Tiểu thuyết gia, thi sĩ và kịch tác gia người Na Uy Jon Fosse – người ngày càng thấy số lượng độc giả trong thế giới nói tiếng Anh càng tăng vì những cuốn tiểu thuyết viết về những đề tài tuổi già, cái chết, tình yêu và nghệ thuật – đã được trao Giải Nobel Văn Chương hôm Thứ Năm, 5 tháng 10 năm 2023, “vì những vở kịch và văn xuôi đầy sáng tạo giúp tiếng nói cho những điều không thể nói,” theo bản tin của báo The New York Times cho biết hôm 5 tháng 10 năm 2023.
Điều này đã làm cho Fosse trở thành người đầu tiên lãnh giải thưởng Nobel Văn Chương viết bằng tiếng Nynorsk. Ông là người Na Uy thứ tư đoạt giải này và là người đầu tiên kể từ Sigrid Undset trúng giải vào năm 1928.
Là tác giả đã xuất bản khoảng 40 vở kịch, cũng như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi và nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng, Fosse đã từ lâu được quý trọng vì ngôn ngữ bao dung, siêu việt và thử nghiệm chính thức của ông.
Trong cuộc họp báo hôm 5 tháng 10 năm 2023, Anders Olsson, Chủ Tịch Ủy Ban Văn Chương Nobel, đã ca ngợi “ngôn ngữ nhạy cảm của Fosse, thăm dò những giới hạn của chữ nghĩa.”
Tác phẩm của Fosse đã được dịch ra khoảng 50 thứ tiếng và ông nằm trong số những kịch tác gia còn sống được trình diễn rộng rãi nhất trên thế giới. Nhưng gần đây ông mới tìm thấy nhiều độc giả trong các nước nói tiếng Anh, chủ yếu là cuốn tiểu thuyết hư cấu “A New Name: Septology VI-VII,” lọt vào danh sách chung kết của Giải National Book Award vào năm ngoái, và 2 cuốn tiểu thuyết của ông được đề cử cho Giải International Booker Prize.
Nhưng quán quân của Giải Nobel Văn Chương 2023 Jon Fosse là ai?
Vài ghi nhận về cuộc đời của Jon Fosse
Jon Olav Fosse sinh vào ngày 29 tháng 9 năm 1959 tại Haugesund, Na Uy, và lớn lên tại Strandebarm, theo www.en.wikipedia.org. Một vụ tai nạn nghiêm trọng vào lúc 7 tuổi làm cho ông thoát chết; kinh nghiệm này đã ảnh hưởng nặng nề trong văn nghiệp của ông vào tuổi trưởng thành. Ông vào trường Đại Học Bergen và học môn văn chương tỉ giảo, sau đó dấn thân vào sự nghiệp văn chương. Ông viết bằng tiếng Nynorsk, một trong 2 tiêu chuẩn viết trong tiếng Na Uy.
Ông khởi đầu bằng cuốn tiểu thuyết “Raudt, Svart” (Đỏ, Đen) được xuất bản vào năm 1983. Vở kịch đầu tay của ông là “Og Aldri Skal Vi Skiljast” (And We'll Never Be Parted - Và Chúng Ta Sẽ Không Bao Giờ Chia Tay), được trình diễn và xuất bản vào năm 1994. Fosse đã viết tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, sách thiếu nhi, tiểu luận, và kịch. Các tác phẩm của ông đã được dịch sang khoảng 50 thứ tiếng. Ông cũng chơi đàn vĩ cầm, và phần lớn việc tập viết ở tuổi vị thành niên của ông đều liên quan đến việc sáng tác lời cho các bản nhạc của ông. Ngoài việc viết tiểu thuyết, Fosse cũng dịch các tác phẩm của nhiều tác giả khác.
Fosse đã ba lần lập gia đình. Ông đám cưới với Bjorg Sissel (sinh năm 1959), một y tá và ở với người vợ này từ năm 1980 tới 1992. Một năm sau ông lấy Grethe Fatima Syéd, một dịch giả và tác giả tiếng Ấn Độ-Na Uy, dù sau đó họ đã chia tay.
