Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
PHỤ LỤC 1 (Giấc Mộng Đình Mai)
Tác giả: Hạnh Cơ

KHÁI QUÁT về TÂM LÍ VĂN NGHỆ

HẠNH CƠ

Từ “VĂN NGHỆ” có thể được hiểu bằng hai cách: rộng và hẹp. Theo nghĩa rộng thì đó là từ rút gọn của hai từ “văn học” và “nghệ thuật”. Người ta thường dùng từ “nghệ thuật” để chỉ những công trình sáng tạo nhằm biểu hiện cái đẹp, như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc v.v... Theo ý nghĩa này thì văn học cũng là một bộ môn nghệ thuật, nhưng vì nó là một bộ môn nghệ thuật quan trọng, toàn diện hơn cả, nên đã được tách rời ra thành một ngành riêng biệt; và do đó chúng ta có danh từ “văn học nghệ thuật” – hay nói tắt là “văn nghệ”.


Nếu hiểu theo nghĩa hẹp – và cũng là cái ý nghĩa chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây – thì “VĂN NGHỆ” là nghệ thuật thưởng ngoạn cũng như dùng văn tự để diễn tả tính tình, tư tưởng, sự vật v.v... (tức là sáng tác) một tác phẩm văn chương.
Môn loại của văn chương thường được phân thành ba bộ môn: THƠ, KỊCH và TIỂU THUYẾT. Khí cụ chung dùng để biểu hiện thường là văn tự, nhưng chúng ta cũng còn dùng ngôn ngữ để đọc hay ngâm vịnh, và dùng cử chỉ, động tác để diễn kịch.
Đối tượng của văn chương thật mêng mông, bao gồm mọi hiện tượng thiên nhiên trong trời đất, cũng như tất cả nhân, sự ở trên cõi đời. Lưu Hiệp, một nhà phê bình văn học của Trung-hoa, đã từng nói:

“VĂN làm sáng rỡ nét tốt đẹp của trời đất, ý nghĩa thật là rộng lớn! Nó cùng sinh một lần với trời đất; vì sao nói được như vậy? Kìa, màu xám màu vàng lẫn lộn, hình tròn hình vuông phân biệt để tỏa ra cái hiện tượng sáng đẹp ủa trời; núi sông như những mảnh lụa màu chằng chịt để phô bày cái hình thái của đất; tất cả đều là VĂN của đạo vậy...... Cho nên tâm sinh thì có lời nói, lời nói đã có thì văn sáng rõ, đó là đạo lí tự nhiên. Nói rộng ra đến muôn vật thì động hay thực vật cũng đều là VĂN: Loài rồng, loài phượng lấy màu sắc để phô trương vẻ đẹp như ngọc thụy; loài cọp, loài beo lấy nét sáng rực tốt tươi để định hình cái tư thái của chúng. Mây ráng ửng thành màu, cái khéo ấy còn hơn cái khéo của họa công; cỏ cây tốt tươi không đợi nét lạ kì của người thợ giỏi. Ôi, có phải là do sự tô điểm ở bề ngoài đâu, mà tất cả đều là do tự nhiên đấy chứ! Đến như những âm hưởng của núi rừng dìu dặt như tiếng sáo tiếng đàn, tiếng suối chảy róc rách trên đá, tất cả hòa điệu với nhau như tiếng khánh tiếng chuông. Do đó, hình lập thì chương thành, thanh phát thì văn sinh vậy......” (2)

Ngoài những hiện tượng thiên nhiên của trời đất, đối tượng của văn chương còn bao gồm những trạng thái xã hội, cuộc sống nhân sinh, và cả những gì thuộc về nội tâm con người. Phan Kế Bính viết:

“Công việc của cuộc đời, xẩy qua đến mắt ta, chạm đến tai ta, việc gần việc xa, việc lớn việc nhỏ, có việc ta ghét, có việc ta ưa, làm cho ta phải khen phải chê, phải cười phải khóc. Ta cứ theo công việc đó mà ghi chép lại thì gọi là văn chương tự sự hay nghị luận. Cảnh ngộ của mình, khi gặp được cảnh sung sướng, khi gặp phải cảnh chua cay. Ta nhân cái cảnh ngộ đó, ta muốn giải tỏ cái tính của ta thì gọi là văn chương tình tự hay là thuật hoài.” (3)

Thực chất của văn chương, theo Hồ Hoài Thám, là tình cảm, tưởng tượng và hứng thú(4); vì đối tượng của văn chương tuy thật mênh mông, nhưng nếu không có tình cảm rung động của nghệ sĩ thì chúng chỉ là những hiện tượng chết, những sự vật bất động, không còn mang ý nghĩa văn nghệ nữa. Và sự biểu hiện tư tưởng để thành văn, nhà văn thường theo hai phương pháp: tự nhiên hóa và nghệ thuật hóa. Tự nhiên hóa là lối biểu hiện hoàn toàn tự nhiên, không hề có một dụng công trang điểm nào của tác giả; và nghệ thuật hóa là tác giả phải dụng công trau chuốt trong khi sáng tác. (5)
Vậy, đến đây chúng ta có thể phát biểu một định nghĩa đầy đủ về danh từ “văn nghệ” (theo nghĩa hẹp được nhấn mạnh ở đây): đó là nghệ thuật sáng tạo dùng văn tự để biểu hiện tình tự con người, hoàn cảnh xã hội, hiện tượng thiên nhiên thành các văn phẩm như thơ, kịch hay tiểu thuyết, không phải bằng suy luận mà bằng tình cảm, tưởng tượng và hứng thú của nhà văn, theo phương pháp tự nhiên hóa hay nghệ thuật hóa.
Thế cũng có nghĩa, “văn nghệ” là nghệ thuật viết văn, nghệ thuật thưởng ngoạn và sáng tác văn chương, nghệ thuật cảm hứng và biểu hiện cái ĐẸP bằng văn chương. Cái đẹp không phải tìm ở nơi đối tượng, mà phải tìm ở trong tâm hồn biết rung động. Sách Nhạc Kí nói:

“Thơ để nói lên cái chí của mình, ca để ngâm cái giọng của mình, múa để vận động cái dáng điệu của mình. Nguồn gốc của cả ba phương diện ấy đều ở nơi tâm hồn, rồi người ta mới theo đó mà chế ra nhạc khí. Vì vậy, tình cảm có thâm trầm thì văn mới sáng rõ; sinh khí có dồi dào thì tinh thần mới biến hóa; tâm hồn có hòa điệu ở bên trong thì anh hoa mới biểu lộ ra bên ngoài.” (6)

Vậy thì muốn tìm cái đẹp, người ta phải tìm ở trạng thái tâm lí của nghệ sĩ sáng tác, chứ không phải tìm nơi đối tượng được quan sát. Quan niệm thẩm mĩ này cũng là quan niệm của thiền học về tác dụng của tâm linh:

