Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Chương 2 TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Tác giả: Hạnh Cơ

1. Tác giả NGUYỄN HUY HỔ (1783-1841)

Nguyễn Huy Hổ tên tục là Nhậm, tự Cảnh Như,  hiệu Liên Pha, quê làng Trường-lưu, xã Lai-thạch, huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh. Ông là con thứ của cụ Nguyễn Huy Tự (1743-1790)(1) và bà Nguyễn Thị Đài (1752-1819)(2).

Ông vốn là con cháu của hai họ lớn ở vùng Nghệ-Tĩnh dưới thời Lê Trung-hưng (1532-1788): Ông nội là cụ Nguyễn Huy Oánh (1713-1789)(3) đỗ thám hoa, đã từng làm quan đến chức thượng thư dưới đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786); cha là cụ Nguyễn Huy Tự, được liệt ngang hàng tiến sĩ, sung vào viện Hàn-lâm, tác giả truyện Hoa Tiên; ông cố ngoại là cụ Nguyễn Nghiễm (1708-775)(4) đỗ hoàng giáp; ông ngoại là cụ Nguyễn Khản (1734-1786)(5) đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức tả thừa tướng;  ông chú ngoại là Nguyễn Du (1765-1820)(6) đỗ tam-trường, đã từng nổi tiếng là bậc  đại văn hào; cậu họ là Nguyễn Thiện (1763-1818)(7), người đã nhuận sắc truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự.

Nguyễn Huy Hổ sinh  năm 1783, lúc đó ở Bắc-hà, loạn kiêu binh đã nổi lên giết Hoàng Đình Bảo, phế Trịnh Cán (làm chúa được 2 tháng vào cuối  năm 1782) và lập Trịnh Khải (1783-1786) lên làm chúa. Đến khi ông trưởng thành thì nhà Nguyễn (1802-1945) đã thống nhất đất nước. Do đó, khoảng 20 năm đầu của cuộc đời Nguyễn Huy Hổ là thời gian đã xảy ra nhiều biến cố lớn lao trong lịch sử nước nhà: Nhà Tây-sơn nổi lên diệt cả họ Nguyễn ở Nam-hà lẫn họ Trịnh ở Bắc-hà, chấm dứt tình trạng phân tranh đã kéo dài hàng hai trăm năm (1599-1786); hai mươi vạn quân Thanh do  vua Lê Chiêu Thống (1787-1788) cầu viện bị vua  Quang Trung đánh tan trong vòng mười ngày (1789); nhà Hậu-Lê (1428-1788) bị sụp đổ để thay  thế bằng nhà Tây-sơn (1788-1802); rồi nhà Tây-sơn lại bị tiêu diệt về tay nhà Nguyễn (1802)...  Chỉ trong khoảng mấy mươi năm mà giang sơn đổi chủ đến ba lần! Nội thù, ngoại chiến xảy ra triền miên, xã hội loạn lạc, dân tình khốn khổ. Bởi vậy, tuy thuộc dòng dõi khoa bảng cả hai  bên nội ngoại, và chính Nguyễn Huy Hổ cũng là người văn hay học giỏi, nhưng ông đã không chịu thi cử để thi thố tài năng.
Lại nữa, những bậc tiền bối trong hai họ nội ngoại của Nguyễn Huy Hổ đều là những vị quan cao lộc hậu dưới triều Lê; vợ ông, bà Lê Thị Nguyên, lại chính là cháu vua Lê Hiển-tông (1740-1786), thì mối liên hệ giữa ông và triều Lê càng vô cùng thắm thiết. Vì vậy, cũng như Nguyễn  Du, dù không chống triều Nguyễn, nhưng đã không tỏ ra ủng hộ nồng nhiệt lắm với triều đại này; và mối  cảm hoài đối với triều Lê chắc chắn là có ẩn tàng trong lòng ông.
Hai người anh của ông cũng không hợp tác với triều Nguyễn: Nguyễn Huy Phó (?-?) sống ẩn dật ở Hưng-hóa, và Nguyễn Huy Vinh (1768-1818) thì dựng nhà dạy học ở núi Chung-sơn (huyện Nam-đường).
Nguyễn Huy Hổ đã giỏi về văn chương, mà cũng tinh thông cả thiên văn, địa lí; và có thể nói, đó cũng là tài năng đặc biệt của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường-lưu (ông nội của ông là thám hoa Nguyễn Huy Oánh, trước kia đã từng làm việc ở  tòa Khâm-thiên-giám, đoán nhật thực, nguyệt thực rất chính xác). Ông cũng rất giỏi về y lí, cho nên vào khoảng năm 1823, vua Minh Mạng (1820-1840) đã triệu ông vào cung chữa bệnh, rồi ban cho chức linh đài lang để làm việc tại tòa Khâm-thiên-giám. Tương truyền, ông cũng chính là  người đã lấy kiểu đất để xây lăng vua Minh Mạng.
Nguyễn Huy Hổ mất năm 1841 (năm đầu vua Thiệu Trị), hưởng thọ 59 tuổi.
Về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Hổ, cho đến nay chúng ta vẫn không biết gì hơn ngoài thi phẩm Mai Đình Mộng Kí.