Fosse dành thời gian còn lại sau này để sống với người vợ thứ ba Anna, gốc người Slovak, tại Hainburg an der Donau tại Áo. Ông cũng có nhà riêng tại Bergen và 2 ngôi nhà nữa tại miền tây Na Uy. Lúc đầu, ông là thành viên của Giáo Hội Na Uy (dù ông tự mô tả mình như là nhà vô thần trước năm 2012). Từ năm 2012 tới 2013, ông tham gia vào Giáo Hội Công Giáo và ông đã tự thừa nhận là vào đó để hồi phục chức năng để giải quyết vấn đề nghiện rượu lâu năm.
Fosse là nhà viết kịch Na Uy được trình diễn nhiều nhất sau Henrik Ibsen (1828-1906), nhà soạn kịch và giám đốc hý viện Na Uy nổi tiếng. Và các tác phẩm của Fosse được xem như là sự tiếp tục hiện đại của truyền thống đã được Henrik Ibsen thiết lập vào thế kỷ thứ 19. Chính ông đề cập đến Samuel Beekett, cũng như Georg Trakl và Thomas Bernhard như là những người thân chọn lọc. Các tác giả và sách khác đã ảnh hưởng cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông gồm Olav Hauge, Franz Kafka, William Faulkner, Virginia Woolf, và Thánh Kinh.
Vào năm 2003, Fosse đã trở thành hiệp sĩ khi được trao Huân Chương Công Trạng Quốc Gia Pháp. Ông cũng đã được báo The Daily Telegraph xếp hạng thứ 83 trong danh sách Top 100 thiên tài còn sống.
Từ năm 2011, Fosse được tặng cho dinh thự danh dự Grotten do nhà nước Na Uy làm sở hữu chủ và nằm trong khuôn viên của Cung Đình Hoàng Gia tại trung tâm thành phố Oslo. Việc sử dụng dinh thự Grotten như là nơi thường trú là một vinh dự đặc biệt được ban tặng bởi Vua Na Uy vì những đóng góp cho nghệ thuật và văn hóa Na Uy. Ông cũng nằm trong số những nhà tham vấn văn học cho Bibel 2011, một dịch phẩm Thánh Kinh bằng tiếng Na Uy được xuất bản vào năm 2011. Ông cũng nhận được Giải Văn Chương của Hội Đồng Bắc Âu năm 2015 cho bộ ba tác phẩm của ông Andvake (Wakefulness), Olavs draumar (Olav's Dreams), và Kveldsvævd (Weariness).
Nhiều tác phẩm của Fosse đã được dịch sang tiếng Ba Tư bởi Mohammad Hamed, và các vở kịch của ông đã được trình diễn trên các sân khấu chính tại Thủ Đô Tehran, Iran.
Vào tháng 4 năm 2022, cuốn tiểu thuyết của ông “A New Name: Septology VI-VII,” đã được dịch sang tiếng Anh bởi Damion Searls, nằm trong danh sách ngắn của Giải International Booker Prize. Cuốn tiểu thuyết này đã lọt vào danh sách chung kết cho Giải National Book Critics Circle Award trong mục Tiểu Thuyết vào năm 2023.
Giới thiệu một số tác phẩm nổi tiếng của Fosse
Một trong những dịch giả Anh ngữ của Fosse là Damion Searls, đã viết trong The Paris Review vào năm 2015, mô tả tác phẩm của Fosse như thế này: “Hãy nghĩ tới bốn nhân vật lão thành của nền văn học Na Uy hơi giống ban nhạc the Beatles,” Damion viết. “Per Petterson là Ringo cứng rắn; Dag Solstad là John, nhà thực nghiệm, một người đàn ông lý tưởng; Karl Ove Knausgaard là Paul dễ thương; và Fosse là George, người trầm lặng, bí ẩn, nội tâm, có lẽ là nghệ nhân giỏi nhất trong tất cả.”
Tác phẩm của ông thì phóng khoáng và hiện sinh, thường tập trung vào cuộc sống nội tâm của những nhân vật khá cô độc. Những câu quanh co, tiếp nối không dấu là chuyện thường. “Bạn không đọc sách của tôi vì những sự kiện sắp đặt,” theo ông ấy nói với báo The Financial Times vào năm 2018.
