Văn hào người Pháp Victor Hugo (1802-1885) đã viết trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Les Misérables” [Những Người Khốn Khổ] của ông vào năm 1862:
“Vòng tay của mẹ được làm ra bởi sự thương yêu âu yếm và đứa con ngủ ngon lành trong đó.”
Để diễn tả sự yêu thương ngọt ngào của tình mẹ ca dao Việt Nam có câu:
“Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau.”
Chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau thì ngọt lịm! Có lẽ trên thế gian này không có tình yêu nào bao la vô tận và ấm áp vô cùng như tình mẹ. Cho dẫu những người con có già nua và hao gầy đến tuổi nào đi chăng nữa thì người mẹ vẫn yêu thương những đứa con của mình như thuở chúng còn măng non.
Trên cõi đời này cũng chẳng có ngôi trường nào dạy cách làm sao để những người mẹ yêu thương con cái của mình. Nhưng tình yêu thương của người mẹ đối với con cái vẫn cứ tự nhiên mà có, bởi vì nó vốn ở trong trái tim, trong lòng dạ của người mẹ tuôn ra. Nó không ở ngoài chảy vào. Nó sinh ra và tồn tại với người làm mẹ. Bởi thế, không ai hỏi tại sao những người mẹ thương yêu con cái của họ bởi chắc chắn ai cũng tự có câu trả lời, ai cũng đã hiểu rất rõ rằng những người mẹ thương yêu con cái của họ bởi vì đó là con cái, là ruột thịt, là máu mủ của họ, như cách nói của người bình dân Việt Nam. Tất nhiên, trên đời này cũng có cha mẹ không thương yêu con. Nhưng đó là trường hợp ngoại lệ của cái thường lệ và quy ước của luân thường đạo lý của xã hội loài người.
Để thấy rõ hơn tình yêu của mẹ đối với con cái là nguồn mạch tự nhiên, chúng ta có thể nhìn vào loài động vật có vú. Con mẹ đẻ con ra và với lòng yêu thương nó tự biết nuôi nấng và bảo bọc cho con cái của nó khôn lớn để tự lập mà sống. Con mẹ sẵn sàng xả thân để bảo vệ con cái. Đó cũng là tình thương yêu tự nhiên trong bản chất của con mẹ mà không cần ai dạy cho nó. Con cái là một phần đời, là một phần máu mủ của thân thể con mẹ. Chúng tự biết theo bản năng như vậy.
Cho nên những bậc hiền nhân, những nhà lãnh đạo tôn giáo trên thế giới này không cần phải mất thì giờ để dạy những bà mẹ làm sao thương yêu con cái mà chỉ tập trung vào việc giáo dục những người con làm sao biết thương yêu và hiếu thảo với cha mẹ.
Chữ hiếu 孝 trong tiếng Hán Việt gồm ở trên là chữ lão 老 tức là người lớn tuổi, người già, cha mẹ ông bà, và ở dưới là chữ tử 子 tức là người con. Có thể hiểu một cách đơn giản là con cái để cha mẹ mình lên trên một cách kính trọng hoặc hiếu thảo với cha mẹ. Người mẹ cưu mang đứa con trong bụng chín tháng mười ngày và banh da xẻ thịt để cho con ra đời, nên tình yêu thương của người mẹ đối với con cái là chất liệu tự nhiên, như nước trên nguồn chảy xuống. Nhưng con cái không có cái trải nghiệm đó của người mẹ - cho đến khi chúng thành gia thất và có con cái - nên tình yêu thương của nó đối với người mẹ khác với tình yêu của mẹ đối với nó. Bởi vậy mới phải cần có đạo lý hiếu thảo để nhắc nhở, để dạy cho con cái biết công ơn sanh thành và dưỡng dục của cha mẹ mà kính trọng và báo hiếu.
Ngày 22 tháng 8 năm 2021 rớt đúng vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch cũng là ngày Lễ Vu Lan Báo Hiếu hàng năm theo truyền thống văn hóa và tôn giáo Việt Nam. Để nghĩ đến công lao sinh thành và dưỡng dục của người mẹ, xin mời quý độc giả đọc vài bài thơ về mẹ của một số nhà thơ ngoại quốc.
