Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Người Trí Thức Đạo Phật Qua Phong Cách Của Duy Ma Cật
Tác giả: Huỳnh Kim Quang

 

Ở thế gian, người trí thức không nhất thiết là người có bằng cấp học vị cao, mà là người có kiến thức rộng, có những sáng tạo độc đáo, có nội hàm đạo đức sâu, có nhiều đóng góp cho tha nhân và xã hội. Vì thế, người trí thức luôn luôn là thành phần ưu tú của xã hội, bởi vì họ là lực lượng dẫn đạo về mặt tư tưởng, văn hóa, văn học nghệ thuật. Hay nói cách khác, người trí thức là đầu tàu để đẩy xã hội tiến lên lộ trình văn minh, tiến bộ và thăng hoa không ngừng.

 Trong Đạo Phật, người trí thức còn có một danh xưng khác là người thiện tri thức, tức là người có kiến thức hướng thiện, mà hướng thiện ở đây có nghĩa là hướng tới mục đích cao thượng giác ngộ và giải thoát cho mình và người (tự giác và giác tha). Vì vậy, người thiện tri thức còn được gọi là thiện hữu tri thức, tức là người bạn lành đối với chúng sinh trên con đường phát huy trí tuệ và từ bi.

Trong thời kỳ phát triển của Đại Thừa Phật Giáo tại Ấn Độ khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch, một biểu tượng đặc thù của người tri thức Đạo Phật được nói đến trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết (Vimalakīrti-nirdeśa) là Cư Sĩ Duy Ma Cật (Vimalakīrti). Duy Ma Cật là một nhân vật lịch sử có thật tại Ấn Độ nhưng lại được bao phủ trong sương mù huyền thoại bí nhiệm bởi phong cách siêu việt hay bất khả tư nghì của một vị Bồ tát mà tri thức phàm tình không thể nào thấu triệt hết.

Nhưng Duy Ma Cật thực sự là ai?

 Duy Ma Cật là ai?

 Duy Ma Cật hay Tỳ-ma-la-cật là dịch âm chữ Phạn Vimalakīrti. Ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajīva, 344–413) dịch nghĩa là Tịnh Danh. Ngài Trúc Đạo Sinh (355-434) và ngài Huyền Trang (599-664) dịch nghĩa là Vô Cấu Xưng. Ngài Chân Đế (Paramārtha, 499-569) dịch nghĩa là Diệt Cấu Minh. Dù nhiều người dịch khác nhau nhưng tựu trung ý nghĩa tên của Duy Ma Cật là người vang danh vì phẩm tính trong sạch, thanh tịnh hay không cấu nhiễm.

Truyền thuyết được kể trong Kinh nói Duy Ma Cật là người của bộ tộc Licchavi cũng là một nhà nước cộng hòa có kinh đô là Vaiśālī (Tỳ-xá-ly) vào thời đại Đức Phật còn tại thế (thế kỷ thứ 6, thứ 5 trước Tây lịch).

Nơi đó (Tỳ-xá-ly), có một nàng kỹ nữ sắc nước hương trời tên là Āmrapālī, hay "Ambapālika" hoặc "Ambapali" (dịch âm là Am-ba-bà-lị). Tên của bà là sự kết hợp 2 chữ Phạn: amra, có nghĩa là trái xoài, và pallawa, có nghĩa là chiếc lá non. Truyền thuyết cho rằng bà được sinh ra tại một gốc cây xoài trong một vườn thượng uyển ở Tỳ-xá-ly. Sắc đẹp “nghiêng thành đổ nước” của bà đã làm cho vua, quan, công tử bốn phương, mà trong đó có vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) là Bimbisara (Tần-bà-sa-la hay Bình Sa Vương) phải say mê đắm đuối. Mối tình của nàng kỹ nữ và vị vua dòng Sát-đế-lợi ở Ma-kiệt-đà đã sinh ra một hoàng nam không chính thức có tên là Vimala (Duy-ma-cật), mà sau này đã xuất gia theo Đức Phật và đắc quả A-la-hán.

Nhưng, sau nhiều năm bị vùi dập trong thanh sắc dục lạc, Am-ba-bà-lị cuối cùng đã hồi tâm chuyển ý để quy y theo Phật làm đệ tử tại gia và xin cúng dường cho Đức Phật và Tăng đoàn của Ngài khu vườn xoài rộng lớn và yên tĩnh của bà để làm tinh xá gọi là Tinh Xá Vườn Xoài mà đã được nhắc đến trong các Kinh.

