Trong lớp Trung Đẳng Phật Học Viện Bảo Tịnh tại thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào những năm từ 1971 tới 1975, tôi có quen nhiều học tăng trẻ lúc đó còn làm chú tiểu để bẻo từ Sơ Đẳng Phật Học Viện Linh Sơn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa ra học, như Trần Lộc, Nguyễn Nhạn, v.v... Cũng qua những người bạn trẻ này mà tôi biết đến Cố Hòa Thượng Thích Như Ý.
Trong tâm khảm những chú tiểu chúng tôi thời bấy giờ, Hòa Thượng Thích Như Ý không những là vị Thầy dạy đạo lý Nhà Phật cho mấy chú tiểu mà còn là vị cha nuôi dưỡng đàn con dại, từ “cách ăn, cách nói, cách gói, cách xách” để trưởng thành như một con người và hơn thế nữa như những pháp khí của Phật Pháp tương lai.
Những vị học tăng trẻ từ Phật học viện Linh Sơn ra, đều được dạy dỗ đầy đủ, thuộc lòng 2 đường công phu và bốn cuốn luật tiểu đủ tiêu chuẩn để được cho nhập học lớp trung đẳng. Chú Trần Lộc lớn tuổi hơn tôi, còn chú Nguyễn Nhạn thì có lẽ bằng tuổi hay nhỏ hơn tôi một hai tuổi. Từ Nha Trang ra học lớp trung đẳng này còn có anh Lương Kim Hưng là đệ tử Cố Hòa Thượng Thích Trừng San, Tri Sự Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang.
Lúc bấy giờ, trên toàn miền Nam Việt Nam có lẽ chỉ có một Phật học viện sơ đẳng là Sơ Đẳng Phật Học Viện Linh Sơn do Hòa Thượng Thích Như Ý điều hành mà thôi. Có thể nói đó là một hạnh nguyện hy sinh cao cả, vì nó đòi hỏi nơi vị Thầy nuôi dạy chúng điệu không những phải có tâm từ bi và kham nhẫn vô bờ của vị đạo sư, mà còn phải có tấm lòng yêu thương những chú điệu này như người cha yêu thương những đứa con ruột của mình. Có từ tâm, có lòng yêu thương thì mới có đủ nghị lực để nuôi nấng và dạy dỗ cho những chú tiểu nên người. Đó là hạnh nguyện lớn lao mà không phải ai cũng làm được.
Thật vậy, nuôi vài ông điệu thì khả dĩ, nhưng nuôi dạy cả lớp học vài ba chục ông điệu là rất khó. Khó nhiều mặt, từ cấp dưỡng vật chất cho đến dạy dỗ Phật Pháp và cái khó nhất là uốn nắn cho những ông điệu này trở nên thuần thục trong nếp sống thiền môn. Cho dù những ông điệu đã thế phát xuất gia vào chùa tu hành, nhưng họ vẫn là một đứa trẻ như bao nhiêu đứa trẻ khác ngoài đời từ nhu cầu vật chất đến tâm lý "ăn chưa no, co chưa ấm" và nhất là tánh khí trẻ thơ, hời hợt, nghịch ngợm, đôi khi cứng đầu khó dạy nữa.
Lúc đó tôi chỉ biết Hòa Thượng Thích Như Ý qua những người bạn học mà chưa lần nào có duyên được gặp ngài. Rồi đến khi vào Tu Viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn những năm đầu thập niên 1980s tôi lại có duyên được làm quen với hai vị đệ tử xuất gia của Hòa Thượng Thích Như Ý là Thầy Tâm Hải, người đã mất tích trong chuyến vượt biên vào cuối thập niên 1980s, và Thầy Tâm Tưởng tức Thầy Thông Niệm bây giờ.
Thầy Tâm Hải là người hiền từ, dung dị và cởi mở. Điều làm tôi nhớ mãi về Thầy Tâm Hải là tánh tình vui vẻ và cách ăn nói lợi khẩu của Thầy. Thầy hay dùng những chữ địa phương rất mộc mạc và rất hiếm khi được nghe đã làm cho người nghe như tôi rất thích thú. Cũng nhờ Thầy Tâm Hải mà tôi có được phước duyên gặp Hòa Thượng Thích Như Ý tại Phật học viện Linh Sơn vào khoảng năm 1983.
Nhớ năm đó, tôi đã tháp tùng Thầy Tâm Hải, Thầy Nguyên Hỷ (bạn thân của Thầy Tâm Hải cũng đã mất tích trong chuyến vượt biên cùng thời vời Thầy Tâm Hải) và chú Thiện Lạc đến thăm Chùa Linh Sơn. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Hòa Thượng Thích Như Ý. Chúng tôi ở lại Linh Sơn chơi vài ba ngày và được hầu chuyện với Hòa Thượng mấy bận. Hòa Thượng rất hiếu khách. Ngài đã dặn Thầy Tâm Hải lo cho anh em chúng tôi chu đáo chỗ ăn chỗ ở.