Mai Dinh

2. Tác phẩm MAI ĐÌNH MỘNG KÍ
Nguyễn Huy Hổ đã viết Mai Đình Mộng Kí vào năm nào? Những người trước đây thường dựa vào một câu trong bài tựa chữ Hán ở đầu tác phẩm: “Kỉ Tị xuân ......”  (mùa xuân năm Kỉ-Tị ......) để cho rằng, Nguyễn Huy Hổ đã viết Mai Đình Mộng Kí vào năm 1809 (Kỉ-Tị). Nhưng nếu căn cứ vào câu thứ 15 của tác phẩm: “Nhớ xưa năm Tị tháng Dần” thì chúng ta có thể nghĩ rằng, tác phẩm đã được viết sau năm 1809 ít ra là ba bốn năm, và năm 1809 (tác giả được 26 tuổi) chỉ là thời điểm  xảy ra giấc mộng. Lại nữa, nếu xét hai câu áp chót của tác phẩm:

Thấy đây còn biết từ đây,
Bao giờ sao nữa lại hay bấy giờ.
(Mai Đình Mộng Kí, câu 295 - 296)

thì tác giả không thể viết tác phẩm này vào hay sau lúc ra làm quan – tức là năm 1823, tác giả được 40  tuổi. Vậy, theo chúng tôi, Nguyễn Huy Hổ đã viết Mai Đình Mộng Kí trong khoảng từ 29 đến 39 tuổi (1812-1822).
Riêng về bài tựa chữ Hán để ở đầu tác phẩm,  với tư tưởng thâm thúy đầy màu  sắc triết lí, với lời văn hết sức nghiêm túc, cuối bài lại được kí tên là Linh Đài Lang, thì ta có thể tin chắc chắn rằng, tác giả đã viết bài tựa ấy sau khi đã ra làm quan dưới thời vua Minh Mạng.
Mai Đình Mộng Kí không phải là một câu chuyện dài với nhiều tình tiết li kì như Hoa Tiên hay Đoạn Trường Tân Thanh, mà chỉ là một bài kí sự dài bằng thơ, gồm 298 câu lục bát, trong đó Nguyễn Huy Hổ ghi lại một giấc mộng của chính mình.
Tiết Thượng-nguyên năm Kỉ-Tị (1809), Nguyễn Huy Hổ đi thăm anh là Nguyễn Huy Vinh đang ẩn cư dạy học tại huyện Nam-đường (nay là huyện Nam-đàn, tỉnh Nghệ-an). Giữa đường gặp trời mưa, ông ghé lại bến đò Phù-thạch (một phố thị, đồng thời là một thắng cảnh nổi tiếng trên bờ sông Lam thuộc địa phận tỉnh Nghệ-an) trú lại nhà người bà con, tiện thể lại được xem hội thắp đèn nhân đêm Rằm tháng Giêng. Sáng hôm sau, người bà con lại thuê thuyền để ông ngược dòng sông Lam đi lên Nam-đường. Thuyền chèo thong thả, vừa đi vừa ngắm cảnh núi sông. Đến chiều tối, hứng lòng trước cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, ông gọi lấy rượu, uống đến say rồi nằm ngủ. Ông chiêm bao thấy mình đi đến một tòa lâu đài tráng lệ, có vườn tùng, vườn mai. Ông tiến vào khuôn viên tòa lâu đài, ở đấy có đình Thưởng-mai, một người con gái vừa viết xong bài thơ và dán lên vách đình. Vừa thoáng thấy bóng người lạ, cô gái liền lẩn trốn vào tòa lâu đài. Ông vào đình, thấy đó là bài thơ vịnh hoa mai, liền họa lại, rồi gỡ bài thơ trên vách, bỏ vào ống đựng thơ chung với bài họa của mình. Ông đánh bạo tiến thẳng vào tòa lâu đài. Bỗng dưng, một người hầu gái chạy ra, giật lấy ống thơ trong tay ông và chạy biến vào nhà trong. Chốc lát, ông được mời vào yết kiến một vị phu nhân khuê các. Bà hỏi thăm quê quán của ông, và vì sao ông biết được nơi này mà tìm đến. Ông trả lời, mình vốn con nhà gia thế, nhưng hiện giờ thì phong trần, nhân đi dạo chơi mà lạc lối đến đây. Vị phu nhân tâm sự, cha và chồng bà đều làm quan nhà Lê, nhưng vì binh đao loạn lạc, sự thế đổi thay, nên đã cáo quan về đây ở ẩn; và họ đã mất hơn mười năm  rồi. Bà vì còn phải lo  cho con gái, nên vẫn ẩn cư ở nơi vắng vẻ này. Ông tự nhiên lạc đường đến đây, ắt là do trời xui khiến; hơn nữa, xem hai bài thơ xướng họa thì biết rằng ông và con gái của bà có sẵn nợ tình duyên. Nhưng bà khuyên ông hãy trở về lập công danh, lúc nào thành đạt hãy trở lại. Ông vâng lời ra về, và... sực tỉnh dậy, lòng bàng hoàng ngẩn ngơ, tiếc mối duyên trong mộng;  rồi nhân đó mà suy nghĩ về hai chữ GIÁC, MÊ...
Nếu người xưa đã từng quan niệm: “ở tuổi 30, có thể tự lập được” (tam thập nhi lập), thì chắc hẳn Nguyễn Huy Hổ, trong khoảng từ 30 đến 40 tuổi, đã phải có những suy nghĩ thật chín chắn về việc nên hay không nên hợp tác với triều Nguyễn; và tác phẩm Mai Đình Mộng Kí hẳn nhiên đã phản  ảnh cái tâm trạng trong thời gian và hoàn cảnh đó  của ông. Nói đến LÁNH ĐỜI ẨN DẬT là nói đến phong cách Lão-Trang; nói đến CÔNG DANH SỰ NGHIỆP là nói đến tâm thức nhà nho; nói đến GIÁC, MÊ là nói đến triết lí đạo Phật; cả ba nguồn tư tưởng ấy đã thấm nhập hài hòa trong con người Nguyễn Huy Hổ, giúp ông giải tỏa được những giằng co, uẩn khúc nội tâm, phác họa cho ông một con đường xuất xử hợp tình hợp lí. Ông cũng là một con người nghệ sĩ tài hoa, biết sống thực với hiện tại, biết cảm xúc trọn vẹn với những vẻ đẹp của đất trời... Tất cả những cái đó đã được ông biểu hiện thành thi phẩm Mai Đình Mộng Kí, một trong những tác phẩm tuyệt hảo của nền thơ văn cổ điển Việt-nam.