“Một ngày kia suy nghĩ, đã đến thời kì nên ra hoằng pháp, không thể trốn ở đây trọn đời. Nghĩ như vậy rồi, mới tìm đến chùa Pháp-tánh ở Quảng-châu, vừa gặp Ấn Tông pháp sư đang giảng kinh Niết Bàn, nhơn có hai sư tăng tranh luận nhau về nghĩa phong phan (gió và phướn), người thì nói gió động, người thì nói phướn động, cãi mãi không thôi. Huệ Năng bước tới nói rằng: Chẳng phải gió động, cũng chẳng phải phướn động, chính là tâm của hai nhơn giả động.” (7)

TÂM là chủ thể quan sát, VẬT là đối tượng được quan sát. Tâm là “năng tri”, vật là “sở tri”(8). Và khi nào có sự tiếp xúc giữa tâm với vật thì nẩy sinh tác dụng “tâm biết vật”. Khi đứng trước sự vật, sự nhận thức của tâm thường có ba trạng thái: khoa học, thực dụng và thẩm mĩ.
Đối diện một khóm hoa chẳng hạn, nhà khoa học sẽ sử dụng khả năng hiểu biết của lí trí để phân tích nhằm đem lại một kiến thức chính xác về những yếu tố đã cấu tạo nên hoa, về những thay đổi của tế bào, chất dinh dưỡng đã nuôi sống hoa, sự hấp thụ dưỡng khí và ánh sáng v.v... Nhưng cũng với khóm hoa đó, đối với một người chuyên sống về nghề trồng và bán hoa thì lại mang một ý nghĩa khác. Hoa đối với họ là một nguồn lợi có thể nuôi sống gia đình. Họ sẽ chọn những hoa nào bán được nhiều tiền và bỏ đi những hoa héo khô vô dụng. Vậy sự thương quí hay ghét bỏ của họ đối với loài hoa chỉ là chứng tỏ cái giá trị thực dụng của hoa. Trong khi đó, nhà nghệ sĩ khi đứng trước khóm hoa thì không phải quan sát để tìm hiểu về hoa, cũng không cân nhắc cái giá trị hữu dụng hay vô dụng của hoa, mà ông chỉ ngắm nhìn, thưởng thức nào màu xanh của lá, màu đỏ của hoa, nào lớp sương mai còn đọng trên cành lá, nào đàn bướm đang tung tăng thích thú với lòng khao khát nhụy hoa v.v... Nghệ sĩ ngắm hoa với lòng vô tư, không cần biết hoa có tên khoa học là gì, dinh dưỡng ra sao; cũng không cần biết đến giá trị thực dụng của nó, mà chỉ có thuần túy một trạng thái mĩ cảm.
Thái độ khoa học lấy “chân” làm cứu cánh đạt thành; thái độ thực dụng lấy “thiện” làm giá trị đích thực; và thái độ nghệ thuật lấy “mĩ” làm mục đích tối cao.
Hoạt động tâm lí ở thái độ khoa học thì thiên vào suy luận trừu tượng; ở thái độ thực dụng thì thiên vào ý chí; ở thái độ nghệ thuật thì thiên vào trực giác và tình cảm.
Sự phân biệt có ba trạng thái tâm lí như vậy không có nghĩa là có ba loại người khác nhau trong nhân loại, mà kì thực chỉ là ba khía cạnh sinh hoạt của tâm lí nơi mỗi một con người khi có tác dụng “tâm biết vật”; như Trí Khải đại sư (538-597), vị tổ thứ ba của tông Thiên Thai (Phật giáo Trung-quốc) đã nói:

“Ba tác dụng của tâm là lí trí, tình cảm và ý chí. Chuyển tâm mê vọng thành trí giác ngộ; rời bỏ đau khổ để được an lạc; không làm điều xấu và thực hiện việc tốt. Lấy lí giải để đạt được CHÂN, lấy tin tưởng để đạt được MĨ, và lấy thực hành để đạt được THIỆN, đó là mục đích của hành giả.” (9)

Ba trạng thái căn bản đó của tâm lí đều đầy đủ nơi mỗi cá nhân, vì con người lúc nào cũng vẫn là con người toàn diện, chỉ khác nhau ở chỗ mỗi người vì thiên trọng quá về chuyên môn, nên mới có cái nhìn phiến diện về thế giới sự vật.
Vậy thì người nghệ sĩ vẫn có lúc dùng lí trí quan sát sự vật để có một trình độ hiểu biết chính xác theo tính khoa học, vẫn có lúc đứng ở quan điểm đạo đức để phán đoán giá trị tốt xấu của sự vật; nhưng đó chỉ là những lúc thật cần thiết. Ngoài ra, hầu như lúc nào ông cũng tiếp xúc với sự vật bằng trực giác, bằng tình cảm để khêu gợi mĩ cảm; vì chỉ có mĩ cảm mới đem đến cho ông nguồn cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật.
Muốn có sáng tạo nghệ thuật, nghệ sĩ phải đối diện với cái đẹp. Và trong lúc thưởng thức cái đẹp, họ đã vất bỏ hết những khái niệm khô khan, những mưu đồ dục vọng, không suy luận, không phán đoán, mà chỉ tập trung tinh thần vào đối tượng, quên mình vào sự vật. Hình tướng của sự vật hoàn toàn choáng hết tâm hồn, khiến cho nghệ sĩ quên hết ngoại giới chung quanh, mê li vào thế giới “vật ngã đồng nhất”(10), như kinh nghiệm sau đây của đạo sĩ Ramakrishna (người Ấn-độ) là một tỉ dụ:

“Bấy giờ tôi lên sáu hay bảy tuổi. Một buổi sớm mai, tôi xách ít gạo rang trong cái giỏ, vừa đi vừa ăn trên bờ ruộng lúa. Thời tiết vào tháng Sáu, tháng Bảy. Chợt ở góc trời nổi hiện một đám mây. Chẳng mấy chốc mây đen kéo đầy trời. Bỗng một đàn hạc trắng như sữa bay ngang qua đám mây đen kia. Cảnh tượng đẹp quá đến nỗi tôi mê li ngay vào trong trạng thái tâm thần xa lạ. Cái trạng thái ấy đến với tôi, làm cho tôi quên mất ý thức về ngoại giới. Tôi ngã bất tỉnh nhân sự, và gạo rang đổ tứ tung trên bờ ruộng. Người đi qua thấy thế bế tôi về nhà. Đấy là lần đầu tiên tôi mất ý thức về ngoại giới trong trạng thái xuất thần.” (11)

