Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Đọc Truyện Thạch Sanh Lý Thông
Tác giả: Nguyên Giác

Truyện Thạch Sanh Lý Thông có liên hệ gì với tư tưởng Phật giáo? Nơi đây, chúng ta thử suy nghĩ về chủ đề này, trong dịp Giáo sư Nguyễn Văn Sâm biên dịch, chú giải và ấn hành Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông.

Truyện cổ tích Thạch Sanh Lý Thông được kể qua văn học truyền khẩu nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện truyện thơ cùng tên. Thường được gọi tắt là truyện Thạch Sanh. Do vì xuất sinh từ văn học truyền khẩu, nên có nhiều phiên bản khác nhau. 

Riêng về truyện thơ, cũng có ba dị bản khác nhau, tất cả đều bằng thể lục bát. Như thế, ông bà mình đã ưa thích truyện này một cách đặc biệt.

Giáo sư Nguyễn Văn Sâm qua bài viết có nhan đề “Truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông, tác phẩm của lưu dân chống lại sự sợ hãi thiên nhiên nơi vùng đất mới” đã ghi nhận:

“Chúng tôi chọn bản Nôm Phật Trấn để phiên âm và giới thiệu trước ngoài sự ra đời sớm của nó còn có những lý do khác như:

 (1) chưa từng được giới thiệu,

 (2) mang bản sắc của văn chương Nam Kỳ Lục tỉnh ở chỗ câu văn đơn sơ mộc mạc- nhiều câu thất vận, không vần, đoạn văn chuyển tiếp thường được tác giả báo trước, và

 (3) mang nhiều từ ngữ Nam bộ không thể thấy ở sách vở các vùng ngoài.

Bản Thạch Sanh nầy gồm 42 tờ hai mặt, chúng tôi theo truyền thống đánh số trang a, b.  Mỗi trang thông thường gồm 10 cặp lục bát, trừ đi bài thơ và mấy dòng tên tác giả vv… còn lại 1166 câu...”

Trong khi đó, Giáo sư Nam Sơn Trần Văn Chi qua bài viết nhan đề “Một cái nhìn khác về truyện thơ Thạch Sanh Lý Thông do Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu” ghi nhận rằng truyện có chủ đề là:

“…cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cùng ước mơ cái thiện thắng cái ác của người Việt Nam.” 

Book cover Thach Sanh Ly Thong

 

… o …

Nơi đây có thể tóm tắt rất sơ lược cốt truyện Thạch Sanh từ tác phẩm “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Giáo sư Nguyễn Đổng Chi, ấn bản 1957, như sau:

“Thời rất xưa, ở quận Cao Bình. Hai vợ chồng già, nghèo, lòng tốt, nhưng không con. Ngọc Hoàng (một vị vua cõi trời, không phải Thượng Đế, vì cổ tích Việt Nam không công nhận Đấng Sáng Tạo) sai thái tử đầu thai làm con nhà họ Thạch. Bà cụ có thai, lâu cả mấy năm mà không sinh. Ông cụ Thạch bệnh, chết. Vài năm sau, Thạch Bà sinh con trai. Cụ bà chết. Cậu bé dựng lều sống dưới gốc đa, được dân goi là Thạch Sanh. Cậu chỉ có một lưỡi búa. Ngọc Hoàng sai tướng trời xuống dạy cậu võ, và phép thần.

Có người bán rượu, tên Lý Thông, thấy Thạch Sanh có sức khỏe, nên kết thân, mời về nhà để dỡ công việc. Trong vùng có Chằn Tinh, thường an thịt người. Quan quân trừ không nổi, nên dựng miếu, mỗi năm cúng một mạng người cho Chằn. Năm ấy, tới phiên Lý Thông nạp mạng. Lý lừa gạt Thạch, nhờ thay Lý đi canh miếu thay một đêm rồi sáng hôm sau về. Nửa đêm, Chằn hiện ra, Thạch Sanh rút búa xả đôi Chằn, mới thấy là con trăn. Thạch Sanh cắt đầu trăn và cầm cung tên vàng của Chằn về. 

Khi Thạch Sanh về, kể lại, Lý Thông nói, rằng trăn đó là của vua nuôi, rằng Thạch Sanh hãy trốn đi. Thạch lại về gốc đa ven rừng ở. Lý Thông đem đầu Chằn nạp cho vua. Vua khen, phong chức tước cho Lý Thông. Trong triều có công chúa, chưa ưng ai. Vua tổ chức hội tuyển phu, cho hoàng tử các nước và trai tráng trong dân tới chờ quả cầu do công chúa ném từ lầu cao xuống. Khi cô sắp ném cầu, Đại bàng bay ngang, sà xuống cắp công chúa bay về núi. Thạch Sanh đang ở gốc đa, ngó lên mây, thấy, mới rút cung tên, bắn trúng cánh Đại bàng. Thạch Sanh dò theo vết máu, biết cửa hang Đại bàng.