Vimala đắc quả A-la-hán hẳn nhiên không phải là Bồ tát Duy Ma Cật được nói đến trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết. Giới thiệu nhân vật Duy Ma Cật trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết,(1) Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã viết như sau:

“Nhưng, còn một Vimala khác không chỉ làm chói sáng Vaisālī như một nhân vật huyền thoại. Một con người mà danh tiếng không chỉ được đồn đãi giữa các vua chúa, các phú gia địch quốc, giữa các trà đình tửu quán, giữa các chốn thanh lâu trụy lạc; mà danh tiếng ấy còn vang xa đến tận cùng biên giới của vũ trụ, nếu vũ trụ có biên giới; được các Thánh nhân, các Bồ-tát kính trọng; được các đức Phật tán dương. Đó là danh tiếng không chút ô nhiễm ngay dù được truyền tụng giữa bùn lầy ô nhiễm. Đó là một Vimalakīrti. Là một Thánh nhân nhưng không hề ở trên cõi Thánh thanh tịnh vô vi. Đó cũng là một tay lạc phách giang hồ, mà trong lòng tay, dung sắc vi diệu của các thiên nữ trở thành thể tính Chân không vi diệu.

“Có một nhân vật lịch sử như thế chăng, hay đấy chỉ là một nhân vật hư cấu để biểu tượng một tư tưởng triết học hay một lý tưởng Bồ-tát đạo của Phật giáo Đại thừa? Có thể trả lời một cách dứt khoát rằng đó là một nhân vật lịch sử, xuất hiện trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử phát triển Phật giáo nói chung, và trong thời kỳ vận động của Đại thừa. Một con người có thật được trang bị với một cơ sở tư tưởng bất nhị (advaita) để có thể tự nâng lên hàng Thánh giả vượt ngoài tam giới nhưng đồng thời có thể hạ mình ngập lụt trong thế gian ô nhiễm mà vẫn không tách lìa thế giới thuần tịnh vô nhiễm.”

 Tri thức và trí tuệ

Nhưng, chúng ta cần quay trở lại vấn đề tri thức ở thế gian và trí tuệ trong Đạo Phật để có thể hiểu được tại sao người thiện tri thức Duy Ma Cật có thể ở ngay trong bùn lầy thế gian mà thanh tịnh siêu thoát.

Luận sư Phật Giáo Ấn Độ Trần Na (Dignāga, 480-540 Tây lịch), trong tác phẩm Tập Lượng Luận (Pramāṇa-samuccaya),(2) đã nêu ra 2 cách nhận thức của con người: Hiện lượng (pratyaksa) và tỷ lượng (anumàna). Hiện lượng là nhận thức các pháp trực tiếp và tỷ lượng là nhận thức các pháp gián tiếp qua suy luận. Hiện lượng nhận thức đối tượng cá biệt, trong khi tỷ lượng nhận thức đối tượng tổng thể. Khi căn, cảnh gặp nhau thì nhận thức trong sát na đầu tiên đó là hiện lượng. Khi sát na thứ nhất qua đi căn, cảnh tiếp tục tiếp xúc và nhận thức tiếp tục diễn ra thì đó là tỷ lượng. Vì nhận thức trực tiếp chỉ diễn ra trong một sát na tức thì, nên hiện lượng nhận thức biệt tướng của các pháp, trong khi tỷ lượng nhận thức qua loại suy nên nhận thức tổng tướng của các pháp. Nhận thức biệt tướng của hiện lượng diễn ra khi 5 căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tiếp xúc với 5 trần cảnh là sắc, thanh, hương, vị và xúc. Nhận thức tổng tướng của tỷ lượng là chức năng của ý thức phân biệt.