Kinh nghiệm trên đây của Ramakrishna gọi là “mĩ cảm kinh nghiệm”, và cái trạng thái tâm lí thuần trực giác của Ramakrishna trong lúc thưởng thức cảnh đẹp đó là “trực giác hình tướng”.
Trực giác là hoạt động của tâm lí khi tiếp vật; hình tướng là đối tượng của trực giác. Trong mĩ cảm kinh nghiệm, khi tâm tiếp vật thì chỉ thuần có trực giác, và vật hiển hiện cũng chỉ có hình tướng mà thôi; giữa tâm và vật không có suy luận, cũng không có dục niệm. Và trong mĩ cảm kinh nghiệm, trạng thái tinh thần cũng thật đặc biệt: ở trạng thái xuất thần, nghệ sĩ mê li trong thế giới “vật ngã đồng nhất”, thì sự thích thú như có ở cả hai bên ngã và vật, và cùng cảm sinh, qua lại gặp gỡ. Phải chăng trong trạng thái tâm lí đó mà Nguyễn Công Trứ (1778-1858) đã viết nên bài thơ “Vịnh Cây Thông” sau đây:

Ngồi buồn mà trách ông xanh
Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông

Đứng trước cây thông, Nguyễn Công Trứ đã bất giác quên mình quên cảnh. Thi nhân và cảnh vật không còn là hai ngôi chủ khách, mà cả hai là một. Đó là khả năng di chuyển tình cảm từ người sang vật, từ vật sang người – được gọi là khả năng “di tình tác dụng” – của tâm lí vậy. Do khả năng đó mà có hiện tượng “nhân hóa” và “vật hóa”, để làm cho ngoại vật bất động trở nên linh hoạt, khô cứng trở nên sống động, vô tình trở nên hữu tình:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Nguyễn Du
(Đoạn Trường Tân Thanh)

Cho nên, đã là nghệ sĩ thì cần dồi dào tình cảm; tình cảm dồi dào thì kinh nghiệm mĩ cảm mới sâu rộng. Mĩ cảm kinh nghiệm sinh ra thích thú và rung động, và đó là nguồn sáng tác văn nghệ. Bởi vậy, nhà bình luận văn nghệ không bao giờ dùng những khái niệm trừu tượng của hệ thống triết lí về nghệ thuật để suy luận trong việc phân tích và phê bình tác phẩm, mà phải nghiên cứu tác phẩm văn nghệ bằng vào tâm lí sáng tạo và thẩm mĩ văn nghệ. Đó là ý nghĩa của phương pháp phê bình văn học gọi là TÂM LÍ VĂN NGHỆ.
Tóm tắt, TÂM LÍ VĂN NGHỆ là một phương pháp phê bình văn nghệ đứng ở quan điểm tâm lí học để nghiên cứu một tác phẩm. Người ta tẩy trừ mọi thành kiến triết học, chỉ chú trọng vào việc phân tích những trạng thái tâm lí hoạt động trong lúc sáng tác và thưởng ngoạn; tức là phân tích những “khởi hứng”, vì khởi hứng (hay cảm hứng) chi phối toàn thể cá tính tác giả từ cách cảm hứng đến cách phô diễn cảm hứng. Cho nên, nếu chúng ta biết được cái gì đã làm cho tác giả cảm hứng, rồi cảm hứng ra làm sao, và cách thức diễn đạt thế nào, thì chúng ta có thể thấy được tâm hồn tác giả ở các phương diện đặc thù, phổ biến và đại đồng.

CHÚ THÍCH

(01) Theo sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi, “tâm lí văn nghệ” là một phương pháp phê bình văn học, mà có lẽ cố giáo sư Nguyễn Đăng Thục là người duy nhất đã nghiên cứu và giảng dạy ở bậc đại học. Giáo sư đã dạy môn này cho sinh viên năm thứ nhất ban Cao Học Văn Học của phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn thuộc viện đại học Vạn Hạnh (Sài-gòn) trong niên khóa 1971-1972. Lúc đó, giáo sư cũng là khoa trưởng của phân khoa này.
(02) Trích dịch từ sách Văn Tâm Điêu Long, quyển I, chương “Nguyên Đạo” của Lưu Hiệp, Hương-cảng: Trung-hưng đồ thư ấn hành, 1961 (trang 1). Lưu Hiệp, người đời Lương (502-558), Trung-quốc, mồ côi từ thuở nhỏ, nhà nghèo, ham học, không cưới vợ, sống với một vị tăng và học kinh Phật. Ông nổi tiếng nhờ tác phẩm Văn Tâm Điêu Long, gồm 50 chương, bình luận văn học cổ kim.
(03) Phan Kế Bính (1875-1921), Việt Hán Văn Khảo, Sài-gòn: Mặc-lâm xuất bản, 1970 (tr. 12).
(04) Xin xem sách Trung Quốc Văn Học Sử Khái Yếu của Hồ Hoài Thám, Hương-cảng: Lục-song thư ốc, 1957 (trang 3-4).
(05) Như trên.
(06) Dịch theo trích dẫn của giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du, Sài-gòn: Kinh-thi, 1971 (tr. 159).
(07) Kinh Pháp Bửu Đàn của Lục Tổ Huệ Năng, Hội Linh Sơn Nghiên Cứu Phật Học dịch, Sài-gòn: Văn khố Từ-bi-âm, 1970 (tr. 27).
(08) “Năng” là chỉ cho chủ thể (có tính chủ động), và “sở” là chỉ cho khách thể hay đối tượng (có tính thụ động). “Năng tri” là chủ thể biết, “sở tri” là đối tượng được biết đến.
(09) Theo giảng văn “Tâm Lí Văn Nghệ” (bản chép tay) của giáo sư Nguyễn Đăng Thục, giảng tại lớp Cao Học I Văn Học, phân khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, viện đại học Vạn Hạnh, niên khóa 1971-1972.
(10) “Vật ngã đồng nhất”: chủ thể (ngã) và đối tượng (vật) cùng hòa điệu trong một cảnh giới duy nhất; nói cách khác, đó là trạng thái không còn có ý niệm phân cách giữa chủ thể và đối tượng; chủ thể và đối tượng là một.
(11) Theo giáo sư Nguyễn Đăng Thục, giảng văn đã dẫn.
______________________

Lời soạn giả: Bài “Khái Quát về Tâm Lí Văn Nghệ” này nguyên là chương đầu tiên của bản thảo tiểu luận “Tâm Lí Văn Nghệ trong Mai Đình Mộng Kí” (soạn năm 1974). Nay nó được tách riêng ra, sửa chữa lại, thêm phần chú thích, và cho đăng trên nguyệt san Thế Kỷ 21 (số 125, tháng 9.1999); rồi đưa ra sau tiểu luận để làm thành phần “Phụ Lục 1” này. – HC, Gia-nã-đại, cuối năm 1999.