Vua sai đô đốc Lý Thông đi tìm, hứa gả công chúa và truyền ngôi. Lý Thông nghĩ chỉ có Thạch Sanh mới cứu được công chúa. Khi gặp Thạch Sanh, Lý Thông nhờ dẫn đường tới cửa hang Đại bàng. Hang sâu. Không ai dám xuống. Thạch Sanh tự nguyện buộc dây ở lưng rồi xuống hang. Đại bàng đang dưỡng thương. Thạch Sanh đưa thuốc mê để công chúa   cho Đại bàng uống. Khi Đại bàng ngủ say, Thạch lấy dây buộc công chúa, hiệu cho quân Lý Thông kéo lên. Cứu công chúa xong, Lý Thông lấy đá lấp hang. Dưới hang, Thạch Sanh giết chết Đại bàng, cứu một thanh niên ra khõi cũi sắt, mới biết đó là thái tử con vua Thủy, bị Đại bàng bắt về hơn cả năm. Thái tử mời Thạch Sanh xuống Thủy phủ chơi. Vua Thủy phủ gặp con, vui mừng, xin đền ơn. Thạch Sanh từ chối, chỉ xin một cây đàn, rồi về lại gốc đa. 

Hồn của Chằn tinh và Đại bàng sau khi chết, đói vì không được ai cúng tế, tình cờ gặp nhau, bèn lẻn vào kho vua ăn trộm của cải mang tới quẳng ở gốc đa để vu vạ. Lính theo dấu tìm, đến gốc đa thì gặp tang vật, bắt Thạch Sanh về giam.

Công chúa về triều, tự nhiên bị câm, buồn hoài, nên vua hoãn hôn lễ với Lý Thông. Thấy quân bắt Thạch Sanh về, Lý Thông mới tính xử tử Thạch Sanh. Trong tù, Thạch Sanh buồn, lấy đàn của vua Thủy ra chơi, không ngờ đàn thần vẳng tiếng như than, như oán, vạch tội Lý Thông. Công chúa nghe tiếng đàn, vui mừng, cười nói, xin vua mời người đàn vào cung.

Thạch Sanh kể cho vua nghe mọi chuyện. Vua sai bắt 2 mẹ con Lý Thông, giao Thạch Sanh xét xử. Thạch Sanh tha, cho hai mẹ con Lý Thông về quê. Nửa đường, hai mẹ con bị sét đánh chết. Vua làm lễ cưới công chúa cho Thạch Sanh. Hoàng tử các nước bị từ hôn nổi giận, tụ họp lính 18 quốc gia tới hỏi tội vua. Thạch Sanh lấy đàn thần ra khảy, lính 18 nước buông vũ khí. Thạch Sanh sai dọn cơm cho lính các nước ăn no để về. Niêu cơm nhỏ, nhưng ăn hoài lại có cơm  ra hoài. Vua không con trai, nên nhường ngôi cho Thạch Sanh.” (Hết tóm lược)

GS Nguyễn Đổng Chi trong phần Khảo  dị ghi rằng có các phiên bản truyện từ các nhóm đồng bào thiểu số, như người Tày, Khmer, Mèo…

Theo nghiên cứu của trang báo Trí Thức Trẻ/SOHA ngày 9/6/2015, dựa vào Khảo dị sách trên ghi về công trình tác giả Phan Nhật, và dựa vào  địa danh "Cao Bình" trên Wikipedia, ghi rằng quê quán Thạch Sanh như thế là ở Cao Bình, Hòa An, Cao Bằng.

Wikipedia viết: "Trấn Cao Bình, nơi nhà Mạc đóng đô sau khi rút lên Cao Bằng. Nay là xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng…”

Và cũng theo Wikipedia: “Xã Hưng Đạo xưa chính là trấn lỵ Cao Bình. Thời nhà Mạc, khi rút về Cao Bằng, Cao Bình cùng với Nà Lự (Hoàng Tung) chính là nơi nhà Mạc đóng đô."

SOHA viết: “Thông tin này hoàn toàn khớp với thực tế hiện tại, ở xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng nay có ngôi trường cấp 3 mang tên Trường THPT Cao Bình và có 1 con phố mang tên Cao Bình. Chắc chắn đó là tên gọi lưu lại dấu tích của địa danh Cao Bình xưa.”

… o …

Theo truyện truyền khẩu như thế, chúng ta thấy một số chi tiết liên hệ tư tưởng Phật giáo.

Thạch Sanh là thái tử cõi trời đầu thai về cõi người. Đó là tư tưởng Bồ Tát. Những người như thế không dễ nhiễm ô như người đời thường. Thạch Sanh còn có nghĩa là sanh ra từ đá. Như thế, nghĩa là tâm hồn trong sạch bản nhiên. Bà cụ Thạch mang thai nhiều năm, tới khi ông cụ Thạch chết đi nhiều năm, mới sinh ra cậu Thạch. Nghĩa là, sanh ra đã kỳ bí.