Ngài Trần Na cho rằng nhận thức trong sát na thứ nhất, hay hiện lượng là nhận thức thuần khiết không có bất cứ sự phân biệt hoặc suy luận nào. Nhận thức hiện lượng không biểu tỏ được qua ngôn ngữ vì nó đối diện trực tiếp với đối tượng và thực tại. Thí dụ, khi mắt nhìn cành hoa, trong một sát na đầu tiên, con mắt giống như cái gương trong sáng và cành hoa hiện bày ra trong gương một cách tự nhiên và trọn vẹn. Ở trạng thái nhận thức hiện lượng đó không hề có bất cứ ý tưởng phân biệt nào khởi lên để so sánh, để cho rằng cành hoa này khác với cành hoa khác, với các đối tượng khác, cành hoa này đẹp hay xấu, v.v…

Nhận thức thuộc sát na thứ hai về sau là tỷ lượng, tức là nhận thức qua sự so sánh, sự phân biệt, sự tổng hợp dựa vào hậu cảnh của tâm thức, của nhận thức, hay nói cách khác là dựa vào kinh nghiệm. Đó là tri thức thường nghiệm. Tri thức thường nghiệm là kiến thức được thâu nạp qua ký ức, ghi nhớ, học hỏi, tích tập theo thời gian từ sinh hoạt của cá nhân, của gia đình và ngoài xã hội, bao gồm học đường. Khi mắt nhìn cành hoa bằng nhận thức tỷ lượng là lúc con người lấy ra từ trong kho tàng kiến thức và ký ức của mình cành hoa ấy tên gì, thuộc loại hoa gì, màu gì, khác với các cành hoa chung quanh như thế nào, nó đẹp ở chỗ nào hay không đẹp vì sao, mình có thích hay không thích cành hoa đó, v.v… Không có ký ức, không có kinh nghiệm về loài hoa đó thì con người sẽ không biết gì về nó và như vậy họ sẽ bắt đầu hiểu biết về nó qua sự tìm hiểu và ghi nhớ.

Nhận thức của tri thức thường nghiệm như vậy thực ra đã bị chi phối bởi hậu cảnh tâm thức, bởi ký ức, bởi thành kiến và quan điểm chủ quan. Khi gặp một người nào đó, con người thường lục lọi trong ký ức hay nhận thức đã có của mình về người này, rằng người này tên gì, nghề nghiệp gì, tốt hay xấu (dựa vào cảm nhận cá nhân của mình trong những lần gặp trước), giỏi hay dở, v.v… để có sự nhận thức về người này. Như thế, những gì con người biết về người này là từ những dữ kiện chất chứa trong tâm thức, mà đa phần là những thành kiến tốt hay xấu, thiện cảm hay ác cảm đã được định hình qua kinh nghiệm. Nhận thức về một người như vậy là thông qua suy luận không phải cái biết trực tiếp và tức thì trong khoảnh khắc hiện tại. Tuy nhiên, nhận thức qua suy luận thường không bảo đảm sự chính xác hoàn toàn. Nó chỉ có tính cách tương đối. Đó là sự thật tương đối, sự thật ước lệ. Do đó, tri thức thường nghiệm chỉ có thể đạt được một thứ chân lý hay sự thật tương đối. Thí dụ, hai người cùng gặp một người, nhưng nhận thức về người thứ ba có khác biệt giữa hai người này, tùy theo hậu cảnh tâm thức của mỗi người trong hai người này. Trong trường hợp này, đối tượng nhận thức chỉ có một người, nhưng chủ thể nhận thức thì có hai người, với hai nhận thức khác nhau. Sự thật của người này không phải là sự thật đối với người kia. Đó là sự thật tương đối.

Hơn nữa, nhận thức gián tiếp theo tỷ lượng với đối tượng là tổng thể sẽ chỉ có thể biết được cái chung chung thuộc giả danh của các pháp mà không tri nhận được bản chất đích thực của pháp. Thấu rõ bản chất đích thực của các pháp thì phải có trí tuệ (Prajñā).

Con người trong cuộc sống thường nghiệm dùng sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) tiếp xúc với sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp) khiến cho tâm thức bị khuấy động, bị vẩn đục bởi thất tình lục dục. Khi tâm bị vẩn đục thì sẽ không thể nhận thức các pháp tinh tường để có sự thấu hiểu bản chất, cũng giống như tấm gương bị bụi phủ mờ thì sẽ làm cho các hình ảnh không thể hiện rõ trên gương. Dừng sự giong ruổi của sáu căn đối với sáu trần bằng phương pháp thiền định hoặc giữ gìn giới luật là những cách mà Đức Phật đã dạy để chận đứng vọng tâm và làm trong sạch thân tâm để có thể phát huy diệu dụng của trí tuệ.