PHỤ LỤC 2

MAI ĐÌNH MỘNG KÝ


Lời soạn giả: Thi phẩm Mai Đình Mộng Ký của Nguyễn Huy Hổ hầu như lại bị mai một, vì từ vài chục năm nay nó lại bị văn học giới bỏ quên, đã vắng bóng trên thị trường sách vở. May mắn thay, năm 1998, một người bạn ở trong nước gửi ra cho tôi một cuốn MAI ĐÌNH MỘNG KÝ do giáo sư Hoàng Xuân Hãn biên tập và trích dẫn, giáo sư Nghiêm Toản chú thích (bản in lần thứ ba của nhà xuất bản Trường Thi, Sài-gòn, mà chúng tôi từng dùng làm tài liệu căn bản khi soạn tập tiểu luận này năm 1974). Ông bạn cho biết, cuốn sách ấy ông đã kiếm được trong một sạp bán sách cũ trên hè phố Sài-gòn. Khi chúng tôi nhận được thì sách cũng sắp rách nát. Để bảo tồn một tác phẩm văn chương cổ điển của nền văn học Việt-nam, mà giá trị nghệ thuật không kém gì Truyện Kiều, chúng tôi xin sao lại toàn văn thi phẩm ấy sau đây. Chúng tôi sao đúng theo bản “Trường Thi” mà chúng tôi vừa có được; nhưng chỉ sao bài “TỰA” (do giáo sư Hoàng Xuân Hãn dịch ra Việt văn) và toàn văn thi phẩm Mai Đình Mộng Ký mà thôi. Về phần chú thích, chúng tôi chỉ chú thích những câu nào chưa được trích dẫn và chú thích trong phần tiểu luận ở trước. – HC, Gia-nã-đại, cuối năm 1999.


MAI ĐÌNH MỘNG KÝ

TỰA
(Bản Việt dịch của giáo sư Hoàng Xuân Hãn)


Ta nghe nói: Người có giác(1) lớn mới có mộng lớn. Lời nói mầu nhiệm thay! Lời nói mầu nhiệm thay!
Ôi! Việc lớn như chung thỉ(2) của trời đất, bé như sinh tử của nhân vật(3), xa như thế biến(4) của xưa nay, đều là giác trong mộng cả. Như thế thì, những kẻ gọi là mộng ảo, gọi là trần giới(5), gọi là nghịch lữ(6), gọi là hành khách(7), mới có thể nói chuyện mộng được mà thôi.
Bài Mai Đình Mộng(8) Kí để chép mộng. Mộng ấy bé. Mộng bé bé, ắt giác bé bé. Ta thường bảo kẻ chúng nhân(9) mộng, kẻ chí nhân(10) giác. Há biết đâu là kẻ ta cho là mộng lại không mộng, kẻ ta cho là không mộng lại mộng hay sao?
Vì thế nên bài kí Mai Đình này mới làm ra.
Năm Kỉ Tị mùa xuân, sau ngày khai hạ, ta đi chơi lên Nam-đường(11), để mừng nhà học của anh ta mới dựng ở núi Chung-sơn. Đi đường bị mưa, trú lại phố Phù-thạch, ở nhà bà con. Người bà con thuê đò cho ta.
Trời gần tối. Ngược dòng lên phương Tây. Gió mát thổi nhẹ, trời cao không mây, trăng sáng trên không. Bảo trẻ đem rượu cùng uống. Cảnh núi xuân mờ tối, nước xuân lóng lánh, xuân quang xuân sắc(12) đều hợp với người.
Chỉ biết đi chơi xuân có thể say. Nào có biết say mà ngủ phơi phới, ngủ mà mộng phơi phới chập chờn đâu. Đi cũng như không, mà lại cũng như không. Những cùng gió lọt trúc thưa, nhạn qua đầm quạnh, y như một điệu, lí thú vô ngần! Cô gái dưới Mai-đình, thần tứ lâng lâng; phu nhân trên thư các, từ khí nghiêm chính. Đến đẹp như đào lí, cứng như bách tùng, nồng như thuần giao(13), lạt như sương tuyết, thiên hình vạn trạng, không phải lấy bút mà tả hết được. Ta cũng không biết bấy giờ thần tứ ra sao!
Ôi! Vừa lúc đi xem đèn ở núi(14) Phù-thạch, trước không biết sẽ có cuộc đi chơi trên sông dưới nguyệt, lại không ngờ sẽ có giấc mộng Mai-đình!
Đó là mộng chăng? Đó không phải là mộng chăng? Duy chỉ có người đại giác mới đoán được.

NGUYỄN HUY HỔ


CHÚ THÍCH (của HC)

(1) Giác: thấy rõ, biết rõ sự vật một cách chân thật.
(2) Chung thỉ: cũng nói là “thỉ chung”. “Thỉ” là bắt đầu; “chung” là cuối cùng, kết thúc, chấm dứt. “Chung thỉ của trời đất” là lúc bắt đầu tạo thành trời đất và lúc trời đất bị hủy diệt. Trong đời sống bình thường, người ta thường dùng từ “chung thỉ” hay “thỉ chung” để nói sự không thay lòng đổi dạ, trước sau một lòng một dạ.
(3) Nhân vật: người và vật.
(4) Thế biến: sự thay đổi của cuộc đời.
(5) Trần giới: hạt bụi và hạt cải.
(6) Nghịch lữ: quán trọ.
(7) Hành khách: người đi đường.
(8) Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn: “Nguyên trong bài Tựa không có chữ “mộng”. Hình như nguyên tác giả gọi tác phẩm của mình là MAI ĐÌNH KÝ, nhưng sau thêm chữ mộng cho rõ ý.”
(9) Chúng nhân: người trong đám quần chúng tầm thường.
(10) Chí nhân: bậc thánh nhân.
(11) Nam-đường: tên huyện, nay là Nam-đàn, Nghệ-an.
(12) Xuân quang, xuân sắc: ánh sáng và cảnh sắc mùa xuân.
(13) Thuần giao: hai loại rượu ngon và nồng.
(14) Núi: có lẽ đã viết nhầm, phải là “bến” (Phù-thạch) mới đúng.


MAI ĐÌNH MỘNG KÝ

I. Nhập Đề (1)
Trăm năm là kiếp ở đời,  – 1 
Vòng trần này đã mấy người trăm năm.
Cuộc phù sinh có bao lăm,
Nỡ qua ngày bạc mà lầm tuổi xanh.
Duyên tế ngộ hội công danh,
Là hai, với nghĩa chung tình là ba.
Đều là đường cái người ta,
Là cầu noi đó ai qua mới từng.
Tình duyên hai chữ nhắc bằng,
Há rằng duyên chướng, há rằng tình si.
Chuyện xưa còn có sá chi, – 11
Đêm khuya vui chén muốn ghi nỗi mình.
Cho hay rằng giống có tình,
Chiêm bao lẩn quất năm canh lần lần.