Sau đây xin giới thiệu khái quát một số tác phẩm của Fosse dựa vào các tài liệu của báo The New York Times, The Times, The Guardian, Bách Khoa Từ Điển Mở Tiếng Anh, và trang mạng của Giải Thưởng Nobel www.nobelprize.org. Trước hết là về tiểu thuyết.
Septology I-VII: Được xuất bản từ năm 2019 tới năm 2021 sau khi Fosse cải đạo theo Công Giáo, 7 cuốn tiểu thuyết trong bộ truyện đặc sắc “Septology” tập trung vào nhân vật Asle, một nghệ sĩ già sống xa ở miền tây-nam Na Uy. Là một người cải đạo theo Công Giáo, giống như Fosse, Asle đang vật lộn với thời gian, nghệ thuật và bản sắc. Cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm xuất sắc viết về khủng hoảng hiện sinh, về mất ký ức, và hai người rất giống nhau, dù thật hay tưởng tượng – cuộc sống đã sống, và cuộc sống có thể đã được sống, trong con người của một cái bóng người khác. Đó là một tác phẩm làm người đọc đáng sợ và căng thẳng, được viết không ngắt câu, để người đọc sống cuộc đời của Asle với ông. Bộ tiểu thuyết Septology cũng là tác phẩm viết về niềm tin tôn giáo sâu xa mà trong đó một người đàn ông, một nghệ sĩ, và một con người, trên hết, cuối cùng đã tới vòng tròn viên mãn: “Điều chắc chắn đúng là chỉ khi nào mọi thứ ở trong tối tăm nhất, đen tối nhất, thì bạn nhìn thấy ánh sáng.” Bộ tiểu thuyết này được dịch sang Anh ngữ bởi Damion Searls và do Fitzcarraldo xuất bản tại London vào năm 2022 từ nguyên tác Septologien.
Morning and Evening: Được xuất bản vào năm 2000, tuyển tập truyện ngắn nhưng mạnh mẽ này lấy bối cảnh tuổi trẻ trong sự nghiệp văn chương của Fosse từ năm 1983 tới 2013. Chúng đóng vai trò giới thiệu các chủ đề trung tâm của tác phẩm của ông – tuổi trẻ, ký ức, gia đình, niềm tin – cùng với ý thức mạnh mẽ về nhị nguyên và về định mệnh. Mở đầu với sự sinh ra đời của Johannes, người mà cha mẹ hy vọng hắn sẽ trở thành một ngư dân giống như cha của hắn. Nhiều năm sau, khi trở thành một ông già, Johannes suy gẫm về gia đình và bạn bè thân thiết của mình. Dĩ nhiên, cuối cùng ông cũng đã trở thành một ngư dân.
Melancholy I-II: Melancholy I được xuất bản vào năm 1995 và Melancholy II được in vào năm sau, 1996. Trong Melancholy I và II, Fosse dẫn chúng ta vào sâu trong tâm thức bị tra tấn của một nhà nghệ sĩ vẽ phong cảnh vào thế kỷ thứ 19 là Lars Hertervig, người chết trong nghèo khổ vào năm 1902 ở tuổi 70, và cuộc đời của ông đã bị hủy hoại bởi ảo giác và ảo tưởng làm cho các họa phẩm của ông trông rất mơ mộng, rất ảo diệu. Hertervig lần đầu tiên bị loạn tâm khi làm học sinh tại trường nghệ thuật Düsseldorf và, cũng như một cuộc kiểm nghiệm bệnh tâm thần đáng sợ, cuốn tiểu thuyết có ý nghĩa nhất về ý nghĩa trở thành một nghệ sĩ. Melancholy I miêu tả rõ về những ám ảnh, lo lắng, và suy sụp trong một ngày khủng khiếp; Melancholy II đóng vai trò như một đoạn kết, với những quan điểm kể chuyện khác nhau – gồm quan điểm của người viết tiểu sử hư cấu – nhiều năm sau cái chết của Hertervig.
Melancholy I được dịch sang Anh ngữ bởi Grethe Kvernes và Damion Searls do NXB Dalkey Archive Press in vào năm 2006. Trong khi đó Melancholy II được Eric Dickens dịch sang Anh ngữ và do Dalkey Archive Press xuất bản vào năm 2014.