Ngài Long Thọ (Nāgārjuna, thế kỷ thứ nhất và thứ hai Tây lịch tại Ấn Độ) sáng tác bộ Trung Luận (Mūlamadhyamakakārikā) mà trong đó Ngài phân tích các pháp được sinh khởi bởi các duyên (duyên khởi). Ngài nói rằng không một pháp nào hiện hữu mà không nương vào nhiều duyên, nhiều yếu tố hay điều kiện. Điều này có nghĩa là các pháp tồn tại tùy thuộc vào nhau mà trong đó không có duyên nào đóng vai trò chủ thể. Chính vì các pháp hiện hữu tùy thuộc vào nhau cho nên không có tự thể, không có tự tánh, mà chúng chỉ giả tạm hòa hợp để có mặt, nhưng tự bản chất tất cả các pháp đều là không. Ngài Long Thọ cũng nói rằng chính nhờ không mà các pháp mới có thể duyên vào nhau để hiện hữu. Như vậy, trí tuệ rốt ráo chính là giác ngộ bản chất không có ngã, không có tự thể của tất cả các pháp.  

Trong Chương 2 Phương Tiện Quyền Xảo của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết đã giới thiệu về trí tuệ tu chứng của ngài Duy Ma Cật rằng:

“Bấy giờ, trong thành Tỳ-da-li có vị trưởng giả tên Duy-ma-cật, hằng cúng dường vô lượng Phật, trồng sâu gốc rễ thiện, chứng đắc vô sanh pháp nhẫn, có tài biện thuyết vô ngại, hiện du hí thần thông, nắm vững các tổng trì, đạt được vô sở uý; khuất phục mọi thù nghịch quấy nhiễu của Ma, thấu hiểu mọi Pháp môn sâu thẳm, dẫn đến giác ngộ, thiện xảo trong trí độ và biết diệu dụng các phương tiện thích hợp để giáo hóa, hoàn thành được mọi đại nguyện của Bồ tát.”

Đoạn trên, bản dịch Việt của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dùng nhóm chữ “thiện xảo trong trí độ,” có nghĩa là ngài Duy Ma Cật đã đã đạt đến trí tuệ có thể vận dụng các phương tiện quyền xảo để giáo hóa chúng sinh. Đây là một trong hai loại trí tuệ siêu việt của một vị Bồ tát chứng đắc quả vị cao thâm, gồm Căn bản trí và Hậu đắc trí. Hậu đắc trí chính là quyền trí hay phương tiện trí. Trí tuệ này đạt được sau khi chứng đắc Căn bản trí hay Chân thật trí, là trí tuệ liễu ngộ chân thân của thực tại, hay còn gọi là Trí tuệ Bát nhã (Prajñā).

Trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết bản dịch của HT Thích Tuệ Sỹ kể về chỗ thâm sâu bất khả tư nghì trong trí tuệ của ngài Duy Ma Cật rằng, nhân dịp Bồ tát Văn Thù (Mañjuśrī) đến thăm bệnh ngài Duy Ma Cật, hai vị này đã trao đổi với nhau một số vấn đề tu chứng. Khi được ngài Văn Thù hỏi về cách làm sao thâm nhập vào Pháp môn bất nhị thì ngài Duy Ma Cật im lặng. Nhưng ngay lúc đó ngài Văn Thù đã khen ngài Duy Ma Cật:

“Tuyệt, tuyệt thay; cho đến không còn văn tự và ngôn thuyết, ấy mới thật là vào Pháp môn bất nhị.”

Trong đoạn Kinh này nói đến Pháp môn bất nhị tức là con đường tu chứng Niết-bàn, chân thân thực tại, siêu việt lên trên sự đối đãi tương đối của thế giới nhị nguyên. Chân thân thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ và ngay cả ý niệm, bởi vì ngay khi ý niệm khởi sinh thì chân thân thực tại tức thì biến mất. Đây là chỗ tu chứng tối thượng của một Đức Phật, của một Bồ tát hay của bất cứ ai muốn chứng đắc Niết-bàn để thoát khỏi sanh tử luân hồi khổ não.

Tìm cầu sự thật

Bản chất của người trí thức là luôn luôn hướng tới sự hiểu biết những điều mình chưa biết. Đức tính này hàm ngụ đặc điểm vô cùng độc đáo của người trí thức: luôn luôn tìm cầu sự thật. Trên lộ trình tìm cầu sự thật, người trí thức không dễ dàng thỏa mãn với bất cứ thành tựu tri thức hay nhận thức nào. Hoài nghi và tra vấn là những cách để người trí thức mổ xẻ và lặn sâu vào cốt lõi của sự thật. Người tri thức Đạo Phật cũng thế.

