Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chương 11 GIÁC và MÊ
Tác giả: Hạnh Cơ


Vậy là giấc mộng đã chấm dứt khi mối duyên tình giữa nghệ sĩ và giai nhân chưa thành tựu. Nhưng dù sao thì mối nhân duyên ấy vẫn không bị cắt đứt, vì mẹ nàng đã hứa hẹn sẽ tác hợp cho hai người khi nào chàng đã thực hiện xong phận sự làm trai. Không biết làm sao hơn, ông đành từ tạ ra về, và đến đó thì vừa tỉnh mộng:

Đương khi từ tạ khúc nôi,
Giang thôn đâu động tiếng còi mục nhi.
Trong thuyền sực tỉnh đòi khi,
Tấc riêng dồn dã khôn suy tin ngờ,
Nào đình, nào khách, nào thơ,
Bấy giờ hồ điệp, bây giờ Trang sinh.
(MĐMK, câu 279 - 284)

Cái khoảnh khắc ở lúc vừa tỉnh mộng là lúc người ta đang ở trong trạng thái tâm lí nửa tỉnh nửa  mê giữa thực và mộng. Lúc đó, những hình ảnh mộng chưa tan hẳn, nhưng đồng thời những hình ảnh thực cũng bắt đầu hiện ra trước mắt. Nguyễn Huy Hổ lúc đó, với thính giác trong mộng, ông vừa nghe những lời nói cuối cùng của vị phu nhân khuê các, mà đồng thời, với thính giác thức tỉnh, ông cũng vừa nghe được tiếng còi mục đồng nổi lên trong buổi sớm mai. Cho nên lúc vừa mở mắt ra, ông vẫn đang ở trạng thái nửa tin nửa ngờ, nửa hư  nửa thực; có lẽ ông còn đang đảo mắt nhìn quanh để xem lại nào đình, nào giai nhân, nào bài thơ xướng họa đang còn đâu đây...
Nhưng rồi cái khoảnh khắc ấy cũng qua đi, ông đã hoàn toàn tỉnh hẳn, lúc đó mới biết rõ là mình vừa đã trải qua một giấc mộng, và hẳn là có sự phân biệt giữa thực và mộng, và hẳn là có sự phân biệt giữa MỘNG và THỰC:

Bấy giờ hồ điệp, bây giờ Trang sinh.
(MĐMK, câu 284)

Trong lúc mộng thì hình ảnh cứ tuần tự diễn ra, Nguyễn Huy Hổ vừa là diễn giả vừa là khán giả,  hoàn toàn say mê trong cảnh với trạng thái vô tư lự. Bây giờ tỉnh mộng ông mới trở lại sống với ý thức bình thường, với bao nỗi suy tư lo lắng, tính cách vô tư lúc mộng đã không còn nữa.
Ông đã suy tư ngay về chính thân phận mình mà ông cho là đã không may mắn nên mới sinh nhằm thời buổi loạn lạc, trong hoàn cảnh oái oăm:

Cũng trong hai chữ chung tình,
Sao người thường bấy, mà mình quái thay!
Tài tình xem lại xưa nay,
Kiếp người may với chẳng may cũng nhiều.
(MĐMK, câu 285 - 288)

