Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
KINH ĐẠI BI Phẩm 14 - GIÁO HUẤN
Tác giả:

KINH ĐẠI BI
Tam tạng pháp sư Na Liên Đề Da Xá, người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn, tại Trung-quốc,
vào thời Cao-Tề (Bắc-Tề, 550-577).
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn,
tại Canada, năm 2016.

Phẩm 14
GIÁO HuẤN


Lúc bấy giờ tôn giả A Nan bạch Phật rằng:
“Bạch đức Thế Tôn! Nay chúng con tu hành Pháp Nhãn như thế nào? Nếu chúng con tu hành Chánh Pháp Nhãn của Phật, làm thế nào để có trường cửu ở thế gian và lưu bố rộng rãi trong khắp các hàng trời, người? Bạch đức Thế Tôn! Chúng con kết tập Pháp Nhãn như thế nào? Diễn nói ra sao?”
Đức Phật dạy:
“Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ, có chúng đại đức tì-kheo tụ họp để kết tập Kinh Luật, do đại đức Đại Ca Diếp làm thượng thủ. Này A Nan! Lúc bấy giờ chúng đại đức tì-kheo kia sẽ hỏi như thế này: [Đức Thế Tôn nói kinh Thí Dụ ở đâu? Nói kinh Nhân Duyên ở đâu? Nói đại tập pháp ở đâu? Nói ngũ pháp, tam pháp ở đâu? Chư thiên đến hỏi đạo ở đâu? Trời Đế Thích đến hỏi đạo ở đâu? Chư thiên giáng hạ nơi nào? Nói kinh Phạm Võng ở đâu?] Tuần tự như thế.
“Chúng đại đức tì-kheo kia lại hỏi thầy như sau: [Thưa tôn giả A Nan! Đức Thế Tôn nói Khế Kinh ở đâu? Nói Trùng Tụng ở đâu? Nói Kí Biệt ở đâu? Nói Cô Khởi ở đâu? Nói Tự Thuyết ở đâu? Nói Nhân Duyên ở đâu? Nói Bản Sự ở đâu? Nói Bản Sinh ở đâu? Nói Phương Quảng ở đâu? Nói Thí Dụ ở đâu? Nói Vị Tằng Hữu ở đâu? Nói Luận Nghị ở đâu? Thưa tôn giả A Nan! Đức Thế Tôn nói tạng Thanh Văn ở đâu? Đức Thế Tôn nói tạng Duyên Giác ở đâu?  Đức Thế Tôn nói tạng Bồ Tát ở đâu?]
“Này A Nan! Chúng đại đức tì-kheo kia hỏi như thế rồi, thầy nên trả lời như vầy:
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật mới thành Chánh Giác, đang ngự tại cội cây Bồ-đề, nước Ma-kiệt-đà…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại thành Già-da…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại cội cây Ni-câu-đà, xứ Tu-khổ- hạnh, nước Ma-kiệt-đà…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại vườn Lộc-giã, gần thành Ba-la-nại…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại núi Kì-xà-quật…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại núi Tì-phú-la…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại núi Bính-đề-ha, nước Ma-kiệt-đà…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại tảng đá vuông đen trong núi Tiên-nhân, thành Vương-xá…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại tu viện Cấp-cô-độc trong vườn cây Kì-đà, gần thành Xá-vệ…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại vườn cây Am-la, thành Tì-xá-li…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại giảng đường Trùng-các trong tinh xá Đại-lâm, bên bờ ao Nhĩ-hầu, thành Tì-xá-li…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự bên bờ ao Yết-già, thành Chiêm-ba…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại đỉnh núi Già-da, thành Già-da…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại vườn Cù-sư-la, nước Siểm-di…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại vườn A-du-xà trong rừng Ca-la-ca, thành Ta-chỉ-đa…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại vườn Ni-câu-đà, ở ngoại ô thành Ca-tì-la, trú xứ của dòng họ Thích-ca…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại vườn Cưu-cưu-tra, thành Ba-li-phất…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Tần-đà, gần thành Ma-du-la…..