Trong Kinh Du Hành của Trường A-hàm, Đức Phật dạy về bốn đại giáo pháp, mà trong đó Ngài nói rằng dù cho có nghe được từ một vị tỳ-kheo nào đó nói rằng: (a) chính vị ấy nói đã nghe được từ Đức Phật; (b) chính vị ấy nói đã nghe được từ các vị kỳ cựu đa văn; (c) chính vị ấy nói đã nghe từ nhiều vị tỳ-kheo là những người trì pháp, trì luật; và (d) chính vị ấy nói đã nghe từ một vị tỳ-kheo là người trì pháp và trì luật thì cũng không nên vội vã tin và bài bác mà phải kiểm chứng qua Kinh và Luật mà Đức Phật đã dạy.

“Bốn pháp ấy là gì? Nếu có vị tỳ-kheo nào nói như vầy: ‘Này chư hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân theo Phật được nghe, được lãnh thọ giáo pháp này.’ Nghe như vậy thì các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn.”(3)

Trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết kể rằng khi Đức Phật biết ngài Duy Ma Cật bị bệnh hiện ở tại gia thất thì Đức Phật đã khuyên nhiều vị đệ tử Thanh Văn và Bồ Tát đi thăm bệnh Duy Ma Cật. Nhưng, tất cả đều từ chối vì nói rằng trước đây họ đều bị ngài Duy Ma Cật chất vấn về kiến văn và hành trì Phật Pháp mà không thể đối đáp được, nên nay ngần ngại không dám đi thăm bệnh, ngoại trừ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là bậc thượng thủ trong hàng Bồ Tát xuất gia có trí tuệ siêu việt.

Qua những câu chuyện này trong Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, chúng ta có thể nhìn vấn đề theo cách tìm cầu sự thật của một nhà tri thức Đạo Phật là luôn luôn đặt lại vấn đề để tìm cốt lõi của sự thật. Thí dụ, ngài Xá Lợi Phất (Śāriputra) đã kể cho Đức Phật nghe việc ngài bị ngài Duy Ma Cật đặt lại vấn đề ngồi thiền như sau:

“Bạch Thế Tôn, con không đủ năng lực để đi thăm bệnh ông ấy. Vì sao vậy? Con nhớ lại, có lần, con đang ngồi tĩnh niệm dưới tàn cây trong rừng, Duy-ma-cật đến đó, và bảo con rằng, ‘Kính thưa ngài Xá-lợi-phất, bất tất ngồi như vậy mới là ngồi tĩnh niệm. Hiện thân và ý mà không ở trong ba cõi, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện các oai nghi mà vẫn không xuất khỏi diệt tận định, ấy mới là tĩnh tọa. Hiện thân làm các việc phàm phu mà không xả Đạo pháp, ấy mới là tĩnh tọa. Tâm không trụ trong, không trụ ngoài, ấy mới là tĩnh tọa. Tu hành ba mươi bảy phẩm mà không làm dao động các kiến chấp, ấy mới là tĩnh tọa. Nhập Niết-bàn mà không đoạn trừ phiền não, ấy mới là tĩnh tọa. Ngồi được như vậy, thì mới được Phật ấn khả’.”

Có tra vấn đến chỗ cùng kỳ lý của một vấn đề nào đó mới có thể phá tung được màng lưới buộc ràng và giới hạn của tri thức thường nghiệm để thâm nhập vào sự thật cốt lõi bằng trí tuệ vượt thoát.

Xây dựng xã hội

Nhưng nếu người tri thức chỉ biết rút mình trong thế giới tri kiến mà không đoái tưởng gì đến tha nhân và xã hội thì đó không phải là người tri thức có tấm lòng nhân ái hay có đức từ bi. Người tri thức nên đem kiến thức đặc hữu mà mình có để góp phần vào việc xây dựng xã hội thăng hoa, hòa bình và thịnh vượng. Giáo pháp của Đức Phật được ví như thần dược dùng để chữa lành bệnh khổ cho chúng sinh. Người tri thức Đạo Phật đã thâm nhập vào được giáo pháp ấy và cũng đã dùng giáo pháp ấy để tự chữa lành bệnh khổ cho mình thì không thể không vì tha nhân và xã hội mà ứng dụng giáo pháp ấy trong sinh hoạt hàng ngày để làm lợi ích cho nhiều người. Trong Kinh Phạm Võng/Phạm Động của Trường A-hàm, theo bản dịch Việt của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Đức Phật đã nói rằng dù Ngài “đã đoạn sanh tử, vĩnh viễn không còn tái sanh,” nhưng vì để độ cho chư thiên và nhân loại Ngài vẫn thị hiện ra đời.

