Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
Tác giả: Hạnh Cơ

Dù phải vất vả với cuộc sống thực tế hằng ngày, phải bôn ba trăm việc, đầu tắt mặt tối, nhưng dân  ta vẫn nhớ nghĩ đến và dành thì giờ cho những sinh hoạt tâm linh. Họ tâm niệm rằng, hồn thiêng của tổ tiên vẫn tồn tại trong mái ấm gia đình, hồn thiêng dân tộc vẫn trường cửu nơi núi sông, đình chùa, lăng miếu. Dù không phải là nghệ sĩ chính cống, người ta vẫn thích được ở một ngôi nhà có vườn cảnh tươi tốt, có hoa cỏ bốn mùa; và nếu điều kiện cho phép, họ còn xây cả một ao hồ nhân tạo để thả cá trồng sen, có khi ở giữa hồ còn được dựng lên một hòn non bộ đủ cả núi cao đồi thấp, tùng bách, hang đá, chùa miếu, lại có cả thần tiên câu cá, đánh cờ...

Đó là tâm thức tổ tiên còn giữ lại trong lòng  người hiện tại, chứng tỏ rằng, dân tộc ta, ngoại trừ những kẻ cuồng tín cực đoan, tà kiến vô thần, và những người quá si mê trong ao tù vật chất mà đọa đày bản thân, đánh mất nhân tính, còn thì ai ai cũng đều cảm thấy trong tâm hồn mình vẫn luân chuyển dòng tâm thức huyền diệu muôn đời của tổ tiên nòi giống. Chúng ta ai cũng cảm thấy kiếp nhân sinh là ngắn ngủi, tạm bợ, và trong khi sống cái kiếp tạm bợ và ngắn ngủi này, chúng ta đều biết chuẩn bị cho một đời sống khác ở kiếp tương lai.
Từ nghìn xưa, dân tộc ta cũng  như các dân tộc Đông phương truyền thống, đều có lòng tin mãnh liệt vào một đời sống vĩnh cửu – được gọi chung là  thế giới thần tiên, khác với kiếp sống tạm bợ ở chốn phàm trần. Kiếp sống ngắn ngủi ở trần giới, chẳng qua chỉ là một giai đoạn trong đời sống vĩnh cửu kia; cho nên sự chết của thế nhân cũng chỉ là một cuộc đổi thay thể xác:

Chết là thể xác, còn là tinh anh
Nguyễn Du
(Đoạn Trường Tân Thanh)

Nếu có dịp đi thăm lăng tẩm của các đế vương hoặc các nhà mồ của hàng dân dã, chúng ta sẽ thấy được niềm tin tưởng kia nó thâm sâu đến thế nào! Vua vừa lên ngôi là đã nghĩ ngay đến nơi mà mình sẽ nối tiếp cuộc sống đời đời. Người ta phải vào sâu trong vùng núi non trùng điệp, tìm địa thế, lấy kiểu đất, và xây cất thành một tiểu hoàng cung, nơi đó vua sẽ sống cuộc sống vĩnh cửu sau khi từ bỏ cõi trần. Tương truyền, chính Nguyễn Huy Hổ là người đã lo việc đó cho vua Minh Mạng (1820-1840). Nơi dân dã cũng vậy. Rất nhiều người khi cảm thấy tuổi thọ đã cao, bèn ung dung đi mua sinh phần, xây sẵn kim tĩnh hoặc nhà mồ để chuẩn bị nơi cư trú cho kiếp sống tương lai. Ngôi nhà  bình nhật chỉ là nơi “sống gửi”, mà ngôi nhà mồ kia mới chính là chỗ “thác về”.
Và nếu nhà  mồ, lăng tẩm là nơi  sống vĩnh cửu của con người thì các HANG ĐỘNG lại là thế giới trường cửu của thần tiên. Trong sách Tư Tưởng  Việt Nam, giáo sư Nguyễn Đăng Thục có dẫn lời của Olov Jansé (một  nhà khảo cổ học danh tiếng,  hội viên trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà-nội) viết về cổ mộ vùng Bắc-ninh (Việt-nam) như sau:

“...... Trước tiên chúng tôi đã phát lộ ra gần chợ Lim một kiến trúc lớn gồm có hơn năm phòng, mỗi phòng giống như một tụy đạo (đường hầm). Có những kiến trúc khác  giống như thế được phát lộ trong vùng đó.  Chúng tôi cũng tìm thấy những mộ phần chỉ  gồm có một phòng, thường chia làm ba ngăn  bởi những lớp vách vòng cung. Vật liệu đã được dùng và cơ cấu của những kiến trúc  đó trông qua có vẻ bí ẩn, và chứng tỏ những sáng kiến mới mẻ hẳn lên đến nỗi làm cho ta phải ngạc nhiên trong cách kiến trúc mộ phần...
Những mộ phần đầu tiên chúng tôi quan sát ở Bắc-ninh thì được xây cất trong những đồi núi thiên nhiên và cho ta những cảm giác hang động nhân tạo. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì thực ra, chẳng hạn ở Tứ-xuyên, miền Nam Trung-hoa, đã  thấy có những mộ phần đào cất trong sườn núi.  Những mộ phần hang động ấy có vào khoảng thời đại nhà Hán. Người ta cũng lại phải nhận định rằng cái ý niệm hang động siêu nhiên có một vai trò trọng yếu trong tín ngưỡng Đạo giáo. Theo tín ngưỡng này thì  trong lòng một quả núi lớn có những hang động mà cái vòm tượng trưng vòm trời, lòng đáy phù hợp với đất. Cửa vào những hang động ấy là biên giới giữa thế giới vật chất và thế giới siêu hình......” (1)

Và lời của giáo sư Nguyễn Đăng Thục nối tiếp:

“...... tín ngưỡng thiên động (Grotte-Ciel) do cổ mộ hạt Bắc-ninh đã khởi niệm, trong ấy ý tưởng chính là trong lòng ngọn núi lớn có hang động mà vòm tượng trưng vòm trời và đáy đại diện cho đất. Cửa động ấy là biên giới ngăn cách thế giới vật chất và thế giới siêu hình. Núi được coi như thiên đường của Đạo giáo, nơi cư trú của thần tiên bất tử.”(1)

Từ “nhà” đến “mồ” chỉ là sự thay đổi của hai nơi cư trú: “Sống mỗi người một nhà, già mỗi người một mồ”; và từ kiếp sống nhân sinh đến kiếp sống tương lai vẫn là một cuộc sống duy nhất mà sự chết chỉ là một cách thay đổi hình thức sống, chỉ là sự phân chia làm hai giai đoạn của một lịch trình biến hóa trong một thực tại linh động mầu nhiệm. Cho nên trong tâm thức dân tộc, tự cổ lai, người ta vẫn quan niệm rằng thần tiên là tượng trưng cho sự sống lâu trường cửu. Người ta thường than thở cho sự ngắn ngủi của đời sống trần gian và khao khát một đời sống lâu dài nơi thế giới thần tiên. Và lòng khao khát thật mãnh liệt đến độ đã sản xuất ra biết bao nhiêu chuyện thần tiên để nói lên ước vọng của con người, như câu chuyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu lạc lối vào Thiên-thai, là một chuyện cổ tích Trung-hoa mà vẫn được dân ta truyền tụng như chuyện của chính mình. Những chuyện thần tiên trong kho tàng văn chương nước ta cũng thật nhiều, mà chuyện “Từ Thức Lấy Vợ Tiên” sau đây là một tỉ dụ:

“Khoảng năm Quan-thái đời nhà Trần, ở  Hóa-châu (Thanh-hóa) có chàng Từ Thức, nhờ phụ ấm được bổ huyện tể (tri huyện) Tiên-du (Bắc-ninh). Cạnh huyện có ngôi chùa danh tiếng. Trong chùa có một cây mẫu đơn, cứ mùa hoa nở là ngựa xe tấp nập đến xem hoa đông như hội.
Tháng Hai năm Bính-Tí (1396) có một cô gái tuổi chừng 15, 16, phấn điểm sơ sài, dung nhan lộng lẫy, cũng đến xem hoa. Nàng vịn phải cành giòn nên gẫy, bị người coi hoa bắt giữ lại. Ngày đã sắp tối mà không ai đến nhận. Từ Thức thấy vậy động lòng, liền cởi áo cừu gấm trắng đưa vào tăng phòng để chuộc nàng ra. Mọi người thấy vậy đều khen Từ là một vị quan hiền đức.
Song Từ Thức vốn tính ham rượu thích đàn,  đam thơ mê cảnh, công việc sổ  sách bỏ ùn lại,  thường bị quan trên  quở trách. Từ than rằng: “Ta chẳng thể vì số lương năm hộc gạo hẩm vàng mà buộc mình trong vòng danh lợi. Âu là với  một mái chèo, bỏ quan trở về. Non xanh nước biếc có phụ gì ta đâu.”
Liền cởi trả ấn tín ra đi. Vốn ưa cảnh hang động ở miền Tống-sơn, bèn xem chỗ cất  nhà ở đó. Từ thường sai gã  hề đồng đem bầu rượu cây đàn đi theo, còn tự mình  thì mang theo mấy tập thơ Đào Tiềm, hễ gặp nơi nào ưng ý là lại rót rượu ra uống có vẻ thú vị lắm. Phàm những nơi thủy tú sơn kì như núi Chích-trợ, động Lục-vân, kênh Nga, sông Lãi, thảy đều có thơ đề vịnh.
Một hôm Từ dậy sớm trông ra cửa bể Thần-phù (thuộc huyện Nga-sơn, Thanh-hóa), ngoài xa chừng vài trăm dặm, thấy đám mây ngũ sắc ùn ùn kết lại như một đóa hoa sen  nổi lên, vội chèo thuyền ra xem thì thấy một  trái núi thật đẹp. Từ kinh ngạc bảo gã chèo thuyền rằng:
– Ta ở trong chốn giang hồ, các thắng cảnh miền Đông-Nam, đã từng qua lại nhiều lần biết rõ. Nay không biết trái núi này từ đâu lại mọc ra trước mắt. Có lẽ là non tiên rụng xuống, vết thần hiện lên, không thì sao khi trước đã không mà hôm nay lại có được.
Từ bèn buộc thuyền lên bờ coi thì thấy khí núi xanh biếc, vách đá dựng thẳng cao  hàng ngàn trượng; bằng không có  cánh vị tất trèo lên thăm cảnh đó được.
......
Chợt thấy vách đá nứt toác ra một cái hang tròn, đường kính chừng một trượng, bèn  vén áo thử bước vào, đi chưa được vài bước, cửa hang đã đóng sập lại, tối tăm mù mịt như sa vào cái vực đen tối. Bụng nghĩ không thể nào thoát chết được. Từ lấy tay sờ soạng vết rêu xanh, nhận thấy có một lối đi nhỏ,  ngoằn ngoèo như ruột dê. Lần mò bước đi chừng hơn một dặm thì thấy có đường dốc  đi lên, bám víu lần từng bước, càng lên đường càng rộng thêm. Lên đến ngọn núi thì bầu trời quang đãng, ngoảnh nhìn bốn phía đều có lầu đài lộng lẫy, mây xanh ráng đỏ  bám lấy lan can, cỏ ngọc hoa châu khoe màu đây đó. Từ nghĩ thầm: “Đây nếu  không phải đền Tiên cõi Phật cũng là nơi ẩn tục lánh phàm như Thứu-lĩnh, Đào-nguyên chẳng hạn.” Còn đang suy nghĩ, chợt nghe thấy hai  đồng nữ áo xanh bảo nhau rằng:
– Chú rể nhà ta đã đến.
Đoạn chúng chạy vào báo tin, một lát trở ra nói:
– Phu nhân mời chàng vào.
Từ liền theo họ đi vào, quanh bức tường gấm, qua bực cửa son. Trong cửa là tòa cung điện cao ngất ngưởng, trên biển đề “Điện Quỳnh-Hư”, “Gác Dao-Quang”.  Trên gác có bà tiên áo trắng ngồi trên giường thất bảo. Bên cạnh kê một cái sập  gỗ đàn hương, bà mời Từ lên ngồi rồi bảo rằng:
......
– Đây  là núi Phù-lai,  tức động thứ 6 trong 36 động tiên, nổi bềnh bồng ngoài biển cả, không chằng, không rễ, như núi La, núi Phù, hợp tan theo với gió mưa, chẳng khác các ngọn Bồng-lai, co dũi như làn sóng dợn, mà  ta là địa tiên núi Nam-nhạc, tức Ngụy phu nhân. Vì chàng nghĩa cả, hay giúp người trong cơn nguy khốn, nên mới dám phiền chàng đến đây.
Bà tiên lại đưa mắt cho con hầu vào gọi cô  ra. Từ liếc mắt nhìn trộm, té ra là người  đánh gẫy cành hoa bữa trước. Bà tiên bảo rằng:
– Đứa con tôi đây là Giáng Hương, ngày trước đi xem hoa gặp nạn, nhờ chàng cứu  gỡ, ơn ấy không quên. Nay muốn cho cùng chàng kết duyên để  đền ơn trước.
Bèn ngay đêm ấy sai thắp đèn mỡ phụng, trải chiếu vằn rồng để hai người làm lễ giao bái.
......
Từ Thức hồi tưởng từ hôm bỏ nhà ra đi, giữa ngày mang bách, đến nay thấm thoát đã được một năm.
......
Một hôm, xa trông thấy chiếc thuyền buôn đi  về phía Nam, Từ trỏ bảo Giáng-Hương rằng:
– Nhà tôi cũng ở về phía đó, nhưng trời xa biển rộng biết là nơi đâu!
Rồi nhân lúc nhàn rỗi, chàng lại nói với vợ:
– Tôi đây lòng cỏ héo hon, lệ hoa thánh thót, nực cười mình lụy tục chưa quên, luống rầu nỗi lòng xưa vẫn nhớ, dám xin thể tất, cho phép tạm về. Chưa rõ tôn ý thế nào, xin cho tôi biết.
......
Giáng Hương khóc mà rằng:
– Thiếp đâu dám vì tình phu phụ mà ngăn trở niềm nhớ quê hương của chàng. Song  cõi trần nhỏ hẹp, cảnh đời ngắn ngủi, dù nay chàng về, chỉn e sân liễu vườn hoa còn đâu phong cảnh năm xưa.
Nhân nàng thưa chuyện lại với phu nhân. Phu nhân nói:
– Không ngờ chàng còn vướng víu lòng trần như vậy!
Rồi cho một cỗ xe cẩm vân, sai đưa chàng về... Chỉ trong chớp mắt Từ liền về đến nhà, thì đã vật đổi sao dời, thành quách nhân dân, nhất nhất khác xưa, duy còn cảnh núi non, khe suối, hai bên bờ không đổi sắc biếc màu xanh thuở nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm các người già cả, thảy đều nói rằng: “Thuở nhỏ tôi có nghe: ông tổ ba đời nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất, đến nay đã ngoại 60 năm. Hiện nay là nhà Lê đã  trải qua ba triều, bây giờ là niên hiệu Diêu-ninh thứ năm (1458).”
Từ Thức bấy giờ mới ngậm ngùi hối hận, muốn lên xe mây trở lại, nhưng xe đã hóa ra con chim loan bay mất rồi... Từ bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoàng-sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.” (2)

