Vì quá tin tưởng vào khả năng khoa học, các triết gia Tây-phương luôn luôn nhìn sự vật bằng con mắt “hợp lí hóa”. Cái gì họ cũng muốn hệ thống hóa với toàn những khái niệm trừu tượng. Cho đến cái “BIẾT” họ cũng cố gắng hệ thống hóa để lập thành khoa “tri thức luận”. Do đó, càng ngày họ càng xa rời thực tại, bỏ quên sự sống. Rốt cuộc, cái BIẾT của triết học Tây-phương đã không thể làm con người thỏa mãn về sự thực đời sống. Cho nên một câu hỏi quan trọng đã được đặt ra: “Vậy thì còn cái BIẾT nào khác?” Và chúng ta không ngần ngại trả lời: Có một lối BIẾT khác với lối biết suy luận của triết gia, đó là lối biết trực giác của NGHỆ SĨ.
Đứng trước sự vật, nghệ sĩ không trừu tượng hóa, không suy luận, không tìm cách hợp lí hóa sự vật, mà họ đào sâu vào cái tri giác đặc thù; vừa đào sâu vừa đẽo gọt, gạn lọc đến độ hoàn toàn vô tư thì họ sẽ đạt được cái tâm hồn phổ quát của một con người phổ quát: đó là con người toàn diện. Hay nói cách khác, nghệ sĩ đã đạt được cái tâm hồn chung bằng sự hiểu biết chính cái bản ngã của mình, chứ không bằng sự tìm kiếm cái gì chưa từng có trong đời sống.
Vậy việc nghiên cứu nguồn cảm hứng của nghệ sĩ, cách cảm hứng ra sao, cũng như theo dõi quá trình biểu diễn của cảm hứng ấy trong tâm hồn và trong tác phẩm của nghệ sĩ là công việc mà nhà phê bình phải cố gắng đạt được. Có như vậy thì sự trình bày cái nguồn xuất phát của văn nghệ mới chân thật và linh động.
Khi đã đạt được cái tâm hồn chung thì nghệ sĩ mới đạt được mục đích của văn nghệ là kích thích và truyền thông tư tưởng, tình cảm của mình sang tâm hồn người khác. Và muốn được như vậy thì nguồn cảm hứng của nghệ sĩ phải thật thâm sâu. Muốn có cảm hứng thì con người phải biết rung động. Và cái gì có thể làm cho tâm hồn ta rung động? Đó là cái ĐẸP!
ĐẸP, hay MĨ CẢM, là thứ tình cảm của con người phát sinh ra khi đứng trước một sự vật khả giác. Nhưng không phải bất cứ sự vật khả giác nào cũng có thể gây ra mĩ cảm. Tất cả những sự vật có tính cách ích dụng cho đời sống đều là những sự vật khả giác, nhưng chúng chỉ có ý nghĩa vụ lợi, chỉ gây cho con người cái tâm vọng động, làm thỏa mãn nhu cầu vật chất của bản năng con người. Chúng không phải là đối tượng của mĩ cảm. Chúng chỉ trở thành ĐẸP khi nào chúng có thể làm cho ta yêu quí, say mê, và ta muốn truyền thông cho người khác cùng thưởng thức, lĩnh hội. Vậy một sự vật ĐẸP còn tùy theo tâm lí chủ quan của con người; hay nói cách khác, tâm lí chủ quan phải có mĩ cảm kinh nghiệm thì mới có nguồn cảm hứng cho sáng tạo văn nghệ.