Lịch sử Việt Nam cũng có truyện Phật Mẫu Man Nương sinh con theo cách kỳ bí, Wikipedia kể theo sách Lĩnh Nam Trích Quái:

“Truyền thuyết kể rằng thuở xưa bà [Man Nương] là một người con gái rất sùng đạo Phật, năm 10 tuổi đến theo học đạo ở chùa Linh Quang, nay là huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại chùa có thiền sư Khâu Đà La là một vị cao tăng đầu tiên sang Việt Nam truyền đạo tại đây.

Một hôm, thiền sư đi vắng và dặn Man Nương trông coi chùa cẩn thận. Tối đến Man Nương ngủ ở thềm, Khâu Đà La về và bước qua người, sau đó bà thụ thai. Cha mẹ Man Nương trách cứ thì Khâu Đà La dặn rằng đó là con Phật, không phải lo phiền.

Hai mươi tháng sau, Man Nương sinh hạ một người con gái vào ngày 8 tháng Tư (âm lịch), đem đến chùa trả lại Thiền sư.”

Mang bầu tới hai mươi tháng… trong khi cụ Thạch Bà mang bầu Thạch Sanh nhiều năm.

Hình ảnh Thạch Sanh còn tượng trưng cho các thiện pháp. Lý Thông tượng trưng cho bất thiện pháp; riêng nghề bán rượu đã là một việc bị cấm trong nhà Phật, chưa kể tới họ Lý cứ ưa chuyện lừa gạt, nói dối, cướp công, gài mưu sát nhân… Gộp chung, Chằn tinh, Đại bàng và Lý Thông là một khối Tham, Sân, Si – nhà Phật gọi là Tam Độc, tức là ba thứ độc hại.

Sự kiện Thạch Sanh giết xong Chằn tinh, chặt đầu Chằn để không còn quậy phá nữa (đầu, tượng trưng ý thức tự chấp ngã là chủ thể -- thì không ngờ hồn ma Chằn vào cõi âm quậy tiếp, nghĩa là, vọng tâm có khi tưởng là bị cắt đầu rồi, không ngờ vẫn tàng ẩn sâu thẳm…), tịch thu chiến lợi phẩm là cung tên vàng. Đây là ý nghĩa: cung tên vàng trong tay Chằn là để hại người, nhưng vào tay Thạch Sanh là để cứu người; từ bất thiện pháp, hóa sang thiện pháp.

Chuyển công dụng cung tên vàng như thế, là nỗ lực chuyển ba độc Tham Sân Si thành Giới Định Huệ. Tuy nhiên, Thạch Sanh dùng cung tên vàng bắn trúng cánh Đại bàng, lại không giết nổi, chỉ vì lấy ý thức xóa sổ Tam Độc là không bứng gốc nổi, chỉ buộc Đại bàng lui về ẩn dưới hang sâu. Hình ảnh hang sâu là ẩn dụ thường dùng trong nhà Phật, tượng trưng gốc rễ khó thấy của Tham Sân Si Mạn Nghi. Bản Kinh Tập trong Tiểu Bộ, ký số Sn 4.2 - Guhatthaka Sutta, còn được dịch là “Kinh Về Thân Giam Trong Hang Động”… Do vậy, Thạch Sanh phải thân chinh, xuống tận hang sâu, bày mưu tính kế, mới giết xong Đại bàng. Đi xuống tận hang sâu là dò tận gốc rễ tâm mình. Lúc đó, cứu được thái tử con vua Thủy phủ. Thạch Sanh được mời thăm Thủy phủ, được vua Thủy phủ tặng đàn thần. Không ngờ hồn ma Chằn tinh và Đại bàng quậy hoài thôi, gài bẫy để quân lính bắt Thạch Sanh về nghi ngờ trộm kho báu nhà vua. Chuyện hai hồn ma cấu kết nơi đây cũng là niềm tin dân gian rằng có cõi bên kia, không ai cúng tế nên cứ kẹt làm ma đói hoài. Thạch Sanh bị lính bắt vào tù, mới khảy đàn thần cho đỡ buồn… Thế là công chúa trong cung vua nghe được.

Chúng ta thấy rằng, khi hoàng tử các nước kéo binh tướng 18 quốc gia tới bao vây, hỏi tội vua cha vì sao từ chối họ để gả công chúa cho Thạch Sanh. Con số 18 quốc gia là tượng trưng cho toàn bộ thế giới cõi này (thân, tâm, cảnh). Phân tích chi tiết, lính 18 quốc gia tới xâm phạm, là hình ảnh chúng ta bị thế giới cõi này trói buộc: Nhóm 6 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nhóm 6 trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhóm 6 thức là nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Căn, trần, thức nào cũng đều là binh tướng hung hiểm, khi còn bị vây trong Tham Sân Si.