[Đây là những điều chính tôi được nghe: Thuở đó đức Phật đang ngự tại rừng Ta-la-song-thọ, bên bờ sông A-lị-la-bạt-đề, ở ngoại ô thành Câu-thi-na, thuộc lãnh thổ trị vì của bộ tộc Lực-sĩ…..]
“Này A Nan! Tuần tự như thế, chỗ này chỗ khác, những nơi Như Lai đã nói pháp; chỗ này chỗ khác, những nơi đại chúng đã tụ họp; tùy theo thời tiết, tùy theo nghĩa lí câu nói, tùy theo nhân duyên phát khởi cuộc vấn đáp; tùy theo vì người mà nói hay vì sự việc mà nói, nhằm phân biệt rõ ràng trí biết của đối tượng nói pháp; tùy theo ý vị của danh xưng, nghĩa lí của câu nói mà tuần tự diễn nói mọi thứ; tùy theo đầu mối có nhân có duyên, nghĩa khéo ý hay, rộng rãi vì người mà nói. Và kết kinh như vầy: [Phật nói kinh này rồi, tất cả đại chúng đều hoan hỉ, và ghi nhớ, hành trì.]
“Này A Nan! Thầy cứ theo cách đó mà kết tập Pháp Nhãn, hãy phân biệt mọi thứ như thế mà diễn nói rõ ràng.”
Đức Phật dạy xong những lời như trên, đại địa liền chấn động sáu cách rất dữ, làm cho nhiều người sợ sệt đến dựng tóc gáy. Ngay lúc bấy giờ, toàn cõi thế giới ba ngàn này chấn động sáu cách: phía Đông vọt lên, phía Tây chìm xuống; phía Tây vọt lên, phía Đông chìm xuống; phía Nam vọt lên, phía Bắc chìm xuống; phía Bắc vọt lên, phía Nam chìm xuống; chính giữa vọt lên, ngoài biên chìm xuống; ngoài biên vọt lên, chính giữa chìm xuống; và hiện rõ mười tám tướng trạng: rung động, rung động khắp, rung động đều khắp, vọt lên, vọt lên khắp, vọt lên đều khắp, vang rền, vang rền khắp, vang rền đều khắp, gầm thét, gầm thét khắp, gầm thét đều khắp, khởi lên, khởi lên khắp, khởi lên đều khắp, thức tỉnh, thức tỉnh khắp, thức tỉnh đều khắp.
Cũng ngay lúc ấy, vô lượng Trời, Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế Thiên Vương, Người, không phải người, đều buồn khóc, nước mắt ràn rụa, than rằng: “Đức Thế Tôn nhập niết-bàn sớm quá! Đức Thiện Thệ nhập niết-bàn sớm quá! Con mắt của thế gian ẩn mất sớm quá! Con mắt của thế gian mù lòa mất đi sớm quá!”
Tôn giả A Nan cũng buồn khóc, chảy nước mắt than rằng: “Đức Thế Tôn nhập niết-bàn sớm quá! Đức Thiện Thệ nhập niết-bàn sớm quá! Con mắt của thế gian ẩn mất sớm quá! Con mắt của thế gian mù lòa mất đi sớm quá! Bậc Đạo Sư của thế gian ẩn mất sớm quá!”
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo:
“Này A Nan! Thầy chớ nên lo buồn! Tất cả pháp hữu vi, pháp sinh, pháp có, pháp phân biệt, pháp hiểu biết, pháp nhân duyên sinh, pháp hoại diệt, những pháp đó nếu không hủy diệt thì không có lẽ đó.
“Này A Nan! Trong thời gian lâu dài, thầy đã đem cả thân miệng ý từ hiếu hầu hạ Như Lai, một lòng một dạ, luôn luôn an lạc, không giận không hờn, không oán than trách móc. Do đó mà thầy có được công đức lớn, và sẽ được thần thông lớn, như cam lồ bậc nhất trong cùng tận cam lồ.
