Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Tác giả: Hạnh Cơ

Văn chương cốt ở óc sáng tạo. Cho nên khi người nghệ sĩ đã đem cả tâm hồn mình để rung động trước cảnh vật và diễn tả tình cảm đó ra thành lời, thành văn, thành tác phẩm, thì hẳn là óc sáng tạo phải chiếm phần quan trọng trong tác phẩm.

Có người bảo nghệ thuật nhiếp ảnh chỉ là mô phỏng sự vật, nhưng nếu xét kĩ ra, trong bức ảnh vẫn biểu lộ nét sáng tạo của nhiếp ảnh gia. Nét  sáng tạo biểu lộ ở bối cảnh mà người chụp ảnh lựa chọn, ở sự lượng định mức độ ánh sáng và bóng tối, ở tầm xa cách để có sự gần gũi rõ ràng hay mờ ảo xa xăm, ở đề tài mà nhiếp ảnh gia muốn trình bày, ở đối tượng muốn làm cho nổi bật v.v... Nói chung, đã là nghệ thuật thì phải có sáng tạo, không có sáng tạo thì không thành nghệ thuật. Nhiếp ảnh còn như vậy, huống hồ là văn chương!

Văn chương không có sáng tạo thì chỉ là thứ văn nhại lại, vô vị, vô hồn, rỗng tuếch. Phải có sáng tạo thì văn mới có CHẤT VĂN, thơ mới có HỒN THƠ. Ông Trần Bích San(1) đã phát biểu quan niệm đó trong một bài thơ chữ Hán rất được truyền tụng:

Tam niên tam thướng Hải vân đài
Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt
Càn khôn chích nhãn tiểu trần ai
Văn phi sơn thủy vô kì khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm
Mã đầu hoa tận đới yên khai

Và ông Tô Nam Nguyễn Đình Diệm đã dịch như sau:

Nhẹ bổng mình chim lối Hải-vân
Ba năm qua lại đủ ba lần
Nửa con mắt ngó trần ai hẹp
Sát ngọn cây trông nhật nguyệt gần
Chửa dạn phong sương tài chửa luyện
Không pha sơn thủy bút không thần
Mây lồng cổ ngựa hoa đua nở
Có hiểm gì đầu lối ải Tần (2)

“Văn phi  sơn thủy vô kì  khí”: văn chương mà  không có tinh thần núi sông thì chỉ là thứ văn chương tầm thường, không có gì đặc biệt. Tinh  thần “núi sông” chính là tinh thần hòa điệu và linh động của nghệ sĩ. Nói đến “sơn thủy” là nói đến  mối dây liên hệ mật thiết giữa nghệ sĩ và thiên nhiên, nói rộng ra là giữa con người với vũ trụ. Theo quan niệm thuần túy về nghệ thuật của Đông phương, người nghệ sĩ chân chính là người biết thanh tao hóa tâm hồn để hòa điệu với thiên nhiên. Ông Lâm Ngữ Đường(3), một nhà tư tưởng cận  đại của Trung-hoa, đã nói về đặc tính của các nghệ sĩ Trung-hoa như sau:

“Ấy là tinh thần bình tĩnh và hòa điệu. Bình tĩnh và hòa điệu xuất phát tự trong tâm hồn  của nghệ sĩ. Nghệ sĩ Trung-quốc là một người sống trong tinh thần của Đạo, nghĩa là nhập điệu với vũ trụ thiên nhiên. Chiếc thân ngoại vật đối với sự tấp nập phồn hoa, thảng nhiên với danh lợi, và chìm đắm vào trong  không khí, núi sông, cùng với gió mát trăng thanh hay là mọi biểu hiện khác của tạo vật. Vì nghệ thuật cốt ở thành thật với mình, và nghệ thuật vốn là một đạo thuật,  cho nên nghệ sĩ phải đứng trên tất cả, trong lòng của họ không được nuôi một điều giận dữ, vật dục, vì ở Trung-quốc xưa kia người ta tin  một nghệ sĩ chân chính đồng thời phải là một người chân chính. Đấy là kỉ luật nghiêm ngặt của nhà nghệ sĩ chân chính ở Trung-quốc...”(4)