CHÚ THÍCH

1) Nguyễn Huy Tự sinh năm 1743, quán làng Trường-lưu, xã Lai-thạch, huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh, con của cụ Nguyễn Huy Oánh, thuộc một dòng họ nổi tiếng là văn kiệt thời Lê-mạt (giữa thế kỉ 18). Tuy không đỗ đại khoa, nhưng  ông đã được vua Lê Cảnh Hưng mến tài, cho tiến triều, liệt ngang hàng với tiến sĩ, và làm quan đến chức đốc đồng. Năm 1783, nhân loạn kiêu binh, ông xin về ở ẩn. Năm  1790, ông được lệnh vua Tây-Sơn vời vào Phú-xuân, nhưng chỉ được vài tháng thì ông mất, thọ 48 tuổi.
2) Nguyễn Thị Đài là em ruột bà Nguyễn Thị Bành (1750-1773), con của cụ Nguyễn Khản. Nguyễn Huy Tự cưới bà  Nguyễn Thị Bành năm 1763, và đến năm 1773 thì bà này mất. Đến năm 1782, ông lại tục huyền với bà Nguyễn Thị Đài, và sang năm sau thì sinh Nguyễn Huy Hổ.
3) Nguyễn Huy Oánh người làng Trường-lưu, xã Lai-thạch, huyện La-sơn, tỉnh Hà-tĩnh, thi đỗ thám hoa, làm quan đến  chức thượng thư bộ Hộ; và đã có lần được cử đi sứ sang Trung-quốc.
4) Nguyễn Nghiễm người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân, tỉnh Hà-tĩnh, đỗ nhị giáp tiến sĩ (tức hoàng giáp), làm quan  đến chức đại tư đồ, tước Xuân quận công.
5) Nguyễn Khản là con trai trưởng của cụ Nguyễn Nghiễm,  đỗ tam giáp tiến sĩ, làm quan đến chức tham tụng.
6) Nguyễn Du là con trai thứ  bảy của cụ Nguyễn Nghiễm, đỗ tú tài năm 19 tuổi, làm quan đến chức hữu tham tri bộ Lễ dưới triều vua Gia Long (1802-1820).
7) Nguyễn Thiện là con của cụ Nguyễn Điều (1745-1786), và là cháu gọi cụ Nguyễn Du bằng chú ruột.

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Sách Tây Vực Ký, Huyền Trang Pháp sư thuật
Sư Pháp Thuận với câu thơ làm kinh dị sứ thần triều Tống
GIẤC MỘNG ĐÌNH MAI
Chương 1 DẪN NHẬP
Chương 3 NỠ QUA NGÀY BẠC
Chương 4 VĂN PHI SƠN THỦY VÔ KÌ KHÍ
Chương 5 MÌNH VỚI TA TUY HAI MÀ MỘT
Chương 6 NGHỆ SĨ VÀ SAY
Chương 7 MĨ CẢM HANG ĐỘNG
Chương 8 MỘNG VÀ SÁNG TẠO VĂN NGHỆ
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3717812