Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Tác giả: Hạnh Cơ

Nếu cái bầu khí huyền diệu, tĩnh mịch của ban đêm đã du hồn nghệ sĩ vào cõi thâm sâu vô tận trong lòng vũ trụ, thì cái cảnh sắc rực rỡ muôn màu, cái dáng vẻ hùng vĩ lẫm liệt của thiên nhiên lúc ban ngày sẽ dẫn cảm quan nghệ sĩ đi vào chiều  rộng bao la của trời đất. Vũ trụ mênh mông, dễ ai  có thể đi cùng khắp để biết rằng trời đất là một hòa điệu đại đồng! Duy có nghệ sĩ, dù bước chân không trải khắp không gian, nhưng chỉ một tâm hồn vô tư, vô dục, là có thể hòa nhập vào với vũ trụ đại đồng. Giữa con người và vũ trụ có điểm  cộng thông, giữa NGÃ và VẬT có mối liên hệ “đồng đồng vãng lai”, như Trang Tử(1) đã nói: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, vạn vật dữ ngã vi nhất.”(2) (Trời đất với ta cùng tồn tại, muôn vật với ta là một thể đồng nhất.)
Và từ ý nghĩa đó, Trang Tử đã thuật câu chuyện ngụ ngôn như sau:

“Trang Tử cùng Huệ Tử đứng chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói:
– Đàn cá bạc đang bơi lội thung dung, đó là vì cá vui vẻ vậy.
Huệ Tử hỏi:
– Ông không phải là cá, làm sao biết được cá vui?
Trang Tử hỏi lại:
– Ông không phải là tôi thì làm sao ông biết được tôi không biết cá vui?
Huệ Tử trả lời:
– Tôi không phải là ông, cố nhiên tôi không  thể biết được tâm ông. Cũng vậy, ông không phải là cá, tất nhiên ông không thể biết được cái vui của cá. Thực không còn nghi ngờ gì nữa!
Trang Tử nói:
– Chúng ta hãy trở lại từ đầu câu chuyện! Ông đã hỏi tôi làm sao biết được cá vui.  Nếu tìm bản ý của câu hỏi ấy thì rõ là ông đã biết rằng tôi có biết cái vui của cá, rồi ông mới lại hỏi tôi để biết rằng do đâu mà tôi biết được cá vui; thì đây, tôi  xin trả lời: chính lúc tôi đứng chơi trên cầu sông Hào mà biết được vậy.”(3) (HC dịch)

Trong câu chuyện ngụ ngôn trên, Trang Tử  muốn nói: Ta đi chơi trên cầu sông Hào mà lòng thấy vui vẻ thì ắt hẳn rằng đàn cá lội tung tăng ở  dưới nước kia cũng đang vui vẻ như ta; – nghĩa là Trang Tử tin rằng, không có sự phân biệt giữa vật và ngã (vật ngã đồng nhất), tương tự như ý nghĩa mấy câu thơ sau đây của Tản Đà:

Người đâu cũng giống đa tình,
Ngỡ là ai, lại là mình với ta.
Mình với ta, dẫu hai nhưng một;
Ta với mình, sao một mà hai?
(Nói Chuyện Với Ảnh)

Dù mỗi cá nhân chỉ tự biết mình trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng giữa ta với người, giữa ta với vật vốn có điểm cộng đồng, cho nên ta  mới dùng những kinh nghiệm của chính bản thân để cảm thông với người và vật. Nếu Trang Tử chỉ là Trang Tử, cá chỉ là cá, cũng như nếu người chỉ là người mà vật chỉ là vật, hoàn toàn cách biệt, không có một điểm tương thông, thì vũ trụ này chỉ là một mớ hỗn độn gồm vô số thế giới độc lập, cô đơn; còn đâu là điều lí tương sinh, còn đâu là hòa điệu đại đồng, còn đâu là trần ai tri kỉ! Cho nên nghệ sĩ chân chính là hạng người hơn ai hết đã đạt được cái tâm hồn hòa điệu đó; – và cái tâm hồn hòa điệu đó chính là mĩ cảm kinh nghiệm, là  tác dụng di tình của tâm lí nghệ sĩ. Một khi mĩ cảm  kinh nghiệm được phát triển đến mức tuyệt diệu, viên mãn, thì vũ trụ gồm chứa trọn vẹn trong tâm hồn ta; vạn vật và ta không ngoài nhau mà có. Đó là ý nghĩa của một giai thoại sau đây về Bá Nha(4),  đã được một văn hào Nhật-bản, ông Okakura Kakuzo, viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông: The Book Of Tea:

“Ngày xưa trong rừng núi Long-môn có một cây ngô-đồng đứng sừng sững như một ông vua rừng vậy. Nó ngửng đầu lên nói chuyện với tinh tú; rễ đâm sâu xuống dưới âm ti, cuốn trộn lẫn lộn với tóc rồng bạc ngủ bên trong lòng đất. Chợt có một đạo sĩ cao cường đi qua chặt lấy cây ấy làm thành cây đàn kì lạ, mà bản tính chỉ phải nhạc sư cao tay mới làm chủ nổi. Từ lâu cây đàn được giấu kín trong kho tàng nhà vua, mọi người lần lượt hết sức thử gẩy mà hoàn toàn không thành điệu. Nó chỉ đáp lên bằng những âm thanh khinh bỉ xé tai, không hòa nhịp với những lời ca người ta mơ tưởng hát lên. Cây đàn không nhận họ là chủ của nó.
Sau cùng đến Bá Nha, ông vua đàn danh tiếng, với ngón tay nhẹ nhàng, y vuốt ve cây đàn như vuốt ve con ngựa bất kham, rồi nhẹ nhàng chạm vào dây đàn. Ông ca hát trời đất bốn mùa, cao sơn, lưu thủy, và bấy giờ tất cả tiềm thức của cây ngô-đồng tỉnh dậy. Gió xuân lại hiu hiu đùa cợt trong cành lá. Dòng thác đổ xuống sườn núi như cười vui với cỏ hoa. Kế đến tiếng nói mơ màng của mùa hạ nổi lên với tất cả côn trùng, tiếng rì rào ngọt ngào của hạt mưa sa, giọng thở than của con chim gáy. Kìa tiếng hổ gầm, tiếng vọng lại của hang núi. Đây đến mùa thu, trong đêm thu vắng vẻ, ánh trăng thu sắc như gươm, lóng lánh trên ngọn cỏ đọng sương. Rồi thì mùa đông dưới màn tuyết phủ  đầy trời, bầy thiên nga lượn múa với những hạt mưa đá đập lạch tạch vào cành khô với sự thích thú kiêu căng.
Rồi Bá Nha đổi điệu và hát khúc hát tình yêu. Rừng cây rung động như một tình nhân ngây ngất mơ màng. Trên cao, một đám mây nổi sáng đẹp như một thiếu nữ kiêu hãnh lướt qua để lại đàng sau hình bóng lê thê dưới mặt đất, đen ngòm thất vọng. Rồi điệu đàn lại chuyển biến, Ba Nha gẩy lên điệu chiến tranh, tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. Và trên dây đàn nổi lên bão tố Long-môn, rồng bay chớp bể, tuyết đổ núi băng.
Thích thú cực độ, nhà vua hỏi Bá Nha ở đâu có cái bí quyết của sự thành công như thế. Bá Nha liền thưa: Tâu bệ hạ, kẻ khác thất bại vì họ ca cái mình họ, còn hạ thần phó mặc cho cây đàn chọn lấy điệu hát của nó, không còn biết thật có phải cây đàn đã biến thành Bá Nha hay Bá Nha biến ra cây đàn.”(5)

Đó là nguồn năng sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ chân tài, đã phát huy tận cùng mĩ cảm kinh nghiệm. Do đó mà các nghệ sĩ Đạo gia đều khẳng định rằng tất cả những tác phẩm của họ đều là kết quả của trực giác thuần túy; và họ đã truyền quan điểm mĩ học cho nhau từ đời nọ sang đời kia như một cái gì hết sức thần bí.
Đến như nghệ sĩ nước ta, từ các thiền sư, đạo sĩ các đời Lí, Trần đến Lê, Nguyễn, cũng cùng  trong cái tâm hồn hòa điệu “vật ngã đồng nhất” đó mà tạo ra những sáng tác bất hủ. Và nguồn mĩ cảm ấy cũng đã là nguồn sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Huy Hổ ở đây:

Dã men, vừa sánh giọng trà,(6)
Nhà lan treo tháp, doành la xuống thuyền.(7)
Gió xuân rút cánh buồm duyên,
Thiều quang chín chục, vân yên một chèo.(8)
Bến tình nhẹ nhổ con neo,
Đầu mui yến vấn, mạn chèo oanh đưa.(9)
Thảnh thơi bầu rượu túi thơ,
Ngón cầm khiển hứng, nước cờ giải mê.
Não nùng vượn suối hoa khe,
Với người dường có vả vê chữ tình.(10)
(MĐMK, câu 47 - 56)

Thuyền tác giả ngược dòng sông Lam vào buổi  sáng mùa xuân. Giữa cảnh trời nước mênh mông,  khí xuân ấm áp, gió xuân  phơi phới, chung quanh  nào én, nào oanh, nào hoa, nào vượn..., tác giả đã hoàn toàn đắm mình trong mĩ cảm, mê li vào cảnh giới thoát trần. Tác giả yêu cảnh, yêu vật; mà cảnh và vật đối với tác giả cũng tỏ tình quyến luyến đậm đà. Thích thú của tác giả cùng với én, oanh, hoa, vượn... gặp gỡ cảm sinh; tình người, tình vật “đồng đồng vãng lai”.