Aliss at the Fire: Được xuất bản vào năm 2004, cuốn tiểu thuyết này miêu tả một người phụ nữ có tên là Signe hồi tưởng lại hơn 20 năm trước, khi chồng của bà xuống thuyền ra khơi trong một ngày giông bão và không bao giờ trở lại. Không bao lâu sau đó, những suy nghĩ của bà mang phẩm tính siêu hình, và ngay cả gồm những ký ức về các thành viên trong gia đình từ nhiều thế hệ trước. Cái vịnh nhỏ nơi Signe sống là điều không thay đổi xuyên qua tất cả những ký ức về mất mát và đau buổn. Cuốn này được dịch từ nguyên tác Det er Ales do Damion Searls chuyển ngữ và được Dalkey Archive Press xuất bản vào năm 2010.
Boathouse: Xuất bản vào năm 1989, The Boathouse là cuốn tiểu thuyết tội phạm được Fosse viết. Người kể chuyện 30 tuổi có vẻ đã sai lầm mọi thứ trong đời – anh ấy sống với người mẹ, sống ẩn dật thật sự, dường như không thể làm các việc cơ bản cho chính mình. Sự thành tựu quan trọng nhất của anh nằm ở quá khứ -- ban nhạc rock mà anh có với người bạn thời trẻ thơ Knut, người mà anh đã mất liên lạc. Tuy nhiên vào một mùa hè tình cờ gặp Knut, bây giờ đã lập gia đình và tương đối thành công, sẽ dẫn đến một kết thúc hủy diệt. Song song với điều này, người kể chuyện cũng đang viết một cuốn tiểu thuyết là sự quan sát sắc bén về mọi điển hình của sự hiện hữu “bất an”: một thí dụ hoàn hảo về phương châm “viết, không suy nghĩ” như Fosse đã hướng dẫn cho các học trò của ông vào cuối thập niên 80s tại Bergen, khi cuốn sách này đang được viết. Cuốn này do May-Brit Akerholt dịch sang Anh ngữ từ nguyên tác Naustet và do Dalkey Archive Press xuất bản vào năm 2017.
Bây giờ xin nói sơ về vài vở kịch của Fosse.
“I Am the Wind”: Fosse đã được cho là một trong những kịch tác gia Châu Âu đang còn sống có nhiều vở kịch được trình diễn nhiều nhất, dù các chuyển thể kịch của ông bằng tiếng Anh ít phổ biến. “I Am the Wind” [Tôi Là Gió] là một vở kịch hiện sinh tập trung vào 2 người đàn ông trong một chiếc thuyền đánh cá. “Kịch bản ngắn gọn, nhịp nhàng của Fosse nắm bắt được nỗi lo lắng thật sự về các câu hỏi cơ bản về bản sắc,” theo một nhà phê bình viết cho báo The Times vào năm 2014. “I Am the Wind” là bản dịch tiếng Anh từ nguyên tác Eg er vinden do Simon Stephens thực hiện và được Oberon xuất bản tại London vào năm 2011.
“A Summer Day”: Vở kịch này có thể làm bạn nhớ đến cuốn “Aliss at the Fire” – trung tâm cảm xúc của vở kịch này là một người phụ nữ đang đau buồn đợi người chồng của bà trở về từ một chuyến đi đánh cá. Ngay dù với cảm giác sợ hãi rõ rệt nhất thời, vở kịch “cố gắng tạo ra sự mạnh mẽ nhưng là giòng nước ngầm rón rén, một xung lực đầy kịch tính đặc dị,” theo nhà phê bình viết cho báo Times.
“Someone Is Going to Come”: Trong kịch bản căng thẳng ghen tuông, tình dục và hoang tưởng này, một cặp vợ chồng dời tới một căn nhà cũ kỹ rách nát, xa xôi bên bờ biển nơi mà không người nào có thể nghĩ rằng “ai đó sẽ đến.”
“The Name”: Một cô gái còn trẻ mang bầu dời về ở nhà cha mẹ của cô, cùng với người cha của đứa bé. Cha mẹ của cô không biết rằng cô đang dự tính gì, làm vở kịch tăng thêm cảm giác lo sợ bị tù túng và căng thẳng vì điều không nói ra được.
