Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chương 9 GIAI NHÂN TRONG MỘNG
Tác giả: Hạnh Cơ

Trong chương trước chúng ta đã theo dõi từng  diễn tiến của giấc mộng Mai Đình, và thấy rằng, nhân vật nổi bật từ trước đến sau vẫn là thiếu nữ đề thơ. Mặc dù tác giả có trực tiếp nói chuyện với tiểu hoàn, có diện kiến và đối thoại khá lâu với vị phu nhân, nhưng cả hai nhân vật này đều đóng vai trò phụ thuộc. Trong khi đó, nàng thiếu nữ kia, tuy  tác giả mới vừa kịp nhìn thoáng qua rồi mất hút, nhưng vẫn luôn luôn ám ảnh tác giả từ đầu đến cuối câu chuyện mộng. Vậy, chắc hẳn giai nhân đã giữ một vai trò gì thật quan trọng trong giấc mộng của thi nhân?

Trong bài “Tựa” ở đầu tác phẩm, Nguyễn Huy Hổ viết: “Duy tri phù xuân du chi lạc vi khả túy, tằng bất giác phù túy nhi hữu phiên phiên nhiên chi thụy, thụy nhi hữu phiên phiên nhiên, cừ cừ nhiên chi mộng giả da!” (Ta chỉ biết rằng đi chơi xuân vui thích nên có thể say, nào có biết đâu say mà lại ngủ phơi phới, và trong giấc ngủ lại có mộng phơi phới, chập chờn!)
Theo ý tứ  ấy thì giấc mộng của tác giả là ngẫu nhiên chăng? Và giả sử như giấc mộng ấy đúng là ngẫu nhiên thì chúng ta phải tìm hiểu, tại sao vai trò của giai nhân lại nổi bật? Tại sao tiềm thức tác giả lúc đó đã không chọn hình ảnh nào khác mà lại chọn hình ảnh giai nhân?
Bàn về nguyên  nhân tạo ra mộng, Bergson nói:

“...... Vậy lúc chúng ta ngủ, thực ra có những ‘đôm đốm con mắt’ làm đối tượng cho tri giác, và các đôm đốm ấy đã tạo ra giấc mộng.
Phải chăng chỉ có những đôm đốm ấy tạo ra giấc mộng? Chỉ xét về thị giác mà thôi, chúng ta có thể nói rằng, bên cạnh các cảm giác thị quan mà nguồn gốc nằm bên trong, cũng có những cảm giác thị quan khác mà căn do lại ở bên ngoài. Mặc dù đã nhắm lại, con mắt vẫn còn phân biệt được ánh sáng với bóng tối, và còn nhận được, đến một mức độ nào, bản tính của ánh sáng. Vậy mà những cảm giác do một ánh sáng hiện thực gây ra là nguồn gốc của nhiều giấc mộng. Một cây sáp đột ngột thắp lên, có thể làm  cho một người đang ngủ không mê lắm,  thấy nhiều quái ảnh mà trung tâm là ý tưởng cháy nhà......
Những giấc mộng do một ánh sáng liên tục dịu dàng như ánh sáng mặt trăng thì lại khác ít nhiều. Krauss thuật lại rằng, một đêm lúc tỉnh dậy, ông nhận thấy là ông đang giơ hai tay lên về phía cái mà ông đã mơ là một thiếu nữ, nghĩa là về phía mặt trăng mà ánh sáng đang phủ cả mình ông. Trường hợp này không phải là hiếm. Hình như ánh sáng mặt trăng, êm dịu tỏa lên con mắt người đang ngủ, thường có thể gợi ra những hình ảnh trinh nữ như thế.” (1)

Nguyễn Huy Hổ đi thuyền trong đêm trăng và nằm ngủ dưới trăng, vậy chúng ta có thể hiểu theo Bergson mà cho rằng, chính ánh sáng trăng mát  dịu kia đã tạo ra hình ảnh giai nhân trong giấc mộng của tác giả. Nhưng lối giải thích đó có vẻ cạn cợt ở bề ngoài, mang tính chất sinh lí hơn là tâm lí. Chúng ta cần đi sâu vào khía cạnh tâm lí của giấc mơ mới thấu đáo được ý nghĩa của nó.
Freud cho rằng, hầu hết những kí hiệu trong giấc mơ đều là những kí hiệu của đời sống tình dục.  Tất cả mọi hình ảnh trong giấc mơ đều tượng trưng hoặc cho các bộ phận sinh dục, hoặc cho các hành động tình dục. Và những kí hiệu tượng trưng này có ý nghĩa chung cho tất cả mọi người chứ không riêng cho một người nào. Ông nói:

“...... Nhưng dù những điều mình biết hãy còn ít ỏi, chúng ta vẫn phải đưa ra những kết luận, và những kết luận này sẽ làm chúng ta suy nghĩ.
Trước hết chúng ta có sự kiện là người nằm mơ có một lối diễn tả tượng trưng mà anh ta không biết đến và cũng không công nhận khi thức dậy......
Thứ hai, những liên quan tượng trưng này không thuộc riêng về người nằm mơ và không biểu thị riêng cho công việc tiến hành trong giấc mơ......
Thứ ba, các bạn chắc ngạc nhiên khi thấy trong các phạm vi khác, những liên quan tượng trưng này không hoàn toàn thuộc về tình dục, trong khi trong giấc mơ thì lại hoàn toàn thuộc về tình dục thôi......” (2)

Freud đã đưa ra rất nhiều thí dụ để chứng tỏ rằng mọi hình ảnh trong giấc mơ đều tượng trưng hoặc cho cơ quan sinh dục đàn ông, hoặc cho cơ quan sinh dục đàn bà. Và nếu chấp nhận lí thuyết ấy thì chúng ta có thể kết luận giấc mộng của Nguyễn Huy Hổ chỉ là một sự thỏa mãn tình dục. Lối giải thích này đã đi gần với bản năng tính dục nhưng thật xa vời với sáng tạo văn nghệ. Cho nên Jung đã không đồng ý với Freud về điểm này:

“...... Bởi vậy cho nên tôi đi đến sự giả thiết rằng giấc mơ có thể hàm chứa một bức thông điệp không phải là biểu tượng dục tình. Xin đưa ra một thí dụ:
Một người nằm mơ thấy mình cầm chìa khóa đút vào ổ khóa, cầm một cái gậy gộc, hay dùng một cái vồ để phá cửa. Mỗi đồ vật ấy đều có thể cho là một biểu tượng dục tình. Nhưng tiềm thức tại sao lại chọn hình ảnh  này chứ không phải hình ảnh khác, điều đó cũng có tầm quan trọng lớn lao và ta cần  phải chú ý. Vấn đề thực sự là tìm hiểu tại sao lại là cái chìa khóa chứ không phải cái gậy hay cái vồ. Cũng có khi người ta khám  phá ra rằng giấc mơ không ám chỉ một hành động giao cấu mà ám chỉ một trạng thái tâm lí khác.
Cách suy luận như thế đưa tôi đến kết luận, chỉ có những hình ảnh và ý tưởng thuộc thành phần giấc mơ là được dùng để giải thích giấc mơ ấy. Một giấc mơ cũng có những giới hạn của nó. Nó có hình thức của nó để chỉ cho biết cái gì liên hệ đến nó, cái gì ở xa nó.” (3)

Vậy thì hình ảnh của một giấc mơ không mang một ý nghĩa nhất định và phổ quát, mà chỉ có ý nghĩa riêng cho cá nhân người nằm mơ, và như thế, Jung đã chú trọng đến phần riêng tư của cá nhân.
Tìm hiểu một khía cạnh nào đó của đời sống một cá nhân, chúng ta không thể nào bỏ qua nhân cách của cá nhân đó – dù chỉ là tìm hiểu một giấc mơ. Nhưng có một điều quan trọng mà chúng ta cần phải nhấn mạnh: Trong mỗi cá nhân, bên cạnh  cái riêng tư vẫn có cái chung cùng; và theo quan niệm của Đạo gia cũng như của nghệ sĩ Đông phương thì con người cần phải đào sâu và vô tư  hóa cái riêng tư cá nhân để đạt được cái chung cùng phổ quát. Và chính văn nghệ đã triệt để khai thác đặc tính này mà văn nghệ mới trở thành hoàn toàn là văn nghệ.
Vậy muốn tìm hiểu ý nghĩa giấc mộng giai nhân của Nguyễn Huy Hổ, trước hết chúng ta không thể bỏ qua nhân cách riêng của ông; và sau  đó, chúng ta cũng không thể không nhìn đến cái tính chất chung cùng của con người nghệ sĩ ở nơi ông được.
Bàn về ngụ ý của Nguyễn Huy Hổ khi viết Mai Đình Mộng Kí, giáo sư Hoàng Xuân  Hãn có đặt  câu hỏi: “Về nội dung, mộng Mai-đình có thực không?” Và giáo sư đã tự trả lời:

“Có lẽ mộng có thực, nhưng chuyện tình duyên đây là chuyện mượn. Hồi đầu nhà Nguyễn, con cháu các cựu thần nhà Lê đều giữ lòng “nhớ Lê”. Trong nhóm công tử công tôn hai làng Tiên-điền và Trường-lưu, đã có nhiều người lánh lẩn để khỏi phải làm quan và đã tỏ lòng mình trong những thi ca. Nguyễn Hành đã có tập Minh Quyên, Nguyễn Du có tập Đoạn Trường Tân Thanh. Bài Mai Đình Mộng Kí này cũng cùng một ý ấy. Chỉ xem qua ta đã thấy nhiều câu thổ lộ tâm tình (câu 231-246). Vả lại, đối với các cụ nhà nho xưa, mộng người con gái đẹp là mộng thánh nhân: “Vọng mĩ nhân hề! Tây nhất phương.” Nguyễn Huy Hổ ngược lên  phương Tây mà có mộng mĩ nhân, chính là ngụ ý ấy.” (4)

Vậy theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì tâm sự “hoài Lê” đã là nguồn khở hứng của Nguyễn Huy Hổ để viết Mai Đình Mộng Kí. Ý kiến ấy xét ra có một phần hợp lí nhưng không phải là đúng hoàn toàn.
Nếu nhìn vào hoàn cảnh lịch sử và tình hình  văn học trong giai đoạn Lê-mạt - Nguyễn-sơ, chúng ta thấy rằng, hầu hết sĩ phu Bắc-hà sống trong khoảng mấy mươi năm đầu triều Nguyễn – dù đã hợp tác hay bất hợp tác với triều đại Tây-sơn (1778-1802) trước đó – đều là những cựu thần nhà Lê, hay ít ra cũng thuộc dòng dõi thế gia vọng tộc của triều Lê. Với thái độ chính trị khôn khéo, vua  Gia Long (1802-1820) đã triệu dụng họ ra hợp tác với tân triều. Một số người thì đặt nặng tinh thần quốc gia dân tộc hơn, nên đã hăng hái ra hợp tác. Có vị thì vẫn xem quốc gia là trọng, nhưng đồng thời tình cảm cũng như ân nghĩa đối với nhà Lê vẫn sâu đậm, không thể nào quên được, nên họ đã hợp tác với tân triều một cách miễn cưỡng, chua xót. Trong khi đó, một số người khác đã từng khoanh tay bất lực trước hoàn cảnh đổi thay bi đát, đến khi tân triều được thiết lập thì đối với họ là chuyện đã rồi, họ đã không dự phần tạo nên mà cũng không thể chối bỏ, thôi đành ôm tâm trạng chán chường mà sống đời ẩn dật, mượn men nồng mà say trong mộng để quên đi những nỗi oái oăm, phiền lụy của cuộc đời trước mắt.
Nguyễn Huy Hổ cũng thuộc dòng dõi cựu thần nhà Lê, lại là cháu rể của vua Lê Hiển-tông (1740-1786), thì mối thâm tình của ông đối với nhà Lê thật là hiển nhiên. Nhưng đó chỉ là một thứ tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo, không có vẻ gì là cố chấp hay  cuồng tín đến nỗi phải có thái độ thù nghịch đối với tân triều. Chúng ta có thể xếp ông vào loại sĩ phu thứ ba như vừa phân tích ở trên. Ông đã không dự phần tạo nên thời cuộc mà cũng không thể chối bỏ thời cuộc. Ông chấp nhận thời cuộc nhưng không muốn thi thố công danh sự nghiệp trong  thời cuộc đó. Ông quay lưng lại với thời cuộc để sống đời ẩn dật, mượn rượu tìm say, mượn say tìm mộng, nhân mộng vào thơ, nương thơ vào chỗ vô cùng...
Ông sống ẩn dật nhưng không có nghĩa là phản kháng tân triều với ý đồ làm nên một cuộc cách mạng lật đổ, bằng chứng là ông là ông đã trải qua một đời sống thật là êm đềm, thanh thoát; và về sau, khi thấy cần thiết, ông vẫn chấp nhận lời triệu dụng của vua Minh Mạng, dù để giữ cái chức linh đài lang khiêm tốn ở tòa Khâm-thiên-giám.