Phong quang tám bức vén tranh:(11)
Bình non mượn khắm, gương doành lét tô;(12)
Bến Nam liễu bá con đò;(13)
Mảnh mây viễn phố; cánh cò hàn sa;(14)
Ngàn Đông khói lẫn lạc hà;(15)
Giọt mưa cổ thụ, tiếng gà cô thôn;(16)
Vó câu pha gió nhẹ bon;(17)
Bên lầu Bắc hỏi hoàng hôn địch nào.(18)
Trời Tây bóng hạc non sào,(19)
Đường rêu khách quạnh ruổi vào Thiên-thai.(20)
(MĐMK, câu 57 - 66)

Nhìn lên núi cao thì cây cối um tùm, và trông  núi như một chiếc độc bình vĩ đại, có thể cắm hết cả cây rừng tươi tốt; ngó xuống dòng sông thì mặt nước trong xanh phẳng lì như chiếc gương to lớn có thể soi cả bầu trời. Trải mắt rộng ra bốn phương, phong cảnh bày ra như những bức tranh sơn thủy. Đây không phải là những cảnh ước lệ do tác giả bắt chước theo “Tiêu Tương Bát Cảnh" của người danh họa Trung-hoa để tả cảnh Việt-nam, nhưng  thật ra, đó chính là kinh nghiệm mĩ cảm của tác  giả. Tám cảnh vùng Tiêu-Tương (Trung-hoa) quả là bức tranh tuyệt đẹp mà nghệ sĩ khi quan thưởng đã mê li vào đó để thu hóa thành hình tướng cho trực giác; mà khi nó đã là hình tướng của trực giác  thì cảnh đạp đâu còn là của Tàu, của Tây, hay của Việt-nam! Và chính trong khi ngắm cảnh sắc chung quanh vùng sông Lam, Nguyễn Huy Hổ cũng đã thoát ra ngoài những khái niệm về phạm vi, ranh giới; trong phút định thần, nghệ sĩ chỉ có mỗi ý tượng của cảnh đẹp đã thâm nhập tràn đầy mĩ cảm; và các bức tranh kia đã được diễn tả như một nét tượng trưng cho hình tướng trực giác của mình. Cho nên tiếp theo đó, tác giả lại diễn tả đến  bốn hoạt cảnh ngư, tiều, canh, mục nơi chốn lâm tuyền, cũng là để nói lên cái nếp sống an nhàn, cái thú vị ẩn dật của kẻ đạt quan mà hiện tại tác giả đang sống vô cùng thích thú:

No xem góc bể chân trời,(21)
Một xuân biết mấy mươi nơi dập dìu.
Đòi nơi giốc mục, ca tiều,(22)
Cần hôm mấy cán, tơi chiều nửa manh.(23)
Thảnh thơi gió mát trăng thanh,
Nào đầm Đồng-lại, nọ ghềnh Bàn-khê.(24)
(MĐMK, câu 67 - 72)

Cái thích thú ngao du sơn thủy là cái thích thú  thanh cao của người nghệ sĩ chân chính, khác với những khoái cảm dục vọng của tục nhân. Cho nên trong lúc thuyền bồng bềnh giữa “phong quang tám bức vén tranh” mà Nguyễn Huy Hổ tưởng như mình chính là Lưu Thần, Nguyễn Triệu đang lạc lối vào cõi Thiên-thai; đang khi say sưa trong  thú vui ẩn dật mà tưởng mình như Nghiêm Tử Lăng(25) đang ngồi câu cá nơi đầm Đồng-lại, hay Khương Tử Nha(26) ôm cần đợi cá nơi ghềnh Bàn-khê.
Lúc này trời đã vào đêm. Trăng mười-sáu lên rất sớm, tròn đầy sáng rỡ. Và giữa cảnh trời trăng sông núi ấy, cái thích thú của tác giả có khác nào cái thích thú của Tô Đông Pha(27) bơi thuyền dạo chơi trên sông Xích-bích(28) ngày nào...