“Vì vậy cho nên, này A Nan! Đối với các bậc tu hành phạm hạnh, thầy cũng nên đem thân miệng ý từ hiếu mà cung kính cúng dường; hãy học theo những điều Như Lai đã làm. Vì sao vậy? Này A Nan! Sau khi Như Lai diệt độ, trong đời vị lai, khi còn năm trăm năm nữa thì chánh pháp bị hủy diệt, lúc ấy, những người giữ giới, thực hành chánh pháp thì dần dần mất đi, còn những người phá giới, làm chuyện phi pháp thì đông đúc hưng thịnh. Người ta chỉ có hủy báng chánh pháp, mạng sống thì ngắn ngủi. Đó là thời kì chúng sinh hoại diệt, chánh pháp hoại diệt, tì-kheo tăng hoại diệt. Này A Nan! Đó là thời kì thật đáng sợ! Có các tì-kheo không tu thân, không tu tâm, không tu giới, không tu tuệ, chỉ tham đắm vào sáu thứ: bình bát, y phục, ăn uống, giường ghế, nhà cửa, và thuốc thang, thứ nào cũng phải thuộc loại thắng diệu. Họ lại còn tranh giành, kiện tụng, đem nhau lên cửa quan, miệng lưỡi chẳng khác nào dao kiếm. Họ phỉ báng nhau, ganh ghét nhau, tất cả đều chỉ vì y phục, bình bát, ăn uống, giường ghế, nhà cửa, thuốc thang. Tâm họ không còn thuần thục, mà chỉ ganh ghét nhau, đối xử với nhau bằng tâm dơ bẩn.
“Vì vậy cho nên, này A Nan! Đối với các bậc tu hành phạm hạnh, thầy nên đem thân miệng ý từ hiếu mà đối xử, nên cúng dường đầy đủ những vật dụng cần yếu. Đối với những bậc tu hành phạm hạnh, hoặc thấy, hoặc nghe, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tin, hoặc làm, không được gây não loạn. Nên tu học như thế! Vì sao vậy? Này A Nan! Đó là thời kì thật đáng sợ, đầy dẫy dơ bẩn: mạng sống dơ bẩn, số kiếp dơ bẩn, chúng sinh dơ bẩn, thấy biết dơ bẩn, phiền não dơ bẩn; con người lúc đó phải chịu đau khổ vô cùng, luôn luôn bị các nỗi khổ làm cho bức não, bị đói khát cùng cực, bệnh tật triền miên, giặc cướp hoành hành, hạn hán trầm trọng, nạn nước ngập tràn, trùng độc bức hại.
“Này A Nan! Lúc bấy giờ, các vị bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ, tuy cũng phải chịu chung những nỗi đau khổ ấy, nhưng do đã từng có lòng tin thanh tịnh, cung kính tôn trọng Phật Pháp Tăng, luôn luôn giữ vững lòng tin sâu sắc. Lòng tin Phật Pháp Tăng này chính là nhân duyên tốt, khiến cho họ vừa gặp các vị tì-kheo thì liền phát sinh niềm tin sâu sắc. Họ cúng dường và tạo nhiều công đức. Họ thọ trì giới cấm, đọc tụng kinh điển, vì người mà giảng nói. Những người được nghe pháp đều rất hoan hỉ và tỏ lòng quí kính đối với họ. Họ y theo giáo pháp mà tu hành để trồng căn lành. Do căn lành đó mà sau khi mạng chung, họ được sinh về các cõi lành Trời và Người.
“Này A Nan, thầy hãy xem đó! Các vị tì-kheo xấu ác kia, do lòng tin mà bỏ nhà đi xuất gia; nhưng khi đã được xuất gia rồi thì lại tham đắm sáu thứ y, bát, vân vân, phải đọa vào ba đường ác. Còn người cư sĩ tại gia, vì bị đau khổ bức não nên khởi tâm kính tin Phật Pháp Tăng, do lòng tin đó mà trồng được căn lành, được sinh về các cõi lành. Vì vậy cho nên, này A Nan! Hãy giữ đúng luật nghi cho thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp! Hãy quán niệm như thế này: [Tôi nguyện sớm có được đầy đủ tâm kính tín! Tôi nguyện sớm có được đầy đủ tâm chánh trực! Tôi nguyện tâm ý lúc nào cũng suy nghĩ đến điều lành!] Vì sao vậy? Này A Nan! Nếu không luôn suy nghĩ đến điều lành thì thân miệng ý sẽ tạo ra năm tội lỗi: 1) nói dối, 2) nói hai lưỡi, 3) nói lời thêu dệt, 4) tham dục, 5) sau khi chết phải đọa lạc vào ba đường dữ. Này A Nan! Người luôn suy nghĩ đến điều lành sẽ được công đức và năm lợi ích: 1) không nói dối, 2) không nói hai lưỡi, 3) không nói lời thêu dệt, 4) không tham dục, 5) sau khi mạng chung sẽ được sinh về các cõi