Bài thơ ‘Mẹ Tôi’ của Ann Taylor
Ann Taylor – sinh ngày 30 tháng 1 năm 1782 và qua đời ngày 20 tháng 12 năm 1866 – là một nhà thơ và nhà phê bình văn học ở Anh Quốc, theo www.en.wikipedia.org. Lúc trẻ bà nổi tiếng là nhà văn viết cho trẻ thơ. Trước khi lập gia đình, bà là nhà phê bình văn học nghiêm túc. Tuy nhiên, bà được nhớ tới nhiều vì là chị và cũng là cộng tác viên của nhà thơ Jane Taylor (1783-1824). Bài thơ ‘Mẹ Tôi’ (My Mother) của Ann Taylor là một trong những bài thơ rất phổ biến dù tác giả của nó không nổi tiếng bằng.
Ai ngồi nhìn mái đầu tuổi thơ của tôi
Khi tôi đang ngủ say trong chiếc nôi của mình
Và những giọt nước mắt của tình thương ngọt ngào chảy xuống?
Mẹ tôi.
Khi bệnh đau làm tôi khóc,
Ai đã nhìn vào đôi mắt mở không ra của tôi,
Và khóc vì sợ rằng tôi sẽ chết?
Mẹ tôi.
Ai mặc áo quần sặc sỡ cho búp bê của tôi
Và dạy tôi làm sao chơi cho thật vui
Và nhớ tất cả những gì tôi nên nói?
Mẹ tôi.
Ai chạy tới để nâng mỗi khi tôi té,
Và kể vài câu chuyện vui cho tôi quên
Hay hôn lên chỗ đau để làm cho nó hết khổ?
Mẹ tôi.
Ai đã dạy đôi môi trẻ thơ của tôi biết cầu nguyện
Và yêu thánh kinh và ngày của Đức Chúa Trời
Và bước đi trong con đường thú vị của trí tuệ?
Mẹ tôi.
Và tôi có thể nào ngưng
Thương yêu và tử tế với người,
Ai đã quá tốt với tôi,
Có phải là mẹ tôi?
À! không, suy nghĩ mà tôi không thể chịu được;
Và cầu mong Chúa làm ơn cho tôi sống thêm,
Tôi hy vọng sẽ báo hiếu sự chăm sóc của người,
Mẹ tôi.
Khi người già nua, yếu ớt, và xanh xao,
Cánh tay khỏe mạnh của tôi sẽ là chỗ dựa cho người
Và tôi sẽ xoa dịu nỗi đau của người,
Mẹ tôi.
Bài thơ ‘Hiến Dâng Mẹ’ của John Greenleaf Whittier
John Greenleaf Whittier – sinh ngày 17 tháng 12 năm 1807 và qua đời ngày 7 tháng 9 năm 1892 – là nhà thơ Mỹ lãng mạn, có biệt danh là Quaker, theo www.en.wikipedia.org. Ông cũng là nhà vận động để bãi bỏ chế độ nô lệ tại Hoa Kỳ. Ông được đặc biệt nhớ đến với những bài viết chống chế độ nô lệ, cũng như tác phẩm nổi tiếng của ông được xuất bản vào năm 1866 “Snow-Bound.”
Trong bài thơ ‘Tribute to Mother’ [Hiến Dâng Mẹ], John Greenleaf Whittier nhớ lại thời tuổi trẻ lúc ông ngồi bên đầu gối của mẹ ông. Mẹ của ông đã kềm chế tính ích kỷ của ông và dạy ông ‘tình yêu trong sáng’.
Ký ức như bức tranh mang đến tôi;
Tôi nhìn suốt nhiều năm và thấy
Tôi ngồi một bên đầu gối của mẹ mình.
Tôi cảm nhận bàn tay dịu dàng của bà kềm chế
Tính tình ích kỷ của tôi, và tôi còn biết nữa
Cảm giác mù quáng về đúng sai và đau đớn của một đứa bé.
Nhưng bây giờ, người đàn ông trưởng thành tóc hoa râm sáng suốt hơn,
Những nhu cầu của tuổi thơ được hiểu biết tốt hơn.