Mảng vui sào cạy mái phê, (29)
Doành Ngân bóng thỏ đã xê ngang đầu. (30)
Nài xuân chén những kèo mau, (31)
Tưởng duyên kì ngộ ngâm câu Vị-đường. (32)
Này này quế trạo lan tương, (33)
Ví đua Xích-bích chi nhường Đông-Pha.
(MĐMK, câu 73 - 78)

Ngày xưa Tô Đông Pha cũng từng bơi thuyền trên sông rộng giữa một đêm trăng. Trước cảnh đẹp thiên nhiên có trăng sáng trên đầu, núi cao hùng vĩ trước mắt, với con thuyền bềnh bồng trên  mặt nước lóng lánh phản chiếu ánh trăng, người nghệ sĩ họ Tô đã cảm xúc bồi hồi, để rồi sáng tác nên bài phú “Tiền Xích Bích”, và chính nó đã ảnh  hưởng đến nguồn mĩ cảm của  Nguyễn Huy Hổ lúc này thật sâu đậm. Nhân tiện, chúng tôi xin dịch bài ấy ra đây để chúng ta cùng thưởng thức, hầu có thể cảm thông được với mối xúc cảm của người nghệ sĩ Nguyễn Huy Hổ độ nào trên sông nước Lam-giang:

Ngày Rằm tháng Bảy mùa thu năm Nhâm-Tuất(34), tôi cùng với bạn chèo thuyền dạo chơi ở chân núi Xích-bích. Gió mát thổi nhẹ, mặt sông phẳng lì, cầm chén rượu mời ạn cùng uống, ngâm bài thơ “Minh Nguyệt”, và  hát chương “Yểu Điệu”(35). Một lát sau,  trăng mọc trên đỉnh núi phía Đông, đi lững  thững trong khoảng giữa sao Ngưu, sao  Đẩu. Sương tỏa mặt sông, ánh sáng phản chiếu từ mặt nước trông như tiếp với bầu trời. Lúc đó, mặc tình cho chiếc thuyền con muốn đi đâu thì đi, bồng bềnh trên mặt nước mênh mông, lồng lộng như cưỡi gió nương mây, nào biết đâu là nơi sẽ đến; hớn hở như người quên đời chỉ sống một mình, như mọc cánh mà bay lên tiên. Vì thế mà uống rượu vui  lắm, rồi gõ vào mạn thuyền mà hát. Hát rằng:
Bềnh bồng thuyền quế chèo lan,
Mặt sông lấp lánh, ánh trăng lưng trời.
Nhớ nhung lòng những bồi hồi,
Ngóng trông người đẹp phương trời xa xăm.
Bạn biết thổi sáo, bèn theo lời ca của tôi mà hòa điệu. Tiếng nghe não nùng như sầu  như thảm, rên rỉ như khóc như than; dư âm lanh lảnh, nghe nhỏ như sợi tơ chưa đứt, làm khích động con giao long đang nằm trong hang tối cũng phải múa may, mà người thiếu phụ thủ tiết ở một chiếc thuyền cô quạnh đâu đây cũng phải sụt sùi vì xúc động.
Tôi rầu rầu nét mặt, sửa lại vạt áo, ngồi ngay ngắn và hỏi bạn rằng:
– Vì sao lại có tiếng não nùng đến thế?
Bạn đáp:
– Câu “Trăng sáng sao thưa, quạ bay về Nam”, há chẳng phải là thơ của Tào Mạnh Đức(36) ư? Nhìn về Hạ-khẩu ở phía Tây, trông sang Vũ-xương ở phía Đông, sông núi uốn khúc quấn lấy nhau, cây cối um tùm, đó chẳng phải là nơi Tào Mạnh Đức bị khốn bởi Chu Du ư? Vừa khi phá đất Kinh-châu, xuống thành Giang-lăng, rồi thuận dòng tiến sang mặt Đông, chiến thuyền liền nhau hàng vạn dặm, cờ xí rợp trời, Tào Mạnh Đức đứng trên mặt sông, tay nâng cao chén rượu, tay cầm ngang ngọn giáo mà ngâm lên câu  thơ; thực là bậc anh hùng một thời, mà nay thì ở đâu! Huống chi tôi với bác đánh cá kiếm củi ở trên bến sông này, kết bạn cùng tôm cá, vui chơi với hươu nai, bơi một chiếc thuyền con, mời nhau chén rượu, gửi thân phù du ở trong trời đất, xem ta nhỏ nhặt như một hạt thóc ở trong bể xanh; cảm thương cho kiếp sống ngắn ngủi của ta mà mến mộ con sông Trường-giang(37) dài vô cùng; những muốn được cùng tiên bay đi rong chơi sung sướng, ôm trăng sáng mà sống trọn đời, nhưng tôi biết không thể trong phút chốc mà đạt được sở nguyện, cho nên đành gửi tiếng lòng trong cơn gió thoảng!
Tôi nói:
– Thế bác có biết nước và trăng không? Nước chảy thế kia mà chưa từng đi bao giờ, mặt trăng khi tròn khi khuyết nhưng chưa có lúc nào thêm bớt; bởi vì, nếu ta lấy cái tâm biến đổi mà nhìn thì thực tại vũ trụ chẳng qua chỉ ở trong một cái chớp mắt, và nếu lấy cái tâm không biến đổi mà nhìn thì muôn vật  cùng với ta đều không bao giờ cùng tận. Như vậy thì có gì để bác phải bận tâm! Vả lại, trong trời đất, mỗi vật đều có chủ, nếu không phải là của ta thì dù chỉ là vật nhỏ như sợi lông, ta cũng không lấy. Chỉ có gió mát trên sông, trăng sáng đầu núi, tai nghe  nên tiếng, mắt thấy nên hình, lấy không ai ngăn cấm, dùng không bao giờ hết; đó mới thật là cái kho vô tận của tạo hóa, mà cũng là cái thú vui chung của bác với tôi.
Bạn nghe vậy vui cười thích thú, lại tiếp tục uống rượu. Khi thức ăn đã hết, chén bát bỏ  ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ trong thuyền, phương Đông đã sáng bạch lúc nào không biết!(38) (HC dịch)