lành Trời và Người. Lại nữa, này A Nan! Nếu người vì tranh giành mà thóa mạ hủy báng nhau, tâm không nhu hòa, tâm dơ bẩn biến hoại, thì người ấy sẽ tạo ra năm tội lỗi: 1) nói dối, 2) nói hai lưỡi, 3) đối với người giữ giới không sinh lòng kính tin, 4) tâm ý ác độc, ngày đêm lo âu khổ não, 5) sau khi mạng chung sẽ đọa vào ba đường dữ. Này A Nan! Nếu lại có người luôn an trú trong tâm từ thiện, sẽ được công đức và mười một lợi ích: 1) có giấc ngủ an ổn, khi thức dậy tâm liền hoan hỉ, 2) không có ác mộng, 3) được loài người và những loài không phải người quí mến, 4) được chư thiên ủng hộ, 5) các chất độc không làm hại được, 6) binh khí không gây thương tổn được, 7) lửa không thể thiêu đốt, 8) nước không thể nhận chìm, 9) thường có đủ các vật dụng cần yếu như y phục, ăn uống, giường ghế, thuốc thang, 10) có được phong cách của bậc thượng nhân, 11) sau khi mạng chung sẽ được sinh lên cõi trời Phạm-thiên. Này A Nan! Người luôn an trú trong tâm từ thiện sẽ được công đức và mười một lợi ích như thế.
“Vì vậy cho nên, này A Nan! Dù ở lúc Như Lai còn tại thế, hay sau khi Như Lai đã diệt độ, quí thầy hãy tự thắp sáng ngọn đèn chánh pháp cho chính mình, hãy tự làm chỗ quay về nương tựa cho chính mình; đừng nên mong cầu ngọn đèn nào khác, đừng nên mong cầu chỗ quay về nào khác!
“Này A Nan! Thế nào là vị tì-kheo tự thắp sáng ngọn đèn chánh pháp cho chính mình, tự làm chỗ quay về nương tựa cho chính mình; thế nào là không mong cầu ngọn đèn nào khác, không mong cầu chỗ quay về nào khác? Này A Nan! Nếu có vị tì-kheo tuần tự quán chiếu nơi thân mình một cách chuyên cần tinh tấn, một niệm không loạn động, dứt trừ tâm tham ái, ưu phiền đối với thế gian; quán chiếu nơi thân mình như thế, rồi quán chiếu nơi cảm thọ, nơi tâm thức, nơi các pháp cũng như thế, một cách chuyên cần tinh tấn, một niệm không loạn động, dứt trừ tâm tham ái, ưu phiền đối với thế gian; này A Nan! Như thế là vị tì-kheo tự thắp sáng ngọn đèn chánh pháp cho chính mình, tự làm chỗ quay về nương tựa cho chính mình, không mong cầu ngọn đèn nào khác, không mong cầu chỗ quay về nào khác.
“Vì vậy cho nên, này A Nan! Như Lai là bậc Đạo Sư, đối với hàng Thanh-văn, những gì cần làm Như Lai đã làm xong. Quí thầy cũng cứ theo như thế mà làm. Đó là giáo huấn của Như Lai. Quí thầy nên ở nơi tịch tĩnh, nơi bãi tha ma, nơi bãi đất trống, nơi nhà vắng, mà nhất tâm tu tập phép chỉ quán, suy nghĩ đến việc chấm dứt cội gốc khổ đau, chớ có buông lung! Nếu quí thầy buông lung, về sau chắc chắn phải ưu phiền, hối hận.!”
Đến đây đức Phật liền nói kệ rằng:
“Như Lai đã chỉ con đường chánh
Đã nhổ các mũi tên vô trí
Quí thầy nên chuyên cần tu tập
Theo giáo pháp chư Phật đã nói
Nhằm gột sạch mọi thứ kiến chấp
Ngoài ra không con đường nào khác
Người nào tu thì được giải thoát
Có thể dứt trừ các ma nghiệp
Nếu ai tu hành theo con đường
Đúng như chư Phật đã chỉ dạy
Chắc chắn vượt thoát mọi khổ ách
Đầy đủ nguyện lực của chư Phật”
Đức Phật nói kinh này xong, tôn giả A Nan cùng chư vị tì-kheo, các chúng từ các nơi đến, các chúng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà, vân vân tất cả thế gian, nghe Phật dạy xong, tùy theo tâm trạng mà người vui kẻ buồn, chắp tay cúi đầu, buồn đau rơi lệ, đấm ngực khóc lóc; tất cả đều ghi nhớ và hành trì.

