Người ta thường lấy khoảng thời gian một trăm năm làm kì hạn đời sống. Thiên “Khúc Lễ” trong kinh Lễ có nói: “Nhân thọ dĩ bách niên vi kì” (Kiếp sống của con người lấy trăm năm làm kì hạn). Đó là nhân sinh quan của các nhà nho tri thiên lạc mệnh; mới nghe thì có vẻ như yếm thế, mà xét kĩ thì là cả một tư tưởng đạt quan và tỉnh thức. Sở dĩ con người cứ mải chạy theo dục vọng, tranh đua danh lợi, để rồi phải đau khổ ê chề vì danh lợi, thân bại danh liệt vì dục vọng, là bởi vì họ chẳng có phút nào được sáng suốt để suy gẫm cái ý nghĩa phù du của cuộc đời mà tỉnh ngộ, dừng bước đua chen:
Trăm măm là kiếp ở đời,
Vòng trần(1) này đã mấy người trăm năm!
Cuộc phù sinh(2) có bao lăm,
Nỡ qua ngày bạc(3) mà lầm(4) tuổi xanh!
(Mai Đình Mộng Kí, câu 1- 4)
Chỉ có những kẻ sáng suốt mới nhận chân được điều đó, và nhờ vậy, họ mới không bị cám dỗ bởi danh lợi, dục vọng. Nhưng như thế không có nghĩa là họ chán đời, – chúng ta nên nhớ, người tỉnh thức không bao giờ là người yếm thế – mà trái lại, rất yêu đời, yêu sự sống. Họ vẫn vui sống, và vui sống có ý thức. Họ vui sống nhưng vì không có tham vọng nên không bao giờ bị thất vọng. Nhờ tinh thần đạt quan ấy mà họ có ý thức tự do, có tư cách cao thượng, có tình cảm dồi dào, và có nguồn sáng tạo phong phú.
Trong tâm thức nhà nho, Nguyễn Huy Hổ cũng đã từng có ước vọng công danh, mà chữ “công danh”, theo như nhà nho Nguyễn Công Trứ (1778-1858)(5) nói: “Phải có danh gì với núi sông”, thì nó có nghĩa là sự nghiệp ở đời của nhà nho đối với gia đình, tổ quốc, dân sinh, và cả với vũ trụ. Vì vậy, “công danh” ở đây không phải là lấy địa vị, danh lợi làm mục đích tối thượng của đời sống, mà chỉ là phương tiện hành đạo của kẻ sĩ. Vì nếu công danh là mục đích tối thượng để ganh đua, để rồi chôn vùi cuộc đời trong danh lợi, thì còn đâu là phẩm cách cao quí của sĩ phu! Cho nên điều cốt yếu của cuộc sống không phải chỉ là công danh, mà còn là nếp phong lưu lạc đạo, còn là mối tình cảm thâm trầm của một tâm hồn nghệ sĩ:
Duyên tế ngộ(6), hội công danh(7),
Là hai, với nghĩa chung tình(8) là ba,
Đều là đường cái người ta,
Là cầu noi(9) đó, ai qua mới từng.
(MĐMK, câu 5 - 8)
Tình là phản ứng hòa điệu của âm dương, là hấp lực lẫn nhau của trống mái, là xướng họa qua lại của nữ nam. Đó là bản chất của mĩ cảm, là mạch sống của nghệ sĩ. Do đó mà “duyên tế ngộ” và “nghĩa chung tình” đã được sắp ngang hàng với “hội công danh”, làm thành ba yếu tính của đời sống kẻ sĩ. Quan niệm đó của Nguyễn Huy Hổ cũng là quan niệm chung của các thi nhân tự nhận mình vốn thuộc “nòi tình”, là nhà nho quí phái. Bởi vậy, trong tất cả các tác phẩm văn nghệ cổ kim – dù văn nhân có muốn trình bày một tư tưởng cao siêu đến đâu đi nữa – chúng ta vẫn thấy chúng thường được xây dựng trên một câu chuyện thực tế là một cuộc tình. Tình hòa điệu thì sinh hoan lạc, tình không hòa điệu thì sinh bi thương, tất cả đều là bản chất của mĩ cảm. Rốt cuộc, chuyện tình qua bao đời vẫn là đề tài của văn nhân, và câu chuyện mộng của Nguyễn Huy Hổ cũng không ra ngoài mĩ cảm đó:
Tình duyên hai chữ nhắc bằng(10),
Há rằng duyên chướng, há rằng tình si(11).