Xưa kia Tào Tháo đóng quân trên sông Xích-bích, giữa cảnh trời trăng sông núi, bất giác tâm  hồn phiêu diêu trước cảnh đẹp, liền uống rượu cho  say, rồi cầm ngang ngọn giáo đứng ở mũi thuyền mà ngâm thơ; ai dám bảo là trong con người vị võ tướng kia không có tâm hồn nghệ sĩ! Và chính trong cái phút định thần đó, Tào Tháo vì đã mê li vào cảnh đẹp, quên mình vào thiên nhiên, đâu còn nhớ đến lục thao tam lược là gì, cũng đâu còn nghĩ  đến kẻ địch đang rình rập chờ thời cơ đánh úp! – Và có lẽ vì vậy mà cả đạo thủy quân với hàng vạn chiến thuyền của ông đã phải tan tành nơi sông Xích-bích do trận hỏa công của bộ tham mưu Gia Cát Lượng và Chu Du chăng? Biết đâu được!
Tâm hồn nghệ sĩ dễ cảm thông nhau. Vì vậy mà Tô Đông Pha đã vô cùng cảm khái với trạng thái  xuất thần lúc bấy giờ của Tào Mạnh Đức, đã kéo núi sông Xích-bích có dấu vết của Tào ở Gia-ngư đến giao lưu, nhập một với núi sông Xích-bích Hoàng-châu mà mình đang thả thuyền rong chơi trên đó. Và cũng với mĩ cảm trước núi cao trăng  sáng, gió mát sông dài, Tô Đông Pha đã hứng khởi làm nên bài phú vừa uy nghi hào hùng, vừa mơ màng huyền ảo. Rồi ở nơi đây, cũng cùng trong mĩ cảm đó, Nguyễn Huy Hổ đã bắt gặp Tô Tử trên dòng sông Lam ở cõi trời Nam xa hàng vạn dặm và  cách nhau hàng tám thế kỉ về sau...