II. Cuộc Xem Đèn ở Phù Thạch
Nhớ xưa năm Tị, tháng Dần,
Thưởng xuân vừa gặp giữa tuần tròn trăng.
Thắng du tiện nẻo quan đăng,
Trông vời non Liễu, băng chừng dặm hoa.
Trời hôm xuân nhuốm màu da,
Cơn mưa rửa tuyết, trận hà cuốn mây.
Chim về xao xác lá cây,  – 21
Rừng Đông đã thấy tròn xoay bóng thiềm.
Lửa đâu thấp thoáng trong rèm,
Khi đưa hương xạ, khi đem khói tùng.
Đá đâu lấp ló giữa dòng,
Như bay hoa sóng, như trồng gương nga.
Thành đâu xây lấp yên hà,
Đỉnh non nền cũ, cán cờ bụi sương.
Đền đâu lắng dấu khói hương,
Bể reo công trước, vàng tương mái tàu.
Lần theo ngọn nước làu làu,  – 31
Gió lay chiếc cọc, thuyền mau mái chài. (2)
Trong gương ai cắm cành mai?
Dưới mây ai ném một vài lưu tinh?
Phồn hoa nổi áng thị thành, (3)
Này Phù-thạch phố là danh lịch triều. (4)
Thú phong lưu cũng ít nhiều,
Đèn chong vẻ tố, lò thiêu bụi trần.
Vũng doi trải mấy xây vần,
Dập dìu còn đó với xuân dễ nào!
Thảo mà cánh điệp lá đào,  – 41
Đi về Vu-giáp, ra vào Vũ-lăng.
Một trời hoa cỏ lâng lâng,
Mơ mòng mưa Sở, gió Đằng đâu đây.
Chiều xuân chuốc chén vơi đầy,
Thử xem người tỉnh người say mới là.

III. Thuyền Ngược Dòng Sông Lam
Dã men vừa sánh giọng trà,
Nhà lan treo tháp, doàng la xuống thuyền.
Gió xuân rút cánh buồm duyên,
Thiều quang chín chục, vân yên một chèo.
Bến tình nhẹ nhổ con neo,  – 51
Đầu mai yến vấn, mạn chèo oanh đưa.
Thảnh thơi bầu rượu túi thơ,
Ngón cầm khiển hứng, nước cờ giải mê.
Não nùng vượn suối hoa khe,
Với người dường có vả vê chữ tình.
Phong quang tám bức vén tranh,
Bình non mượn khắm, gương doành lét tô.
Bến Nam liễu bá con đò,
Mảnh mây viễn phố, cánh cò hàn sa.
Ngàn Đông khói lẫn lạc hà,  – 61
Giọt mưa cổ thụ, tiếng gà cô thôn.
Vó câu pha gió nhẹ bon,
Bên lầu Bắc hỏi hoàng hôn địch nào?
Trời Tây bóng ác non sào, (5)
Đường rêu khách quạnh ruổi vào Thiên-thai.
No xem góc bể bên trời,
Một xuân biết mấy mươi nơi dập dìu.
Đòi nơi giốc mục, ca tiều,
Cần hôm mấy cán, tơi chiều nửa manh.
Thảnh thơi gió mát trăng thanh,  – 71
Nào đầm Đồng-lại, nọ ghềnh Bàn-khê.
Mảng vui sào cạy mái phê,
Doành ngân bóng thỏ đã xê ngang đầu.
Nài xuân chén những kèo mau,
Tưởng duyên kì ngộ, ngâm câu Vị-đường.
Này này quế trạo lan tương,
Ví đua Xích-bích chi nhường Đông Pha.

IV. Mộng Đến Mai Đình
Say sưa đòi thú lân la,
Giang-thành đã gióng canh gà sang tư.
Giấc hòe thiêm thiếp lầm mơ,  – 81
Trong mơ mòng thấy tình cờ lạ sao.
Tưởng mình lạc lối nguồn đào,
Khi ra Động-khẩu, khi vào Bồng, Doanh.
Đòi nơi chim lá hoa cành,
Dường chiều đón rước, như tình rủ rê.
Mấy chòm len lỏi sơn khê,
Dòng ngăn thú dật, vách che bụi trần,
Ruổi quanh hoa kính lần lần,
Cảnh tiên riêng đợi tay thần mở mang.
Bầu trời ghẽ chiếm thanh quang,  – 91
Nẻo xa trông rõ mấy trang lão tùng.
Dưới tùng có gác Nghinh-phong,
Cách chừng thấy những phạm cung, bảo đài.
Băng chừng rảo bước tới nơi,
Tường sau nghìn gốc tảo mai quanh thành.
Biển đâu nét tạc rành rành,
Đề ba chữ “Thưởng Mai Đình” vàng tương.

V. Thiếu Nữ Đề Thơ
Trong đình bốn báu sẵn sàng,
Cánh mây mới thảo, ngòi sương chửa rời.
Xông mai chợt động bóng người,  – 101
Vẻ lan vừa chán vội dời gót sen.
Ghẽ ngang về mé Tây hiên,
Cành dao khuất bóng, xiêm tiên lẫn màu.
Ít nhiều chùm quẹn chồi thâu,
Hương thừa còn phảng phất đâu trước đình.
Vẻ sao ngọc chuốt giá thanh,
Bút thần đố vẽ nên tranh truyền thần!
Giá sao báu Triệu, châu Tần,
Người sao so dưới cõi trần chưa ai!
Thực âu sắc nước hương trời,  – 111
Chẳng dòng thần nữ cũng vời tiên cung.
Nguồn phong động khóa trùng trùng,
Khách thơ thêm những mơ mòng hồn thơ.
Biết đâu nước đợi non chờ,
Chúa xuân sao bỗng hững hờ cho đang.
Bào tình lần thấm giọt tương,
Thẫn thờ ngọn khói cành sương một mình.
Lén vào kề trước Côn-đình,
Vách mai còn dán rành rành tiên mai:
Lứa ngọc cùng ai đó?  – 121
Trăng kia với khách này.
Một cành xuân đã sớm,
Mấy đóa tuyết nào bay.
Vẻ sạch mưa càng dãi,
Lòng thơm gió nỡ lay.
Bướm con đừng thóc mách,
Cho hái có dường tay.

VI. Họa Thơ Thưởng Mai
Tứ cao cách lạ tột vời, (6)
Quần thoa hiếm nhỉ nảy tài Âu, Tô! (7)
Nữ trung dễ mấy này ru, (8)  – 131
Song mai kể mấy công phu tập rèn. (9)
Câu thần, chữ thánh, người tiên,
Hay đâu là chẳng sẵn nguyền trăm năm.
Phím hoàng đợi khách tri âm,
Nên treo cân Lệ, ai cầm giá Côn.
Nghĩ mình giong ruổi nước non,
Niềm kinh quốc, nỗi hương thôn bấy chầy.
Thốt chi bướm lũ ong bầy,
Đàn tao nào mấy đua tay cắm vè.
Dù chăng con Tạo khắt khe,  – 141
Thì chi cánh điệp còn mê với tình.
Trót đà tới Mẫu-đơn đình,
Thơm chăng cũng bẻ một cành làm duyên.
Tục điêu cẵng bộ vần tiên,
Liễu-trì trước lá hoa tiên thế nào?
Ngòi dao vừa ráo luật Đào,
Với vần thơ trước sắp vào một phong:
Dao-trì in vẻ ngọc,
Đúc lại lá tiên này.
Nản gió hoa vừa náu,  – 151
Này hương nguyệt muốn bay.
Chiếc đình còn phảng phất,
Cái bướm bỗng thày lay.
Chẳng những xuân kia chọn,
Thần tiên cũng chắp tay.
Người tiên dẫu cách mấy trùng,
Dấu tiên cẵng phó thi đồng chắt chiu.
Bỗng dưng trăng dật gió dìu,
Làm sao lui tới cho đeo đẵng này.
Cuộc mê càng mải miệt thay,  – 161
Dập dờn chiếc bóng chay vay trót giờ.
Một đình, một khách, một thơ,
Thôi thầm thì hỏi, lại mơ mẩn chào.