Cái cốt cách thanh cao do du sơn ngoạn thủy ấy  của nghệ sĩ Trung-quốc cũng là cái cốt cách của nghệ sĩ Việt-nam. Nguyễn Du (1765-1820) đã từng  ngao du khắp 99 ngọn núi của dãy Hồng-lĩnh, không chỗ nào là không có vết chân, để rồi tự đặt hiệu cho mình là Hồng Sơn Liệp Hộ. Nguyễn Trãi (1380-1442)(5), Lê Thánh-tông (1460-1497)(6),  Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Nguyễn Khuyến (1835-1909)(7), Cao Bá Quát (1801-1854)(8), Tản Đà (1888-1939)(9) v.v..., bao nhiêu nghệ sĩ lừng danh của nước ta đều mang trong mình cái phong cách thanh cao ấy.
Và chắc hẳn rằng, con người nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Huy Hổ mà chúng ta đang nói đến ở đây, cũng không thoát ra ngoài cái cốt cách ấy. Chúng ta thử nhìn qua vùng đất Hồng-Lam (núi  Hồng và sông Lam), quê hương của Nguyễn Huy Hổ – mà cũng là quê hương của bao nghệ sĩ thời danh, được  người đời thường ca tụng là miền đất “địa linh nhân kiệt”. Hồng-Lam là vùng địa giới giữa hai tỉnh Nghệ-an và Hà-tĩnh, với dãy Hồng-lĩnh ở phía Đông, dãy Thiên-nhận ở phía Tây, và sông Lam (hạ lưu sông Cả) uốn khúc ngoằn ngoèo làm ranh  giới giữa Nghệ-an và Hà-tĩnh. Làng Tiên-điền (quê Nguyễn Du), làng Uy-viễn (quê Nguyễn Công Trứ), huyện La-sơn (quê La Sơn Phu Tử)(10), làng  Trường-lưu (quê Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ)... đều nằm trong vùng Hồng-Lam này cả. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nói về vùng này như sau:

“... Hồng là núi Hồng-lĩnh, tên thổ âm là rú Hống, Lam là sông Lam-giang, hạ lưu sông Cả. Vùng này chính là trung tâm điểm của xứ Hoan-châu. Sông Lam-giang ở phương Tây Bắc chảy xuống, len vào giữa ba huyện Thanh-chương (bờ  Nam), Lương-sơn (phủ Anh) và Nam-đàn (bờ Bắc). Về phía Nam có hai ngọn nguồn: ngàn Phố ở huyện Hương-sơn tự phương Tây lại, ngàn Sâu ở Hương-khê từ phương Nam ra. Hai ngọn nguồn này len núi mà tới, hợp nhau ở ngã ba Tam-soa, dưới chân núi Tùng-lĩnh và đầu dãy núi Thiên-nhận. Hai dòng hợp thành sông La-giang. Tam-soa  còn cách cửa bể  40 cây số. La-giang quanh co hai khúc, Đông tiến rồi lại Bắc tiến, gặp sông Lam-giang ở phía Nam chân núi Nghĩa-liệt (Lam-thành), gần bến đò Phù-thạch (đò Rum). Bến đò Phù-thạch này là nơi yếu điểm của vùng Hồng-Lam. Bên Bắc có phủ Hưng-nguyên. Bên Nam có phủ Đức-thọ (huyện La-sơn). Chỗ này còn cách cửa Hội chừng 30 cây số. Từ đó Lam-giang chảy sang phương Đông, gặp núi Hồng-lĩnh ở chân núi Ngũ-mã (chợ Củi), cho nên đổi hướng lên phương Bắc, chảy qua gần Bến-thủy, gần núi Mèo và ngăn chia núi Dũng-quyết (rú Quyết) ở Bắc và núi Hồng-lĩnh ở Nam. Vượt qua chỗ hẹp, liền chảy qua hai huyện Nghi-xuân (nam) và Nghi-lộc (xưa là Chân-phúc, rồi Chân-lộ) mà vào Đông-hải ở cửa Hội-thống. Trước cửa Hội có đảo Song-ngư. Nói tóm lại, triền sông Lam là một nơi rất nhiều thắng cảnh. Đứng chỗ nào, chung quanh cũng trông thấy đền cũ, thành xưa, bãi chiến trường, nơi ẩn dật...”(11)

 

Tự bản thân vốn là một con người có cốt cách thanh cao, giàu nghệ sĩ tính, mà lại ở tại một vùng “sơn thủy hữu  tình” như vậy, thì Nguyễn Huy Hổ  đối với thiên nhiên ắt hẳn phải có một tình cảm phong phú, nồng nàn. Tình cảm đối với thiên  nhiên càng nồng nàn phong phú thì lại càng lấy việc ngao du sơn thủy làm quan trọng cho cuộc đời nghệ  sĩ, vì đó là cách di dưỡng tính tình, làm cho tâm hồn được thanh tao hóa; và cuộc du xuân của  ông trên dòng sông Lam vào ngày Rằm tháng Giêng năm Kỉ-Tị (1809) được chính ông ghi lại, có thể nói là một cuộc du ngoạn điển hình, (có lẽ) vì nó đã đem lại nhiều thi vị nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của ông.