HẾT

(Kinh Đại Bi, cư sĩ Hạnh Cơ trích dịch từ Tạng Đại Chánh, quyển 12, kinh số 380, trang 945-973)


Ghi chú của người dịch

1) Kinh Đại Bi (Maha-karuna-pundarika) ghi lại những lời dạy cuối cùng của đức Phật trước giờ phút nhập niết-bàn. Nội dung của những lời dạy này, điều vô cùng quan trọng mà đức Phật đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, là các đệ tử của Phật, từ đời này qua đời nọ, phải nối tiếp nhau truyền bá chánh pháp, làm cho chánh pháp lưu bố rộng rãi khắp các cõi Trời, Người, và tồn tại lâu dài ở thế gian, đem lại lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sinh. Muốn thực hiện được công việc trọng đại đó – hoằng hóa độ sinh – các đệ tử Phật phải dũng mãnh phát tâm ĐẠI BI, tức lòng thương rộng lớn, muốn cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi bể khổ sinh tử, chứng nhập cảnh giới niết-bàn an vui tịch tĩnh. Đó là ý nghĩa của tên kinh “Đại Bi”. Kinh này đã được pháp sư Na Liên Đề Da Xá (Narendrayasas, 490-589), người nước Thiên-trúc, dịch từ Phạn văn ra Hán văn vào năm 570, tại kinh đô Nghiệp-thành của nước Bắc-Tề (550-577), Trung-hoa, được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 12, mang số 380, trang 945-973.

2) Có vài độc giả nêu thắc mắc rằng: Tôn giả La Hầu La đã viên tịch trước đức Thế Tôn, tại sao trong kinh Đại Bi này tôn giả vẫn có mặt trong giờ phút đức Thế Tôn sắp nhập niết-bàn?
Chúng tôi xin thưa: Đây thuộc về vấn đề lịch sử. Các nhà nghiên cứu sử học đều công nhận rằng, người Ấn-độ thời xưa rất ít quan tâm đến vấn đề sử học, cho nên, muốn biết chắc chắn một sự kiện, dù quan trọng hay không, xảy ra đúng vào thời điểm nào, đó là việc vô cùng khó khăn. Trường hợp tôn giả La Hầu La ở đây là một thí dụ điển hình. Tôn giả nhập diệt vào lúc nào? Trong tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, pháp sư Tinh Vân (Đài-loan) viết: “Trước hết, ngay như về ngày sinh của tôn giả cũng đã có hai thuyết, một cho rằng tôn giả ra đời năm Phật mười chín tuổi; một cho rằng tôn giả ra đời năm Phật hai mươi lăm tuổi. Cho nên về niên đại nhập diệt, hiện cũng có hai thuyết, một bảo rằng tôn giả đã nhập diệt trước Phật vài năm; một bảo rằng trong giờ phút Phật nhập niết bàn, tôn giả vẫn có mặt bên cạnh Phật.” (Xin xem sách Mười Vị Đệ Tử Lớn của Phật, bản Việt dịch của cư sĩ Hạnh Cơ, có đăng trên các trang mạng Phật giáo: Pháp Vân, Quảng Đức, Hoa Vô Ưu, Thư Viện Hoa Sen.)