“Như Lai tự biết, sự sanh đã dứt, sở dĩ có thân là để phước độ chư thiên, nhân loại. Nếu Như Lai không có thân, người đời không chỗ nương cậy. Cũng như cây đa-la bị chặt ngọn không còn sống trở lại nữa. Phật cũng vậy, đã đoạn sanh tử, vĩnh viễn không còn tái sanh.”(4)

Đức Phật là nhà đại cách mạng xã hội bởi vì Ngài không những là người đầu tiên trong thế gian tìm ra con đường giác ngộ và diệt trừ khổ đau tận gốc rễ, mà Ngài cũng đã phá bỏ mọi phân biệt giai cấp của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Hơn nữa, Đức Phật còn thực thi quyền bình đẳng giới tính nam nữ khi cho phép phụ nữ được xuất gia tu tập trong Tăng Đoàn của Ngài.

Trong Chương 2 Phương Tiện Quyền Xảo của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết mô tả công hạnh lợi tha để góp phần vào việc xây dựng xã hội của ngài Duy Ma Cật viết rằng:

“Ông giữ chấp trì luật pháp, duy trì trật tự dưới trên. Hợp tác hài hoà trong tất cả sự nghiệp buôn bán. Tuy cũng gặt hái những lợi ích trong những hoạt động thế tục của mình, ông không lấy đó làm mừng. Rong chơi trên các ngõ đường, vẫn không quên giúp ích mọi người. Vào chốn công đường để bảo vệ kẻ thế cô. Tham gia các nghị hội để đưa người vào Đại thừa. Đến các trường học để khai sáng tâm mọi người. Vào nơi kỹ viện để cho thấy tai họa của dục vọng. Vào trong tửu lầu mà vẫn vững vàng ý chí. Trong hàng trưởng lão, ông là bậc tôn trưởng để diễn thuyết những pháp tối thắng. Trong hàng cư sỹ, ông là cư sỹ bậc nhất, dạy họ đoạn trừ đam mê ái dục.”

Là một cư sĩ, ngài Duy Ma Cật có thể tham gia vào guồng máy chính trị để giúp việc trị quốc an dân. Ngài tham dự vào ngành luật pháp để duy trì kỷ cương, công lý và bảo vệ người cô thế. Ngài vào học đường để khai mở tâm trí cho mọi người và đào tạo thế hệ tương lai cho xã hội. Thậm chí ngài còn vào chốn lầu xanh, tửu quán, nhưng không phải để trác táng trụy lạc say sưa mà để đưa người ra khỏi “tai họa của dục vọng.” Ngài có thể làm được những điều hữu ích vô lượng cho xã hội như thế, trước hết và trên hết, ngài có nội hàm vô nhiễm do sự thực hành Phật Pháp một cách nghiêm cẩn và có hiệu quả. Đó cũng là phẩm đức mà ngài được tôn xưng qua danh hiệu Tịnh Danh, Vô Cấu Xưng.

Người tri thức Đạo Phật với đại nguyện vị tha không thể quay lưng lại với những bất công, thối nát, đen tối của xã hội và với sự cô thế, thống khổ của đồng loại. Người tri thức Đạo Phật không thể nói rằng mình chỉ biết tu hành và tránh xa thế sự. Nếu thế thì Phật Giáo Việt Nam trong hơn hai ngàn năm qua đã không có Pháp Thuận Thiền Sư, Vạn Hạnh Thiền Sư, Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sỹ, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, v.v… là những Phật Tử xả thân cho công cuộc dựng nước và giữ nước. Người tri thức Đạo Phật không thể dửng dưng vô cảm trước những bất công của xã hội và những áp bức mà đồng loại phải oằn lưng gánh chịu.