Nhớ xưa năm Tị tháng Dần (12),
Thưởng xuân vừa gặp giữa tuần tròn trăng (13).
(MĐMK, câu 15 - 16)

“Du  xuân” hay  “thưởng xuân”, có thể nói là  một mĩ tục truyền thống của dân tộc ta. Suốt năm, mọi người đều bận rộn với sinh kế, ít có được những ngày nghỉ ngơi. Họ hàng, bạn bè cũng vì vậy mà ít có khi gặp gỡ, thăm viếng. Ngày Tết là ngày đánh dấu sự bắt đầu một năm mới, người ta cố quên đi tất cả mọi phiền lụy của năm cũ, dành  trọn vẹn những ngày đầu năm cho niềm vui, cho sự sum họp, cho tâm trí thảnh thơi... Mùa xuân khí dương ấm áp, bắt đầu cho một vòng tuần hoàn của  thời tiết: “xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng” (mùa xuân nẩy nở, mùa hè tốt tươi, mùa thu rút vào, mùa đông chứa giữ). Cây cỏ úa héo với  tiết đông giá lạnh, bây giờ đã lấy lại sức sống mà  đâm chồi nẩy lộc, và lòng người cũng thấy rộn lên niềm vui phơi phới, cùng với thời tiết thích ứng điều hòa. Những cuộc du xuân, những ngày hội hè mùa xuân đều là những dịp để mọi người cởi mở tâm hồn, tìm những phút phiêu diêu hứng thú, gây lại sinh lực vốn đã mòn mỏi, để rồi sẽ bắt tay vào công việc thực tế của cuộc sống hằng ngày sắp tới.
Nguyễn Huy Hổ nhân ngày xuân đi lên Nam-đường để thăm và mừng anh mới dựng xong nhà dạy học, vừa hưởng được cái vui sum họp, vừa hưởng được cái thi vị thưởng xuân giữa nơi sông núi. Việc đi Nam-đường vào ngày xuân của ông đã tỏ ra có một sự lựa chọn bao hàm nhiều ý nghĩa: một mặt ông đã hòa mình vào niềm vui xuân chung của dân tộc; mặt khác lại thích ứng với vòng sinh hóa tuần hoàn của  thiên nhiên; và mặt khác nữa, ông đã thi hành cái “kỉ luật” của bất cứ một người nghệ sĩ Đông phương nào, đó là: “Phải thanh tao trong tâm hồn, khoát đạt ở cử động, bằng sự từng trải và ngao du sơn thủy.”
Cuộc du xuân của Nguyễn Huy Hổ diễn ra sau ngày Khai-hạ(14), tức khoảng sau ngày Mồng 7  tháng Giêng âm lịch, và ông đã đến Phù-thạch vừa đúng ngày Rằm; trăng tròn đầy và sáng tỏ.
Ngắm cảnh giữa ban ngày là để nhìn thấy nét đẹp sặc sỡ muôn màu, cái tư thái hùng vĩ của thiên  nhiên. Về ban đêm, với một đêm Ba Mươi tối trời, người ta chỉ ngồi lặng lẽ, trải rộng thính giác trong không gian im lìm để nghe cả một âm giai bất tuyệt của đất trời. Và muốn ngắm cảnh ban đêm  thì phải chọn những đêm có trăng sáng, vì chỉ có dưới ánh sáng trăng, vạn vật mới trở nên lung linh diễm ảo, mới tỏa ra cái vẻ huyền bí chập chờn của vũ trụ vô biên. Nếu giữa lúc ban ngày sáng rỡ, thiên nhiên có thể kéo tâm hồn ta trải rộng trong không gian mênh mông, thì chính ở ban đêm, thiên nhiên sẽ dẫn dắt mĩ cảm của chúng ta đi vào chiều  sâu vô tận của hồn vũ trụ. Và chúng ta sẽ thấy, cuộc xem đèn ở Phù-thạch của Nguyễn Huy Hổ đã diễn ra trong khoảng thời gian thật thích hợp với kinh nghiệm mĩ cảm của ông:

Thắng du tiện nẻo quan đăng, (15)
Trông vời non Liễu, băng chừng dặm hoa. (16)
Trời hôm xuân nhuốm màu da,
Cơn mưa rửa tuyết, trận hà cuốn mây (17),
Chim về xao xác lá cây,
Rừng Đông đã thấy tròn xoay bóng thiềm (18).
(MĐMK, câu 17 - 22)

Lúc này trời đã về chiều. Sau cơn mưa xuân, bầu trời trở nên thật quang đãng, như vừa được rửa sạch lớp bụi trần. Mặt trời đã xuống sau đỉnh núi, còn chiếu những tia sáng cuối cùng vào các khóm mây ở chân trời, trông ráng chiều đẹp như tranh vẽ. Đó là thời khắc giao hòa giữa ngày và đêm, đủ để  cho nghệ sĩ vừa chiêm ngưỡng được vẻ hùng vĩ của thiên nhiên ban ngày, vừa bắt đầu xúc cảm với bầu khí hư ảo của vũ trụ ban đêm. Đứng ở bến đò Phù-thạch trong thời khắc ấy, Nguyễn Huy Hổ vừa  nghe được tiếng chim xào xạc bay về “chỗ  ngụ” ở các lùm cây, vừa thấy rõ được nào núi Chung-sơn (non Liễu) ở huyện Nam-đường, dãy Hồng-lĩnh (rừng Đông) chạy dọc theo bờ bể; nào ráng chiều với bao màu sắc rực rỡ, rồi mặt trăng tròn vành vạnh xuất hiện trên đỉnh non Hồng... Từ đó, tác giả dõi mắt nhìn đi khắp nơi. Và với tâm hồn cảm thông sâu xa, ông đã chuyền tình cảm của mình đến cảnh vật, khiến cho mọi thứ đều trở nên lung linh, hữu tình:

Lửa(19) đâu thấp thoáng trong rèm,
Khi đưa hương xạ, khi đem khói tùng; (20)
Đá đâu lấp ló giữa dòng,
Như bay hoa sóng, như trồng gương nga; (21)
Thành đâu xây lấp yên hà, (22)
Đỉnh non nền cũ, cán cờ bụi sương; (23)
Đền đâu lắng dấu khói hương, (24)
Bể reo công trước, vàng tương mái tàu. (25)
Lần theo ngọn nước làu làu,
Gió lay chiếc cọc, thuyền mau mái chài.
(MĐMK, câu 23 - 32)

Cái hình ảnh “tròn xoay bóng thiềm” (câu 22 ở trên) cùng có nghĩa là, vào lúc đó, hình tướng của cảnh vật chung quanh đã chiếm toàn vẹn trực giác của tác giả; cảnh vật đã trở thành đối tượng của mĩ cảm thuần túy. Trong cái khoảnh khắc mà tác giả chợt cảm thấy vầng trăng viên mãn sáng lòa chiếm trọn thị giác, thì cũng là lúc tâm hồn tác giả nhập diệu vào cảnh vật. Cho nên trong phút giây quan  thưởng đó, nghệ sĩ chỉ biết mình đang thấy ánh đèn thấp thoáng trong phố Khách với khói hương tỏa rộng không gian; đá nổi giữa dòng sông với muôn làn sóng nhấp nhô, khiến cho đá dường như lấp ló; sóng đập vào đá tung vãi bọt nước dưới trăng, trông khác gì mặt sông nở hoa; và tỏ rạng nhất vẫn lại là ả hằng nga sáng lòa đang trầm mình tận đáy  nước. Tác giả lại nhìn lên núi Nghĩa-liệt, nơi đó, Lam-thành đang ẩn hiện trong đám khói mây mịt mù; đền Thiên-Hậu im lìm với mái dát vàng lóng lánh; và tiếng sóng nước từ xa khơi vọng lại như  reo lên niềm tri ân công đức thần nhân... Tác giả hoàn toàn để hết tâm hồn vào giờ phút hiện tại. Sống với hiện tại. Đó là thế giới định thần thuần túy cảm giác, không còn xen lẫn một dục vọng hay một ý niệm trần tục nào, vượt trên mọi khái niệm, – cái còn lại chỉ là mĩ cảm kinh nghiệm của người nghệ sĩ.
Trong thế giới định thần ấy, ý thức của nghệ sĩ lại sáng tạo hình ảnh mới, làm cho mĩ cảm càng thêm phong phú:

Trong gương ai cắm cành mai,
Dưới mây ai ném một vài lưu tinh.
(MĐMK, câu 33 - 34)

Cái đẹp của mai, trăng, của mây trời và sao băng là cái đẹp tự nhiên của tạo vật. Nhưng với mĩ cảm kinh nghiệm cùng óc tưởng tượng sáng tạo dồi dào, tác giả đã làm cho cái đẹp tự nhiên của tạo vật trở thành cái đẹp nghệ thuật hóa. Xuyên qua cành mai mà thấy được vầng trăng, lại tưởng chừng như hoa mai đã được ai đem cắm vào vầng trăng đó; những vì sao băng bay vẹt qua nền trời, tưởng chừng như là những cục lân tịnh do chính  bàn tay tạo hóa vừa ném xuống; vẻ đẹp ấy quả là kì diệu, thật linh động, mà chỉ có một tâm hồn thâm cảm, một sự hòa điệu sâu xa mới diễn tả được. Chính ngòi bút của tác giả đã chứng tỏ rằng tâm hồn của tác giả đã được thanh tao hóa từ lâu rồi, để lúc nào cũng sẵn sàng thu lấy bao nguồn cảm hứng.
Nghệ sĩ đã cùng thiên nhiên đồng điệu, cho  nên, cũng thì bến đò Phù-thạch này đây, mà đối với cư dân ở phố Khách có thể là một nơi thị tứ, buôn bán phồn thịnh vì sự giao thông thuận tiện; đối với ngư phủ thì nơi đó hẳn là rất tiện lợi cho nghề đánh cá; đối với các sử gia và các nhà nghiên  cứu văn học sử thì vùng này quả là một kho tàng vô giá về di tích lịch sử và tài liệu văn học; có thể nói, đó là một thành phố nổi tiếng từ bao đời, không ai là không biết:

Phồn hoa nổi áng thị thành,
Này Phù-thạch phố là danh lịch triều.
(MĐMK, câu 35 - 36)

Nhưng đối với riêng nhà nghệ sĩ Nguyễn Huy  Hổ thì bến Phù-thạch lúc bấy giờ chỉ là một cảnh  đẹp thuần túy, một cảnh đẹp được thăng hoa để trở thành hình tướng của trực giác nghệ sĩ:

Thú phong lưu cũng ít nhiều,
Đèn chong vẻ tố, lò thiêu bụi trần. (26)
Vũng doi trải mấy xây vần, (27)
Dập dìu còn đó với xuân dễ nào.
Thảo mà cánh điệp lá đào,(28)
Đi về Vu-giáp ra vào Vũ-lăng. (29)
Một trời hoa cỏ lâng lâng,
Mơ mòng mưa Sở gió Đằng đâu đây. (30)
Chiều xuân chuốc chén vơi đầy, (31)
Thử xem người tỉnh người say mới là!
(MĐMK, câu 37 - 46)


