Từ các chương trước chúng ta đã theo dõi diễn tiến tâm lí của Nguyễn Huy Hổ như là một nghệ sĩ thuần túy, nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng tác giả còn là một nhà nho thực tế. Vậy việc tìm hiểu con người Nguyễn Huy Hổ qua tâm thức một nho sĩ là điều không thể bỏ sót được.
Như chúng ta đã biết, lí tưởng của nhà nho là hành động giúp đời – theo đúng nghĩa của bốn chữ “kinh bang tế thế” (trị nước giúp đời), mà chúng ta có thể lấy quan niệm của cụ Nguyễn Công Trứ làm
điển hình:
Vũ trụ chức phận nội
Đấng trượng phu một túi kinh luân
Thượng vị đức, hạ vị dân
Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác
Có trung hiếu mới đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây
Phải hăm hở ra tài kinh tế
......
(Phận Sự Làm Trai)
Chữ “công danh” ở đây không phải là thứ danh vị hão huyền, “hữu danh vô thực” của hạng người vô đức bất tài ăn hại xã hội, hay của hạng người tham lam danh lợi, nhờ may mắn hoặc luồn cúi mà chiếm được quyền cao chức trọng, rồi tham ô nhũng lạm, hối mại quyền thế, làm băng hoại xã hội. Chữ “công danh” theo quan niệm của nhà nho chân chính là “công nghiệp và danh dự” của một người quân tử. Nho sĩ phải là người có sự nghiệp hiển hách, có công trạng hơn người, lại phải có tư cách thanh cao, có liêm sỉ đạo đức. Một nhà nho thức thời tức là người biết tùy lúc đem sự nghiệp và đạo đức ra phụng sự xã hội với nguyện vọng làm cho thiên hạ được an bình mà không mong cầu tư lợi cho cá nhân. Vì vậy, công danh đã là một trong ba yếu tố quan trọng trong đời sống nhà nho mà Nguyễn Huy Hổ đã nêu lên từ đầu tác phẩm:
Duyên tế ngộ, hội công danh,
Là hai, với nghĩa chung tình là ba.
(MĐMK, câu 5 - 6)
Nguyễn Huy Hổ do từ mĩ cảm thuần túy của nghệ sĩ trước cảnh đẹp rượu say mà viết nên tác phẩm Mai Đình Mộng Kí. Vậy mà ông đã đề cập đến hai chữ “công danh” ngay từ phần nhập đề của tác phẩm, chứng tỏ rằng cái tâm thức nhà nho của ông vẫn bồng bột trong lòng, và nó đã trở thành một trong các nguồn hứng khởi giúp ông sáng tác. Điều đó không có gì lạ. Ông vốn thuộc dòng dõi nho gia, hai bên nội ngoại từ bao đời đều là những nho thần có sự nghiệp hiển hách, có danh dự sáng lòa, làm cho quê hương ông trở nên nổi tiếng một vùng Nghệ-Tĩnh:
Phúc-giang, Phượng-lĩnh là nơi quê nhà.
(MĐMK, câu 226)
Phúc-giang là sông phúc đức; Phượng-lĩnh là núi linh thiêng, đẹp đẽ như chim phượng-hoàng. Sông núi ở đây là sông núi miền Nghệ-Tĩnh, tức Lam-giang và Hồng-lĩnh, là quê hương địa linh nhân kiệt Việt-nam, rạng danh nhờ nhân tài của hai họ Nguyễn ở hai làng Trường-lưu và Tiên-điền. Và quê hương đó, gia tộc kia đã là niềm kiêu hãnh trong tâm hồn người thanh niên Nguyễn Huy Hổ:
Rằng gia quân với nghiêm đường,
Chữ luân xưa cũng mối giường một hai.
Đền Thương cùng nếm vạc mai,
Cũng trong Y phó, cũng ngoài Tôn Ngô.
Nấy sương vẹn bước vân cù,
Dẫn nhàn riêng chiếm thú hồ sơn đây.
Cơ trời dâu bể vần xoay,
Trần-kiều biết mặt Chu này là ai.