3) Có một độc gỉa yêu cầu giải thích chữ “kiếp”.
Thông thường chúng ta hay nói: kiếp trước, kiếp này, kiếp sau, v.v… Chữ “kiếp” ở đây có nghĩa là một đời người trong khoảng mấy chục hay một trăm năm, kể từ ngày sinh ra đời cho đến ngày chết. Trong kinh điển Phật giáo, chữ “kiếp” được dùng với ý nghĩa khác hẳn, không phải là một trăm năm, và không phải là quá ngắn ngủi như thế.
“Kiếp” là tiếng nói tắt của Phạn ngữ “kiếp-ba” (kalpa); dịch ra Hán ngữ là “thời phần” hay “đại thời”, nghĩa là một khoảng thời gian rất dài, không thể nào dùng số ngày, tháng, năm thông thường mà đếm được. Kiếp có đại, trung và tiểu khác nhau. Các kiếp đại, trung hay tiểu này đều y nơi mạng sống tăng và giảm của con người mà tạm tính toán. Theo như luận Đại Trí Độ nói, thọ mạng của con người từ mười tuổi, cứ mỗi một trăm năm tăng một tuổi, tăng cho đến tám vạn bốn ngàn tuổi thì ngưng; rồi lại cứ một trăm năm giảm một tuổi, giảm cho đến còn mười tuổi thì ngưng; một lần tăng và một lần giảm như vậy là một tiểu kiếp. Hai mươi tiểu kiếp là một trung kiếp. Trải qua bốn trung kiếp Thành, Trụ, Hoại và Không (hoặc tám mươi tiểu kiếp) là một đại kiếp. Đó là thời gian của một thế giới từ lúc hình thành cho đến lúc hủy diệt.
Vậy:
- Một tiểu kiếp = (84000 - 10) x 100 x 2 = 16.798.000 năm.
- Một trung kiếp=20 tiểu kiếp=16798000x20=335.960.000 năm.
- Một đại kiếp=4 trung kiếp=335960000x4=1.343.840.000 năm.

4) Có Quí Vị hỏi về một số thuật ngữ Phật học trong kinh này, như: hành, niết-bàn, na-do-tha, bốn cách thu phục (tứ nhiếp pháp), bốn đức không sợ sệt (tứ đức vô úy), mười tám pháp không cùng chung (thập bát bất cộng pháp), ba mươi bảy pháp trợ đạo (tam thập thất trợ đạo phẩm), v.v… Xin Quí Vị vui lòng tham khảo ở các sách như Trích Lục Từ Ngữ Phật Học, Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản, do Hạnh Cơ biên soạn (có đăng trên các trang mạng Phật giáo: Pháp Vân, Quảng Đức, Hoa Vô Ưu, Thư Viện Hoa Sen), hoặc các bộ Từ Điển Phật Học khác.
Xin chân thành cám ơn Quí Vị.


Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Đức Phật dạy cách nhìn thấy những gì Ma đã tạo ra, và cách để thoát lưới Ma
Kinh Từ Bi: Kinh Metta Sutta
Song Ngữ: Kinh AN 6.16: Lời người vợ khi chồng cận tử / A wife's words when her husband is near death
Đức Phật Dạy Pháp Môn Bất Nhị
Phật giáo, Đạo đức và Luân lý (Buddhism and Ethics)
Ý NGHĨA ĐỀ KINH KIM CANG
Vô Tướng Tam Muội
Tại Sao Nhiều Người Hoa Kỳ Đang Hướng Về Phật Giáo? Tôn giáo xưa cổ phương Đông này đang giúp nhiều người phương Tây các nan đề tâm bệnh hiện đại.
Đọc Kinh Pháp Hoa Qua Tạng Pali
KINH MA HA MA DA
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717798