Tôi nợ tình yên trong sáng của mẹ tôi.
Bài thơ ‘Cho Mẹ Tôi’ của Edgar Allan Poe
Edgar Allan Poe – sinh ngày 19 tháng 1 năm 1809 tại Boston, Massachusetts và qua đời ngày 7 tháng 10 năm 1849 – là nhà văn, nhà thơ, chủ bút và nhà phê bình văn học người Mỹ, theo www.en.wikipedia.org. Ông được xem là nhân vật cột trụ của Chủ Nghĩa Lãng Mạn tại Hoa Kỳ và của nền văn học Mỹ nói chung. Ông cũng là nhà văn viết truyện ngắn sớm nhất ở Mỹ. Ông cũng được biết như là nhà văn nổi tiếng Mỹ sống dựa vào việc viết lách của mình, nhưng chính điều này làm cho cuộc sống tài chánh của ông khó khăn.
Bài thơ ‘To My Mother’ [Cho Mẹ Tôi] không phải nhà thơ Poe viết cho mẹ ruột của ông mà viết cho mẹ vợ của ông. Vợ của ông là Virginia Clemm. Hai người lấy nhau lúc vợ ông mới chỉ 13 tuổi vào năm 1836 và bà đã qua đời trong năm 1847, nghĩa là họ chỉ sống với nhau được 11 năm. Tình yêu và hạnh phúc ngắn ngủi của họ đã để lại nỗi đau khôn nguôi trong lòng Edgar Allan Poe.
Bởi vì tôi cảm thấy rằng, trên Thiên Đường,
Những thiên thần, thì thầm với nhau,
Có thể tìm thấy, chữ tình yêu cháy bỏng trong họ,
Không có gì quá thiêng liêng như ‘Mẹ’
Vì vậy từ lâu tôi đã gọi mẹ bằng cái tên thân thương đó –
Với tôi, mẹ là người còn hơn cả mẹ,
Và lấp đầy tình yêu trong trái tim tôi, nơi Thần Chết đặt để mẹ
Làm cho linh hồn của Virginia giải thoát.
Mẹ tôi – mẹ ruột của tôi, đã chết sớm,
Chỉ là mẹ của tôi; nhưng người
Là mẹ của người mà tôi rất yêu quý,
Và đó là người thân yêu hơn người mẹ mà tôi đã biết
Qua sự bao la đó mà vợ tôi
Thân thiết đối với tâm hồn tôi hơn cuộc sống linh hồn của nó.
‘Bài Thơ 14 Câu Chan Chứa Tình Yêu’ của Christina Rossetti
Christina Rossetti – sinh ngày 5 tháng 12 năm 1830 và qua đời ngày 29 tháng 12 năm 1894 – là nhà thơ Anh Quốc làm thơ lãng mạn và tuổi trẻ, với các tác phẩm nổi tiếng “Goblin Market” và “Remember,” theo www.en.wikipedia.org. Bà cũng sáng tác lời 2 bản thánh ca Thiên Chúa Giáo nổi tiếng tại Anh, “In the Bleak Midwinter,” được phổ nhạc bởi Gustav Holst và Harold Darke, và “Love Came Down at Christmas,” được phổ nhạc bởi Darke và các nhà soạn nhạc khác. Bà là chị/em của nam nghệ sĩ kiêm thi sĩ Dante Gabriel Rossetti.
Trong bài thơ “Sonnets Are Full of Love” [Bài Thơ 14 Câu Chan Chứa Tình Yêu], Rossetti đã ca ngợi mẹ của bà như là người dạy cho bà “tình yêu đầu đời.”
Bài thơ mười bốn câu chan chứa tình yêu, và đây là bài thơ của tôi
Có nhiều bài thơ mười bốn câu: như thế bây giờ ở đây nó là
Thêm một bài thơ mười bốn câu nữa, bài thơ mười bốn câu tình yêu, từ tôi
Gửi tới người có trái tim là ngôi nhà yên tịnh của trái tim tôi
Gửi tới Tình Yêu đầu đời của tôi, Mẹ tôi, trên đầu gối của người
Tôi học được sự hiểu biết tình yêu không rắc rối;
Công lao của người là chân giá trị đặc thù của tôi,
Và bà là ngôi sao bắc đẩu của tôi khi tôi đến và đi.