Vậy thì, khi bơi thuyền ngược dòng sông Lam mà mộng thấy giai nhân không hẳn là Nguyễn Huy Hổ đã có ý mơ tưởng đến hình ảnh vua Lê, vì như  chúng ta đã thấy, hình ảnh những ông vua thời Lê-mạt chỉ là những hình ảnh bạc nhược, lu mờ dưới sự khống chế của các chúa Trịnh, với quốc gia đã vô tích sự, với dân tộc đôi khi lại còn gây trọng tội như hành động “cõng rắn cắn gà nhà” của vua Lê Chiêu Thống chẳng hạn. Những hình ảnh như vậy chẳng có gì hấp dẫn để người ta mơ tưởng; có gì đâu để đáng được gọi là “thánh nhân”! Trong tâm  thức của một sĩ phu đương thời, nếu Nguyễn Huy Hổ có chán đời thì cũng chỉ là cái tâm trạng chán  chường của kẻ đang “trải qua một cuộc bể dâu”, để rồi ngậm ngùi với “những điều trông thấy mà đau đớn  lòng”. Và nếu đã chán chường cái xã hội hiện tại thì người ta hẳn hẳn phải mơ tưởng về một xã hội tốt đẹp khác, – mà chắc chắn không phải là cái xã hội thời Lê-mạt!
Nguyễn Huy Hổ, ngoài cái tâm thức của một sĩ phu đương thời, ông còn mang phong cách của một thi nhân. Cho nên, với tâm hồn nghệ sĩ, với óc tưởng tượng dồi dào, ông đã khơi dậy trong ước mơ biết bao nhiêu hình ảnh đẹp! Chúng ta có thể  nói rằng, Nguyễn Huy Hổ sống đời ẩn dật không  phải vì hờn  dỗi cuộc đời,  không phải để thách đố thời cuộc, mà thực sự chỉ vì để thể  hiện cái phong cách chính đáng của một nghệ sĩ thuần túy. Việc ông đi chơi trên dòng sông Lam giữa đêm trăng sáng chỉ là một trong những cuộc ngoạn du sơn  thủy của  nghệ sĩ  trong  cuộc  sống hành  lạc, cũng  như Tô Đông Pha ngày xưa bơi thuyền trên sông Xích-bích trong đêm trăng tròn tháng Bảy. Và như chúng ta đã biết, việc ngao du sơn thủy đối với nghệ sĩ là công việc cần thiết để tu dưỡng tính tình.
Nguyễn Huy Hổ đối với thiên nhiên đã tỏ ra thâm tình thắm thiết. Ông tả cảnh thật nhiều và thật tỉ mỉ. Điều đó càng chứng tỏ rằng nghệ sĩ đã có một công phu gạn lọc nội tâm để tâm hồn được vô tư, trong sạch mà hòa điệu vào thiên nhiên, thể nhập vào vũ trụ.
Ông đã mơ thấy cảnh tiên. Giấc mơ ấy đã nói lên cái ý nghĩa là ông đã thỏa mãn trong niềm khao khát được sống ở một thế giới đẹp lí tưởng, khác hẳn với thế giới trần tục đầy những vật dục đê hèn, đầy những chướng tai gai mắt. Hơn nữa, trong tâm thức nghệ sĩ, chúng ta còn thấy niềm ước vọng của con người muốn nối kết đời sống tạm bợ, hữu hạn này với đời sống hạnh phúc vĩnh cửu nơi thế giới thần tiên. Vậy, giấc mộng “mĩ nhân” của Nguyễn Huy Hổ có thể được coi là một giấc mộng điển  hình nói lên  một cách thâm trầm niềm mơ ước đó.
Từ tâm hồn và nhân cách đó của Nguyễn Huy Hổ, chúng ta có thể nói được rằng, hình ảnh giai nhân đã ám ảnh tác giả trong suốt giấc mộng không phải là hình ảnh của vua Lê mà nó chỉ tượng trưng cho một ông vua lí tưởng nào đó mà tác giả đang mơ ước, cũng như cảnh tiên là tượng trưng cho một xã hội thanh bình, an vui, hạnh phúc mà nghệ sĩ đang mong chờ.
Những ông vua Lê thời mạt vận đã không còn là hình ảnh lí tưởng cho giới sĩ phu trí thức đương  thời mong mỏi, còn các vua Gia Long, Minh Mạng triều Nguyễn thì ít nhất là trên một vài phương diện nào đó, vẫn tỏ ra là những người lãnh đạo hẹp hòi, cố chấp, đầy hận thù, thiếu độ lượng, mà những thái độ tỏ lộ ra ở bề ngoài chỉ là những thủ đoạn chính trị nhằm bảo vệ ngai vàng và dòng họ.  Trong thời buổi đó, tìm được một vị minh quân có độ lượng của một bậc chính nhân quân tử thật là khó khăn. Bởi vậy, người ta đã phải quay vào tìm người lí tưởng ở trong mộng. Dù giấc mộng chỉ là một hình ảnh thoáng qua, nhưng ít ra nó cũng đã làm thỏa mãn niềm khao khát của thi nhân và cũng đã nói lên được cái tâm thức của giới sĩ phu đương thời.
Giai nhân trong mộng cũng có thể là hình ảnh tượng trưng cho cái ĐẸP tuyệt đối của nghệ sĩ mà thi nhân Nguyễn Huy Hổ đang nhằm tới.Tô Đông Pha cùng bạn bơi thuyền trên sông Xích-bích, lòng hớn hở phơi phới mà hát lên rằng:

Quế trạo hề lan tương
Kích không minh hề tố lưu quang
Diểu diểu hề dư hoài
Vọng mĩ nhân hề thiên nhất phương
(Bồng bềnh thuyền quế chèo lan,
Mặt sông lấp lánh, ánh trăng lưng trời.
Nhớ nhung lòng dạ bồi hồi,
Ngóng trông người đẹp phương trời xa xăm. – HC dịch)

thì hình ảnh “mĩ nhân” ở đây cũng chính là cái đẹp lí tưởng mà Tô Đông Pha đang sống với nó một cách hồn nhiên sung sướng. Có người cho rằng, Tô Tử dùng chữ “mĩ nhân” để ám chỉ vua Tống đương thời hay ít ra là cũng để nhớ những người bạn quân tử ở triều đình; nhưng chúng tôi sợ rằng giải thích như vậy sẽ lạc mất ý nghĩa bài phú và xa vời với tâm hồn Tô Tử trong giờ phút phiêu diêu xuất trần đó.
Nguyễn Huy Hổ ở đây cũng có cùng cái phong cách như Tô Tử. Ông cũng mang tâm hồn nghệ sĩ, quên hết thế sự thăng trầm, lòng hoàn toàn vô tư thanh thoát để trọn vẹn thưởng thức nét đẹp của thiên nhiên với trăng sáng vằng vặc, đồi núi nhấp  nhô, nước sông bàng bạc, với không khí huyền diệu của không gian tịch mịch êm đềm. Nét đẹp đó đã gây xúc cảm sâu xa trong tâm hồn ông; và trong tâm thức nghệ sĩ, có thể đó là cái đẹp lí tưởng mà lòng trần tục không làm sao xúc cảm được. Phong cảnh thiên nhiên thì luôn luôn bày ra trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhìn thấy, nhưng nó chỉ trở nên ĐẸP trong tâm hồn nghệ sĩ. Đẹp là một cảm thức vô tư, là hình tướng của trực giác nghệ  sĩ trong lúc lòng hoàn toàn trong trẻo, không xen  lẫn dục niệm; và trong giấc mơ của Nguyễn Huy Hổ, nó đã được biểu hiện qua một hình ảnh tượng trưng là giai nhân.
Đến đây chúng ta có thể đi sâu hơn vào bản  chất nghệ sĩ của Nguyễn Huy Hổ để tìm hiểu ý nghĩa tượng trưng qua hình ảnh giai nhân trong giấc mộng Mai Đình.
Nếu chúng ta hiểu rằng, hình ảnh Đạm Tiên  trong giấc mộng của Thúy Kiều không ai khác hơn  là chính hình ảnh hiện thân của Thúy Kiều, do nội tâm nàng biến hiện ra để tự phân biệt có hai nàng Kiều trong con người ấy: một nàng Kiều là hiện thân của tính trời tốt đẹp hồn nhiên, và một nàng  Kiều là hiện thân của dục vọng mới vừa khởi niệm khi gặp Kim Trọng:

Thoắt đâu thấy một tiểu kiều,
Nửa chiều phong vận nửa chiều thanh tân,
Sương in mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lững thững như gần như xa.
Rước mừng đón hỏi dò la,
Đào-nguyên lạc lối sao mà đến đây?
Thưa rằng thanh khí xưa nay,
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên!
Nguyễn Du
(Đoạn Trường Tân Thanh)

thì ở đây chúng ta cũng có thể hiểu rằng, giai nhân trong giấc mộng Mai Đình không ai khác hơn là hình ảnh của chính Nguyễn Huy Hổ do nội tâm ông biến hiện ra để tự mình đối tượng hóa thành một tiên nữ nơi chốn Đào-nguyên.
Tâm trạng thường xuyên của nghệ sĩ là không bao giờ bằng lòng với thực tại, cho nên mới phải đi  tìm hạnh phúc ở trong mộng; – đẹp như mộng! Trong tâm thức Nguyễn Huy Hổ, chúng ta thấy ông đã biểu lộ nét cao ngạo của một nghệ sĩ cho rằng, về thi tài không ai có thể đối địch với mình, còn về chí hướng thì càng không có kẻ tri âm:

Câu thần, chữ thánh, người tiên,
Hay đâu là chẳng sẵn nguyền trăm năm.
Phím hoàng đợi khách tri âm,
Nên treo cân Lệ, ai cầm giá Côn.
Nghĩ mình giong ruổi nước non,
Niềm kinh quốc, nỗi hương thôn bấy chầy. (5)
Thốt chi bướm lũ ong bầy,
Đàn Tao nào mấy đua tay cắm vè. (6)
(MĐMK, câu 133 - 140)

Bởi vậy ông đã phải tìm tri âm trong mộng. Và  tri âm trong mộng rốt cuộc chỉ là nội tâm ông tự  phân hóa ra thành một đàng là chủ thể và một đàng là khách thể; một đàng là bản ngã và một đàng là đối tượng; một đàng là diễn giả và một đàng là  khán giả. Cụ Nguyễn Công Trứ cũng từng có cái “thấy” như vậy:

Ngàn muôn năm âu cũng thế ni,
Ai hay hát mà ai hay nghe hát.
(Chữ Nhàn)

Trạng thái tâm lí tự phân hóa này chúng ta cũng đã từng thấy diễn ra nơi nghệ sĩ Tô Đông Pha khi ông đi chơi trên sông Xích-bích lần thứ hai trở về, mà ông đã tài tình ghi lại trong bài phú “Hậu Xích Bích”:

“...... Sông chảy róc rách, bờ đứt hàng ngàn thước. Núi cao trăng nhỏ; nước rút xuống, đá lộ ra. Ngày tháng cách chẳng bao lâu mà quang cảnh núi sông đã không còn nhận ra được nữa! Tôi mới vén áo leo núi, bước qua đá nhọn lởm chởm, rẽ quả cây chằng chịt mà đi. Đá trông như hình thù hổ báo, cành là cổ thụ dáng như con rồng có sừng. Ngửng đầu lên thì tưởng như tay với được tổ chim, cúi mặt xuống thì tưởng chừng nhìn thẳng thâm cung của thủy thần Hà Bá. Vì vậy mà hai người khách đã không theo nổi. Bỗng nhiên nổi lên một tiếng hú dài, cỏ cây rung chuyển, vang dội núi hang, nổi gió dậy sóng. Tôi cũng lặng người, lòng thấy nao nao, vừa buồn vừa sợ, không muốn ở lại lâu hơn nữa.
Tôi bèn quay về thuyền, chèo ra giữa dòng, rồi thả nó tự do trôi đi, muốn ngừng chỗ nào cũng được. Lúc đó vào khoảng nửa đêm, bốn bề tịch mịch. Chợt một con hạc từ hướng Đông lại, bay ngang qua sông, cánh xòe rộng như bánh xe, xiêm đen áo trắng, vút kêu lên một tiếng dài, lướt ngang qua thuyền tôi rồi bay về hướng Tây.
Lát sau khách từ biệt, tôi cũng về nhà ngủ, mộng thấy một đạo sĩ, áo lông phất phới, đến phía dưới  đình Lâm-cao, xá tôi mà hỏi rằng: ‘Đi chơi Xích-bích có vui không?’ Tôi hỏi tên họ thì đạo sĩ chỉ cười không trả lời. ‘Ô hô! A ha! Tôi biết  rồi! Hồi đêm, con hạc bay qua thuyền tôi mà kêu đó, có phải là ngài chăng?’ Đạo sĩ ngẩng mặt nhìn tôi cười. Tôi giật mình tỉnh dậy, mở cửa ngó ra sân thì không trông thấy đạo sĩ đâu nữa.” (7) (HC dịch)

