Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Tác giả: Hạnh Cơ

Chúng tôi muốn đề cập đến trạng thái SAY của nghệ sĩ như là một thái độ mượn chất men để quên đi những phiền lụy, thị phi, danh lợi của cuộc đời, để tâm hồn được tẩy trần, thanh tao; nó khác với cái say của kẻ tục nhân trong trạng thái si mê cuồng loạn, hoặc đi thất tha thất thểu, hoặc nằm đầu đường xó chợ, hoặc chửi tục đập phá, hoặc ngủ mê mệt miệng nói bâng quơ nhảm nhí...

Trạng thái SAY của nghệ sĩ là một loại mĩ cảm,  một nguồn năng quan trọng giúp nghệ sĩ sáng tác, như Lâm Ngữ Đường đã từng nói:

“Tôi tuy không sành uống rượu, nhưng không thể không bàn đến vấn đề này, vì nếu so với các vật khác thì rượu giúp cho văn học rất nhiều. Cũng như một số người đã từng biết đến cái nghệ thuật hút thuốc, rượu cũng đem lại một hiệu quả là làm tăng cao nguồn năng sáng tạo của nhân loại. Cái thú uống rượu, nhất là cái thú “tiểu ẩm” mà văn học Trung-quốc thường nói đến, trước kia khi mới nghe tới, tôi vẫn cho là một điều bí mật, khó hiểu; nhưng đến khi nghe một nữ sĩ diễm lệ ở Thượng-hải, trong lúc ngà ngà say, đã hăng hái ca tụng cái mĩ đức của rượu, thì tôi mới cảm thấy rằng, cái thú uống rượu mà người ta thường diễn tả là điều chân thật. Bà ta bảo: “Trong lúc nửa say nửa tỉnh, người ta nói chuyện huyên thuyên không ngớt. Đó là lúc người ta sung sướng, thích thú nhất.” Chính trong lúc đó, họ có cảm giác dương dương đắc ý, lòng tự tin có thể vượt qua bất cứ trở lực nào, quan cảm mẫn nhuệ gia tăng; và ở giữa cái ranh giới nửa thực nửa hư, nửa say nửa tỉnh này mà khả năng sáng tạo đã đạt đến một cường độ cao hơn lúc nào hết...” (1) (HC dịch)

Nghệ sĩ nặng tình với rượu cũng sánh bằng với giai nhân. Giai nhân còn có khi bạc tình, chứ rượu  với nghệ sĩ thì gắn bó keo sơn, cho đến khi nhắm  mắt lìa đời. Bởi vậy, từ những thi hào Trung-hoa cho đến các danh sĩ Việt-nam, không ai là không thích được say.
Đào Tiềm(2) đã từng nói về tính ưa uống rượu của mình:

“Tính ông thích uống rượu, nhưng vì nhà nghèo nên không có được thường. Bạn thân biết vậy nên có lúc bày rượu mời, thì ông uống cho thực hết, đến khi say mới thôi; say rồi thì ra về, không còn lưu luyến gì nữa...”(3) (HC dịch)

Lí Bạch(4) là một nhà thơ kì tài của Trung-hoa, tính lại càng thích rượu; và uống rượu càng say thì thơ càng hay tuyệt. Vì vậy người đương thời thường gọi ông là Tửu Trung Tiên. Rất nhiều giai thoại được viết về cái nết say của ông:
- Một hôm Lí Bạch đang say, vua  triệu vào bảo thảo tờ biểu “xuất sư” (ra quân dẹp giặc), ông không thảo mà viết ngay thành bài biểu.
- Có lần đang tại chức hàn lâm, Lí Bạch uống  rượu quá say, nhà vua phải sai cận vệ phun nước vào mặt cho tỉnh lại để soạn nhạc từ. Ông tỉnh lại liền cầm bút viết luôn mười chương không cần suy nghĩ.
- Có lần vua Đường Minh Hoàng cùng Dương  Quí Phi đi dạo thưởng hoa. Để làm vui lòng Quí Phi, vua  cho vời Lí Bạch đến làm tân từ cho nhạc.  Lúc đó Lí đang say túy lúy, nhưng vừa nghe lệnh liền viết luôn một mạch ba bài “Thanh Bình Điệu”.
- Và ngay cả câu chuyện về cái chết của ông  cũng vẫn không rời khỏi cái nết say. Tương truyền, một đêm trăng sáng, ông bơi thuyền trên sông  Thái-thạch, khi đã uống rượu quá say, ông nhìn xuống sông thấy vầng trăng in đáy nước đẹp quá, bèn nhảy xuống ôm lấy vầng trăng, liền bị đắm và chết đuối!...
Cái nết say quả đã làm vinh dự cho bậc thiên  tài. Nhưng nghệ sĩ say không cứ gì  phải say rượu, mà còn say cờ, say thơ, say đàn. Bốn thú vui “cầm, kì, thi, tửu” đeo dính với nghệ sĩ như hình với bóng:

Cầm kì thi tửu
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà
Thú xuất trần tiên vẫn là ta
......
Nguyễn Công Trứ
(Cầm Kì Thi Tửu)

Vậy thì cách thức say của thi nhân là đắm mình  vào những cuộc tiêu sái để gạn lọc cho sạch thất tình lục dục, làm cho tâm hồn trở nên thư thái nhẹ nhàng, vượt lên trên thời không, chỉ còn có thuần túy mĩ cảm làm nguồn năng sáng tạo. Cho nên đã là nghệ sĩ thì không ai là không thích say, và nhiều lúc còn lấy cái say làm cái ngông nghênh đắc ý  của đời mình. Phạm Thái (1777-1813) vì thất chí  với hoài bão cần vương, lại thất tình với Trương Quỳnh Như(5), liền chỉ biết lấy say sưa làm sinh thú:

Sống ở dương gian đánh chén nhè
Chết về âm phủ cắp kè kè
Diêm vương phán hỏi rằng: – Chi đó?
– Be!
Phạm Thái

Trần Tế Xương (1870-1906)(6) thì thú nhận một cách đáng yêu:

Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
......

Nguyễn Khuyến (1835-1909) thì bướng bỉnh rất lí thú:

Những lúc say sưa cũng muốn chừa
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa
Hay ưa nên nỗi không chừa được
Chừa được rồi ra cũng chẳng chừa

Và đến như Tản Đà (1888-1939) thì cái nết say  quả thật ngông cuồng không thua gì Lí Bạch:

Say sưa nghĩ cũng hư đời
Hư thời hư vậy, say thì cứ say
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười!
Say chẳng biết phen này là mấy
Nhìn non xanh chẳng thấy lại say
Quái! Say sao say mãi thế này?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh
......

Nghệ sĩ say là thế, nhưng say là say trong tỉnh, mà tỉnh là tỉnh trong say. Cho nên thi nhân uống rượu, không uống nơi trà đình tửu quán đến nỗi say cuồng mất trí, làm mất cả nhân cách, mà thường tìm thú vui “đối ẩm” với bạn tri âm, hoặc với bạn tùng, cúc... ở sân nhà, hay “tiểu  ẩm” trên sông nước, trong ngọn gió hây hây mát mẻ, dưới vầng trăng sáng mông lung; và rượu của họ đã trở thành “rượu thánh”:

Cao sơn lưu thủy thi thiên trục
(núi cao, nước chảy, ngàn cuộn thơ)
Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền
(trăng sáng, gió mát, một thuyền đầy rượu)
Dang tay người tài tử khách thiền quyên
Chén rượu thánh câu thơ thần thích chí.
Cao Bá Quát

Những điều dẫn chứng trên đây đã cho chúng ta thấy rằng, SAY xưa nay vẫn là nết chung của nghệ sĩ, là một yếu tố quan trọng tác động tâm lí khi nghệ sĩ sáng tác. Chính ở trong trạng thái như-say-như-tỉnh con người mới thấy cao hứng, bao nhiêu cái rụt rè, gò bó, mặc cảm dồn ép của thế sự mới bị tiêu trừ; lúc đó tâm hồn mới được hoàn toàn sảng khoái tự do, tình cảm trở nên vừa bồng bột vừa  thâm trầm; và trước cảnh đẹp thiên nhiên, cảm quan nghệ sĩ càng tỏa rộng, tiểu ngã hòa nhập hoàn toàn vào đại hồn vũ trụ. Đó chính là không khí mầu nhiệm bao quanh người nghệ sĩ Nguyễn Huy Hổ khi ngao du trong khoảng núi cao sông rộng, một con thuyền bềnh bồng trên nước dưới trăng, uống rượu tìm quên phiền lụy, thanh tao hóa tâm hồn để cho cảm hứng được thần hóa, nào có thua gì cuộc đi chơi trên sông Xích-bích của Tô Đông Pha:

Nài xuân chén những kèo mau,
Tưởng duyên kì ngộ, ngâm câu Vị-đường,
Này này quế trạo lan tương,
Ví đua Xích-bích, chi nhường Đông Pha.
(MĐMK, câu 75 - 78)

Trong khi tác giả chuếnh choáng hơi men, thần  trí lâng lâng nửa say nửa tỉnh, thì bầu trời hoa cỏ chung quanh cũng đã cùng cảm thông với tác giả  mà trở nên lâng lâng nửa tỉnh nửa say; rồi từ đó khởi lên niềm ao ước một mối duyên kì ngộ trong giấc mộng tình:
Một trời hoa cỏ lâng lâng,
Mơ màng mưa Sở, gió Đằng đâu đây.
Chiều xuân chuốc chén vơi đầy,
Thử xem người tỉnh người say mới là...
(MĐMK, câu 43 - 46)
Và chúng ta thấy rõ ràng là, chính nhờ trạng thái say thanh cao, say thoát tục ấy mà Nguyễn Huy Hổ đã có thể du hồn vào một giấc mơ thanh kì của kẻ tìm đến non tiên:

Say sưa đòi thú lân la,
Giang thành đã gióng canh gà sang tư. (7)
Giấc hòe thiêm thiếp lần mơ. (8)
Trong mơ mòng thấy tình cờ lạ sao:
Tưởng mình lạc lối nguồn đào, (9)
Khi ra Động-khẩu, khi vào Bồng, Doanh. (10)
(MĐMK, câu 79 - 84)

Đến như, khi viết lại câu chuyện mình, tác giả  cũng không phải ngồi tỉnh trí để vận dụng kí ức  như viết một bài kí sự khô khan, mà tác giả vẫn dùng rượu để nương theo cái chuếnh choáng hơi men làm tăng thêm cảm hứng sáng tác:

Chuyện xưa còn có sá chi,
Đêm thanh vui chén muốn ghi nỗi mình.
(MĐMK, câu 11 - 12)

Vậy thì tự cổ chí kim, SAY vẫn là một trạng  thái quan yếu của nghệ sĩ. Vai trò của lí trí sẽ bị lu mờ trong khi say, cho nên nghệ sĩ sẽ không sống bằng suy luận, bằng đắn đo lợi hại thiệt hơn, mà tâm hồn chỉ tràn đầy tình cảm. Lúc say là lúc con người thành thật với mình nhất. Lòng thành thật thì dễ rung cảm, và nhờ vậy mà nguồn mĩ cảm sáng tạo đã trở nên phong phú dồi dào.