Và bởi vì người yêu thương tôi, và bởi vì
Tôi yêu thương người, Mẹ, tôi đã dệt một vòng hoa
Của những vần điệu nơi đó để tôn vinh tôn danh của mẹ:
Trong mẹ không phải tám mươi năm có thể làm lu mờ ánh sáng
Của tình yêu, ánh sáng rực rỡ hạnh phúc của người vượt qua các định luật
Của thời gian và thay đổi và sự sống và chết.
Bài thơ “Cái Đầu Ra Trước” của Ocean Vương
Nhà thơ, nhà văn Mỹ gốc Việt Ocean Vương – sinh ngày 14 tháng 10 năm 1988 tại Sài Gòn, theo gia đình đi vượt biên và đến Mỹ lúc 2 tuổi, theo www.en.wikipedia.org -- hiện là phó giáo sư trong Chương Trình MFA dạy cho các nhà văn nhà thơ tại Đại Học University of Massachusetts Amherst. Anh là tác giả của tuyển tập thơ “Night Sky with Exit Wounds,” mà đã thắng Giải Whiting Award năm 2016 và Giải T.S. Eliot Prize năm 2017; và cuốn tiểu thuyết đầu tay “On Eargh We’re Briefly Gorgeous,” xuất bản năm 2019 và nhận Giải MacArthur Grant cùng năm này. Bài thơ “Headfirst” [Cái Đầu Ra Trước] nằm trong tuyển tập thơ “Night Sky with Exit Wounds,” được NXB Copper Canyon Press ấn hành năm 2016.
Không có gì bằng cơm với cá.
Không có gì bằng má với con.
(Tục Ngữ Việt Nam)
Con biết không? Tình yêu của mẹ
chẳng thiết đến niềm tự hào
con đường đỏ lửa
không đoái hoài những tiếng kêu gào
những thứ nó đốt cháy. Con tôi,
ngay cả ngày mai
con sẽ có hôm nay. Con biết không?
có những gã đàn ông sờ cặp vú
như thể
họ sờ cái đầu lâu. Những gã đàn ông
mang giấc mơ
vượt núi, cái chết trên lưng họ.
Nhưng chỉ có người mẹ có thể đi bằng chân
với sức nặng
của trái tim thứ hai đang đập.
Thằng khờ.
Con có thể bị mất hút trong mọi cuốn sách
nhưng con sẽ không bao giờ quên chính mình
cách mà ông trời quên
những bàn tay của mình.
Khi họ hỏi con
đến từ đâu,
hãy nói với họ tên của con
được banh thịt từ cái miệng không có răng
của người đàn bà thời chiến tranh.
Con không được sinh ra
mà đã bò, đưa cái đầu ra trước --
vào cơn đói của đám chó. Con trai của ta, hãy nói với họ
cơ thể là lưỡi dao mài bén
nhờ cắt.
Bài thơ trên mô tả một hình ảnh rất cảm động biểu lộ tình thương yêu của người mẹ đối với đứa con ngay dù nó còn đang nằm trong bụng mẹ.
Nhưng chỉ có người mẹ có thể đi bằng chân
với sức nặng
của trái tim thứ hai đang đập.
Tình yêu của người mẹ sâu thẳm đến mức bà có thể nghe tiếng đập của trái tim thứ hai trong bụng của bà trong lúc bà mang nó đi trên đường chạy giặc bất chấp lửa đạn của chiến tranh.
Xin cảm ơn tất cả những bà mẹ.
+++++
“Vòng tay của mẹ được làm ra bởi sự thương yêu âu yếm và đứa con ngủ ngon lành trong đó.” (Victor Hugo) (nguồn: www.pixabay.com)
Bìa trước của tuyển tập thơ “Night Sky with Exit Wounds” của Ocean Vuong. (nguồn: www.en.wikipedia.org)
Bông hồng cho Mẹ trong mùa Vu Lan. (nguồn: www.pixabay.com)