VII. Rảo Bước Tìm Người
Hiên đâu kéo dãy hoa đào,
Đánh liều cả quyết bước vào thử xem.
Thướt tha tơ liễu buông rèm,
Trà non uốn điệu, dương mềm khoe tươi.
Nhụy xuân rước gió như cười,
Chòm thanh, khóm dật, khác vời chân du.
Có cây, có đá lô xô,  – 171
Có lầu túc điểu, có hồ du ngư.
Giữa trời một cuộc tiên cư,
Đình đài mấy tóp, đồ thư mấy từng.
Hoa say, hạc ngủ, mơ chừng,
Một rằng Bích-động, hai rằng thanh tiêu.
Một hiên Huy-phượng cheo leo,
Thấp đưa gió trúc, cao reo sóng tùng.

VIII. Trao Thư Cho Hoàn
Tiểu hoàn lẩn bóng hiên trung,
Vén cành biếc, hái hoa hồng trước lan.
Bóng người chợt thấy dung quang,  – 181
Lanh chanh bước tới sỗ sàng hỏi ngay:
“Người đâu quan khách đâu đây?
Lạ lùng xông xáo chốn này là sao!”
Nhủ rằng: “Chớ đổ nhau nao!
Qua đình Mai, thấy thơ nào bỏ rơi.
Tài này Lí, Đỗ một hai,
Xuân in cảo liễu, tuyết tươi nét tùng.
Nhời đâu thần khế, đạo đồng,
Hạnh đường bao ná, nhủ cùng được hay!”
Hoàn rằng: “Mơ mẩn ngán thay!”  – 191
Vội vàng giật lấy tiên mây trở vào.
Tuyệt mù nào thấy đâu nào,
Cành bay phấn điệp, hoa xào cánh thơm.
Mảnh riêng càng nát như tươm,
Càng ngơ ngẩn bóng, càng nâm nỉ tình.
“Chắc chi con trẻ đành hanh,
Tin sương có lọt trước mành cho chăng?
Tấc gang cách mấy mươi từng,
Không dưng hầu dễ gió Đằng cợt ai.
Chớ rằng lá thắm dòng khơi,  – 201
Một thơ kéo được tơ trời mà hay!
Kiếp xưa cũng thế nào đây?
Họa hoằn chăng chẳng là tay vuông tròn.
Mảnh tiên tạc lấy sắc son,
Tấc lòng đem hỏi, nước non mượn bàn.”

IX. Mời Vào Hầu Chuyện
Bàn mê những ngóng tin nhàn,
Nhởn nhơ bỗng thấy bóng hoàn tận nơi.
Tăn măn nói nói cười cười,
Rằng: “Vâng nghiêm lệnh, rước người về sanh.”
Cảnh tình một bước một thanh, – 211
Tắt chừng thư các, rảo quanh trì đường.
Ngoài sanh giá lục xây vàng,
Bình đan xuân vẽ, đài gương bóng lồng.
Trong sanh mở cánh phù dung,
Mắt trần luống những lạnh lùng vẻ ngân.
Ỷ trên thấy một phu nhân,
Bước vào tự lễ phân tân trước tòa.
Dạy rằng: “Quê phúc gần xa?
Ấy ai thóc mách nên mà biết đây?”
Dứt lời rén rén thưa bày: – 221
“Khi xưa dòng dõi, khi nay phong trần,
Mảng vui nước trí non nhân,
Đăng lâm trót hẹn với xuân một lời.
Cho nên trẹo nẻo lạc vời,
Phúc-giang, Phượng-lĩnh là nơi quê nhà.
Thày lay vâng chịu trót đà,
Hạnh nào lượng bể bao la muôn nhờ.”

X. Khuyên Lập Công Danh
Nghe thôi lẳng lặng trót giờ,
Ngọc khoan khoan mới xa đưa dịu dàng,
Rằng: “Gia quân với nghiêm đường, – 231
Chữ luân xưa cũng mối giường một hai.
Đền Thương cùng nếm vạc mai,
Cũng trong Y, Phó; cũng ngoài Tôn, Ngô.
Nấy sương vẹn bước vân cù,
Dẫn nhàn riêng chiếm thú hồ sơn đây.
Cơ trời dâu bể vần xây,
Trần-kiều biết mặt Chu này là ai.
Lửa binh rấp thủa chông gai,
Áo xiêm đổi thói, cân đai đau lòng.
Nặng nguyền hưu thích chữ đồng, – 241
Theo chầu liệt thánh năm dòng mười dư.
Bận bùng còn chút ngây thơ,
Điền thôn quen lấy cầm thư đỡ phiền.
Dù chăng cảnh bụt làng tiên,
Với trần nghĩ đã diễn miền nước mây.
Tiền nhân túc trái sao đây?
Không dưng ngươi biết chốn này là đâu.
Mới rồi dạo tới thư lâu,
Nhẹ nhàng vừa thấy con hầu nói qua.
Khách nào la lướt yên hà, – 251
Một mình thơ thẩn dò la hạnh đường.
Lại đưa hai bức thi chương,
Khác chiều nên bảo đón chàng vào chơi.
Lời quê trẻ nó dông dài,
Thêm hoa may lại gặp tài văn nhân.
Xem trong xướng họa mấy vần,
Lấy mai mà vẽ lòng xuân cần quyền.
Hay đâu là nợ, là duyên,
Là thân trước trẻ, là nguyền xưa ngươi.
Khen cho cẩm tú sắc tài, – 261
Lạ cho con Tạo lựa người ghê thay!
Kiếp trần dây dướng dường này,
Lửa hương chờ đợi đến tay anh hùng.
Ấy nhân duyên, ấy tao phùng,
Dẫu đâu sắc sắc không không, nghĩ gì.
Lọ là nhạn cá đi về,
Lứa đôi chăng lại một kì tái lai.
Nền thi lễ cẵng dùi mài,
Tiếng khôi đừng thẹn với mai mới hào!
Duyên lành hẳn đợi giá cao, – 271
Đất bằng sấm đã, thơ đào lại ca.
Xe duyên đành có trăng già,
Mặc dù nhân quả, chớ ra quan hoài.
Hồn mai còn nhớ đình Mai,
Cảnh quen hẳn chẳng lạ người quen đâu.
Còn non còn nước còn lâu,
Còn câu thơ ấy là câu sấm rồi.”

