Như thường lệ, đàn chim sẻ mỗi sáng bay sà xuống sân chùa để mổ những mẫu bánh vụn hay gạo, do một vị Sư già vãi cho. Có lẽ vị Sư này già lắm - sẻ nghĩ. Hàng chân mày Sư rất dài và bạc trắng, lưng hơi còng trong dáng đi chậm. Dầu vậy, Sư có đôi mắt sáng và nụ cười phúc hậu, nên đàn sẻ không sợ bị Sư xua đuổi.
Đàn sẻ ăn no, bay lên mấy cây hoa sứ trước sân hay mấy khóm trúc sau hiên chùa ríu ra, ríu rít vừa lúc mặt trời lên cao. Có một chim sẻ nhóc nhất đàn - chỉ bằng quả cau nhỏ - là không nhập bọn cùng các bạn. Sẻ bay vòng qua hết mấy khóm trúc xanh, đậu trên mái hiên chùa, chiếc đầu nhỏ nghiêng qua nghiêng lại. Chẳng phải sẻ đang kiếm mồi mà sẻ đang nhìn một vị Sư hơi giống vị Sư già thường cho bọn sẻ ăn, có điều vị Sư già này mặc đồ vàng và trông có vẻ khỏe mạnh hơn.
Ngày qua ngày, dầu mưa hay nắng, những khi mưa, đàn sẻ không bay ra ngoài trời mà đứng co ro dưới mái ngói hiên chùa. Cứ sau thời chuông sáng một lúc là sẻ thấy vị Sư áo vàng này hai tay buông lỏng, thong thả đi bộ một vòng lên Kim Thân, rồi vòng qua chùa trở về uống trà, đàm đạo cùng các Sư. Sau đó, Sư ngồi vào bàn cùng những trang kinh trước mặt.
Ngày nào cũng vậy, đều đặn, đúng giờ không thay đổi, vị Sư miệt mài bên trang chữ. Và, nếu có một chút nghỉ ngơi, sẻ thấy Sư tay lần chuỗi hạt trên chiếc xích đu cũ kỹ.
Đàn sẻ quen tiếng chuông chùa, quen tiếng mõ kệ kinh, quen với những thức ăn vị Sư già ban cho. Riêng sẻ nhóc còn có thói quen là đứng nhìn Sư áo vàng bên hiên chùa đọc sách, niệm Phật. Đôi chân bé xíu nhẹ nhàng của sẻ nhảy qua nhảy lại trên sân gần chỗ Sư ngồi, hay đậu trên giá xích đu lúc Sư niệm Phật - trông Sư bình thản giữa bôn ba xao động chung quanh - Sư chỉ chăm lo bổn phận của Sư đối với đức Phật, với những gì cần thiết của con người.
Rồi một hôm, sẻ không thấy vị Sư áo vàng ngồi xem kinh nữa - Sư bệnh rồi. Vị sư già chống gậy qua thăm và có rất nhiều Sư đến thăm Sư nữa. Có hôm Sư già ngồi suy tư gì lung lắm quên cho sẻ thức ăn, sẻ nhóc và các bạn phải bay vòng vòng để kiếm mồi.
Đêm qua, sẻ nghe tiếng niệm Phật vang lên khắp cả một góc trời. Thì ra vị Sư đọc sách của sẻ đã ra đi không trở lại - sẻ nghe nói vậy.
Buổi chiều tiễn Sư vào quan, trời bỗng đổ mưa giữa lúc thời tiết nắng nóng, làm sẻ bị ướt lạnh run trong lúc đứng ngẩn ngơ nhìn mọi người đang khóc tiếc thương Sư.
Hai ngày nay, sẻ nhóc thẩn thờ đôi chân nhảy từ chái hiên chùa qua hồ nước, đậu trên giá xích đu, trên chiếc bàn gỗ sờn Sư vẫn thường ngồi. Sư già không còn chống gậy qua đây đàm đạo cùng Sư nữa. Vậy là Sư đã đi thật rồi! Sư đi mãi như hôm mẹ của sẻ nhóc nằm im bên gốc dương khô không động đậy. Buồn quá, sẻ lẻn bay vào phòng Sư. Căn phòng trống trơn, chỉ có chiếc giường gỗ đơn sơ chắp vá bốn chân, chiếc bàn nhỏ, chiếc võng gai lạnh ngắt và đôi dép cao su cũ kỹ của Sư mang từ kiếp nào nằm chơ vơ dưới gầm bàn.
Bàn thờ của Sư không có hình đức Phật mà chỉ có một chữ “Xả” thật lớn. Có một vị Sư trẻ, dáng gầy, đang thong thả niệm mỗi tiếng Phật thỉnh một tiếng chuông và lạy một lạy. Sẻ không ngủ, đứng nhìn vị Sư trẻ lạy, lạy mãi cho đến lúc bình minh ló dạng. Sư lặng lẽ đi pha một tách trà đặt lên bàn và thắp một nén hương thơm. Sẻ chỉ thấy bức ảnh vị Sư áo vàng đang cười thật tươi nhưng Sư không uống nước. Tách nước vẫn còn nguyên, sẻ thấy đôi mắt vị Sư trẻ buồn rười rượi. Sẻ tự hỏi: “Sư đi đâu? Sư về đâu?” Tiếng chuông khuya vừa dứt, trời hừng sáng, ánh nắng ban mai còn mỏng như dãi lụa vàng quyện trong tiếng niệm Phật trầm bổng, bao bọc cả núi đồi Trại Thủy. Đôi chân sẻ nhóc khựng lại, tim nhói đau, khi nhìn thấy trước mắt sẻ là ba chữ “Hằng Nhẫn Nhục” và đối diện là “Thường Tinh Tấn” đang tỏa sáng, sáng cả hơn ánh nắng bên ngoài. Sẻ nhóc nghĩ: “Sư ra đi mà chẳng để lại gì. Nhưng trên tất cả những gì Sư để lại, đó là đời sống Chuyên Trì Giới Luật - Khắc Kỷ Vị Tha của Sư".
Sẻ nhóc lặng lẽ bay ra khỏi phòng, đậu trên gác chuông lắng tai nghe chú tiểu ngâm nga: “Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới...”, sẻ nhóc cầu nguyện tiếng chuông này mang thông điệp Từ, Bi, Hỷ, Xả, Tinh tấn, Nhẫn nhục của Sư bay xa khắp cả thế giới Ta bà, để tất cả cùng thực hành theo lời Phật dạy như Sư đã thực hành.
Nha Trang, chiều 14.05.Ất Dậu (2005).