Tô Đông Pha đi chơi trên sông mà có con hạc bay vút qua thuyền, kêu một tiếng dài rồi bay thẳng, ngụ ý gì thế?  Hạc đối với người Trung-hoa là tượng trưng cho sự sống lâu, cho nên tuổi thọ của con người cũng được gọi là “tuổi hạc”. Tô Đông Pha trong thời gian bị trích ở Hoàng-châu  (1080-1084) thường luyện phép dưỡng sinh của  Đạo giáo, lại cũng thực tập phép tham thiền của Phật giáo để luyện cho tâm hồn đạt tới trạng thái hoàn toàn yên tĩnh, lúc nào cũng cảm thấy sảng khoái nhẹ nhàng. Bây giờ lại trông thấy hạc là ngụ  ý rằng ông đã nhập diệu vào được cái vô hạn của trời đất. Trước đó ông cũng đã nghe tiếng hú dài  từ xa vọng lại như một sự tỉnh giác để ông quay về với “tính  trời”, gạt bỏ tâm vọng động để  nhập vào cái vô cùng của đại ngã. Và đạo sĩ trong mộng cũng chính là tự tính biến hiện để ông được nhận chân cái “chân diện mục” của mình.
Trước Tô Đông Pha, Trang Tử cũng đã từng xem bướm bay lượn tung tăng rồi mộng thấy mình hóa bướm cũng tung tăng bay lượn một cách thích thú:

“Xưa Trang Chu mộng làm bướm, bay lượn vù vù hớn hở như bướm, tự lấy làm thích  thú lắm, chẳng còn biết mình là Chu nữa. Chợt tỉnh ra thì thấy vẫn lù lù là Chu!  Chẳng biết là Chu đã mộng làm bướm hay bướm đã mộng làm Chu! Nhưng Chu với bướm hẳn là có sự phân biệt, vì thế mà gọi là ‘vật hóa’.” (8) (HC dịch)

Cái chân hạnh phúc của Trang Tử là được sống cuộc đời hoàn toàn tự do, giải thoát:

“Ông Liệt Tử cưỡi gió bay đi, thật êm ái nhẹ nhàng; đi một mạch mười lăm hôm mới trở về. Những người đạt được tiên phúc như thế thật hiếm có ở đời! Nhưng ông Liệt Tử tuy nương gió mà đi, khỏi phải đi bộ, vậy mà vẫn phải chờ có gió mới có thể  bay đi được; chứ nếu như có người biết thuận theo cái đạo tự nhiên của trời đất, cùng thông được cái biến hóa của lục khí (âm, dương, gió, mưa, tối, sáng) mà rong chơi trong cõi vô cùng, thì họ đâu còn phải chờ đợi cái gì nữa!” (9) (HC dịch)

Trang Tử đã đạt được cái hạnh phúc tuyệt đối đó, và đã ngụ ý ấy trong hình ảnh tượng trưng là  con bướm bay lượn thung dung, tự tại vô ngại; hay nói khác hơn, bướm chính là cái “ngã” tự do giải thoát tự biến hiện ra. Nếu lấy cái tâm “biến” mà nhìn thì Chu và Bướm có phân biệt, ngã và vật là hai; nếu lấy cái tâm “bất biến” mà nhìn thì Chu và  Bướm chỉ là một – trong thế giới “vạn vật đồng nhất thể”.
Như thế, chúng ta thấy rõ, đã có một dòng mĩ  cảm kinh nghiệm truyền từ Trang Tử đến Tô Đông Pha, và bây giờ thì đến Nguyễn Huy Hổ. Trong  giấc mộng Mai Đình, giai nhân là HỒN THƠ mà thi nhân Nguyễn Huy Hổ đang đi tìm; giai nhân là nét đẹp lí tưởng mà nghệ sĩ Nguyễn Huy Hổ đang mơ ước. Cuộc tình giữa nghệ sĩ và giai nhân trong mộng chỉ là một sự hòa điệu giữa tiểu ngã và đại ngã, một sự nối kết giữa con người với siêu nhiên, giữa hữu hạn và vô hạn. Nhưng mối tình đã không kết hợp được là bởi vì chính thi nhân tự thấy rằng, dù sao thì tâm hồn mình vẫn chưa được thanh tao trọn vẹn, dục niệm tế vi vẫn còn tạo một lớp mỏng mây mờ, khiến cho tự tính giác ngộ chưa hoàn toàn tỏ lộ. Cho nên tác giả đành tự đứng ngắm cái “bản lai chân diện mục” của chính mình cứ phảng phất ở xa xa, muốn tới gần mà chưa thể nào tới được:

Nguồn phong động khóa trùng trùng,
Khách thơ thêm những mơ mòng hồn thơ.
(MĐMK, câu 113 - 114)

Vậy thì, muốn thấy rõ cái “bản lai chân diện mục” của mình, muốn đạt được tự tính giác ngộ thì phải cố gắng bỏ thêm nhiều công phu tu dưỡng tính tình, phải “gạn đục khơi trong” tích cực hơn nữa:

Lọ là nhạn cá đi về,
Lứa đôi chăng lại một kì tái lai.
Nền thi lễ cẵng dùi mài,
Tiếng khôi đừng thẹn với mai mới hào.
Duyên lành hẳn đợi giá cao,
Đất bằng sấm đã thơ đào lại ca.
(MĐMK, câu 267 - 272)

Tóm tắt lại, tâm sự “hoài Lê” dĩ nhiên là có ẩn tàng trong thâm tâm Nguyễn Huy Hổ cũng như trong giới sĩ phu đương thời, nhưng bảo rằng tâm  sự ấy đã là nguồn hứng giúp Nguyễn Huy Hổ viết nên tác phẩm Mai Đình Mộng Kí thì không đúng; và giấc mộng giai nhân của Nguyễn Huy Hổ lại càng không phải là giấc mộng thánh nhân – tức vua Lê – như giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nói. Đoạn thơ 16 câu mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã đề cập đến:

Rằng gia nhân với nghiêm đường,
Chữ luân xưa cũng mối giường một hai.
Đền Thương cùng nếm vạc mai,
Cũng trong Y phó, cũng ngoài Tôn Ngô,
Nấy sương vẹn bước vân cù,
Dẫn nhàn riêng chiếm thú hồ sơn đây.
Cơ trời dâu bể vần xoay,
Trần-kiều biết mặt Chu này là ai.
Lửa binh rấp thủa chông gai,
Áo xiêm đổi thói cân đai đau lòng.
Nặng nguyền hưu thích dữ đồng,
Theo chầu liệt thánh năm dòng mười dư.
Bận bùng còn chút ngây thơ,
Điền thôn quen lấy cầm thư đỡ phiền.
Dù chăng cảnh bụt làng tiên,
Với trần nghĩ đã diễn miền nước mây.
(MĐMK, câu 231 - 246)

chúng ta thấy Nguyễn Huy Hổ đã gửi vào đó  nỗi lòng hoài niệm Lê triều thì ít, mà cốt ý đề cao  dòng dõi thế gia vọng tộc của tổ tiên (cả hai bên nội ngoại) mình thì nhiều. Có thể nói, đó chỉ là cái mộng “kẻ  sĩ” mà tác giả đã ấp ủ trong lòng từ lâu, không có cơ hội thố lộ, bây giờ bất chợt xuất hiện và đã được tác giả nhân tiện ghi luôn vào giấc mộng.
Điều chúng ta cần để ý là bên cạnh cái tâm hồn nghệ sĩ, tác giả còn mang nặng cái tâm thức nhà  nho. Con người nghệ sĩ là con người cá nhân; con  người nho sĩ là con người xã hội. Vậy Nguyễn Huy Hổ đã tỏ lộ cái tâm thức nhà nho của ông như thế nào?


CHÚ THÍCH:

1) Henri Louis Bergson, Năng Lực Tinh Thần, LM Cao Văn Luận dịch (Huế: Đại Học Huế, 1962), trang 66-67.
2) Sigmund Freud, Phân Tâm Học Nhập Môn, Nguyễn Xuân Hiếu dịch (Sài-gòn: Khai-Trí, 1970), trang 196-198.
3) Carl Gustav Jung, Thăm Dò Tiềm Thức,  Vũ Đình Lưu dịch (Sài-gòn: Hoàng Đông Phương, 1967), trang 36-37.
4) Hoàng Xuân Hãn biên tập và trích dẫn, Nghiêm Toản chú thích, Mai Đình Mộng Ký (Sài-gòn: Trường Thi, in lần thứ ba), trang 12.
5) Kinh quốc: Lo nghĩ đến quốc gia.
6) Đàn tao (hay tao đàn): Nơi tụ họp của văn nhân, thi sĩ để bình văn, ngâm  vịnh. - Cắm vè: Cắm mốc, làm chuẩn  cho mọi người noi theo.
7) Trích dịch từ sách Khảo Chính Cổ Văn Quan Chỉ, quyển IV, trang 80-81.
8) Trích dịch từ sách Trang Tử Tập Giải, thiên “Tề Vật Luận”, Diệp Tuệ Hiểu hiệu đính và dịch ra văn bạch thoại (Hương-cảng: Thật Dụng thư cục, 1961), trang 32.
9) Trích dịch từ sách Trang Tử Tập Giải (đã dẫn trên), thiên “Tiêu Dao Du”, trang 8. 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717827