CHÚ THÍCH

1) Trang Tử: tên là Trang Chu, người nước Tống, sống trong khoảng 370-298 tr. TL (cùng thời với Mạnh Tử). Ông là một triết gia nổi tiếng thời Chiến-quốc (403-221 tr, TL). Tư tưởng của ông liên quan mật thiết với tư tưởng của Lão Tử (sống vào khoảng 570-490 tr. TL), cho nên từ cuối đời nhà Hán (202 tr. TL - 220 s, TL), danh từ kép “LÃO-TRANG” đã được thông dụng trong giới học giả Trung-quốc. Bộ Đạo Đức Kinh của Lão Tử và bộ Nam Hoa Kinh của Trang Tử được coi là những bộ sách chủ yếu của Đạo gia.
2) Sách Trang Tử, thiên “Tề Vật Luận”.
3) Trích dịch từ sách Trang Tử, thiên “Thu Thủy”.
4) Bá Nha: người nước Tống, thời Xuân-thu (770-476 tr. TL), làm quan đến chức thượng đại phu. Ông có tài gảy đàn xuất chúng, thường phàn nàn trong thiên hạ chưa có ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một đêm kia, khi đi sứ nước Sở trở về, gặp đêm trăng sáng, ông cho quân kéo thuyền vào bờ sông Hàm-dương nghỉ ngơi, rồi lấy đàn ra gảy. Nhân đó ông được gặp Tử Kì, một người dân quê địa phương, trẻ tuổi, nghèo khổ, nhưng biết thưởng thức tiếng đàn tuyệt diệu của ông. Chẳng những biết thưởng thức, Tử Kì còn thấu rõ cả nội tâm của ông trong lúc gảy đàn. Ông khâm phục và quí mến vô cùng, bèn cùng Tử Kì kết làm bạn tri âm. Sau đêm đó hai người chia tay, hẹn năm sau sẽ gặp lại. Đúng một năm sau, ông trở lại chỗ cũ thì mới hay Tử Kì đã chết rồi! Ông tìm đến mộ bạn, bày đồ tế lễ, khóc thương thảm thiết, rồi lấy đàn ra gảy bản ai điếu thật bi thương; và đó cũng là lần gảy đàn cuối cùng của đời ông, vì sau đó ông đã đập bể cây đàn, thề trọn đời không gảy đàn nữa, vì bạn tri âm đã không còn!
5) Trích bài dịch của giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong Lịch Sử Triết Học Đông Phương, tập V (Sài-gòn: Bộ Quốc  Gia Giáo Dục, 1964), trang 79-80.
6) Dã men: tan hết chất rượu trong người. - Sánh: hết cạn, không còn một giọt. - Giọng trà: vị trà. – Cả câu ý nói: đã tỉnh rượu và cũng vừa uống xong tách trà.
7) Nhà lan: nhà trồng lan; lời đẹp để chỉ cho nhà bà con hoặc bạn thân. - Treo  tháp: treo giường lên, ý nói  giường không dùng thì treo lên để cất, khi nào có khách đến thì lại bỏ xuống cho khách nằm. Vậy, “treo tháp” ở đây có nghĩa là tiễn khách ra đi. - Doành la: mặt sông phẳng lì như tấm lụa.
8) Thiều quang: ánh sáng đẹp của mùa xuân. Thiều quang chín chục: 3 tháng xuân. - Vân yên: mây khói, ý nói đi xa.
9) Mai: mui thuyền. - Yến vấn: chim én bay quấn quít như chào hỏi. - Oanh đưa: chim oanh đưa tiễn. Yến oanh là những giống chim của mùa xuân. Câu này ý nói chim bay lượn quanh thuyền.
10) Vả vê: thích, muốn, quyến luyến.
11) Phong quang: ánh sáng của gió. Gió vốn không có ánh sáng, nhưng cành lá cỏ cây thì có ánh sáng mặt trời chiếu rọi, gió thổi qua làm mọi thứ rung động, lung linh, cứ tưởnh như là chính gió có ánh sáng. Câu này có nghĩa là phong cảnh chung quanh đẹp như tám bức tranh. Tương truyền, Tống Địch (Trung-hoa) là một họa sĩ đại tài, nổi tiếng nhất có bộ tranh sơn thủy gồm tám bức, vẽ  tám  cảnh  đẹp ở miền sông Tiêu-Tương, gọi là “Tiêu Tương Bát Cảnh”, rất được truyền tụng: 1. Bình sa lạc nhạn (đàn chim nhạn đáp xuống bãi cát bằng phẳng); 2. Viễn phố qui phàm (thuyền trở về ở một bến sông xa); 3. Sơn thị tình lam (cảnh chợ bên chân núi  khi khói núi đã tan); 4. Giang thiên mộ tuyết (tuyết rơi trên sông lúc về chiều); 5. Động-đình thu nguyệt (trăng thu trên hồ Động-đình); 6. Tiêu-Tương dạ vũ (mưa đêm trên sông Tiêu-Tương); 7. Ngư thôn tịch chiếu (cảnh trời chiều nơi xóm chài); 8. Yên tự vãng chung (tiếng chuông chùa tan trong khói chiều).