Cho nên, tất cả những biểu hiện của đời sống đều là dục vọng, nhưng ở nghệ sĩ thì dục vọng đã được thăng hoa, vô tư hóa để trở thành nguồn cảm hứng văn nghệ. Tất cả thi ca đều bắt nguồn từ con người. Từ cái TA nhỏ bé đến VŨ TRỤ vô biên, tất cả đều có thể trở nên đề tài trữ tình của nghệ sĩ; – chỉ khác nhau ở chỗ: tùy theo mức độ vô tư hóa của dục vọng cao hay thấp mà phẩm chất văn nghệ trở nên thanh hay trọc. Do đó, chúng ta có thể tìm hiểu chính nội dung bộc lộ của tác phẩm để biết được tâm hồn của tác giả trong hay đục thế nào, đã giải thoát hay vẫn còn vướng bận trần ai...
Theo phương pháp đó, trong các chương trên, chúng tôi đã trình bày những biểu diễn tâm lí của Nguyễn Huy Hổ qua thi phẩm Mai Đình Mộng Kí, và bây giờ chúng tôi xin hệ thống lại ở nơi đây bằng một cái nhìn tổng quát:
Nơi con người Nguyễn Huy Hổ, chúng ta thấy có sự xung đột nội tại giữa hai khuynh hướng trái ngược: một đàng là tâm thức nhà nho muốn hướng ông đến lí tưởng phụng sự xã hội, trả nợ công danh; và đàng khác là tâm hồn nghệ sĩ muốn đưa ông lánh tục để tìm về với cái đẹp thiên nhiên của nghệ thuật.
Với tâm hồn nghệ sĩ, ông muốn xa lánh mọi sự ràng buộc, quên đi mọi thị phi của cuộc đời thế tục để được hưởng cái hạnh phúc giải thoát nơi ĐẠO mà Trang Tử đã vạch ra, như ở thiên “Đại Tông Sư”:
“Nam Bá Tử Quì hỏi Nhữ Võ:
– Tuổi ông đã lớn, nhưng vì sao sắc diện ông vẫn như trẻ thơ vậy?
Nhữ Võ đáp:
– Là vì ta đã đạt được Đạo.
Nam Bá Tử Quì hỏi:
– Đạo có thể học được không?
Nhữ Võ đáp:
– Ồ! Sao lại không được! Nhưng ông đâu phải hạng người ấy! Kìa như ông Bốc Lương Ỷ là người có cái tài của bậc thánh nhân, nhưng lại không có cái đạo của bậc thánh nhân. Tôi thì có cái đạo của bậc thánh nhân nhưng lại không có cái tài của bậc thánh nhân. Tôi muốn đem cái đạo ấy mà giáo hóa ông ta, may ra ông ấy có thể thành bậc thánh nhân chăng. Nếu thế, đã có sẵn cái tài của bậc thánh nhân mà lại đem cái đạo của bậc thánh nhân dạy cho ông ta, thì sự thành công tất sẽ dễ dàng vậy. Nhưng trong khi dạy, tôi phải giữ ông ấy ở luôn bên cạnh để dạy cho thật cặn kẽ. Qua ba ngày thì tâm ông ấy trở nên hư tĩnh, xem thiên hạ như hư không. Sau khi có thể xem được thiên hạ như hư không, tôi lại phải giữ ông ấy bên cạnh luôn bảy ngày thì ông ấy có thể quên hết ngoại vật. Sau khi đã quên hết ngoại vật, tôi lại phải giữ ông ấy bên cạnh luôn chín ngày thì ông ấy có thể quên được hình thể của chính mình. Khi đã quên được hình thể của chính mình thì tinh thần mới thông suốt như không khí yên tĩnh lúc bình minh. Tinh thần có được thông suốt như không khí yên tĩnh lúc bình minh thì mới có thể thấy rõ được cái ĐẠO thuần nhất, tuyệt đối. Đã giác ngộ được cái ĐẠO thuần nhất rồi thì tâm không còn phân biệt có xưa và có nay. Đã không còn phân biệt có xưa có nay thì mới tiến vào cõi không-sống-không-chết.” (1) (HC dịch)
Đấy là sự giải thoát trọn vẹn, là sự sống thuần túy kinh nghiệm mà nghệ sĩ muốn đạt đến thì phải trải qua một công phu tu luyện căn cứ vào thực nghiệm tâm linh chứ không phải bằng tri thức thuần lí. Giai đoạn bắt đầu của cuộc thực nghiệm này là nghệ sĩ phải sống nơi yên tĩnh, xa lánh bụi trần, từ bỏ mọi dục vọng ràng buộc để dễ dàng cho việc thanh tao hóa tâm hồn. Nguyễn Huy Hổ đã theo con đường này, tự giữ mình ở nơi thanh tĩnh, sống ngoài xã hội phồn hoa, thường ngao du sơn thủy để hướng tâm hồn vào nơi cao rộng của thiên nhiên, để hòa đồng cái ta tương đối, hạn hẹp, vào cái ta tuyệt đối, vô cùng.
