Bản thảo của tập tiểu luận này đã được viết xong từ mùa hè năm 1974 (đã đánh máy và quay ronéo), nhưng chưa kịp in thì BIẾN CỐ 30.4.1975 xảy ra. Thế là mọi thứ sách vở gì cũng phải xếp xó cất kĩ. Sau khi tôi vượt biên và được định cư tại Gia-nã-đại, hiền nội ở nhà đã phải chép tay lại, chia ra thành nhiều “bức thơ” (mỗi bức thơ hai, ba tờ giấy – kể cả bản thảo của các loại kinh sách khác, có đến mấy trăm bức thơ), gửi dần sang cho tôi; đến vài ba năm mới nhận được hết! Có lại tập bản thảo, tôi đọc lại một lượt, rồi vì đa đoan công việc mà nó lại bị chính tôi cho xếp xó một lần nữa hết hơn 14 năm! Đến cuối mùa hè năm ngoái (1995), nhân được chút thì giờ rảnh rỗi, tôi mới lôi nó ra đọc lại. Rồi không hiểu có hứng thú gì, tôi đem đánh máy, sửa chữa, bổ túc, với ý định sẽ cho in thành sách. Khi làm những công việc này, rất tiếc, tôi không có trong tay cuốn Mai Đình Mộng Ký do giáo sư Hoàng Xuân Hãn giới thiệu, trích dẫn, và giáo sư Nghiêm Toản chú thích (nhà xuất bản Trường Thi in lần thứ ba tại Sài-gòn). – Đó là tài liệu căn bản mà tôi đã dùng để soạn thảo tập tiểu luận này năm 1974.
Đầu đông năm 1995, được sự trung gian và giúp đỡ của bạn Trương Tuệ (giám đốc nhà xuất bản An Tiêm ở Ba-lê), tôi có viết thư liên lạc với cụ Hoàng Xuân Hãn để xin một quyển Mai Đình Mộng Ký “của cụ” (nói trên), cùng với bản sao bản chữ Nôm của thi phẩm ấy, nhưng chờ rất lâu mà không được cụ trả lời. Cho đến khi công việc sửa chữa sắp hoàn tất, thì đùng một cái, tôi được tin Cụ qui tiên! Thật buồn! Dù tôi chưa từng được diễm phúc học với cụ, nhưng từ lâu rồi, tôi luôn luôn tôn kính Cụ là Thầy mình.
Thế rồi, tháng 6 năm nay, ông bạn giám đốc nhà An Tiêm đã bất ngờ gửi cho tôi một bản chụp cuốn Mai Đình Mộng Ký của hai giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản (nhưng không phải là bản in lần thứ ba của nhà Trường Thi ở Sài-gòn, mà là bản in năm 1951 của nhà Sông Nhị ở Hà-nội). Đây quả là một sự ưu ái đặc biệt mà ông bạn đã dành cho tôi. Xin ghi khắc ân sâu của bạn! – Trong bức thư gửi cho tôi, ông bạn có viết một đoạn liên quan đến cụ Hãn như sau: “...... khi tôi trao thơ của bạn gửi cho cụ Hãn, xem thơ bạn cụ hài lòng lắm, và có nói với tôi là nếu cụ được xem bản Mai Đình do bạn làm, thích hợp, cụ đề nghị sẽ gộp hai bản in chung. Cụ hứa sẽ viết thơ cho bạn, nhưng tôi nghĩ, không phải cụ đã lơ là, mà với tuổi già trên 80, để cái gì quên cái nấy, thì việc thơ từ chắc là khó mà làm bình thường được, may ra chỉ gặp trực tiếp mà thôi......” Đó là nhắc lại chuyện cũ hồi năm ngoái, còn bây giờ thì... đâu còn cơ hội nào nữa để được trực tiếp hầu chuyện với cụ!
Có được bản này rồi, tôi mới hoàn toàn yên tâm về công việc mà tôi đang sắp hoàn tất ở đây. Nhờ bản này, tôi đã kiểm soát lại phần chú thích những từ ngữ và điển tích trong thơ Mai Đình mà tôi đã trích dẫn (từ ấn bản của nhà Trường Thi, Sài-gòn). – Những chú thích về từ ngữ và điển tích này tôi đã không làm năm 1974 khi soạn tiểu luận, mà chỉ mới làm hiện nay trong khi sửa chữa. Những tài liệu chính mà tôi dùng để tra cứu trong khi chú thích, ngoài cuốn Mai Đình Mộng Ký của hai giáo sư Hoàng Xuân Hãn và Nghiêm Toản, còn có các bộ: Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển của Trịnh Vân Thanh; Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ; và Từ Nguyên (chữ Hán) của nhà xuất bản Thương Vụ. Còn nữa, và đây cũng là một cái duyên bất ngờ: Mùa hè năm 1985, trong một chuyến sang Pháp, tôi được quen biết cô Giao Trinh (ái nữ của nhà văn Minh Đức Hoài Trinh). Khi nhìn qua tủ sách của cô, bất chợt trông thấy cuốn Mai Đình Mộng Ký do Vũ Bằng bình chú, nhà xuất bản Phạm Văn Tươi in năm 1956 tại Sài-gòn. Tôi mừng lắm, liền xin cô một bản sao. Cô rất hoan hỉ. Một tháng sau khi trở về lại Gia-nã-đại, tôi nhận được bản sao chụp ấy do cô gửi cho. Đó cũng là một cái ơn mà tôi ghi nhớ, có liên quan đến tập tiểu luận này.
Trong tập “bản thảo” (năm 1974) của tiểu luận này, khi trích dẫn những tài liệu chữ Hán, chúng tôi đều kèm đủ ba phần: nguyên tác chữ Hán, phiên âm ra tiếng Hán-Việt, và dịch nghĩa ra tiếng Việt; nhưng ở đây, khi cho in thành sách, trước hết vì không có nhiều thì giờ viết lại chữ Hán, thứ nữa là vì không muốn cuốn sách trở nên quá nặng nề, rườm rà, cho nên chúng tôi không kèm theo hai phần nguyên tác chữ Hán và phiên âm, mà chỉ có phần dịch nghĩa mà thôi. Xin quí vị độc giả – đặc biệt là quí vị độc giả “Hán Nôm” – hoan hỉ mà niệm tình tha thứ.
Năm 1974, khi viết tập tiểu luận này, tôi đã được giáo sư Nguyễn Đăng Thục hướng dẫn cho thật tận tình. – Lúc đó nó có tựa đề là “Tâm Lí Văn Nghệ Trong Mai Đình Mộng Kí”, và được đề tên soạn giả là Nguyễn Hữu Lợi, có bản sao lưu giữ tại Thư viện Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài-gòn. – Khi bản thảo viết xong, quí vị giáo sư Lý Kim Hoa (Nguyên Hồng), Doãn Quốc Sỹ và Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân) cũng đã đọc và khích lệ. Tôi xin chân thành ghi khắc ân sâu của quí vị giáo sư.
Sở học của chúng tôi còn rất hạn hẹp. Vậy trong tập tiểu luận này, nếu có chỗ khuyết điểm, xin các bậc cao minh rộng lượng chỉ giáo cho. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ ân đức ấy của Quí Vị.
Thành phố Edmonton, Gia-nã-đại, cuối thu năm 1996
Sen búp kính tặng quí vị độc giả,
Hạnh Cơ