XI. Tỉnh Dậy Tay Không
Đương khi từ tạ khúc nôi,
Giang thôn đâu động tiếng còi mục nhi.
Trong thuyền sực tỉnh đòi khi, – 281
Tấc riêng dồn dã khôn suy tin ngờ.
Nào đình, nào khách, nào thơ,
Bấy giờ hồ điệp, bây giờ Trang sinh!
Cũng trong hai chữ chung tình,
Sao người thường bấy, mà mình quái thay!
Tài tình xem lại xưa nay,
Kiếp người may với chẳng may cũng nhiều.
Cuộc đời mây nổi nước triều,
Tình bao nhiêu, nhợ bấy nhiêu, hay gì.
Lấy điều mộng ảo mà suy, – 291
Một thì là giác, hai thì là mê;
Mê chăng một lúc đi về,
Giác thì duyên ấy còn ghê sau này.
Thấy đây còn biết từ đây,
Bao giờ sao nữa lại hay bấy giờ.
Hoàn thiên tẩu bút một thơ, (10)
Quê đâu chữa đó là nhờ tao nhân. (11)


CHÚ THÍCH

1) Toàn văn thi phẩm Mai Đình Mộng Kí gồm 298 câu thơ. Việc chia đoạn và đặ tiêu đề cho mỗi đoạn trong thi phẩm, chúng tôi đoán là đã do hai giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản làm, chứ không phải do chính tác giả Nguyễn Huy Hổ.
2) Gió lay chiếc cọc: Đây là những chiếc cọc cắm sâu dưới sông để cột thuyền khỏi bị nước trôi. Sóng lăn tăn làm cho bóng cây cọc quăn queo, trông tưởng như gió thổi làm cây cọc bị lung lay. - Thuyền mau mái chài: Nguyên văn câu thơ viết là “mái chài”, nhưng khi chú thích thì giáo sư Nghiêm Toản lại viết là “mái chèo”, và cắt nghĩa rằng: “mái chèo lung lay trên mặt nước”. Sự thật thì ở đây là “mái CHÀI”, chứ không phải là “mái chèo”. Chữ “chài” nghĩa là lài lài, nghiêng nghiêng. Mái chài tức là mui thuyền. Thuyền đánh cá thường có mui là hai mái che lài lài, giống như cái mái nhà nho nhỏ. Chữ “mau” nghĩa là khít nhau. “Thuyền mau mái chài” là tả cảnh những chiếc thuyền đánh cá đậu san sát nhau trên sông.
3) Phồn hoa: nơi thị tứ đông đảo, xa hoa, náo nhiệt. - Áng: đám (áng mây), bài (áng văn), chốn (áng thị thành). - Thị thành: đô thị, thành phố, nơi có người đông đúc, buôn bán sầm uất, thịnh vượng.
4) Danh lịch triều: tên tuổi được biết đến trải qua nhiều triều đại.
5) Theo như chúng tôi đã trình bày trong chú thích số 19 của chương 5, ở đây chúng tôi xin tự ý sửa chữ “bóng hạc” thành “bóng ác”. Trong câu này thì chữ “bóng ác” mới có nghĩa, chứ “bóng hạc” không có nghĩa.
6) Tứ: ý tứ, ý nghĩa trong câu văn, trong lời nói. – Cách: cốt cách, tư cách.
7) Quần thoa: tiếng dùng chỉ chung cho giới phụ nữ. - Âu: tức Âu-dương Tu (1007-1072), người đời Tống (956-1276), tự Vĩng Phúc, hiệu Túy Ông, đỗ tiến sĩ năm 27 tuổi, làm quan đến chức phó sứ Khu-mật viện. Sau vì không đồng ý với chính sách canh tân táo bạo của tể tướng Vương An Thạch (1021-1086) mà từ quan về ở ẩn. Ông là một danh sĩ đời Tống (cùng thời với Tô Đông Pha), thơ, văn, từ, phú, loại nào ông cũng nổi tiếng. - Tô: tức Tô Đông Pha (xin xem chú thích số 27, chương 5).
8) Nữ trung: trong giới phụ nữ. - Dễ mấy này: dễ gì có mấy người được như thế này.
9) Song mai: bên ngoài cửa sổ có trồng hoa mai, có ý chỉ cho phòng học, phòng đọc sách.
10) Hoàn thiên: hết, trọn một bài. - Tẩu bút: viết nhanh.
11) Quê: quê mùa, mộc mạc, kém hiểu biết, hay sai lầm; là lời nói khiêm tốn của người có đức độ. - Tao nhân: người văn hay, phong cách tao nhã.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Bùi Đức Tịnh. Văn Học Sử Việt Nam Trung Học Đệ Nhị Cấp. Sài-gòn: Sống Mới, 1967.
Carl G. Jung. Thăm Dò Tiềm Thức. Vũ Đình Lưu dịch. Sài-gòn: Hoàng Đông Phương, 1967.
Chu Thần Cao Bá Quát. Cao Chu Thần Thi Tập. Sa Minh Tạ Thế Khải trích dịch. Sài-gòn: Bộ Giáo Dục, Trung Tâm Học Liệu, 1971.
Diên Hương. Tự Điển Thành Ngữ Điển Tích. Sài-gòn: Khai Trí, in lần thứ ba.
Diệp Tuệ Hiểu. Trang Tử (Trang Tử Tập Giải). Hương-cảng: Thật Dụng Thư Cục, 1961.
Diêu Trĩ Tường. Khảo Chính Cổ Văn Quan Chỉ. Hương-cảng: Hoa Mĩ Thư Cục, 1951.
Dương Quảng Hàm. Văn Học Việt Nam. Sài-gòn: Bộ QGGD, 1954.
Dương Quảng Hàm. Việt Nam Văn Học Sử Yếu. Sài-gòn: Bộ QGGD, 1958.
Đào Duy Anh. Từ Điển Truyện Kiều. Hà-nội: Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1974.
Đoàn Thêm. Quan Niệm và Sáng Tác Thơ. Huế: Viện Đại Học Huế, 1962.
Henri L. Bergson. Năng Lực Tinh Thần. LM Cao Văn Luận dịch. Huế: Đại Học Huế, 1962.
Hoa Bằng. Quang Trung Nguyễn Huệ. Sài-gòn: Xuất Bản Bốn Phương, 1957.
Hoàng Cao Khải. Việt Sử Yếu. Lê Xuân Giáo dịch. Sài-gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, 1971.
Hoàng Thúc Trâm. Quốc Văn Đời Tây Sơn. Sài-gòn: Vĩnh Bảo, 1950.
Hoàng Xuân Hãn. La Sơn Phu Tử. Paris: Minh Tân, 1952.
Hoàng Xuân Hãn. “Nguồn Gốc Văn KIều” (báo Thanh Nghị các số 29, 30, 31 và 47 – từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1943).