Nhưng ông có thành công trong con đường giải thoát này không?
Như ở trên chúng ta đã thấy, bên cạnh tâm hồn nghệ sĩ, Nguyễn Huy Hổ còn mang nặng tâm thức nhà nho. Hai khuynh hướng ấy đã là hai thế lực xung đột nội tâm nơi con người ông thuở thiếu thời. Ông thuộc dòng dõi nho gia thì ông ôm ấp lí tưởng hành động – hay mộng công danh – là lẽ tất nhiên. Nhưng một đàng vì chán ngán trước tình hình tao loạn, cuộc thế đổi thay; một đàng vì muốn giữ cái tiết tháo “trung thần bất sự nhị quân”, nên ông đã lẩn tránh công danh mà vui sống cuộc đời ẩn dật; rồi nhân cuộc sống ẩn dật ấy mà muốn quên hẳn cuộc đời, bỏ thiên hạ ra ngoài tâm trí để tìm vào sống trong lẽ ĐẠO thuần nhất như con đường Trang Tử đã vạch ra ở trên.
Mặc dù vậy, cuộc xung đột giữa hai khuynh hướng vẫn tiềm tàng trong miền sâu thẳm của tiềm thức ông. Cuộc bơi thuyền trên dòng sông Lam trong đêm trăng sáng mùa xuân, giữa bốn bề thiên nhiên yên tĩnh được coi là một dịp nội tỉnh tâm linh, để ông có thể tự đo lường mức độ thanh tao của chính tâm hồn mình. Và kết quả của cuộc nội tỉnh ấy đã cho ông thấy gì?
Cuộc xung đột nội tại vẫn ẩn tàng nơi tiềm thức ông, bây giờ tự đối tượng hóa thành Giấc Mộng Đình Mai. Trong giấc mộng ông được thấy giai nhân. Giữa giai nhân và ông thì “tình trong như đã” qua lời thơ xướng họa, nhưng sự thực thì vẫn còn ngăn cách nghìn trùng!
Giai nhân trong mộng là tượng trưng cho cái đẹp tuyệt đối, cho lí tưởng giải thoát của nghệ sĩ, là hiện thân của “tính trời hồn nhiên”. Ông không được gặp giai nhân tức là ông chưa đủ tư cách hay chưa được phép sống với cái đẹp tuyệt đối hay lí tưởng giải thoát đó. Mà như thế là bởi vì tâm hồn ông chưa được hoàn toàn thanh tao mà vẫn còn vương vấn dục vọng trần gian. Và dục vọng trần gian ở đây là gì? Đó là công danh và sự nghiệp nam nhi – tức là con người xã hội của Nguyễn Huy Hổ. Tâm thức nhà nho đã thể hiện qua vai trò vị phu nhân trong mộng mà ông đã cho là “cứng như bách tùng, lạc như sương tuyết”; cho nên mỗi lời nói ra của phu nhân là có giá trị của một lệnh truyền.
Sự xung đột nội tại đến đó là ngả ngũ – và tâm thức nhà nho đã thắng; có nghĩa là ông phải vào đời trả nợ tang bồng, phải thực hiện mộng công danh, phải thành công trong lí tưởng phụng sự xã hội.
