Nhìn vào lịch sử văn học Việt-nam thời CUỐI-LÊ - ĐẦU-NGUYỄN (cuối thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 19), chúng ta thấy có hai dòng họ lớn, vừa oai danh về khoa bảng, quan tước, lại vừa nổi tiếng về văn chương, đó là họ NGUYỄN ở làng TIÊN-ĐIỀN và họ NGUYỄN-HUY ở làng TRƯỜNG-LƯU, thuộc tỉnh Hà-tĩnh.
Làng Tiên-điền thuộc huyện Nghi-xuân, nằm phía Bắc dãy Hồng-lĩnh; làng Trường-lưu thuộc huyện La-sơn, nằm phía Tây Nam dãy Hồng-lĩnh. Cả hai họ Nguyễn ở hai làng này đều được liệt vào hàng văn kiệt, và có lẽ vì vậy mà họ đã tỏ ra rất tương đắc.
Trong bài “Nguồn Gốc Văn Kiều”, đăng trên báo Thanh Nghị (số 47, ngày 16.10.1943), giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã liệt các tác gia trong hai họ Nguyễn này vào chung một văn phái, gọi là Hồng-Sơn, và đã cho biết về sự liên lạc giữa hai họ này như sau:
“Ở đời Lê-mạt, anh em con cháu họ Nguyễn Tiên-điền đã giao du với người họ Nguyễn-Huy, và đã bao phen rủ nhau đi hát phường vải ở xã Trường-lưu. Trong bầu gái sắc trai tài, thơ đi hát lại, mà văn nôm của vùng Hồng-sơn đã nên trau chuốt. Thực là trong trường hợp ấy đã xảy ra các giai phẩm của văn phái Hồng-Sơn...”
Sự giao du ấy ngày càng đậm đà, đến nỗi về sau hai họ đã trở thành thông gia: Nguyễn Huy Tự (con cụ Nguyễn Huy Oánh, làng Trường-lưu) kết hôn với Nguyễn Thị Đài (con cụ Nguyễn Khản, làng Tiên-điền), và sinh ra NGUYỄN HUY HỔ.
Vậy, Nguyễn Huy Hổ đã mang trong mình dòng máu của cả hai họ Nguyễn ở Trường-lưu và Tiên-điền. Sự nối kết ấy không những chỉ ở phương diện huyết thống, mà còn ở cả phương diện văn chương: Nguyễn Huy Tự (Trường-lưu) đã soạn ra truyện Hoa Tiên và sau đó được Nguyễn Thiện (Tiên-điền, gọi cụ Nguyễn Khản bằng bác ruột) nhuận sắc. Và sau này, khi Nguyễn Du (Tiên-điền) viết Đoạn Trường Tân Thanh thì tỏ ra đã chịu ảnh hưởng sâu đậm văn Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự. Đến khi Nguyễn Huy Hổ viết MAI ĐÌNH MỘNG KÍ thì rõ ràng là đã chịu ảnh hưởng của cả cha (Nguyễn Huy Tự) và ông chú ngoại (Nguyễn Du).
Khi biên tập và cho xuất bản tác phẩm Mai Đình Mộng Kí, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét về điểm này như sau:
“Bên cạnh Hoa Tiên và Đoạn Trường Tân Thanh còn có Mai Đình Mộng Kí, văn y như văn Hoa Tiên và văn Kiều. Vậy thì ta thấy sự liên lạc giữa ba tập văn này: Nguyễn-Huy Hổ, tác giả Mai Đình Mộng Kí chắc đã thuộc lòng Hoa Tiên và Đoạn Trường Tân Thanh trước lúc làm bài ấy, cũng như Nguyễn Du đã thuộc lòng Hoa Tiên khi làm tập Đoạn Trường Tân Thanh. Vả lại, Nguyễn Du lúc thiếu thời, rất hay giao du với văn sĩ Trường-lưu: ảnh hưởng của sự giao du ấy rất lớn. Nay ta đọc Mai Đình Mộng Kí, ta thấy từ cách dùng chữ đến cách đặt câu, đều giống như trong Hoa Tiên và Kiều, ta phải coi ba áng văn ấy là của một phái, một nhà, truyền từ người nọ đến người kia, của Hồng-Sơn văn phái.”(1)
“Bên cạnh Hoa Tiên và Đoạn Trường Tân Thanh còn có Mai Đình Mộng Kí”, vậy mà Hoa Tiên và Đoạn Trường Tân Thanh được người đời biết đến rất nhiều, được phổ biến sâu rộng, còn Mai Đình Mộng Kí thì lại bị mai một quá lâu; thật đáng ngạc nhiên!