12) Khắm: nguyên chữ “khắm” có nghĩa là mùi hôi thum thủm, nhưng ở đây, theo hai giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản thì nó có nghĩa là “cắm”. Bình non mượn khắm: quả núi trông như một chiếc bình lớn dùng để cắm tất cả cây cối mọc nơi ấy. - Lét: liếc, nhìn trộm. Gương doành lét tô: mặt sông phẳng lì trông như được tráng một lớp gương, có thể nhìn mà tô điểm được.
13) Bá: bám, ôm.
14) Viễn phố: bến ở đằng xa. -  Hàn sa: bãi cát quạnh hiu, lạnh lẽo.
15) Ngàn: chốn rừng núi thâm u. - Lạc hà: ráng trời đang tan dần.
16) Cổ thụ: cây sống đã lâu đời. - Cô thôn: làng xóm hẻo lánh.
17) Vó câu: vó ngựa. - Pha: lướt qua. - Bon: nhanh.
18) Bên lầu Bắc hỏi: Ấn bản năm 1951 (Sông Nhị, Hà-nội) viết là: “Bên lầu thử hỏi”. Theo tự dạng chữ Nôm thì hai chữ “bắc” và “thử” trông giống nhau. Theo chúng tôi thì chữ “bắc” đúng hơn, vì nó hợp ý với toàn đoạn này, là tác giả đang tả cảnh chung quanh, đủ cả bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. - Địch: ống sáo.
19) Bóng  hạc: “Hạc” là  chim hạc, tượng  trưng cho sự  sống lâu. Theo ý tứ ở  đây, có lẽ đã có sự nhầm lẫn, thay vì “bóng ác” thì viết lầm là “bóng hạc”. “Ác” là con quạ, nghĩa bóng là mặt trời; – tự dạng chữ Nôm của hai chữ “ác” và “hạc” trông giống nhau. “Bóng ác” là bóng mặt trời. Câu này ý nói, mặt trời lặn ở hướng Tây còn chưa đầy một cây sào (tức một cây tre, đơn vị đo ruộng đất ngày xưa).
20) Khách quạnh: ít người đi lại. - Thiên-thai: một ngọn núi trong tỉnh Triết-giang, Trung-quốc, có nhiều hang  động. Tương truyền, đời Hậu-Hán (25-220), vào ngày tết Đoan-ngọ, có hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào  núi Thiên-thai hái thuốc, lạc vào động tiên, cùng với tiên nữ kết duyên vợ chồng. Nửa năm sau hai chàng nhớ quê trở về, đến nhà thì mới biết đã trải qua bảy đời.
21) No: đầy đủ, thỏa mãn.
22) Đòi: nhiều. - Giốc mục: tiếng tù và của các mục đồng.  - Ca tiều: tiếng ca ngâm của các tiều phu.
23) Cần hôm: cần câu của những người đi câu cá ban đêm. - Tơi chiều: áo tơi của dân làng mặc trên đường về nhà lúc trời chiều.
24) Đồng-lại: nơi ngày xưa Nghiêm Tử Lăng thường ngồi câu cá. - Bàn-khê: chỗ Khương Tử Nha (tức Khương Thượng, hay Lã Vọng) thường ngồi câu cá thuở còn hàn vi.
25) Nghiêm Tử Lăng: tức Nghiêm Quang, người đời Hán (206 tr. TL - 221 sau  TL), bạn của Lưu Tú, đã từng giúp Lưu Tú dựng nên đế nghiệp (tức vua Hán Quang-vũ, 23-58). Lưu Tú muốn phong quan tước nhưng Tử Lăng cố chối từ,  trở về sống ẩn dật ở núi Phú-xuân (thuộc tỉnh Triết-giang).
26) Khương Thượng: tự Tử-Nha, hiệu Lã-Vọng, người đời Chu (1122-221 tr. TL), rất giỏi thao lược. Thuở hàn vi bị vợ chê là nghèo mạt mà bỏ đi lấy chồng khác, nhưng Tử Nha không buồn giận, sống ẩn dật, kiên nhẫn, thường câu cá chờ thời ở bến sông Vị, đất Bàn-khê (tức đất Chu, thuộc  tỉnh Thiểm-tây ngày nay). Lúc 80 tuổi, ông được vua Chu Văn vương biết tiếng, mời ra giúp nước, phong chức thừa tướng, giao cho ấn soái, cầm đầu 800 chư hầu diệt vua Trụ  của nhà Thương (1766-1122  tr. TL), dựng nghiệp lâu dài cho nhà Chu, được liệt vào hàng khai quốc công thần.
27) Tô Đông Pha (1036-1101): tên thật là Tô Thức, tự là Tử Chiêm, người tỉnh Tứ-xuyên, con của Tô Tuân (1009-1066), một danh sĩ đời Tống (956-1276). Ông chịu ảnh hưởng của cả Nho, Lão, và nhất là Phật, nên tâm hồn rất phóng khoáng. Ông đỗ tiến sĩ rất sớm – năm 21 tuổi, tuy nhiên, hoạn lộ bao phen chìm nổi, làm quan có lúc đến thượng-thư, nhưng vì tính tình hay mỉa mai đả kích việc chính trị, nên nhiều lần phải bị đày ra tận các vùng quan ngoại xa xăm. Dù vậy, ông không hận đời, vẫn lo  đời sống thực tế ấm no cho dân chúng và vẫn thanh thản sống trong trời thơ của riêng ông.