Chuyện xưa còn có sá chi,
Đêm thanh vui chén muốn ghi nỗi mình.
Cho hay rằng giống có tình,
Chiêm bao lẩn quất(12) năm canh lần lần.
(MĐMK, câu 9 - 14)
“Tình” là dây nối kết do người chủ động, “duyên” là dây nối kết do trời sắp đặt – nói theo nhà Phật, tức là nghiệp thức. Tình và duyên thuận thì hòa hợp, hạnh phúc; có tình mà không có duyên thì phân cách oái oăm; có duyên mà không có tình thì chỉ là sự chắp nối miễn cưỡng. Đối với ba hoàn cảnh ấy của tình duyên, con người thật đầy đủ kinh nghiệm. Nguyễn Huy Hổ cũng thuộc “nòi tình”, vậy thuộc vào hoàn cảnh nào?
Trong Mai Đình Mộng Kí, Nguyễn Huy Hổ đã đề cập đến cuộc tình duyên dang dở giữa ông và thiếu nữ đề thơ; nhưng chúng ta sẽ đào sâu vào tâm sự của ông để thấy rằng, chuyện tình ấy chỉ là một cách biểu hiện khéo léo niềm ước vọng của ông trong tâm thức một nhà nho ở vào hoàn cảnh lịch sử đương thời. Chính cái tâm sự ấy đã được ông nói ra ngay ở những câu nhập đề tác phẩm:
Trăm năm là kiếp ở đời,
Vòng trần này đã mấy người trăm năm.
Cuộc phù du có bao lăm,
Nỡ qua ngày bạc mà lầm tuổi xanh.
Duyên tế ngộ, hội công danh,
Là hai, với nghĩa chung tình là ba.
Đều là đường cái người ta,
Là cầu noi đó ai qua mới từng.
(MĐMK, câu 1 - 8)
Kiếp người thật quá ngắn ngủi. Tuy nói đời người kéo dài trăm năm, nhưng đã có mấy người sống lâu trăm tuổi! Vậy thì chúng ta không nên buông thả đời trai một cách vô vị trong nếp sống ẩn dật, mà phải sống cho có ý nghĩa, tức là phải hội đủ ba yếu tố: duyên tế ngộ, hội công danh, và nghĩa chung tình.
Đó là đầu đề quan trọng mà Nguyễn Huy Hổ đã đưa ra. Ông đang sống ẩn dật nhưng lại tự cảnh cáo cái nếp sống đó của mình, và đồng thời đề cao cái tư cách nhập thế hành đạo theo quan niệm của một nhà nho tích cực.
Vậy chúng ta có thể thấy ngay ở đây cái gì đã khởi hứng cho Nguyễn Huy Hổ để ông viết nên thi phẩm Mai Đình Mộng Kí, đó chính là cái tinh thần “nhập thế hành đạo” của một kẻ sĩ chân chính, biết nhận trách nhiệm với xã hội mà trong đó mình đang sống.
CHÚ THÍCH
1) Vòng trần: trong cõi trần gian.
2) Cuộc phù sinh: kiếp sống của con người thật bấp bênh, vô định, chẳng khác nào khúc gỗ nổi trôi trên mặt đại dương.
3) Bạc: mỏng, lạt lẽo, vô vị.
4) Lầm: quậy nước cho đục.
5) Nguyễn Công Trứ: người làng Uy-viễn, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh, đỗ giải nguyên năm 1819, giỏi cả văn chương thao lược, làm quan trải qua ba triều Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883); về văn nghiệp thì từ chức hành tẩu đến chức thượng thư, về võ nghiệp thì từ chân lính trơn đến cấp tướng soái, được coi là một nhân sĩ khuôn mẫu Việt-nam ở thế kỉ 19.
6) Tế ngộ: gặp gỡ. Duyên tế ngộ: sự gặp gỡ tình cờ tốt đẹp giữa đôi trai gái do “duyên số”, không phải do mai mối mà được.
7) Công danh: sự nghiệp ở đời. Hội công danh: nơi, hoặc cơ hội để kẻ sĩ thi thố tài năng, lập nên sự nghiệp rạng rỡ ở đời.
8) Chung tình: tình yêu được chung đúc lại. Nghĩa chung tình: tình yêu gắn bó keo sơn dành cho một người.
9) Cầu noi: cây cầu được bắc để đi từ bờ xuống thuyền.
10) Nhắc bằng: cân bằng.
11) Duyên chướng, tình si: tình duyên làm cho người ta say mê, cái tâm trong sáng bị che lấp, tối tăm.
12) Lẩn quất: quanh quẩn.