CHÚ THÍCH

1) Trần Bích San (1838-1877) người làng Vị-xuyên, huyện Mĩ-lộc, tỉnh Nam-định, đỗ giải nguyên năm 1864, hội nguyên và đình nguyên năm 1865, được người đời kính  mến và gọi là Tam Nguyên Vị Xuyên. Ông xuất chính  năm 1867, làm quan đến chức tuần phủ Hà-nội. Năm 1877, ông được vua Tự-Đức (1840-1883) cử làm chánh sứ sang Pháp dự cuộc đấu xảo và cám ơn nước này đã giúp súng đạn và tàu chiến cho Việt-nam; nhưng ông đã tự tử chết trước khi lên đường, vì ông có mối thâm thù với viên toàn quyền Dupré, không muốn phải bị nhục trước viên toàn quyền này.
2)  Trích trong Giai Thoại Làng Nho, tập II, của Lãng Nhân (Sài-gòn: Nam Chi tùng thư, 1964), trang 220-221.
3) Lâm Ngữ Đường: sinh năn 1895 tại tỉnh Phúc-kiến, Trung-quốc, uyên bác cả văn hóa Trung-hoa và Âu-Mĩ, là một tư tưởng gia thời cận đại của Trung-quốc mà cả thế giới đều biết tiếng.
4) Trích trong Triết Lí Văn Hóa Khái Luận của Nguyễn Đăng Thục (Sài-gòn: Văn Hóa Á Châu, 1959), trang 72.
5) Nguyễn Trãi: hiệu là Ức-Trai, người làng Nhị-khê, huyện Thượng-phúc, tỉnh Hà-đông, đỗ thái học sinh năm 1400, giữ chức chánh chưởng ở Ngự-sử-đài đời Hồ Hán Thương (1401-1406). Sau lại phò tá Bình Định vương Lê Lợi và lập được nhiều công trong suốt thời gian chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, giành lại nền độc lập  tự chủ cho nước nhà. Vua Lê Thái-tổ (1428-1433) lên ngôi,  phong ông tước hầu, chức nhập nội hành khiển, liệt hàng khai quốc công thần. Năm 1439 ông xin về trí sĩ. Đến năm 1442 thì ông bị giết oan cùng với cả họ hàng vì cái án Thị Lộ; mãi đến đời vua Lê Thánh-tông (1460-1497) ông mới được minh oan.
6) Lê Thánh-tông: vua thứ tư nhà Hậu-Lê, tên là Tư Thành, con thứ tư của vua Lê Thái-tông (1434-1442).
7) Nguyễn Khuyến: hiệu Quế Sơn, người làng Yên-đỗ,  huyện Bình-lục, tỉnh Hà-nam, đỗ tam nguyên năm 1871, làm quan đến chức tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên. Năm 1885 ông về hưu, mở trường dạy học, sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc mất.
8) Cao Bá Quát: hiệu là Chu Thần, người làng Phú-thị, huyện Gia-lâm, tỉnh Bắc-ninh, đỗ cử nhân năm 1831. Ông là người tài giỏi, từng được ca tụng là “thần Siêu, thánh Quát”, nhưng  bởi tính  tình quá  tự phụ,  kiêu ngạo,  không ai  chịu nổi, nên quan trường cứ lận đận mãi. Ông thất chí, kết đảng với Lê Duy Cự (dòng dõi nhà Lê) chống lại triều đình, bị kết án phản loạn và bị xử chém cùng với cả họ hàng.
9) Tản Đà: tên là Nguyễn Khắc Hiếu, người xã Khê-thượng, huyện Bất-bạt, tỉnh Sơn-tây. Ông thuở nhỏ theo nho học nhưng dự mấy khoa thi hương đều không đỗ, bèn quyết chí rèn luyện chữ quốc-ngữ, và đã trở thành một nhà thơ nổi tiếng, làm cái gạch nối giữa hai nền giáo dục “cũ” và “mới” ở đầu thế kỉ 20.
10) La Sơn Phu Tử: tên là Nguyễn Thiếp (1723-1804), tự  là Khải Chuyên, hiệu là Nguyệt Úc, biệt hiệu là Hạnh Am,  người xã Nguyệt-ao, huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh, thường được người đời xưng là La Sơn Phu Tử. Ông đỗ tiến sĩ  năm 1748, làm quan dưới triều vua Lê Hiển-tông (1740-1786). Năm 1786 ông xin về trí sĩ. Về sau, vua Quang Trung (1788-1792) kính tài, vời ông ra tham chính mấy lần nhưng ông đều từ chối. Tuy không dùng được ông, nhưng nhà vua lúc nào cũng tôn kính ông như bậc thầy. Ông là một nhà nho bác học, tính tình nghệ sĩ, phong cách thanh cao, không ham danh lợi, rất được mọi người kính trọng.
11) Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử (Paris: Minh Tâm, 1952), trang 44-45.
12) Tháng Dần: tức là tháng Giêng âm lịch.
13) Giữa tuần tròn trăng: theo âm lịch, mỗi tháng có ba tuần: thượng tuần (từ ngày Mồng 1 đến ngày Mồng 10); trung tuần (từ ngày 11 đến ngày 20); và hạ tuần (từ ngày 21  đến ngày cuối tháng). Ngày trăng tròn – tức ngày Rằm – luôn luôn là ngày giữa (ngày 15) của tuần giữa (trung tuần).
14) Ngày Khai-hạ: Nguyên văn trong bài tựa chữ Hán của tác giả viết là “nhân nhật”, tức là ngày Mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Giáo sư Toan Ánh có nói về ngày này trong quyển Tín Ngưỡng Việt Nam (Quyển hạ. Sài-gòn: Nam Chi tùng thư, 1968) như sau: “Theo tục lệ Việt-nam, ngày Mồng 7 tháng Giêng là ngày lễ Hạ-nêu (......) Lễ Hạ-nêu còn gọi là lễ Khai-hạ, mọi công việc thường xuyên, người ta  chỉ bắt đầu lại sau ngày lễ này (......) Lễ Khai-hạ, người Trung-hoa gọi là lễ Nhân-nhật, nghĩa là ngày của Người. Theo sách Phương Sóc Chiêm Thú thì tám ngày đầu năm,  mỗi ngày thuộc riêng về một giống: Mồng 1 thuộc giống Gà; Mồng 2 thuộc giống Chó; Mồng 3 thuộc giống Lợn;  Mồng 4 thuộc giống Dê; Mồng 5 thuộc giống Trâu; Mồng 6 thuộc giống Ngựa; Mồng 7 thuộc giống Người (nên được gọi là Nhân-nhật); Mồng 8 thuộc giống Thóc. Nhân ngày Nhân-nhật là ngày của giống Người, người ta làm lễ cúng  trời đất để đánh dấu ngày đó...” (Trang 335-338)
15) Thắng du: cuộc ngoạn du thích thú. - Quan đăng: xem thả đèn trên sông.
16) Non Liễu: tức núi Chung-sơn. - Băng chừng: chữ “chừng” nghĩa là mức độ, giới hạn; ở đây chỉ cho cái gì giống như là bờ rào, bức tường hoa, hay bờ cỏ, tạo một khoảng cách từ chỗ này sang chỗ kia; “băng chưừg” nghĩa là vượt qua chừng mà tiến tới.
17) Cơn mưa rửa tuyết: Sau cơn mưa trời trong, quang đãng. - Hà: ráng trời, tức là hơi mây có ánh mặt trời chiếu ngang, hiện ra các màu rực rỡ, thường thấy vào lúc mặt trời mọc hay mặt trời lặn. - Cuốn mây: chữ “cuốn” ở đây tức là chữ “quén”, có nghĩa là vén lên; ý nói, sau cơn mưa thì mây đen tan hết, chỉ còn lại rán chiều.
18) Rừng Đông: tức núi Hồng-lĩnh (ở phía Đông bến Phù-thạch). Bóng Thiềm: mặt trăng. Chữ “thiềm” nghĩa là con cóc; trong mặt trăng có bóng đen trông giống như con cóc.
18) Hương xạ, khói tùng: khói và mùi thơm của nhang.
19)  Lửa: chỉ cho các ngọn đèn trong phố Phù-thạch.
20) Hương xạ: chất thơm lấy từ rún của một loài chồn. - Khói tùng : khói đuốc làm bằng nhựa thông.
21) Hoa sóng: sóng tung bọt trông như hoa. - Gương  nga: mặt trăng.
22) Thành: tức thành Lam trên núi Nghĩa-liệt. - Xây lấp yên hà: khói mây bao phủ làm cho thành Lam chỗ ẩn chỗ hiện.
23) Trên đỉnh núi còn dấu tích nền của cột cờ, nhưng cán cờ thì chẳng thấy đâu, chỉ toàn là bụi và sương.
24) Đền: Theo giáo sư Nghiêm Toản thì “đền” ở đây là đền thờ bà Thiên Hậu của người Hoa.
25) Bể reo: Trong bản in năm 1971 (nhà Sông Nhị, Hà-nội), chữ “bể reo” được viết là “bể Liêu”, và được giáo sư Nghiêm Toản đã giải thích: “Tên bể ở gần bờ bán đảo Liêu-đông, nếu cắt theo nghĩa đen. – Ở đây bể Liêu chỉ nên hiểu rộng là bể, hoặc là bể Đông...” Bản in này (Trường Thi) viết là “bể reo”, và sau khi lặp lại lời giải thích trên, giáo sư Nghiêm Toản nói thêm: “Nhưng tôi đoán đó là bể reo, nghĩa là tiếng sóng bể từ xa đưa lại như tiếng reo, ca tụng công bà Sơn Hậu che chở người đi bể.” - Mái tàu: mái nhà, ở đây tức là mái đền Thiên Hậu. - Vàng tương mái tàu: mái đền được dân chúng thếp vàng.