Chữ “chung tình” tác giả dùng ở đây được hiểu như là mối ân tình sâu đậm giữa dòng họ ông đối với nhà Lê. Mối ân tình giữa gia đình ông với nhà Lê thì cũng giống như những gia đình cựu thần khác đối với nhà Lê, có gì khác nhau đâu? Nhưng ở đây ông đã đặt thành vấn đề để suy nghĩ, vì có  sự oái oăm nào đó cho trường hợp của ông. Có lẽ ông đã nghĩ đến những vị cựu thần nhà Lê khác không gặp hoàn cảnh ngang trái như ông: hoặc họ đã thuộc hẳn về quá khứ, trọn vẹn được phục vụ dưới triều Lê, bây giờ đã là lúc nghỉ ngơi, dưỡng già, không có gì dính dáng tới triều Nguyễn; hoặc có người quá cố chấp, cứ khư khư ôm niềm hoài Lê mà dứt khoát không nghĩ đến việc lập công danh dưới tân triều; hoặc có người thì hăng hái ra hợp tác với tân triều, không cần suy nghĩ gì cả. Cả ba hạng người trên đều có hoàn cảnh nhất định, thái độ dứt khoát, cho nên không cảm thấy thắc mắc, khó nghĩ trong hành động của họ. Riêng Nguyễn Huy Hổ thì không thản nhiên như họ được.
Chúng ta thấy tình trạng tâm lí của ông đang bị bất ổn bởi nhiều lí do ngang trái:
Trước hết, vì mang tâm trạng chán chường trước sự thế đổi thay, cho nên ông chỉ muốn sống đời ẩn dật. Ông đã không dự các khoa thi để khỏi  phải thi thố tài năng với đời. Nhưng đồng thời, với lí tưởng hành động của truyền thống nho gia, ông lại không có quyền hưởng nhàn khi nợ nam nhi chưa trả xong. Vậy chúng ta thấy rõ là có hai khuynh hướng xuất thế và nhập thế đang dằn co trong tâm hồn ông lúc bấy giờ.
Thứ nữa,  ông đã sinh  ra và trưởng  thành trong khoảng Lê-mạt - Nguyễn-sơ. Dù cho hình ảnh những ông vua Lê thời mạt vận không tốt đẹp gì để cho tầng lớp sĩ phu luyến tiếc, nhưng Nguyễn Huy Hổ cũng không thể quên được ân đức nhà Lê, vì chính ông cũng đã rất hãnh diện về dòng dõi của  mình đã từng được vinh hiển, rạng rỡ dưới triều Lê. Vậy, với luân lí nhà nho bảo rằng “trung thần bất sự nhị quân”, thì Nguyễn Huy Hổ có thể cộng tác với tân triều không? Nếu cộng tác thì sợ mang tiếng là “bất trung” với chúa cũ; mà không cộng tác thì không chu toàn được lí tưởng hành động của nhà nho. Bề nào cũng thật khó xử! Đó là thế “tấn thối lưỡng nan” đang dằn vặt trong tâm hồn Nguyễn Huy Hổ:

Cuộc đời mây nổi nước triều,
Tình bao nhiêu, nợ bấy nhiêu, hay gì.
(MĐMK, câu 289 - 290)

“Tình” đây là tình nhà Lê, và “nợ” đây là nợ nam nhi tang bồng hồ thỉ. Cả hai bên – tình và nợ  – đều nặng nề mà chắc chắn là ông phải gánh vác cả trên vai.
Sự giằng co giữa “tình” và “nợ” đó, có lẽ đã làm cho ông mỏi mệt, và ông muốn quên nó đi chăng? Có thể là ông muốn gạt bỏ cái tâm trạng đó đi để tìm sự yên tĩnh  cho trí óc, nhưng ác hại thay, nó đã không thể nào bị gạt ra khỏi con người ông được, mà đã lắng đọng vào tiềm thức để rồi lại hiện ra rõ ràng trong giấc mộng Mai Đình.
Nội dung giấc mộng đã truyền đạt cho ông một thông điệp thật minh bạch: “Ông có quyền sống ẩn dật với cái đẹp lí tưởng của nghệ sĩ, nhưng ngay  bây giờ thì chưa thể được, vì chưa  trả xong nợ đời. Ông phải nhập thế hành động để thực hiện trọn vẹn  phận sự làm trai. Khi nào công thành danh toại mới được quyền an nhàn vô sự.”
Vậy là, điều ông muốn quên đi đã không thể quên được. Bằng giấc mộng Mai Đình, tiềm thức của chính ông đã báo cho ông biết trước, trong tương lai sắp đến ông phải làm gì, – cũng như Đạm Tiên đã báo cho Thúy Kiều biết trước cuộc đời bạc mệnh mà nàng sẽ phải chịu đọa đày suốt 15 năm sau đêm nằm mộng.
Vì thế, giấc chiêm bao đã làm cho Nguyễn Huy Hổ bàng hoàng:

Lấy điều mộng ảo mà suy,
Một thì là giác, hai thì là mê;
Mê chăng một phút đi về,
Giác thì duyên ấy còn ghê sau này.
(MĐMK, câu 291 - 294)

Có lẽ trong thâm tâm Nguyễn Huy Hổ vẫn còn e dè với việc lập công danh, cho nên trong giờ  phút này ông vẫn còn cố lẩn tránh bức thông điệp  của tiềm thức mà ông vừa nhận được qua giấc mơ. Ông không muốn tin hẳn đó là giấc mộng “giác”, mà chẳng qua chỉ là một giấc mộng “mê”. Nếu là  “giác” thì mộng là “mộng triệu”, và nếu là “mê” thì mộng ấy chỉ là  “mộng mị”. Mộng mị chỉ là một thứ tạp mộng mà bình thường ai cũng có. Nó vô nghĩa, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống; chẳng qua nằm ngủ thì có mộng, thức dậy thì hết mộng, chỉ có thế thôi:

Mê chăng một phút đi về.
(MĐMK, câu 293)

Nhưng nếu mộng ấy là mộng triệu thì ý nghĩa thật quan trọng. Mộng triệu là mộng tiên tri, mộng  của người giác. Người giác là người có trí tuệ quán thông, thấu suốt mọi việc ở quá khứ, hiện tại, vị lai; trái lại là người mê, chỉ thấy biết sự việc một cách hạn hẹp và sai sự thật.
Vậy nếu quả thật giấc mộng Mai Đình là giấc mộng “giác” thì chắc chắn là tiềm thức ông đã báo  cho ông biết trước việc mai sau ông phải lập công  danh, phải nhập thế hành động. Nội dung giấc mộng đúng thật là một bức thông điệp. Và trong phút chốc ông cảm thấy giật mình vì nghĩ đến con đường trước mặt thật khó khăn, nặng nề:

Giác thì duyên ấy còn ghê sau này.
(MĐMK, câu 294)

Thôi thì cứ tạm nhận bức thông điệp của giấc mơ là như vậy, để rồi còn xem thời cơ sẽ như thế  nào mà dần dần giải quyết những mâu thuẫn nội tại cho êm đẹp:

Thấy đây còn biết từ đây,
Bao giờ sao nữa lại hay bấy giờ.
(MĐMK, câu 295-296)

Giấc mộng Mai Đình diễn ra năm Nguyễn Huy Hổ 26 tuổi (1809), và mãi đến khoảng 40 tuỗi (tức khoảng 15 năm sau) ông mới nhận một chức quan  nhỏ do vua Minh Mạng ban cho. Thực ra chúng ta không được biết rõ là ông có thi cử và đỗ đạt gì không, chỉ biết rằng, vua Minh Mạng triệu dụng ông vì mến tài chuộng đức của ông. Vả lại, nếu đọc bộ Minh Mạng Chính Yếu (mục “Cầu Hiền”) thì chúng ta biết được chủ trương của vị vua này  là cố thu dụng hết các vị hiền tài ra giúp nước, không phân biệt họ là người Nam hay người Bắc, phải hay không phải cựu thần nhà Lê. Có lẽ vì sách lược đó hợp với lòng người nên Nguyễn Huy Hổ đã không thể nào từ chối hợp tác với triều Nguyễn được.
Vậy là ông đã ôm ấp giấc mộng Mai Đình  trong 15 năm trời. Trong thời gian đó chắc ông đã nghiền ngẫm hai chữ GIÁC - MÊ. Bây giờ công danh đã lọt vào tay, tự thân đã chính thức nhập thế hành động, ông mới quả quyết rằng, giấc mộng  ngày xưa chính là một giấc mộng GIÁC, vì bức thông điệp của giấc mộng nay đã thành sự thật. Rồi nhân vì cảm khái trước sự việc đó mà ông đã viết nên bài tựa cho tập Mai Đình Mộng Kí với câu mở đầu:

“Dư văn chi, hữu đại giác giả phương hữu đại mộng. Vi tai ngôn hồ! Vi tai ngôn hồ!”
(Tôi nghe nói rằng, người có giác lớn mới có mộng lớn. Lời nói ấy thật là mầu nhiệm! – HC dịch)
(MĐMK, bài “Tựa”)

Kiếp sống con người chỉ như một giấc mộng dài. Trong giấc mộng ấy, nếu con người không biết tu dưỡng để trở về chân tính, không biết thanh tao hóa tâm hồn để phải bị đọa đày trong dục vọng khổ đau thì đó là người MÊ, bằng ngược lại thì là  người GIÁC. Cho nên, cũng đồng thời sống trong  cõi mộng này, nhưng nếu người nào thông đạt được mọi việc, từ việc lớn như lẽ chung thỉ của vũ trụ, đến việc nhỏ như sự sống chết của chúng sinh, hay xa xôi như sự đổi thay, thịnh suy, thành bại từ xưa nay của cuộc đời, thì người đó đúng là bậc  giác ngộ. Cho nên bậc giác ngộ không phải đến từ ngoài cuộc sống nhân sinh, mà chính là những kẻ sống ngay trong cuộc đời mộng ảo hay cũng gọi là trần giới này:

“Phù, đại nhi thiên địa chi chung thỉ, tiểu nhi nhân vật chi sinh tử, viễn nhi cổ kim chi thế  biến, mộng chi giác dã. Phù như thị, tắc sở vị mộng ảo giả, trần giới giả, nghịch lữ giả, hành khách giả, tư nhân dã, khả dữ ngôn mộng dã dĩ hĩ.”
(Ôi! Lớn như việc chung thỉ của trời đất, nhỏ như việc sinh tử của mọi loài, xa như sự thay đổi xưa nay của cuộc đời, đều là giác trong mộng vậy. Thế thì chỉ có những gì gọi là mộng ảo, là trần giới, là nghịch lữ, là hành khách (1), mới có thể cùng nói chuyện mộng được mà thôi. – HC dịch)
(MĐMK, bài “Tựa”)

Trang Tử gọi người có trí hiểu biết quán thông như vậy là bậc chân nhân. Và “chân nhân” là gì? Trang Tử nói:

“Bậc chân nhân đời xưa không tham sống, không sợ  chết. Cho nên lúc ra khỏi trần thế thì không hân hoan, mà lúc vào trần thế thì không chống đối; thản nhiên mà đến, rồi thản nhiên mà đi. Họ không quên cái lúc bắt đầu, nhưng cũng không mong cầu cái lúc sau cùng. Họ vui vẻ chấp nhận sự sinh ra đời, nhưng lại cũng biết quên cái chết để trở về với trời đất. Cho nên bậc chân nhân không dùng cái tâm hẹp hòi của mình để làm trái lẽ Đạo, và không dùng cái ta giả tạo nơi mình mà làm trở ngại thiên tính. Nhờ vậy mà bậc chân nhân lúc nào tâm cũng vô tư, dáng vẻ trầm lặng, gương mặt bình thản; lòng lạnh như mùa thu mà cũng ấm  như mùa xuân. Mừng giận đều vô tâm như sự chuyển vận của bốn mùa; cho nên cùng hòa điệu với muôn vật, không biết đâu là cùng.”(2) (HC dịch)

Nhà Phật gọi hạng người này là bậc giác ngộ. Bậc giác ngộ không phải từ bên ngoài vũ trụ mà vào cuộc đời. Họ có mặt từ cuộc đời, ở ngay trong cuộc đời, và nhờ có công năng tu tập chuyên cần, bền bỉ, họ đã chuyển hóa tâm mê thành tâm ngộ, gạn lọc tâm vọng động để sống thường trực với tâm tĩnh lặng. Những bậc đã đạt được tâm tĩnh lặng – tức là tâm Thiền – thì mặc dù vẫn sống, vẫn sinh hoạt trong cõi trần nhưng tâm hồn thì không nhiễm bụi trần, không bị chi phối bởi dục vọng. Họ vẫn ăn uống, vẫn ngủ nghỉ, vẫn đi lại, vẫn làm việc đời, nhưng lúc nào tâm cũng định tĩnh, không xa rời tâm thiền.
Bởi vậy, các bậc gọi là chân nhân (theo Đạo giáo), hay gọi là giác giả (theo Phật giáo), tuy sống  trong cõi đời mộng ảo mà tâm thì quán thông quá khứ, hiện tại, vị lai; cho nên nói về tri giác thì họ  là bậc đại giác, mà nói về trực giác thì họ là  kẻ đại mộng.
Đó là nói một cách tuyệt đối, nhưng họ cũng  như mọi người, đều đang sống trong vũ trụ tương đối. Cái tuyệt đối là phần tâm linh tối cao của riêng họ, nhưng khi đã cùng sống chung, cùng sinh hoạt chung trong xã hội tương đối thì họ cũng biết hòa mình trong cái tương đối, – vì họ không thể tách rời cái tương đối để có được cái tuyệt đối. Trong ý nghĩa đó, Nguyễn Huy Hổ đã thu hẹp từ cái
“đại giác, đại mộng” để nói đến cái “tiểu giác, tiểu mộng” của mình:

“Mai Đình Kí kí mộng dã. Mộng chi tiểu giả dã. Tiểu tiểu mộng tất hữu tiểu tiểu giác. Dư  thường vị chúng nhân mộng dã, chí nhân giác dã. Y! Dung cự tri ngô chi sở vị mộng  giả, vi phi mộng da? Dung cự tri ngô chi sở vị phi mộng giả, vi mộng da? Thử Mai Đình chi kí sở dĩ tác dã.”
(MĐMK, bài “Tựa”)