28) Xích-bích: Ở huyện Gia-ngư thuộc tỉnh Hồ-bắc (Trung-quốc) có một dãy núi nằm bên bờ sông Dương-tử, tên là Xích-bích. Nguyên năm 208, Tào Tháo từ Giang-lăng đuổi đánh Lưu Bị. Lưu Bị kết liên với Tôn Quyền, dùng hỏa công đánh úp, đốt hàng vạn chiến thuyền của Tào Tháo. Lửa cháy đến nỗi vách núi hóa thành màu đỏ, nên núi được đặt tên là Xích-bích. Tại Hoàng-châu (một thị trấn nhỏ trên bờ sông Dương-tử, cũng thuộc tỉnh Hồ-bắc) cũng có một dãy núi đá màu đỏ, và cũng được đặt tên là Xích-bích.  Năm 1080, do lời sàm tấu ở triều đình mà Tô Đông Pha đã  bị giáng chức và bị đổi tới làm việc tại Hoàng-châu. Ở đây  ông thường dạo chơi nơi Xích-bích và có làm hai bài phú nổi  tiếng là “Tiền Xích Bích” và “Hậu Xích Bích”. Nhân  vì có sự trùng tên giữa hai ngọn núi cách xa nhau, ông đã  cảm khái về Tào Tháo nên đã đề cập tới trong bài “Tiền Xích Bích Phú”.
29) Sào cạy: Lái mũi thuyền quay sang bên trái gọi là “cạy”; ngược lại, quay sang bên trái gọi là “bát”. - Mái phê: mái chèo khoan thai. Bốn chữ “sào cạy mái phê” ở đây có nghĩa là thuyền đi thong dong, thoải mái.
30) Doành ngân: dãi ngân hà, tức bầu trời đêm trong vắt. - Bóng thỏ: bóng trăng. - Xê: xích đi, dịch đi, dời đi, di chuyển.
31) Nài: nài ép, đòi cho được. - Kèo: kì kèo, kèo nài.
32) Vị-đường: bờ đê sông Vị (một phụ lưu chính của sông Hoàng-hà, phát nguồn từ tỉnh Cam-túc, chảy qua tỉnh Thiểm-tây, đến huyện Đồng-quan thì chảy vào Hoàng-hà). Câu Vị-đường: Trên bờ sông Vị có thành gọi là Vị-thành (ở phía Tây huyện Trường-an của tỉnh Thiểm-tây). Trong bài thơ tiễn bạn đi sứ của Vương Duy (701-761), đời Đường, có câu: “Vị-thành triêu vũ âấ khinh trần.” (Trời Vị-thành buổi sáng đầy ắp mưa bụi.) Nhắc tới thơ Vị-đường là có ý nói tới sự từ giã (hoặc tiễn đưa) bạn bè.
33) Quế trạo: mái chèo ở phía sau thuyền làm bằng gỗ quế. - Lan tương: mái chèo ở phía trước thuyền làm bằng gỗ lan. “Quế trạo lan tương” là lấy từ câu “Quế trạo hề lan tương” trong bài phú “Tiền Xích Bích” của Tô Đông Pha.
34) Năm Nhâm-Tuất: tức năm 1082.
35) “Minh Nguyệt” và “Yểu Điệu” là những bài hát trong kinh Thi.
36) Tào Mạnh Đức: tức là Tào Tháo (155-220), cũng có tên là Tào A Man, một quyền thần đời Hậu-Hán. Ông đỗ hiếu liêm năm 20 tuổi. Đời Hán Linh đế (168-189) ông có công dẹp loạn Hoàng-cân, rồi trừ quyền thần Đổng Trác. Đời Hán Hiến đế (189-220) ông dẹp yên các nhóm Viên Thuật, Viên Thiệu, Lưu Biểu, thống nhất cả vùng lưu vực sông Hoàng-hà, chức đến thừa tướng, tước phong Ngụy vương. Nhưng rồi ông cũng lại trở thành quyền thần, áp chế vua Hán, mưu đồ soán ngôi, nhưng việc chưa thành thì chết. Sau, con ông là Tào Phi (187-226) nối chí, giết vua Hiến đế, bỏ nhà Hán, sáng lập nhà Ngụy (220-265), ông được truy tôn là Thái-tổ Ngụy Vũ đế. Ông là một tướng tài, giỏi dùng binh, lại có sở trường về văn học; nhưng cũng là một người đầy mưu mô xảo quyệt, nên người đời đã tặng cho ông một tiếng “gian hùng”.
37) Trường-giang: tức sông Dương-tử.
38) Trích dịch từ sách Khảo Chính Cổ Văn Quan Chỉ, quyển IV, Diêu Trĩ Tường chú thích và dịch ra văn bạch thoại (Hương-cảng: Hoa Mĩ thư cục), trang 77-78.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
Chương 8 MỘNG VÀ SÁNG TẠO VĂN NGHỆ
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717680