Lửa binh rắp thủa chông gai,
Áo xiêm đổi thói cân đai đau lòng.
Nặng nguyền hưu thích dữ đồng,
Theo chầu liệt thánh năm dòng mười dư.
(MĐMK, câu 231 - 242)
Ông sống sung sướng trong niềm kiêu hãnh về quê hương và gia tộc đó. Danh dự của quê hương, gia tộc cũng là danh dự của chính ông. Ông là người có tài đức nhưng không thi thố với đời, nói trắng ra là đã không chịu đi thi để đạt mộng công hầu khanh tướng, chỉ vì ông quá ngán ngẩm cái hoàn cảnh nhiễu nhương, tao loạn đương thời. Có lẽ ông cũng tự biết rằng, với tình thế ấy, dù là kẻ có lòng, nhưng một mình ông làm sao kéo lại được một tình trạng suy sụp như vậy! Cho nên ông đành ôm mộng mà ẩn thân nơi miền hương đãng. Vả chăng đó cũng là sự thức thời của một nhà nho thông đạt.
Bên cạnh tâm thức nhà nho ông còn mang nặng tâm hồn nghệ sĩ; và với phong độ của một nhà nho nghệ sĩ, ông đã sống hạnh phúc trong tinh thần “tri thiên lạc mệnh” suốt mấy mươi năm. Ông lợi dụng thời gian này để tu dưỡng tính tình, đợi một dịp “đắc thời” nào đó, ông sẽ có thể nhập thế phục vụ xã hội, như chương trình sau đây của nhà nho Nguyễn Công Trứ:
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị canh Sằn
Xe bồ luân dù chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
(Kẻ Sĩ)
Cái ý nghĩa “rồng mây gặp hội” đó, đối với Nguyễn Công Trứ – và với cả các nhà nho chân chính khác nữa – là, muốn thi thố tài năng để phục vụ xã hội thì việc quan yếu là phải đỗ đạt. Chính quyền xưa nay đều lấy việc thi cử để tuyển dụng nhân tài. Người ta luôn luôn căn cứ vào kết quả của các cuộc thi cử để đo cái tài “kinh luân” của kẻ sĩ, từ đó họ sẽ được trao cho những nhiệm vụ đúng với khả năng. Cho nên mọi thành công của họ trong xã hội đều bắt đầu bằng việc thi đỗ. Nguyễn Huy Hổ, mặc dù ẩn thân trong nếp sống nghệ sĩ, nhưng với tâm thức nhà nho, ông vẫn hằng quan tâm đến ý nghĩa “rồng mây gặp hội” đó:
Nền thi lễ cẵng dùi mài,
Tiếng khôi đừng thẹn với mai mới hào.
Duyên lành hẳn đợi giá cao,
Đất bằng sấm đã thơ đào lại ca.
(MĐMK, câu 269 - 272)
Phải thi đỗ thì mới có cơ hội phục vụ cho lí tưởng nhà nho, và cũng phải thi đỗ thì việc phục vụ ấy mới mang lại hiệu năng tốt đẹp.
Vậy thì, với tâm thức nhà nho, Nguyễn Huy Hổ cũng quan niệm con người sinh ra là phải hành động. Lí tưởng hành động của nhà nho là thực hiện cái địa vị chân chính của mình trong vũ trụ. Người ta sinh ra không phải là một cá thể độc lập, mà là sinh ra giữa bao mối dây liên hệ trong tập thể nhân loại. Vì có những mối dây liên hệ đó mà nhà nho tự coi mình có những món nợ cần phải trả: nợ nhà, nợ nước, nợ nhân sinh, vũ trụ. Khi nào những món nợ ấy được trả xong, lúc ấy nhà nho mới tự hào là đã đạt được trọn vẹn chữ “công danh”; và chỉ khi nào đã đạt được trọn vẹn ý nghĩa đó, nhà nho mới đáng mặt “anh hùng” giữa trần thế:
Kiếp trần dây dướng dường này,
Lửa hương chờ đợi đến tay anh hùng.