Câu chuyện Từ Thức lấy vợ tiên trên đây đã ngụ nhiều ý nghĩa; nó nói lên sự gần gũi giữa tiên và tục, tiên và  tục có thể qua lại gặp gỡ miễn là có “duyên” với nhau. Tiên có thể đi chơi ở cõi tục và tục cũng có thể lên vãng cảnh tiên. Cõi tiên ở nơi cõi tục mà cõi tục cũng ở nơi cõi tiên. Tiên và tục cũng đều là người, chỉ khác nhau ở chỗ người tiên thì cốt cách thanh cao, phẩm hạnh trong sạch, cuộc  sống luôn luôn an nhàn, sung sướng, thoát khỏi những phiền lụy mà người tục luôn luôn bị ràng buộc, khổ sở. Cho nên dù là  người trần tục mà biết  tu dưỡng tính tình để có phẩm hạnh thanh cao, có đời sống thoát tục là tức khắc thành tiên, và dù là người tiên nhưng còn lầm lỗi, tâm còn bị vướng mắc dục vọng trần giới thì cũng hóa thành phàm tục.
Chính một học giả người Âu, ông Alfred Meynard, cũng công nhận điều này khi khảo cứu về các hội hành hương ở Bắc-Việt xưa kia trong báo Revue Indochinoise (số tháng 5, 1928) mà giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã trích dẫn như sau:

“Tôi cho rằng cái điều mâu thuẫn giữa Đông  phương và Tây phương mà hiện nay người ta đang thắc mắc, chẳng phải một vấn đề phức tạp chi lắm như người ta đã tưởng. Nó qui về có một điểm là người phương Đông đã đem cái vô hình xuống cuộc đời hằng ngày của họ. Họ sống với thế giới huyền bí,  nhờ cái gì họ tưởng đã thấy được. Trái lại, người Âu Tây sống bên lề cái vô hình, phủ nhận nó nữa, vì không biết đến có nó. Hay là  họ bị xô đẩy vào nó mà không nhìn......”(3)

Thần tiên đối với dân tộc ta, và có thể nói là đối chung với cả các dân tộc Đông-phương, là kiếp sống đời đời, kiếp sống hoàn toàn tự chủ, tự do, tự tại và giải thoát. Bởi vậy người ta đã sùng bái thần tiên, muốn vươn lên nối kết với siêu nhiên bằng cách tìm vào các hang động (hay thiên động) để chiêm ngưỡng thiên nhiên, làm lắng xuống mọi dục vọng trần thế, đưa tâm hồn lên thế giới cao  siêu để cảm thông với bầu không khí huyền bí, cái sức sống linh động của thần tiên bàng bạc trong đó.  Tất nhiên hang động được coi như cảnh  giới trung gian giữa trần thế và thiên đường, giữa người tục và tiên nhân, giữa hữu hạn và vô cùng. Bởi thế, thiên động chẳng những là nơi trẫy hội hành hương  của du khách thập phương, mà nó còn  là nguồn mĩ cảm tuyệt vời của văn nghệ sĩ. Người bình dân tìm  đến hang động để chiêm bái cầu nguyện, mong được thỏa mãn cái khát vọng siêu hình; trong khi đó, giới văn nghệ sĩ du lãm nơi hang động để thăng hoa tình cảm cá nhân vào cõi vô hạn, để thu hóa kinh nghiệm mĩ cảm cho việc sáng tác.
Là một nhà nho nghệ sĩ, vốn có sẵn tâm thức tổ tiên dân tộc, quê hương lại nằm trong vùng địa linh nhân kiệt với nhiều hang động nổi tiếng(4), ắt hẳn Nguyễn Huy Hổ cũng đã từng du lãm nơi các hang động để thăng hoa cảm giác mà thu hóa mĩ cảm; và mĩ cảm ấy, giờ đây, nhân lúc ngủ say đã thần hóa và biểu hiện ra động tiên trong giấc mộng của ông:

Say sưa đòi thú lân la,
Giang thành đã gióng canh gà sang tư,
Giấc hòe thiêm thiếp lần mơ,
Trong mơ mòng thấy tình cờ lạ sao:
Tưởng mình lạc lối nguồn Đào,
Khi ra động-khẩu, khi vào Bồng, Doanh.
Đòi nơi chim lá hoa cành,
Dường chiều đón rước, như tình rủ rê;
Mấy chòm len lỏi sơn khê, (5)
Dòng ngăn thú dật, vách che bụi trần. (6)
(MĐMK, câu 79 - 88)

Động tiên là như thế. Lối vào động bao giờ cũng có vách đá cao vòi vọi để ngăn cách với cõi trần, chỉ có một lối nhỏ vừa đủ cho một người len lỏi mới vào được. Khi đã lọt qua được cái cửa nhỏ ấy rồi thì bầu trời tiên cảnh mới hiện ra – như đã được diễn tả trong câu chuyện “Từ Thức Lấy Vợ Tiên” ở trên; lại như Đào Tiềm đã diễn tả về động Đào-nguyên:

“Vào khoảng triều Thái-nguyên đời Tấn(7), một ngư phủ ở huyện Vũ-lăng, một hôm nhân mải đi theo bờ suối, quên mất đường xa gần, bỗng gặp một khu rừng mọc toàn hoa đào, nằm sát bờ suối, rộng hàng mấy trăm thước, không xen lẫn một thứ cây nào khác. Cỏ thơm tươi tốt, hoa rụng hực hỡ. Ngư phủ lấy làm lạ, cứ tiến tới trước, ý muốn đi tận cùng khu rừng. Rừng đào chạy dài đến ngọn nguồn con suối mới hết, và lúc ấy thì núi hiện ra. Núi có một cửa hang thật nhỏ, bên trong có ánh sáng chiếu lờ mờ. Ngư phủ bèn rời thuyền đi vào cửa hang.  Mới đầu hang rất hẹp, lối đi chỉ vừa vặn  cho một người. Đi vài mươi bước, hang càng mở rộng và sáng sủa......” (8) (HC dịch)

Sách Ô Châu Cận Lục tả hang động đền Chân-linh cũng vậy:

“Đền ở huyện Chân-linh, châu Bố-chính. Lưng liền với núi biếc, mặt ngắm xuống duềnh xanh. Phía dưới thì nước biếc như màu chàm, phía trên thì non xanh như tấm thảm. Động có cửa vào, cửa hẹp chỉ vừa lọt một chiếc thuyền con. Càng vào trong càng thấy rộng rãi. Những du khách đi thuyền đến vãn cảnh, trước hết phải thanh tâm trì giới, thì tự khắc thấy nước lặng sóng êm, gió quang mây tạnh. Với một bó đuốc, đi men lợi nước lần vào, nghe gió thổi như đàn, động vang tựa sáo. Đi ước hơn một trăm bộ, bỗng thấy mở ra một khoảng rộng, trông thấy trời sáng trưng, mặt trời chói lọi. Cỏ đẹp mây êm, sạch lòng trần tục; hoa cười đón khách, chim hót chào người, cảnh riêng hẳn ra một bầu trời đất......” (9)

Chúng ta thấy, động tiên, từ chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, qua bài kí động Đào-nguyên, đến hang động đền Chân-linh, đều có nét đồng nhất, và đã là nguồn mĩ cảm thâm sâu trong tâm hồn thanh tao của nghệ sĩ Nguyễn Huy Hổ, để bây giờ đây, trước cảnh sơn thủy hữu tình, với một con thuyền giữa trăng nước mùa xuân, ông mê li vào cảnh vật, rồi mượn men nồng của rượu để đưa thần trí lâng lâng vào cõi mộng; đó là lúc mà mĩ cảm kinh nghiệm  tự do dẫn dắt hồn mộng đi vào động tiên. Vậy, động tiên từ bây giờ là trực giác hình tướng, là  toàn cõi ý tượng tràn ngập tâm hồn thi nhân, đưa thi nhân từ thế giới phàm trần vào thế giới thần tiên như nguồn suối trên kia đã đưa ngư phủ vào động Đào-nguyên:

Tưởng mình lạc lối nguồn Đào,
Khi ra Động-khẩu, khi vào Bồng, Doanh.
Đòi nơi chim lá hoa cành,
Dường chiều đón rước, như tình rủ rê;
Mấy chòm len lỏi sơn khê,
Dòng ngăn thú dật, vách che bụi trần.
Ruổi quanh hoa kính lần lần, (10)
Cảnh tiên riêng đợi tay thần mở mang.
Bầu trời ghẽ chiếm thanh quang, (11)
Nẻo xa trông rõ mấy trang lão tùng, (12)
Dưới tùng có gác Nghinh-phong, (13)
Cách chừng thấy những phạm cung, bảo đài.(14)
Băng chừng rảo bước tới nơi, (15)
Tường sau nghìn gốc tảo mai quanh thành; (16)
Biển đâu nét tạc rành rành,
Đề ba chữ “Thưởng Mai Đình” vàng tương.(17)
(MĐMK, câu 83 - 98)

Vậy Nguyễn Huy Hổ đã bằng trạng thái say để đi vào mộng, và bằng con đường mộng để đến cõi tiên – nhờ đã có nguồn mĩ cảm sâu đậm từ hang động. Khi mĩ cảm hang động đã tràn ngập tâm hồn thì người nghệ sĩ có thể ung dung đi vào cõi tiên, không phải bằng nhãn quan nhìn  thấy, không phải  bằng ý thức suy luận, mà chỉ thuần bằng trực giác hình tướng, bằng hồn mộng. Và giấc mộng ở đây như là đã được sửa soạn, được chuẩn bị bằng sự thanh lọc mọi dục niện trong tâm hồn, bằng sự ngao du sơn thủy để thăng hoa tình cảm cá nhân vào đại hồn vũ trụ, hòa điệu tiểu ngã hữu hạn vào đại thể vô cùng. Mộng của tác giả ở đây là loại mộng GIÁC của bậc thần tiên, chứ nào phải là thứ mộng MÊ của người phàm tục!

CHÚ THÍCH

1) Nguyễn Đăng Thục, Tư Tưởng Việt Nam (Sài-gòn: Khai Trí, 1964), trang 43-45.
2) Lược trích trong sách Tân Biên Truyền Kì Mạn Lục của Nguyễn Tự, Bùi Xuân Trang dịch (Sài-gòn: BỘ QGGD,  1962), quyển thượng, trang 189-221.
3) Nguyễn Đặng Thục, sách đã dẫn, trang 50.
4) Xin xem sách Ô Châu Cận Lục, tác giả khuyết danh, Bùi Lương dịch (Sài-gòn: Văn Hóa Á Châu, 1961).
5) Chòm: xóm nhà.
6) Thú dật: cái thú vui ẩn dật.
7) Vua Hiếu-vũ đế nhà Tấn (280-420) có hai niên hiệu: Vĩnh-khang (373-376) và Thái-nguyên (376-396).
8) Trích dịch bài “Đào Hoa Nguyên Kí” của Đào Tiềm  (sách Khảo Chính Cổ Văn Quan Chỉ, quyển III, trang 6).
9) Ô Châu Cận Lục (dã dẫn trên), trang 13-14.
10) Hoa kính: lối đi có đầy hoa.
11) Ghẽ: riêng một cõi, một mình. - Thanh quang: trong sáng.
12) Trang: bậc, hạng, tiếng gọi người với ý đề cao, tâng bốc. - Lão tùng: cây tùng sống lâu năm.
13) Nghinh phong: hứng gió.
14) Phạm cung: đền tiên, chùa Phật. - Bảo đài: lâu đài tráng lệ, sang quí.
15) Băng chừng: đi đường tắt cho gần.
16) Tảo mai: loại mai nở hoa sớm.
17) Thưởng-mai đình: nhà mát cất giữa vườn mai để thưởng thức hoa mai.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Chương 8 MỘNG VÀ SÁNG TẠO VĂN NGHỆ
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717662