(Bài Mai Đình Kí này là để chép mộng – một giấc mộng nho nhỏ. Ta thường cho rằng, kẻ tầm thường thì mộng mà bậc thánh nhân thì giác. Nhưng có biết  đâu rằng, kẻ ta cho là mộng lại không mộng, mà kẻ ta cho là không mộng lại mộng  ư! Vì vậy mà bài kí “Mai Đình” này đã được viết ra. – HC dịch)

Vậy thì sống giữa cõi trần, với con mắt phàm  phu, với tri giác hạn hẹp và sai lạc, người ta nhìn sự việc, làm sao biết được đâu là thực, đâu là mộng? Có nhiều trường hợp ta cho là thực lại hóa ra là mộng; trong khi đó, nhiều trường hợp là mộng mà ta lại cho là thực. Như trường hợp giấc mộng của Nguyễn Huy Hổ chẳng hạn, đó thực là mộng hay không phải mộng? Nếu không phải mộng thì tại sao cảnh tượng ấy chỉ đến một cách tình cờ trong giấc ngủ? Nếu thực là mộng thì tại sao nó đã trở thành một bức thông điệp báo trước cuộc đời  tương lai của ông? Giác hay mộng, đối với ông vẫn ở trong vòng tương đối, chính ông cũng còn mơ hồ,  không xác định được. Bởi vì ông chưa phải là bậc chân nhân để có được chân tri, cũng không đạt được tâm thiền như các vị thiền sư để có được tuệ giác, cho nên ở đây ông chỉ đặt sự liên hệ hỗ tương giữa GIÁC và MỘNG: nếu biết được mộng của ông lớn hay nhỏ thì có thể biết được giác của ông lớn  hay nhỏ; và ông kết luận: Giác hay mộng chỉ có bậc “đại giác” mới xác định được:

“Hu ta hồ! Phương kì Phù-thạch quan đăng thời, sơ bất tri kì hữu thủy nguyệt chi du chi thời, hựu yên tri kì hữu Mai Đình chi mộng! Kì mộng dã da? Kì phi mộng dã da? Duy đại giác giả kì chính chư!”
(MĐMK, bài “Tựa”)
(Ôi! Lúc đi xem đèn ở bến Phù-thạch thì đâu có biết trước là sẽ có cuộc đi chơi ở nơi trên nước dưới trăng; lại càng không ngờ là sẽ có giấc mộng Mai Đình! Đó là mộng ư?  Đó không phải là mộng ư? Chỉ có bậc đại giác mới biết được. – HC dịch)

Chúng ta biết rằng, giấc mộng Mai Đình xảy ra từ năn 1809, lúc đó ông 26 tuổi; và ông viết bài “Tựa” này sau khi đã ra làm quan – nghĩa là sau 40 tuổi. Vậy ông đã ôm ấp giấc mộng hàng hơn 15 năm; và trong tâm thức, ông đã có sự nhất trí trong suốt hơn 15 năm đó. Cả hình ảnh lẫn ý nghĩa giấc  mộng đối với ông thật vô cùng quan trọng, gần như là một tiêu đề suy gẫm cho cuộc đời ông.
Những hình ảnh trong giấc mộng khi xưa vẫn sống động trong tâm hồn ông, khiến nên bây giờ, sau hơn 15 năm, chúng vẫn còn khả năng làm ông rung cảm mãnh liệt để diễn tả thật linh động khi ông viết bài “Tựa”:

“Kỉ Tị xuân, nhân nhật hậu, dư hữu Nam-đường chi du, khánh ngô huynh Chung-sơn học xá thành dã. Đồ trở dĩ vũ, lữ vu Phù-thạch phố chi nghị quyến. Quyến vị chi mệnh chu yên.
Nhật tương tịch, tố lưu Tây thượng. Thanh phong từ lai, thái không vô vân, minh nguyệt tại thiên. Mệnh đồng tử cử tửu tương chúc. Xuân sơn chi yểm ái, xuân thủy chi lục li, xuân quang xuân sắc chi nghi xuân.
Duy tri phù xuân du chi lạc vi khả túy, tằng bất giác phù túy nhi hữu phiên phiên nhiên chi thụy, thụy nhi hữu phiên phiên nhiên, cừ cừ nhiên chi mộng giả da! Kì lai dã nhược vô, kì khứ dã nhược hư. Đãi dữ phong lai sơ trúc, nhạn độ hàn đàm, đồng thị nhất ban, vô hạn lí thú! Mai-đình chi nương tử, thần tứ phiêu nhiên. Thư các chi phu nhân, từ khí  lẫm nhiên. Nhược nãi diễm như đào lí, kiên như tùng bách, nồng như thuần dao, đạm  như sương tuyết, thiên thái vạn trạng, phi bút trác sở năng tận họa. Dư diệc bất giác kì thần quái chi như tư!”
(Mùa xuân năm Kỉ-Tị, sau ngày khai hạ,(3) tôi đi chơi Nam-đường để mừng anh tôi vừa dựng xong ngôi học xá ở núi Chung-sơn.(4) Giữa đường gặp trời mưa, tôi phải trú lại nhà người bà con ở phố Phù-thạch.(5) Rồi người bà con ấy lại thuê thuyền cho tôi đi.
Trời gần tối. Tôi ngược dòng sông đi lên hướng Tây. Gió mát thổi nhẹ, nền trời xanh không gợn chút mây, trăng sáng vằng vặc. Tôi bảo trẻ rót rượu cùng uống. Núi xuân mờ mờ, nước xuân lóng lánh, cả trăng cùng cảnh xuân đều thích hợp với lòng người.
Ôi, chỉ biết rằng cái thú vui đi chơi xuân có thể làm cho tôi say, nào có biết say mà lại ngủ phơi phới, và ngủ phơi  phới mà lại có mộng chập chờn  đâu! Đi cũng như không mà lại cũng như không, gần như cùng điệu với gió luồn qua khóm trúc thưa, hay nhạn bay qua đầm lạnh, thật lí thú vô ngần! Người con gái ở đình Mai thì thần tứ nhẹ nhàng, vị phu nhân trong thư các thì phong thái trang nghiêm. Họ diễm lệ như đào lí, rắn rỏi như bách tùng, nồng đượm như rượu ngon, thanh đạm như sương tuyết;  thiên hình vạn trạng, không thể dùng bút mà diễn tả cho tận tường được. Chính tôi cũng chẳng biết lúc bấy giờ thần trí của mình ra sao! – HC dịch)

Cuộc đi chơi xuân cùng với hình ảnh giấc  mộng năm xưa, hiện tại vẫn làm cho ông say sưa. Từ cơn gió thoảng, ánh trăng trong, cái lung linh  của sóng nước, đến hình ảnh diễm kiều của giai nhân, phong thái nghiêm túc của phu nhân, vẫn còn gây xúc cảm nơi ông như chính ông đang sống thực trong khung cảnh đó. Ý nghĩa giấc mộng cũng đã thành đầu đề suy tư, và ông đã nghiền ngẫm qua bao năm trường để mong vỡ lẽ hai chữ GIÁC - MÊ, làm chỉ tiêu cho cuộc đời hành động.
Thế thì Giấc Mộng Đình Mai chắc chắn không phải chỉ là một cơn “mộng mị” đáng bỏ qua như  bao nhiêu giấc mộng bình thường khác trong cuộc sống; mà trái lại, đó là một giấc mộng “tiên tri”, một giấc mộng “giác” mà nội dung là cả một bức thông điệp để ông phải suy gẫm trong suốt cuộc đời, hầu tìm một ý nghĩa đích thực liên quan đến  chương trình hành động – nhập thế và xuất thế – của một nhà nho chân chính theo quan niệm của giới sĩ phu trí thức đương thời. Và trình độ “giác” ở đây cũng hạn hẹp vào vòng công danh xã hội chứ không phải đã đến chỗ VÔ VI hay GIẢI THOÁT.


CHÚ THÍCH

1) Trần giới: hạt bụi và hạt cải (ý nói là rất nhỏ). - Nghịch lữ: nhà trọ, khách trọ (ý nói, chỉ ở một thời gian ngắn rồi  đi). - Hành khách: người đi đường, đi xe, đi tàu (ý nói, luôn luôn di chuyển, không ở yên một chỗ).
2) Trích dịch từ sách Trang Tử, thiên “Đại Tông Sư”,  Diệp Tuệ Hiểu hiệu đính và dịch ra văn bạch thoại (Hương-cảng: Thật Dụng thư cục, 1961), trang 87.
3) Khai-hạ: ngày Mồng 7 tháng Giêng âm lịch. (Xin xem lại chú thích số 14, chương 4.)
4) Chung-sơn: tên núi, ở làng Chung-cự, huyện Nam-đàn (tức xưa là Nam-đường), tỉnh Nghệ-an.
5) Phù-thạch: phố Phù-thạch ở bờ Nam sông Lam, bến sông ở đó có đá nổi, nên có tên là Phù-thạch.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717567