(MĐMK, câu 263 - 264)
Chữ “lửa hương” là chỉ cho hạnh phúc đầm ấn của vợ chồng. Ở đây, chúng ta có thể coi đó là thứ hạnh phúc chân thật, vẹn toàn, là phần thưởng quí giá chỉ dành riêng cho bậc anh hùng – là kẻ đã thực hiện đầy đủ địa vị chân chính của mình trong xã hội, đã thành công trọn vẹn trong sứ mạng “kinh bang tế thế”. Lúc đó kẻ sĩ mới thảnh thơi thả tâm hồn vào cuộc sống xuất trần xuất thế, hưởng lấy cái hạnh phúc trọn vẹn mà trời đất đã dành cho:
Hồn mai còn nhớ đình Mai,
Cảnh quen hẳn chẳng lạ người quen đâu,
Còn non còn nước còn lâu,
Còn câu thơ ấy là câu sấm rồi.
(MĐMK, câu 275 - 278)
Ở nơi con người Nguyễn Huy Hổ, mặc dù chúng ta không được thấy rõ cuộc đời hành động tích cực để thực hiện lí tưởng nhà nho như Nguyễn Công Trứ đã thực hiện, nhưng trong lòng, chúng ta vẫn thấy ông có mang hoài bão đó. Trong thâm tâm, ông vẫn hằng ôm ấp một lí tưởng phụng sự, và đã bộc lộ tâm sự ấy trong tác phẩm như ta đã thấy. Cuối cùng ông cũng đã thể hiện được hoài bão đó trong đời sống bằng một hành động cụ thể là ra nhận một công việc ở tòa Khâm-thiên-giám do lệnh triệu dụng của vua Minh Mạng, khi ông đã 40 tuổi. Đó là một đặc điểm mà chúng ta có thể nói rằng, Nguyễn Huy Hổ đã sống đúng theo nếp sống lí tưởng của các sĩ phu trí thức thông đạt lẽ xuất xử, biết tùy thời cơ mà tiến thoái kịp lúc; khác với thái độ cố chấp cực đoan của một số người: hoặc vì quá hăng say chạy theo hai chữ công danh đến nỗi phải bị thân bại danh liệt trong đọa đày dục vọng; hoặc vì quá bi quan yếm thế mà mang nỗi đau đớn chán chường để sống trọn đời mai một nơi hốc núi rừng sâu, chỉ biết thở than trách móc mà không giúp ích gì được cho nhân quần xã hội.
Tóm lại, ở nơi đây, nơi tâm thức nhà nho, chúng ta có thể hiểu thêm một khía cạnh nữa về hình ảnh giai nhân trong giấc mộng Mai Đình bằng cách đặt lại một lần nữa vấn đề: “Tại sao Nguyễn Huy Hổ đã không gặp được giai nhân?”
Như chúng tôi đã một lần nói rằng, hình ảnh giai nhân là tượng trưng cho cái đẹp lí tưởng của nghệ sĩ cần phải đạt được. Nhưng người nghệ sĩ Nguyễn Huy Hổ đã không gặp được giai nhân – nghĩa là đã không đạt được cái đẹp lí tưởng, là bởi vì ông chưa được giải thoát, tâm hồn chưa được thanh tao đúng mức, mà vẫn còn vướng mắc trần tục. Ông còn vướng mắc trần tục là vì với tâm thức nhà nho, ông không thể nào sống thoát tục khi chưa làm xong phận sự nam nhi đối với xã hội nhân sinh; điều đó gần như là kỉ luật khắt khe của các nhà nho chân chính. Hơn nữa, lúc này (năm Kỉ-Tị, 1809) ông mới có 26 tuổi, là thời kì hoạt động tích cực của tuổi trẻ, cho nên việc ông sớm sống ẩn dật là việc không ai có thể chấp nhận, – mà chính ông, ông cũng không chấp nhận điều đó nơi ông được. Ông phải tích cực hoạt động, phải thực hiện hai chữ công danh để chu toàn nợ nam nhi giữa trần thế. Khi nào công đã thành danh đã toại, ông mới có quyền lui về đời sống nghệ sĩ thuần túy, để lại đi tìm giai nhân cùng nối lại lời nguyền “lửa hương” trong cõi thoát trần.