CHÚ THÍCH
1) Trích dịch từ sách Sinh Hoạt Đích Nghệ Thuật của Lâm Ngữ Đường (nguyên tác Anh ngữ: The Importance of Living), bản dịch Hoa ngữ của Việt Duệ (Hương-cảng: Dân Sinh thư cục, 1951), trang 264.
2) Đào Tiềm (365-427) còn có tên là Uyên Minh, tự là Nguyên Lượng, quê ở Giang-tây. Ông là người thông minh, học rộng, nhưng gặp thời loạn lạc nên dù có hoài bão lớn, ông cũng đành dẹp bỏ thế sự để sống an vui với thiên nhiên và thơ, rượu.
3) Trích dịch bài “Ngũ Liễu Tiên Sinh Truyện” của Đào Tiềm, sách Khảo Chính Cổ Văn Quan Chỉ (đã dẫn ở chương  trước), quyển III, trang 10.
4) Lí Bạch (701-762) tự là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên. Ông là người thông minh dĩnh ngộ, từng được vua Đường Minh Hoàng (713-756) trọng dụng, phong chức hàn lâm. Ông được người đời kính trọng như một vị thánh thơ đời Đường (618-907), và là một đại thi hào Trung-quốc.
5) Phạm Thái - Trương Quỳnh Như: Phạm Thái người xã Yên-thưởng, phủ Từ-sơn, tỉnh Bắc-ninh. Ông thuộc dòng dõi quan nhà Lê nên mưu toan chống lại Tây Sơn để khôi phục nhà Lê. Việc bại lộ, bị truy nã gắt gao, ông phải cải trang làm nhà sư ẩn lánh ở trong chùa, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Nhưng chỉ được ít lâu, ông lại hoàn tục để tiếp tục chí hướng cũ, khởi binh chống Tây Sơn. Việc lại thất bại. Trong thời gian bôn ba binh nghiệp, ông có người yêu là Trương Quỳnh Như, nhưng cuộc hôn nhân cũng không thành, khiến Quỳnh Như đau buồn, sinh bệnh mà chết. Vừa thất chí lại vừa thất tình, quá đau buồn và chán nản, ông quay sang làm bạn với rượu, tự hiệu là Chiêu Lì. Ông mất khi mới 37 tuổi.
6) Trần Tế Xương: cũng có tên là Trần Kế Xương, tự Tử Thịnh, hiệu Vị Thành, người làng Vị-xuyên, huyện Mĩ-lộc,  tỉnh Nam-định. Ông là người thông minh, văn hay chữ tốt, cầm kì thi họa đều giỏi, nhưng tính tình ngông nghênh, bướng bỉnh, không chịu bị gò bó, câu thúc, cho nên từ sau khi thi đỗ tú tài năm 1894, những khóa thi kế tiếp ông cứ bị đánh rớt hoài vì vi phạm trường qui. Nhà nghèo lại thi rớt mãi, ông đâm ra hận đời, khiến cho lời thơ luôn luôn có giọng cay chua. Đã thế, ông còn mang niềm u uất của người dân mất  nước (vì đang là  thời Pháp-thuộc), nên thơ  của ông đầy giọng châm biếm thế tình và ẩn chứa tình yêu nước sâu xa.
7) Giang thành: thành ở bờ sông. - Gióng: điểm, đánh mạnh cho kêu to. - Canh gà: ngày xưa khi chưa có đồng hồ, người dân quê thường nghe tiếng gà gáy ban đêm để độ  chừng giờ giấc. (Ban đêm được chia làm năm canh, mỗi canh dài bằng hai giờ ngày nay: canh một: từ 7 giờ tối  đến 9 giờ đêm; canh hai: từ 9  đến 11 giờ đêm; canh ba [giờ Tí, nửa đêm]: từ 11 giờ  đêm đến 1 giờ khuya; canh tư: từ 1 đến 3 giờ khuya; canh năm: từ 3 giờ khuya đến 5 giờ sáng.)
8) Giấc hòe (hay giấc Nam-kha): mơ ước hão huyền. Thuần Vu Phần nằm ngủ dưới gốc cây hòe, bên cạnh có ổ kiến, chiêm bao thấy mình đến nước Hòe-an, được vua gả  cho công chúa và phong làm thái thú quận Nam-kha. Sau  đánh giặc thua, bị vua đuổi về, tức giận quá, bèn giật mình thức dậy, mới hay chỉ là một giấc chiêm bao!
9) Nguồn đào: tức Đào-nguyên. (Xin xem lại chú thích số  28, chữ “Lá Đào”, chương 4.)
10) Động khẩu: cửa vào động tiên. - Bồng, Doanh:  Bồng-lai và Doanh-châu, tương truyền đó là hai hòn đảo ở trong biển Bột-hải (vùng biển giữa hai bán đảo Liêu-đông và Sơn-đông, Trung-quốc), nơi đó có tiên ở, loài vật toàn sắc trắng, cung điện toàn bằng châu báu.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
Chương 8 MỘNG VÀ SÁNG TẠO VĂN NGHỆ
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717809