Một bài thơ của Fosse
Bài thơ “A human being is here” [Một Con Người Ở Đây] nằm trong tuyển tập Dikt I Samling do Nhà xuất bản Samlaget, Oslo ấn hành vào năm 2009. Bản dịch Việt nơi đây dựa vào bản dịch Anh ngữ của May-Brit Akerholt được xuất bản vào năm 2010.
Một con người ở đây
và rồi biến mất
trong gió
mất hút
vào bên trong
và gặp những chuyển động của đá
trở thành ý nghĩa
luôn trong hợp nhất mới
của cái gì là
và cái gì không là
trong sự im lặng
nơi gió
trở thành gió
nơi ý nghĩa
trở thành ý nghĩa
trong chuyển động mất hút
của mọi thứ đã là
và ngay lập tức là
từ một nguồn cội
nơi âm thanh mang ý nghĩa
trước khi chữ tự phân chia
kể từ đó không bao giờ lìa bỏ chúng ta
Nhưng đó là
trong tất cả quá khứ và trong tất cả tương lai
và đó là
trong thứ gì đó
không hiện hữu
trong biên giới biến mất của nó
giữa cái gì đã có mặt
và cái gì sẽ đến
Nó là vô biên và không khoảng cách
trong cùng chuyển động
Nó dọn sạch
và biến mất
và lưu lại
trong khi nó biệt tăm
Và nó thắp sáng
bóng tối của nó
trong lúc nó nói
về sự im lặng của nó
Nó chẳng ở đâu
Nó có mặt khắp nơi
Nó gần
Nó xa
thân xác và linh hồn gặp nhau
ở đó như một
và nó nhỏ
và lớn
như tất cả mọi thứ
nhỏ như không có gì
và nơi tất cả trí tuệ có mặt
và không điều gì biết
trong nội thể sâu kín nhất của nó
nơi mà không gì bị phân chia
và mọi thứ ngay tức thì là chính nó và mọi thứ khác
trong sự phân ly
cái không bị chia lìa
trong biên giới vô tận Con đường mà tôi để nó biến mất
trong hiện diện minh bạch
trong chuyển động mất hút
và đi dạo quanh trong ngày
nơi cây là cây
nơi đá là đá
nơi gió là gió
và nơi ngôn từ là một hợp nhất không thể hiểu được
về mọi thứ đã có mặt
về mọi thứ biến mất
và như thế vẫn còn
như ngôn từ hòa giải
Tôi thật sự ngạc nhiên khi đọc bài thơ này của Jon Fosse. Bài thơ chuyên chở nội hàm triết lý Đạo Phật mà đặc biệt là triết lý của Kinh Hoa Nghiêm (Flower Adornment Sutra, hay Avatamsaka Sutra), và Thiền. Hãy suy nghiệm về ý nghĩa siêu hình học của mấy câu thơ từ bài thơ trên của Fosse:
“Nó chẳng ở đâu
Nó có mặt khắp nơi
Nó gần
Nó xa
thân xác và linh hồn gặp nhau
ở đó như một
và nó nhỏ
và lớn
như tất cả mọi thứ
nhỏ như không có gì”
Mấy câu trên phảng phất triết lý tương dung, tương tức, tương nhập của Kinh Hoa Nghiêm, mà trong đó nói rằng “trên đầu một sợi lông chứa tam thiên đại thiên thế giới,” hay “Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất” [Một là tất cả, tất cả là một].
Còn mấy câu thơ dưới đây cũng trong bài thơ trên của Fosse thì không khác gì cách nói của Thiền hay Kinh Kim Cang (Diamond Sutra), rằng “quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc,” nghĩa là quá khứ đã diệt, tương lai thì chưa tới và hiện tại thì biến dịch không ngừng, nên tất cả đều “không hiện hữu.”
“Nhưng đó là
trong tất cả quá khứ và trong tất cả tương lai
và đó là
trong thứ gì đó
không hiện hữu”
Kỳ diệu thay!
+++++
Quán Quân Giải Nobel Văn Chương 2023 Jon Fosse đang nói về các tác phẩm của ông. (Hình chụp lại từ YouTube)
:
Một số tác phẩm của nhà văn, nhà thơ và kịch tác gia Jon Fosse, người đã thắng Giải Nobel Văn Chương năm 2023. (Hình chụp lại từ YouTube)