Sự báo hiếu luôn được đề cao, không riêng đối với những nước theo truyền thống Đông phương mà có cả ở các nước Tây phương nữa. Nói chung là ở khắp hoàn vũ, khắp những nơi nào có sự xuất hiện của con người. Dù có những truyền thống văn hóa sai biệt giữa các dân tộc, nơi nào có sự ca tụng tình thương và ân đức của cha mẹ, nơi đó có sự kêu gọi và nhắc nhở lòng tri ân báo hiếu của con cái. Khi người con biết thương yêu cha mẹ và tự biểu hiện tình thương bằng cách phụng dưỡng chăm sóc, sự báo hiếu trở thành nghĩa cử tự nhiên; khi người con không nhớ đến cha mẹ, chỉ suốt đời chạy theo vui thú và lợi danh riêng của bản thân mình, khi đó sự báo hiếu được kêu gọi như là trách nhiệm, như là bổn phận.
Báo hiếu mà phải đợi nhắc nhở thì đã mất đi phân nửa ( nếu không muốn nói là mất hết) ý nghĩa của sự hiếu đễ. Nhưng suốt đời sống trong sự hiếu đễ, luôn tưởng nhớ và báo ân cha mẹ, thì cũng là điều hiếm hoi, khó làm, khó thực hiện. Bởi vì tình thương yêu giữa cha mẹ và con cái là quan hệ xuôi ngược của tình cảm: tình thương của cha mẹ dành cho con cái là thứ tình cảm chảy xuôi theo dòng nước mắt (của thương yêu, quan tâm, lo lắng, vui mừng…); còn tình thương của con cái dành cho cha mẹ là tình cảm chảy ngược như là phản ứng đáp lại những gì cha mẹ đã trao cho mình. Khi chảy xuôi, tình cảm không có điều kiện, cũng không chọn lựa, và cũng không cần ai kêu gọi nhắc nhở; chỉ có thứ tình cảm chảy ngược mới là điều khó nảy sinh, nhiều khi cần phải giáo dục, khuyên nhắc, kêu gọi… Như vậy, báo hiếu chỉ là lòng thương muốn báo đáp của người con đối với công ơn cha mẹ. Tình thương hay nghĩa cử ấy rất đẹp, đáng trân quí, nhưng không cao cả như là tình thương của cha mẹ.
Do sự khác biệt giữa hai loại tình cảm này, trong kinh Báo Phụ Mẫu Trọng Ân, đức Phật dạy rằng: “ Giả sử có người, vì chí hiếu đối với cha mẹ, tự treo mình châm dầu đốt lên làm cây đèn thịt, cúng dường Như Lai cầu cho cha mẹ, trải trăm ngàn kiếp cũng không thể đền đáp được công ơn sâu dày của cha mẹ…” Sự ban rải tình thương, tự nguyện chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái, không thể nào đền đáp được bằng vật chất của cải, bằng sự thương yêu, chăm lo phụng dưỡng-vì tất cả những thứ nầy được khởi lên từ sự đáp ứng, không phải là điều tự nhiên.
Đứa con chỉ có thể báo đáp được công cha nghĩa mẹ phần nào trong muôn một bằng cách: ngoài sự cung phụng chăm sóc bằng vật chất, phải biết chăm lo về mặt tinh thần nữa. Nhưng chăm lo về mặt tinh thần là như thế nào ? Giúp cha mẹ giải trí bằng sách, báo, phim ảnh, học thêm chữ nghĩa…? - Đối với Phật giáo, chăm sóc về tinh thần cho cha mẹ là tạo điều kiện cho cha mẹ được tu tập theo Chánh Pháp, vì chỉ có Chánh pháp mới đem lại sự an vui hạnh phúc thực sự cho cha mẹ trong hiện đời và đời sau. Nếu cha mẹ đã biết tin và tu tập theo Chánh pháp, người con phải hỗ trợ, giúp đỡ cha mẹ tăng trưởng thêm niềm tin và được thuận lợi hơn trong điều kiện tu tập; nếu cha mẹ chưa tin, chưa hiểu Chánh pháp, người con phải giới thiệu, hướng dẫn, đưa cha mẹ theo Chánh đạo.
Lễ Vu Lan của Phật giáo là một trong những lễ rất quan trọng đặc biệt nêu cao hiếu hạnh của người con: báo đáp công ơn cha mẹ. Buổi lễ ấy, tuy rằng một năm mới tổ chức một lần, nhưng ý nghĩa của nó thì bao la trùm cả đời sống của những người con, trở thành một phương thức tu tập lợi mình lợi người. Theo phương thức báo hiếu trong kinh Phật dạy, người con sẽ kinh qua ba giai đoạn như sau:
- Thực hiện việc báo đáp công ơn cha mẹ bằng cách phụng dưỡng chăm lo vừa vật chất, vừa tinh thần (qua việc tu tập Chánh pháp);
- Không những báo đáp công ơn cha mẹ của kiếp nầy, còn truy tìm đến cha mẹ của nhiều kiếp trước;
- Do truy tìm cha mẹ của nhiều kiếp trước, có thể nhận biết rằng tất cả chúng sanh khác đều có thể đã từng là cha mẹ của mình, do đó, khởi sinh niềm thương yêu và làm lợi ích đối với tất cả chúng sanh, bắt đầu bước vào con đường của Bồ-tát để cứu độ chúng sinh không những trong đời này mà còn nhiều đời sau nữa.
Trong ý nghĩa thâm sâu như vậy, tinh thần báo hiếu trong Phật giáo không còn là một nghĩa cử, một biểu hiện hay một trách nhiệm, mà là cả một con đường thênh thang hướng về khắp tất cả. Người con chí hiếu, nhìn nơi đâu cũng thấy hình bóng cha mẹ mình, cũng thấy rằng mình cần phải cung kính, phụng sự, báo đáp. Tình thương chảy ngược của người con, bắt đầu từ đây không còn là bổn phận, hay trách nhiệm cần kêu gọi nhắc nhở, mà là lòng từ bi mở rộng. Hiếu hạnh dần dần trở thành Bồ-tát hạnh. Đây là nghĩa cử rốt ráo của sự báo đền ân đức cha mẹ, là cả kho tàng vô giá mà đức Phật để lại cho hàng Phật tử chúng ta.
Nhân mùa Vu Lan đến, với niềm hoan hỷ vô biên đối với pháp Phật nhiệm mầu, xin thành tâm kính lễ Tam Bảo đã trao đến chúng con con đường dẫn đến giải thoát giác ngộ; thành kính tưởng nhớ và tri ân cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp tạo nhân duyên có mặt của con trên cuộc đời để đón nhận Chánh pháp; và xin thành tâm nguyện cầu tất cả những người con trên cuộc đời đều được duyên may tu học theo Chánh pháp để thực hiện việc báo hiếu cha mẹ một cách trọn vẹn, đem lại lợi ích an vui cho khắp pháp giới chúng sinh.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.