Trong kho tàng văn học đồ sộ của Phật giáo, truyện tích Mục Kiền Liên – Thanh Đề không những là một chủ đề khơi mào cho một phương thức tu tập, báo hiếu, cứu độ nhân sinh, mà còn là một truyện tích đầy tính nghệ thuật, giàu hình ảnh và xúc cảm, rung động trái tim con người của mọi xứ sở, mọi thời đại. Truyện tích ấy, khởi đầu bằng những làn gió se sắt buồn của mùa thu.
Một Thánh giả A-La-Hán, kẻ đã vượt ra ngoài cõi sống chết, vươn lên trên những tình cảm trói buộc của thế gian; người đã thâu đạt những phép mầu vi diệu như đi trên nước, ngồi trong lửa, từng làm khiếp hãi tà ma ngoại đạo … bỗng một chiều bên bờ sông vắng, trong làn gió thu hiu hắt chạnh lòng nhớ đến mẹ hiền. Rồi từ đó, bắt đầu cho một hành trình của người con tìm kiến mẹ trong muôn ngàn thế giới mờ mịt xa xăm, và bắt đầu cho một truyện tích đặc sắc nhất của văn học Phật giáo, đi sâu vào văn học dân gian qua nhiều thể loại, khai mở trí tưởng tượng của con người vào những cảnh giới ngoài thế giới loài người, ảnh hưởng vào nếp suy tưởng và hành xử của những người con bao đất nước, bao thế hệ…
Tại sao truyện tích ấy lại có ảnh hưởng to lớn như thế?
Thứ nhất, vai trò thánh giả của Mục Kiền Liên khi khổ công tìm và cứu mẹ đã khẳng định thái độ của những người con trong cộng đồng tăng lữ. Những người con này, tình nguyện rời bỏ cha mẹ để xuất gia, gạt bỏ tình cảm riêng tư để khai triển tình thương rộng lớn đến muôn người, muôn loài. Nhưng họ không gạt bỏ hiếu cảm, bao hàm tinh thần và nghĩa cử báo đền ân đức, đối với cha mẹ của mình. Đây là một hình ảnh tuyệt đẹp, không hình ảnh báo hiếu nào đẹp hơn.
Thứ hai, nhờ thần thông mà Mục Kiền Liên tìm tòi trong nhiều cảnh giới trước khi khám phá cảnh giới quỷ đói, nơi mà mẹ mình là bà Thanh Đề đang bị đày đọa. Qua cuộc tìm kiếm, mục kích bao khổ đaucủa các loài chúng sinh trong nhiều cảnh giới qua những biệt nghiệp và cộng nghiệp khác nhau. Từ điểm này,truyện tích Mục Kiền Liên mở rộng cảnh giới giữa loài người và những chủng loại khác, vẽ nên một bức tranh sống động trùm khắp, nêu bật sự tương quan nhân quả thiện ác, giữa đời trước và đời này, đời này và đời sau.
Thứ ba, qua lòng hiếu và sự cố gắng của Mục Kiền Liên để cứu mẹ mà không được, đức Phật dạy phương thức báo hiếu theo tinh thần đạo Phật. Ở đây vai trò của cha mẹ được nêu cao một cách trân trọng, đồng thời mở ra con đường tu tập và cứu độ rất gần gũi với con người và đời sống. Gần gũi nhưng lại rất thâm sâu, cao rộng: muốn báo hiếu, không thể dùng sức riêng của mình (dù là thần thông, đức độ, tài vật, quyền lực…) mà phải nhờ đến đức hạnh của số đông; báo hiếu cha mẹ, không phải chỉ báo hiếu cha mẹ hiện đời mà còn báo hiếu cha mẹ nhiều đời. Quan niệm như thế mang theo cả một hệ luận cao đẹp có một không hai trong ý nghĩa báo hiếu đó là cứu độ nhân sinh. Con người không thể tách rời khỏi cộng đồng xã hội, cộng đồng nhân loại, cộng đồng thế giới, cộng đồng chúng sinh.
Có nghĩa rằng,việc báo hiếu cha mẹ đời này và nhiều đời kiếp trước, bao hàm lòng thương tưởng và hành động cụ thể để cứu độ tất cả chúng sinh trong khắp các cõi. Báo hiếu - như thế, chính là cứu khổ chúng sinh.
Mang lại hạnh phúc về vật chất lẫn tinh thần cho cha mẹ trong đời này chính là báo hiếu của nhân thừa. Cứu giúp và cầu nguyện cho cha mẹ bảy đời của mình là báo hiếu của Thanh-văn thừa. Xá tội vong nhân, bạt tế cô hồn, cứu khổ nhân loại và chúng sinh, là báo hiếu của Bồ-tát thừa.
Nhân dịp Vu Lan, mùa Báo Hiếu, chúng tôi xin chắp tay hướng về tất cả cha mẹ của mười phương thế giới, nguyện cầu cho tất cả đều được an vui giải thoát, sinh ra nơi đâu cũng có nhân duyên gặp được chánh đạo; và mong rằng giáo lý Báo Ân Cha Mẹ này sẽ được mọi người lấy làm phương châm để sống như những người con hiếu thảo đối với tất cả cha mẹ, đối với tất cả chúng sanh, kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc và tràn đầy hiếu cảm.
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.