung yukjeong chamhoe).
22- Di Đà Luận Tánh Ca (Mita jeungseong ga).
Những tác phẩm Ngài lưu lại cho hậu thế trên 100 thể loại, chủ đề khác nhau gồm 240 quyển. Ngài phân khoa phán giáo hai lĩnh vực giáo lý Nguyên thủy và Đại thừa.
Một người Mỹ gốc Hàn đang sinh sống ở New York đang hợp tác với ngành điện ảnh Hàn Quốc – Hoa Kỳ để xuất bản Bộ phim tài liệu về Vị Cao Tăng Wonhyo (617-686), bậc thầy về Chính trị, văn hóa, giáo dục thời Vương quốc Silla, người có công Đại chúng hóa Phật giáo thời bấy giờ.
Bộ phim được dịch nhiều ngôn ngữ: tiếng Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc với phụ đề tiếng Anh. Thời gian thực hiện phim: Tháng 04 năm 2013 đến tháng 05 năm 2014. Hoàn thiện bộ phim: Khoảng tháng 09 năm 2014.
Thích Vân Phong