Cũng những năm giữa thập niên 1980s, tôi lại được quen biết với vài vị đệ tử khác của Hòa Thượng Thích Như Ý là Thầy Tâm Hòa, Thầy Tâm Tường và Thầy Tâm Châu ở Già Lam và ở Chùa Long Quang tại Long Thành - Hố Nai, là ngôi chùa Thầy Tâm Quang làm trú trì. Ngôi chùa này nằm trong vùng kinh tế mới nên xây cất rất đơn sơ với mái tranh và vách đất. Nhưng tôi lại rất thích cái không khí miền quê hoang dã của nó, nên thỉnh thoảng đến đó để thăm chơi vài ngày.
Sau đó khi đi vượt biên qua Mã Lai vào năm 1986 và 1987 tôi được quen Thầy Tâm Phương cũng là đệ tử của Hòa Thượng Thích Như Ý.
Vào đầu thập niên 1990s, tôi được gặp lại Thầy Tâm Tưởng, Thầy Tâm Hòa, Thầy Tâm Tường và Thầy Tâm Châu ở Mỹ. Lúc đó Thầy Tâm Tưởng và Thầy Tâm Tường thì ở Mỹ. Thầy Tâm Hòa thì ở Canada. và Thầy Tâm Châu thì ở Hòa Lan. Có lần vào dịp Tuần Chung Thất của Thân Mẫu của TT Tâm Tường tại Tu Viện Pháp Vương, San Diego, Nam California, tôi đã có duyên gặp thêm 3 vị đệ tử của Hòa Thượng Thích Như Ý là HT Tâm Viên, TT Tâm Ân và TT Tâm Bình. Trước đó vài năm, khi sang Chùa Pháp Vân thăm quý Thầy, tôi cũng đã gặp và quen Thầy Tâm Minh cũng là đệ tử của Hòa Thượng Thích Như Ý.
Càng ngày tôi càng được nghe biết nhiều về hạnh nuôi chúng điệu của Hòa Thượng Thích Như Ý qua quý Thầy, là những vị đệ tử của Hòa Thượng. Tôi được quý thầy kể cho nghe rất nhiều điều về Hòa Thượng vào các dịp gặp mặt sau này. Điều cảm động nhất mà tôi được nghe quý Thầy kể về Hòa Thượng là dù ngài dạy chúng điệu rất nghiêm, nhưng lại đầy lòng từ bi yêu thương họ trong từng hành động của cuộc sống thường nhật. Chẳng hạn, ban đêm Hòa Thượng thường xuyên chăm sóc từng giấc ngủ của từng ông điệu trong chùa bằng cử chỉ kéo mền đắp cho họ lúc họ ngủ say không nhớ đắp mền hay tung mền văng ra. Hòa Thượng còn đích thân lau dọn rửa ráy chỗ nằm cho mấy điệu vào buổi sáng mỗi khi có chú điệu nào “đái dầm” trong đêm. Việc làm đó nói lên được tấm lòng yêu thương chúng điệu của Hòa Thượng như người cha yêu thương các con ruột của mình. Đây là hạnh nguyện giống như trong Kinh nói “Chư Phật thương chúng sinh như con đỏ.”
Vào đầu thập niên năm 2000s, không nhớ rõ là năm nào, tôi có duyên gặp lại Hòa Thượng Thích Như Ý khi ngài qua Mỹ thăm quý Thầy đệ tử. Lần đó, lúc ngài đến Chùa Liên Hoa tại thành phố Garden Grove trong vùng Little Saigon nơi Hòa Thượng Thích Chơn Thành làm Viện Chủ, tôi đã đến đảnh lễ và hầu chuyện thăm hỏi Hòa Thượng. Trong chuyến đi này, Hòa Thượng đã đến ở Tu Viện Pháp Vương tại thành phố Escondido thuộc Quận San Diego, khoảng 1 tháng, theo Thầy Tâm Tường kể cho biết.
Cho đến nay có lẽ ai cũng nhận ra điều khá lý thú và đặc biệt là Hòa Thượng Thích Như Ý là một trong những vị Tôn Túc của Phật Giáo Việt Nam thời hiện đại, không những có nhiều đệ tử xuất gia mà cũng là bậc Thầy có nhiều đệ tử xuất gia hành đạo khắp nơi trên thế giới. Chắc chắn đây là kết quả viên mãn từ nhân lành thù thắng nuôi dạy chúng điệu qua bao nhiêu thập niên của Hòa Thượng Thích Như Ý.
Bây giờ Hòa Thượng Thích Như Ý đã nhập Niết Bàn, nhưng hạnh nguyện nuôi dưỡng tương lai Phật Pháp của Hòa Thượng mãi mãi là tấm gương sáng cho hậu học soi theo.
Con xin nhất tâm hướng về Tổ Đình Linh Sơn Pháp Bảo tại Nha Trang đê đầu đảnh lễ Giác Linh Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Ý nhập Niết Bàn tịch diệt.
Hậu học Tâm Huy Huỳnh Kim Quang khể thủ
Mỹ quốc, quý thu, Kỷ Hợi, 2019