26) Cả câu này có nghĩa là: ánh đèn sáng mát, đẹp đẽ, và hương trầm xông tỏa làm tan mọi dục vọng trần tục.
27) Vũng: chỗ trũng giữa đồng hay trên mặt đất có nước đọng, hoặc nơi bờ biển sâu tàu có thể  đậu được. - Doi: khoảnh đất gie ra sông hay biển. Câu này có ý nói về sự đổi thay vô thường của cảnh vật: doi biến thành vũng; vũng biến thành doi.
28) Thảo mà: thảo nào, hèn chi. - Cánh điệp: cánh bướm. Sách Trang Tử, thiên “Tề Vật Luận” nói rằng, một  hôm nọ Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa làm bướm, bay lượn thích thú, đến khi thức dậy mà lòng vẫn còn nghi hoặc, không biết mình là bướm hay bướm là mình. - Lá đào: rừng hoa đào. Bài “Đào Hoa Nguyên Kí” của Đào Tiềm kể chuyện một người đánh cá chèo thuyền ngược dòng sông, hai bên bờ toàn là rừng đào, rồi lạc vào một cái động gọi  là Đào-nguyên, trong đó mọi người đều sống thanh bình, an  vui, hạnh phúc, tách biệt hẳn với thế giới trần tục ở bên ngoài.
29) Vu-giáp: núi Vu-giáp, thuộc tỉnh Tứ-xuyên, Trung-quốc.  Bài “Cao Đường Phú” của Tống Ngọc nói rằng, vua Tương vương nước Sở cùng với Tống Ngọc dạo chơi đầm Vân-mộng. Vua nhìn lên quán Cao-đường thấy đầy hơi mây. Vua hỏi hơi gì thế, Tống Ngọc tâu rằng, ngày trước tiên vương (tức Sở Hoài vương) cũng thường ra chơi ở Cao-đường, một hôm nằm ngủ, mộng thấy cùng ân ái với một người đàn bà đẹp, hỏi thì nàng ấy xưng là nữ thần núi Vu-giáp, thường hay làm mây buổi sáng, làm mưa buổi chiều ở Dương-đài. Do đó, người đời sau thường dùng những chữ “Vu-giáp, Dương-đài, mưa Sở, hay mây mưa” để chỉ cho sự đi lại của trai gái. - Vũ-lăng: đất Vũ-lăng thuộc tỉnh  Hồ-nam, Trung-quốc, nơi xảy ra câu chuyện được ghi trong bài “Đào Hoa Nguyên Kí” của Đào Tiềm (chú thích số 28 ở trên).
30) Mơ mòng: mơ ước. - Mưa Sở: xin xem lại chú thích số 29 ở trên. - Gió Đằng: gió đưa đến gác Đằng vương; ý chỉ sự may mắn của kẻ gặp thời. Vương Bột (648-675) đời  Đường (618-907), mới 6 tuổi đã biết làm văn, đến 16 tuổi  thì nổi tiếng khắp thiên hạ. Một hôm, quan đô đốc ở Hồng-châu đặt tiệc tại gác Đằng  vương, mời danh sĩ bốn phương tới tham dự, và yêu cầu mỗi người phải làm một bài “tự” ngay trong bữa tiệc. Vương  Bột – lúc đó khoảng 15 tuổi – muốn đến tham dự, nhưng vì ở xa quá nên ngần ngại. Một ông già biết thế, khuyên chàng cứ mạnh dạn sửa soạn thuyền buồm chèo đi, tự  nhiên sẽ có gió thổi giúp thuyền đi  nhanh. Quả nhiên, khi chàng cho thuyền khởi hành thì có gió lớn thổi đi vùn vụt, đến gác Đằng vương vừa kịp lúc nhập tiệc. Trong tiệc, chàng làm bài “Đằng Vương Các  Tự”, ai xem cũng đều kinh  hãi, cho chàng là bậc thiên tài.  Từ đó, danh của Vương Bột vang dậy khắp nơi. Do câu chuyện trên mà có câu: “Thời lai, phong tống  Đằng vương các”, nghĩa là, gặp lúc thời vận tốt nên được gió đưa đến gác Đằng vương. – Những từ “cánh điệp, lá đào, Vu-giáp, Vũ-lăng, mưa Sở, gió Đằng” trong các câu 41, 42, 43 và 44 đều ngầm ý chỉ cho thắng cảnh Phù-thạch có sức thu hút mạnh mẽ đối với văn nhân nghệ sĩ, ai cũng muốn tới đó để hưởng thú thần tiên.
31) Chiều xuân: chiều theo ý mời mọc của mùa xuân.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
Chương 8 MỘNG VÀ SÁNG TẠO VĂN NGHỆ
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717775