Nguyễn Huy Hổ viết Mai Đình Mộng Kí khoảng sau năm 1809 (năm Kỉ Tị), nhưng mãi đến năm 1943 – tức là hơn 130 năm, tác phẩm này mới được xuất hiện lần đầu tiên trên tuần báo Thanh Nghị (số 32 ra ngày 1.3.1943), do giáo sư Hoàng Xuân Hãn sưu tầm và công bố (trong loạt bài “Nguồn Gốc Văn Kiều”, khởi đăng từ số 29, tháng 2.1943). Các sách văn học sử đã xuất bản từ năm 1943 trở về trước như Quốc Văn Trích Diễm (1925), Văn Học Việt Nam (1939) và Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1941) của Dương Quảng Hàm; Cuộc Tiến Hóa Văn Học Việt Nam (1943) của Kiều Thanh Quế ... đều không thấy nói đến Nguyễn Huy Hổ và Mai Đình Mộng Kí.
Sau khi được giới thiệu trên báo Thanh Nghị (1943), Mai Đình Mộng Kí chỉ được nhắc đến một lần trong cuốn Văn Chương Quốc Âm Thế Kỉ XIX (1944) của Phan Trần Chúc; rồi thì vẫn vắng bóng trong các cuốn văn học sử khác – như Văn Chương Chữ Nôm (1947) của Thanh Lãng, Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (1949) của Nghiêm Toản ...
Đến năm 1951, nhà xuất bản Sông Nhị (Hà-nội) mới đem in thành sách bài “Mai Đình Mộng K ý” (rút ra từ bài khảo luận “Nguồn Gốc Văn Kiều” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đăng trong báo Thanh Nghị), với sự chú thích kĩ càng cùng lời bình luận và phân tích đại ý của giáo sư Nghiêm Toản. Việc cho xuất bản sách Mai Đình Mộng Kí này có lẽ là để đáp ứng nhu cầu giáo dục ở học đường lúc bấy giờ, vì trong phần “Phàm Lệ” sách ấy có nói: “Nhân vì Mai Đình Mộng K ý được ghi vào chương trình quốc văn bậc trung học, nên ở đây chú thích có phần kĩ hơn, nhất là về điển cố; riêng trong ba đoạn đầu lại có cả lời bình và phân tích đại ý, để giúp đỡ các học sinh...” Từ đó trở đi, tác phẩm này mới được chú ý đến, và các nhà viết văn học sử Việt-nam (như Nguyễn Tường Phượng, Bùi Hữu Sủng, Văn Tân, Phạm Văn Diêu, Phạm Thế Ngũ v.v...) đã dành cho nó một chỗ đứng trong các tác phẩm của họ.
Năm 1956, nhà xuất bản Phạm Văn Tươi (Sài-gòn) cũng đã cho phát hành cuốn Mai Đình Mộng Ký do Vũ Bằng phê bình và chú thích. Tuy vậy, việc làm này của nhà văn Vũ Bằng đã không có gì mới lạ, chỉ là hoàn toàn dựa vào ấn bản năm 1951 của giáo sư Hoàng Xuân Hãn (do nhà Sông Nhị xuất bản), cho in lại nguyên văn bài “Mai Đình Mộng Ký”, chú thích từ ngữ, và phê bình sơ lược về tác phẩm. Trong sách này, nơi phần “Phàm Lệ” ở đầu sách, ông Vũ Bằng cho biết:
“Theo chỗ biết của chúng tôi, Mai Đình Mộng Ký, mới có ba ấn bản: một, in trong báo Nam Phong của Phạm Quỳnh, một, của Dương Bá Trạc, và một của ông Hoàng Xuân Hãn sưu tầm...”
(Rất tiếc, chúng tôi chưa có điều kiện để được xem tận mắt hai ấn bản Mai Đình Mộng Ký in trong báo Nam Phong và của cụ Dương Bá Trạc, như ông Vũ Bằng đã cho biết.)