Thế rồi Thạch Sanh xua tan được binh tướng 18 quốc gia là nhờ dùng cây đàn thần và cái nồi cơm ăn hoài không hết. Tại sao đàn thần, tại sao nồi cơm? Hai hình ảnh này gợi nhớ tới một kinh trong Phật giáo Bắc tông.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, bản dịch của HT Thích Trí Tịnh, nơi Phẩm Diệu Âm Bồ Tát, có lời Đức Phật giải thích về công đức của ngài Diệu Âm: 

 “Đức Phật bảo ngài Hoa-Đức Bồ-Tát: "Thuở quá khứ có Phật hiệu Vân-Lôi Âm-Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, cõi nước tên là Hiện-Nhứt-Thiết-Thế-Gian, kiếp tên Hỷ-Kiến. Diệu-Âm Bồ-Tát ở trong một vạn hai nghìn năm, dùng mười muôn thứ kỹ nhạc cúng dường đức Vân-Lôi Âm-Vương Phật cùng dâng lên tám muôn bốn ngàn cái bát bảy báu. Do nhân duyên quả báo đó nay sanh tại nước của đức Tịnh-Hoa Tú-Vương-Trí Phật, có sức thần như thế. Hoa-Đức! Ý ông nghĩ sao? Thuở đó,nơi chỗ đức Vân-Lôi-Âm-Vương Phật, Diệu-Âm Bồ-Tát cúng dường kỹ nhạc cùng dâng bát báu lên đó, đâu phải người nào lạ, chính nay là Diệu-Âm đại Bồ-Tát đây…”

Nhạc công đức đó, vào truyện Thạch Sanh là cây đàn thần. Bát báu công đức đó, trở thành nồi cơm cho quân lính 18 nước ăn hoài không hết. Phải dùng tới Phật pháp của ngài Diệu Âm, mới dẹp được quân binh 18 nước vây thành, mới đem hòa bình thực sự… Không có thiện nghiệp từ “một vạn hai nghìn năm” hẳn là không dễ có sức thần đầy oai lực. Số lượng mười muôn, và số lượng tám muôn bốn ngàn có nghĩa là nhiều không kể đếm nổi, có nghĩa là toàn bộ “thân, khẩu và ý” của từng người chúng ta cúng dường lên Đức Phật, nghĩa là vâng phục hoàn toàn cho thiện pháp. Cũng nên nhắc rằng, Kinh Pháp Hoa trước giờ rất được ưa chuộng tại Việt Nam.

Như thế, có vẻ như ông bà mình khi kể truyện Thạch Sanh đã cho âm hưởng Phật giáo vào.  Hoặc, cũng có thể, chính một nhà sư nào đó đã nghĩ ra cốt truyện Thạch Sanh Lý Thông để đem thiện pháp ra dạy cho đồng bào mình. Nơi đây, chúng ta chỉ suy đoán theo các nhân vật, hình ảnh và sự kiện. Truyện này gắn bó với dân mình sâu đậm tới mức được ghi vào ca dao, tục ngữ: “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều.”

Do vậy, tác phẩm dịch và chú giải Truyện Thơ Thạch Sanh Lý Thông của Giáo sư Nguyễn Văn Sâm không chỉ có giá trị về văn học nghệ thuật, mà còn là một lời nhắc nhở và khuyến tấn: thiện pháp lúc nào cũng vắng, nhưng tận cùng rồi sẽ chiến thắng.

Nguyên GIác

GHI CHÚ:  

Buổi nói chuyện với Giáo-sư Nguyễn Văn Sâm về “Truyện Thạch Sanh Lý Thông: Một Cách Nhìn Khác” sẽ thực hiện vào Chủ-nhật 26/5/2019 từ 2:00 giờ chiều -5:00 giờ chiều Tại Viện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683. Phone: (714) 775-2050 / E-mail: info@viethoc.com

 

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
NHỚ CÀI QUAI NÓN (1)
Đức Phật Nói Gì Về Chính Trị và Pháp Trị Quốc?
Nghĩ về thịnh pháp và mạt pháp
Khi Nói Về Một Phật Giáo Thế Gian
Nguyện giải thoát ngay hiện tiền
Tuệ Trung Thượng Sĩ: Phản Quan Tự Kỷ
Đọc Ngôn Ngữ Số Đặc Biệt về Đỗ Nghê: Khi Đỗ Hồng Ngọc gặp Cao Huy Thuần
Đọc sách Biển Tuệ Thương Ca
Hãy Thiền Như Một Kẻ Khờ
BƯỚC ĐI CỦA BẬC ĐẠI SĨ
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3718550