Nhưng nếu nhìn sâu hơn nữa vào hoài bão của Nguyễn Huy Hổ, chúng ta sẽ thấy thêm rằng, sự thắng thế của khuynh hướng nhập thế không có nghĩa, đó là một sự thắng thế tuyệt đối của một cá tính cực đoan; vì ông cũng đã quan niệm rằng, nhập thế chỉ là một giai đoạn tất yếu và tất nhiên của một cuộc sống chính đáng, có ý nghĩa. Ông quan niệm sự nhập thế không phải vì tham cầu danh lợi để đắm mình trong bả vinh hoa phú quí; mà hành động nhập thế ấy chỉ có nghĩa là một cuộc tôi luyện bản thân bằng việc tự đày đọa mình trong chốn phong trần – vì càng bị phong trần thì càng dễ trở nên bậc “lão tài” (Nhân bất phong sương vị lão tài).(2) Lấy việc từng trải phong sương để tôi luyện bản thân và coi việc phụng sự xã hội là món nợ mình phải trả, nhà nho đã đem lại cho mình một giá trị cao quí. Rồi khi công danh đã thành tựu, món nợ nam nhi đã trả xong, nhà nho mới có quyền rời xa xã hội phồn hoa để trở về sống với nghệ thuật. Tâm hồn của hành giả lúc đó đã nhẹ nhàng thanh thoát, và nghệ thuật mới thực là thế giới huyền diệu của nghệ sĩ:
Nhà nước yên mà sĩ được ung dung
Bấy gờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
Nguyễn Công Trứ
Tóm lại, chúng ta thấy ở con người Nguyễn Huy Hổ, trước tiên có một sự xung đột nội tâm giữa hai khuynh hướng xuất thế và nhập thế, bắt nguồn từ Đạo giáo và Nho giáo. Sự xung đột ấy có vẻ gay go đến nỗi ông không thể giải quyết bằng tri thức, mà phải nhờ đến tiềm thức. Tiềm thức ông đã đưa ra trong giấc mộng một bức thông điệp, một lệnh truyền bao hàm cả một chương trình hành động cho tương lai. Chương trình hành động đó được soi sáng bằng con đường “trung đạo” – tức là tâm Thiền – của đạo Phật, đã dung hòa được cả hai khuynh hướng nhập thế và xuất thế ở trên. Sự giải quyết thật ổn thỏa, tạo nên một đời sống quân bình, vô tư; và khi thực hiện được chương trình đó, Nguyễn Huy Hổ sẽ nâng mình lên thành một con người toàn diện, đúng với mẫu mực của một kẻ sĩ chân chính, dung hợp được giữa cái SỐNG CHUNG với cái SỐNG RIÊNG, giữa HỮU VI và VÔ VI, giữa CON NGƯỜI TƯƠNG ĐỐI với VŨ TRỤ TUYỆT ĐỐI.
Mai Đình Mộng Kí đã biểu lộ cái quan niệm của Nguyễn Huy Hổ muốn mượn HỒN THƠ để hòa giải giữa hiện thực và siêu nhiên, giữa tự do và bổn phận.
Khởi hứng từtừ lẽ xuất xử, cảm hứng trước cảnh đẹp rượu say, và biểu diễn thành GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI, đó là cả cái tiến trình sáng tạo văn nghệ của Nguyễn Huy Hổ trong thi phẩm Mai Đình Mộng Kí.
CHÚ THÍCH
1) Trích dịch từ sách Tang Tử, thiên “Đại Tông Sư”, Diệp Tuệ Hiểu hiệu đính và dịch ra văn bạch thoại (Hương-cảng: Thật Dụng thư cục, 1961) trang 90-91.
2) Xin xem lại bài thơ chữ Hán của cụ Trần Bích San ở chương 4.