Hồ Hoài Thám. Trung Quốc Văn Học Sử Khái Yếu. Hương-cảng: Lục Song Thư Ốc, 1957.
Kiều Thanh Quế. Cuộc Tiến Hóa Văn Học Việt Nam. Sài-gòn: Hoa Tiên, 1969.
Lãng Nhân. Giai Thoại Làng Nho - Tập II. Sài-gòn: Nam Chi Tùng Thơ, 1964.
Lâm Ngữ Đường. Sinh Hoạt Đích Nghệ Thuật. Việt Duệ dịch ra Hoa văn từ nguyên tác Anh văn. Hương-cảng: Dân Sinh Thư Cục, 1951.
Lưu Hiệp. Văn Tâm Điêu Long. Đài-loan: Khai Minh Thư Điếm, 1963.
Nghiêm Toản. Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu. Sài-gòn: Vĩnh Bảo, 1949.
Ngô Thời Chí. Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Ngô Tất Tố dịch. Sài-gòn: Tự Do, 1958.
Nguyễn Du. Đoạn Trường Tân Thanh. Bùi Khánh Diễn chú thích và dẫn giải. Sài-gòn: Sống Mới, 1960.
Nguyễn Dữ. Tân Biên Truyền Kì Mạn Lục - Quyển Thượng. Bùi Xuân Trang dịch. Sài-gòn: Bộ QGGD, 1962.
Nguyễn Đăng Thục. Lịch Sử Triết Học Đông Phương - Tập I, II. Sài-gòn: Linh Sơn, 1956. - Tập III. Sài-gòn: Tủ Sách Văn Hóa Nhân Bản, 1958. - Tập IV. Sài-gòn: Bộ QGGD, 1962. - Tập V. Sài-gòn: Bộ QGGD, 1964.
Nguyễn Đăng Thục. Thế Giới Thi Ca Nguyễn Du. Sài-gòn: Kinh Thi, 1971.
Nguyễn Đăng Thục. Tinh Thần Khoa Học Đạo Học. Sài-gòn: Khai Trí, 1967.
Nguyễn Đăng Thục. Triết Lí Văn Hóa Khái Luận. Sài-gòn: Văn Hữu Á Châu, 1959.
Nguyễn Đăng Thục. Tư Tưởng Việt Nam. Sài-gòn: Khai Trí, 1964.
Nguyễn Đổng Chi. Việt Nam Cổ Văn Học Sử. Sài-gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, 1970.
Nguyễn Hiến Lê. Tô Đông Pha. Sài-gòn: Cảo Thơm, 1971.
Nguyễn Huy Hổ. Mai Đình Mộng Kí. Hoàng Xuân Hãn biên tập và trích dẫn, Nghiêm Toản chú thích. Bản 1, Hà-nội: Sông Nhị, 1951; bản 2, Sài-gòn: Trường Thi, in lần thứ ba.
Nguyễn Huy Tự. Truyện Hoa Tiên. Vân Bình Tôn Thất Lương chú thích. Sài-gòn: Tân Việt (không ghi năm xuất bản).
Nguyễn Khắc Hiếu. Tản Đà Vận Văn Toàn Tập. Sài-gòn: Á Châu (không ghi năm xuất bản).
Nguyễn Khuê. Tâm Trạng Tương An Quận Vương Qua Thi Ca Của Ông. Sài-gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, 1970.
Nguyễn Năm Châu. Sứ Mệnh Văn Nghệ. Đại Học xuất bản, 1958.
Nguyễn Tử Quang. Điển Hay Tích Lạ. Sài-gòn: Khai Trí, 1974.
Nguyễn Tường Phượng và Bùi Hữu Sủng. Văn Học Sử Việt Nam Tiền Bán Thế Kỉ XIX. Hà-nội: Trường Nguyễn Khuyến, 1953.
Nguyễn Văn Mùi. Luận Đề về Nguyễn Khuyến. Sài-gòn: Thăng Long, in lần thứ III.
Phạm Thế Ngũ. Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên. Sài-gòn: Quốc Học Tùng Thư, 1963.
Phạm Văn Diêu. Văn Học Việt Nam. Sài-gòn: Tân Việt, 1960.
Phạm Văn Đang. Văn Học Tây Sơn. Sài-gòn: Lửa Thiêng, 1973.
Phạm Văn Sơn. Việt Sử Tân Biên - Quyển III. Sài-gòn: (không ghi nhà xuất bản) 1959. - Quyển IV. Sài-gòn: Tủ Sách Sử Học Việt Nam, 1961.
Phan Kế Bính. Việt Hán Văn Khảo. Sài-gòn: Mặc Lâm, 1970.
Phan Khoang. Việt Sử Xứ Đàng Trong (1558-1777). Sài-gòn: Khai Trí, 1960.
Phan Mật. Tiềm Thức Người Khách Lạ. Huế: 1964.
Phan Trần Chúc. Văn Chương Quốc Âm Thế Kỉ XIX. Sài-gòn: Khai Trí, 1960.
Sigmund Freud. Phân Tâm Học Nhập Môn. Nguyễn Xuân Hiếu dịch. Sài-gòn: Khai Trí, 1970.
Thanh Lãng. Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam - Quyển Thượng. Sài-gòn: Trình Bày, 1967.
Thanh Lãng. Văn Chương Chữ Nôm. Sài-gòn: Văn Hợi, in lần thứ hai.
Thích Thanh Kiểm. Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc. Sài-gòn: Vạn Hạnh, 1963.
Toan Ánh. Tín Ngưỡng Việt Nam - Quyển Hạ. Sài-gòn: Nam Chi Tùng Thư, 1968.
Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Sài-gòn: Tân Việt, 1958.
Trần Trung Viên (sưu tầm) và Hư Chu (hiệu đính). Văn Đàn Bảo Giám. Sài-gòn: Mặc Lâm, 1969.
Trần Văn Giáp (chủ biên) và một số tác giả. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam. Hà-nội: Sử Học, 1962.
Trịnh Vân Thanh. Thành Ngữ Điển Tích Dah Nhân Từ Điển. Sài-gòn: 1969.
Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha Những Phương Trời Viễn Mộng. Sài-gòn: Ca Dao, 1973.
Văn Tân - Nguyễn Hồng Phong - Vũ Ngọc Phan - Nguyễn Đổng Chi. Sơ Thảo Lịch Sử Văn Học Việt Nam - Quyển V (bản in ronéo của sinh viên trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, 1973).
Văn Nghệ Tâm Lí Học. Đài-loan: Khai Minh Thư Điếm, 1958.
Vô Danh Thị. Ô Châu Cận Lục. Bùi Lương dịch. Sài-gòn: Văn Hóa Á Châu, 1961.
Vũ Đình Lưu. Hành Trình Vào Phân Tâm Học. Sài-gòn: Hoàng Đông Phương, 1968.

Bản thảo viết xong tại Sài-gòn, đầu năm 1974;
sửa chữa lần thứ nhất và chú thích,
tại Edmonton, Gia-nã-đại, cuối năm 1996;
thêm các phần “Phụ Lục 1”, “Phụ Lục 2”, và bổ túc phần “Tài Liệu Tham Khảo”, cuối năm 1999;
sửa chữa toàn bộ lần thứ nhì, đầu thu năm 2001.
HẠNH CƠ

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717537