Ngoài ra thì không có một công trình biên khảo đặc biệt nào dành cho Mai Đình Mộng Kí.
Khi khảo luận về Tương An quận vương(2), ông Nguyễn Khuê đã từng phàn nàn:
“Trong văn học Việt-nam, có tác giả thì được quá nhiều người nghiên cứu, có tác giả lại rất ít được nhắc nhở. Trường hợp Nguyễn Du chẳng hạn, theo Thư Mục về Nguyễn Du(3), đã có đến 574 bài diễn văn, bài báo hoặc sách biên khảo về thân thế, tâm sự tác giả, về Đoạn Trường Tân Thanh và các tác phẩm khác của Tố-Như. Cuốn thư nục này được thành lập vào năm 1965, đến nay (tức là năm 1970, sách của ông Nguyễn Khuê được xuất bản – HC) số sách báo nói về Nguyễn Du chắc phải nhiều hơn. Ngoài Tố-Như, những tác giả ghi trong chương trình môn giảng văn bậc trung học cũng được biên soạn khá kĩ càng. Trong khi đó, những tác giả khác thường ít được các học giả, giáo sư lưu tâm nghiên cứu ...”(4)
So với Tương An quận vương thì Nguyễn Huy Hổ không đến nỗi bị hẩm hiu như vậy, nhưng nếu so với Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát v.v... thì Nguyễn Huy Hổ quả thật đã chịu cảnh ngộ bất công. Và khi Nguyễn Khuê đã không khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu văn học của ông với Nguyễn Du hoặc Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát v.v..., mà với Tương An quận vương, cũng có lẽ vì ông muốn san bằng phần nào sự bất công ấy trong văn học giới. Ông quan niệm:
“... một khóm hoa, dù là hoa quí, không thể làm thành vườn hoa. Do đó, muốn cho vườn hoa văn học nước nhà thêm phong phú, thiết tưởng chúng ta đồng thời cũng cần phải hướng sự nỗ lực vào các tác giả có chân tài khác...”(4)
Cũng cùng một niềm thiết tha đó với ông Nguyễn Khuê, chúng tôi xin đem ít kiến thức non nớt để tìm vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Huy Hổ qua tác phẩm Mai Đình Mộng Kí của ông, mong được góp phần giới thiệu một nghệ sĩ tài hoa vốn ít được mọi người nhắc nhở.
Về vấn đề tài liệu, những điều chúng tôi vừa trình bày ở trên đã chứng tỏ rằng, các tài liệu liên quan đến Nguyễn Huy Hổ và Mai Đình Mộng Kí hiện có rất ít. Tựu trung thì tập Mai Đình Mộng Kí do giáo sư Hoàng Xuân Hãn trích dẫn, biên tập, và giáo sư Nghiêm Toản chú thích là quan trọng nhất. Chúng tôi đã chọn tác phẩm đó làm tài liệu căn bản cho việc biên soạn tiểu luận này của chúng tôi. Và ấn bản chúng tôi hiện có là bản in lần thứ ba của nhà xuất bản Trường Thi, Sài-gòn (không thấy ghi năm ấn hành).
CHÚ THÍCH
1) Hoàng Xuân Hãn biên tập và trích dẫn, Nghiêm Toản chú thích, Mai Đình Mộng Ký (Sài-gòn: Trường Thi in lần thứ ba), trang 13.
2) Tương An quận vương sinh năm 1820, tên húy là Miên Bửu, tự Duy Thiện, hiệu Khiêm Trai, là con thứ 12 của vua Minh Mạng. Vương giỏi võ nghệ, lại nổi tiếng về thi ca, cùng với hai anh là Tùng Thiện vương và Tuy Lí vương, được coi là ba vị hoàng-tử giỏi văn chương hơn cả trong các vị hoàng tử con vua Minh Mạng. Vương mất năm Tự Đức thứ 7 (1854), hưởng thọ 35 tuổi.
3) Lê Ngọc Trụ và Bửu Cầm, Thư Mục về Nguyễn Du (Sài-gòn: Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1965).
4) Nguyễn Khuê, Tâm Trạng Tương An Quận Vương Qua Thi Ca Của Ông. (Sài-gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, 1970), trang 14-15.