Trong Chương V Văn Thù Sư Lợi Thăm Bệnh của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết do HT Thích Tuệ Sỹ dịch, ngài Duy Ma Cật đã trình bày với Bồ Tát Văn Thù về tâm nguyện của ngài đối với chúng sinh:

“Si và hữu ái là nguồn gốc của bệnh tôi. Vì hết thảy chúng sinh bệnh mà tôi bệnh. Bao giờ hết thảy chúng sinh đạt đến chỗ không bệnh, bệnh tôi sẽ hết. Vì sao? Bồ tát, vì chúng sinh mà đi vào sinh tử. Có sinh tử thì có bệnh. Nếu hết thảy chúng sinh được thoát ly bệnh khổ thì Bồ tát không còn bệnh. Ví như, vị trưởng giả chỉ có đứa con một; khi người con ấy bị bệnh, cha mẹ nó cũng bị bệnh. Nếu nó bình phục, cha mẹ nó khỏe. Cũng vậy, Bồ tát yêu thương chúng sinh như cha mẹ yêu con, nên chúng còn bệnh thì Bồ tát còn bệnh; khi chúng hết bệnh, Bồ tát khỏe! Câu hỏi tiếp theo là, bệnh của Bồ tát từ đâu phát sinh? Bệnh của Bồ tát xuất phát từ tâm đại bi.

Đó là tâm đại từ bi của người tri thức Đạo Phật.

Làm sạch thế giới

Ngày nay giới khoa học đã và đang báo động về tình trạng gây ô nhiễm môi sinh đưa tới thảm nạn biến đổi khí hậu với vô số tai họa trên hành tinh của chúng ta mà cụ thể là cường độ ngày càng khốc liệt của bão lụt, hạn hán, cháy rừng và mực nước biển dâng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm triệu người.

Nhưng cách nay trên gần hai mươi sáu thế kỷ, Đức Phật đã khuyên các đệ tử của Ngài bảo vệ môi sinh, trồng cây xanh, không được chặt phá cây cối vô tội vạ và bản thân Đức Phật là người thường xuyên sống gần gũi với thế giới thiên nhiên: đản sinh dưới gốc cây Vô Ưu, 6 năm tu khổ hạnh và tầm đạo trong rừng sâu, thành đạo dưới gốc cây Bồ đề, nói bài pháp đầu tiên Tứ Diệu Đế trong vườn Lộc Uyển, nhập Niết-bàn trong rừng cây Sa-la.

Trong Chương 1 Quốc Độ Phật của Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết bản dịch Việt của HT Thích Tuệ Sỹ, Đức Phật dạy rằng để có thể làm sạch thế giới một cách rốt ráo, hay nói như trong Kinh là “tịnh Phật quốc độ,” tức làm cõi nước thanh tịnh như cõi Phật, thì điều tiên quyết là phải làm sạch tâm mình trước.  

“Cho nên, Bảo Tích, nếu Bồ tát muốn làm thanh tịnh quốc độ, hãy làm thanh tịnh tự tâm. Tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh.”

Cũng Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết kể rằng khi nghe nói cõi Phật thanh tịnh thì ngài Xá Lợi Phất tự hỏi tại sao cõi Ta-bà này là cõi Phật của Đức Thích Ca Mâu Ni lại không thanh tịnh vì ngài Xá Lợi Phất thấy nó không trang nghiêm thanh tịnh chút nào cả. Biết được suy nghĩ của người đệ tử trí tuệ đệ nhất-Xá Lợi Phất, nên Đức Phật đã cho ngài Xá Lợi Phất thấy thực tế cõi này là hoàn toàn trang nghiêm thanh tịnh chỉ vì tâm của ngài Xá Lợi Phất chưa thanh tịnh đủ để thấy mà thôi.

Xét về mặt tâm lý thì điều này là chính xác, bởi vì thế giới chung quanh chúng ta sẽ đổi khác khi tâm trạng chúng ta thay đổi. Chẳng hạn, cùng là ngôi nhà ấy, gia đình ấy, người thân ấy, nhưng khi tâm trạng của một thành viên trong đó không vui thì lập tức không khí trong nhà trở thành u ám, buồn rầu. Hoặc, cũng khu vườn ấy, cũng cành hoa ấy, nhưng khi tâm trạng một người lắng dịu, tĩnh lặng thì sẽ thấy nó khác với lúc tâm trạng bồn chồn, lo lắng, phiền muộn. Thi hào Nguyễn Du đã không từng viết trong Truyện Kiều hay sao:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

Người tri thức Đạo Phật làm sạch thế giới bằng sự khởi đầu làm sạch tâm mình. Người tri thức Đạo Phật làm sạch tâm mình bằng cách làm sạch ba nghiệp thân, khẩu và ý qua lối sống không sát hại sanh vật, không trộm cắp tài sản của tha nhân và xã hội, không xâm hại hạnh phúc gia đình người khác, không tham lam, không thù hận, không si mê, không nói dối, không nói lời dua nịnh, không nói lưỡi hai chiều, và không nói lời độc ác.

Làm sạch tâm mình là làm trang nghiêm chánh báo (thân tâm mình). Nhờ chánh báo trang nghiêm mà y báo (thế giới chung quanh) được trang nghiêm. Khi một người sống trong sạch thì gia đình sẽ theo đó mà sống trong sạch và do vậy, xã hội cũng sẽ được trong sạch. Khi xã hội trong sạch thì thế giới trong sạch.

Đó là điều mà người tri thức Đạo Phật nên làm để góp phần vào việc kiến tạo một thế giới trong sạch, hòa bình, an lạc và phú cường như Cư sĩ Duy Ma Cật đã làm.

____________

(1) Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Tuệ Sỹ dịch, 2008.

(2) Keown, Damien (2004), "Pramāṇa-samuccaya", A Dictionary of Buddhism, Oxford University Press.

(3)Kinh Du Hành Trường A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và hiệu chú.

(4) Kinh Phạm Võng Trường A-hàm, Tuệ Sỹ dịch và hiệu chú.

 

 

++++++

 

Đền Borobudur được tạo dựng vào thế kỷ thứ 9 Tây lịch là ngôi đền tiêu biểu của Phật Giáo Đại Thừa tại Indonesia. (nguồn: www.pixabay.com)

 

 

Ngài Duy Ma Cật đàm luận với Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, hình vẽ trên tường trong hang động số 103 của Động Đôn Hoàng, tại tỉnh Cam Túc của Trung Hoa, vào thời Nhà Đường, thế kỷ thứ 8 Tây lịch. (nguồn: www.en.wikipedia.org)

 

 

 

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
NHỚ CÀI QUAI NÓN (1)
Đức Phật Nói Gì Về Chính Trị và Pháp Trị Quốc?
Nghĩ về thịnh pháp và mạt pháp
Khi Nói Về Một Phật Giáo Thế Gian
Nguyện giải thoát ngay hiện tiền
Tuệ Trung Thượng Sĩ: Phản Quan Tự Kỷ
Đọc Ngôn Ngữ Số Đặc Biệt về Đỗ Nghê: Khi Đỗ Hồng Ngọc gặp Cao Huy Thuần
Đọc sách Biển Tuệ Thương Ca
Hãy Thiền Như Một Kẻ Khờ
BƯỚC ĐI CỦA BẬC ĐẠI SĨ
<November 2024>
SuMoTuWeThFrSa
272829303112
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930
1234567
Cáo Phó
CÁO BẠCH TANG LỄ CỐ ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Tưởng Niệm
THÔNG TƯ Tưởng Niệm Đại Lão Hòa Thượng THÍCH THẮNG HOAN
Xem tiếp...
Phân Ưu
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG TANG MÔN HIẾU QUYẾN HƯƠNG LINH PHẬT TỬ VÕ THỊ TÚY PD. NGUYÊN HỒNG
Xem tiếp...
   Từ Bi Ca    
   Nhớ Chùa Xưa    
   Tiếng Kinh Chùa Tôi    
   Bát Sử Sudatta    
   Lời Nguyện Sidatta    
   Sidatta Thành Phật    
   Hoa Đàm Thành Đạo    
   Tiếng Đàn Đế Thích    
   Tâm Sự Ma Đầu    
   Chư Thiên Thính Pháp    
   Thiên Nữ Thiện Cảm Đức    
   Tình Mẫu Tử Thiêng Liêng    
   Nhớ Ơn Phật    
   Dòng Sông Trăng    
   Từ Đàm Quê Hương Tôi    
   Dòng Suối Ngọt    
   Thành Đạo    
   Gió Mới    
   Nhớ Mái Chùa Xưa    
   Tình Mẹ    
   Mục Kiền Liên    
   Mẹ Hiền Quan Thế Âm    
   Thấy Dấu Chân Tâm    
   Thầy Ơi    
   Màn Đêm Nhung Tím    
   Đạo Ca Nhập Diệt    
   Hôm Nay Phật Đản Sanh    
   Bên Dòng Anoma    
   Tiếng Hát Nhân Gian Tịnh Độ    
   Cánh Hoa Vô Thường    
TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM - PHÁP VÂN
Phapvan Vietnamese Buddhist cultural Centre of Ontario
420 Traders Blvd, East Mississauga, Ontario L4Z1W7 CANADA
Bạn là người online số:
3718155